Kiến thức

Người chết nên hỏa táng hay chôn theo góc nhìn đạo Phật?

Thứ bảy, 04/04/2023 02:55

Theo quan niệm đạo Phật, một chúng sinh hữu tình có hai phần: thân xác và tâm linh, thế gian gọi là “hồn” và xác. Trong đó “hồn” là phần quan trọng, còn xác chỉ là đất, nước; chết rồi sẽ trở về với cát bụi.

Các loại hình xử lý người mất

Từ xa xưa đến nay, nhân loại xử lý thân xác khi đã tắt thở lìa đời có rất nhiều hình thức khác nhau. Có dân tộc thì thuỷ táng, là vứt xác xuống nước trôi sông hoặc quăng xuống ao cho cá ăn. Có chỗ thì họ lại gọi là ướp xác, như các mộ cổ thời Ai Cập đến giờ, những xác ướp vẫn còn giữ được, bảo quản rất tốt. Một vài dân tộc khác họ sẽ treo xác người chết trên cây, để cho héo hắt, rồi tự nó tan rữa đi, đó là không táng. Ngoài ra còn có cách xử lý khác là điểu táng (thú táng) quăng xác cho chim chóc ăn, hoặc chặt ra cho thú ăn.

Các loại hình mai táng người mất trên thế giới (ảnh minh họa)

Các loại hình mai táng người mất trên thế giới (ảnh minh họa)

Còn đối với tập tục truyền thống của dân tộc ta thường cho người đã mất vào quan hoặc vào quách rồi chôn xuống đất, gọi là địa táng. Cũng có nơi hỏa táng - phương thức đang dần phát triển trong những năm gần đây đã bắt đầu phát triển. Minh chứng là nhiều gia đình tiến bộ đã tự nguyện ghi di chúc cho con cháu sau khi chết sẽ đem đi hỏa táng thiêu xác để lấy tro cốt đựng trong hũ, bình.

Vấn đề hỏa táng và di chúc của một số vị đại sư đương đại

Quan niệm về thân xác của người chết trong đạo Phật

Theo quan niệm đạo Phật, một chúng sinh hữu tình có hai phần: thân xác và tâm linh, thế gian gọi là “hồn” và xác. Trong đó “hồn” là phần quan trọng, còn xác chỉ là đất, nước; chết rồi sẽ trở về với cát bụi. Nhà Phật gọi xác là thân tứ đại, trong ngũ uẩn thì xác thuộc về sắc uẩn, bốn cái uẩn còn lại thuộc về tinh thần đó là thọ, tưởng, hành, và thức uẩn. Khi chúng ta mà một ngũ uẩn tan rã thì sắc uẩn trở về với cát bụi; bốn uẩn còn lại sẽ chuyển di; phần thức sẽ chuyển di sang kiếp sau, tái sinh một đời sống mới. 

Quan niệm trong nhà Phật thì coi thân xác như cái áo, mỗi kiếp chúng ta mặc vào rồi hết hạn chúng ta lại cởi ra, vậy nên có câu: “Sinh như đắp chăn mùa đông, tử như cởi cái áo mùa hạ”. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ thân này là không phải của chúng ta, thân có được do cha mẹ cho chúng ta mượn máu huyết, khi ra đời thì mượn đất, nước đắp vào. Có vay thì phải trả, đến lúc chết là lúc trả lại.

Người chết nên thiêu hay chôn?

Đức Phật và các vị Thánh Tăng ngày xưa đều hỏa táng, bởi hỏa táng rất sạch sẽ và văn minh. Còn địa táng thì phải cải cát, lấp xuống, đào lên, nếu khi sang cát mà thi hài chưa phân hủy hết sẽ rất bẩn và ô nhiễm. 

Thánh tích Tháp trà tỳ - nơi hỏa thiêu thân Đức Phật

Thánh tích Tháp trà tỳ - nơi hỏa thiêu thân Đức Phật

Thêm nữa, hỏa táng sẽ có được những lợi ích như sau:

Thứ nhất, khi chúng ta hỏa táng vong linh sẽ không chấp trước vào thân xác mà dễ có cơ hội để siêu thoát. Nếu xây mồ mả cho đẹp thì vong linh chấp trước vào đó khó siêu thoát. 

Thứ hai, hoả táng giúp cho người sống xem nhẹ thân này và thấy được cuộc đời rất giả tạm, khi đốt rồi chỉ là nắm tro không còn thấy gì nữa và không bị chấp mắc vào cuộc đời. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta khi bỏ thân dễ giải thoát. 

Cuối cùng, giải quyết thêm vấn đề về đất cho người sống sau này, mộ thờ hài cốt không tốn nhiều đất mà còn không đặt nặng về chuyện xem bói, xem hướng. 

Từ đó có thể thấy rằng, Đức Phật là bậc minh triết, trí tuệ siêu việt, Ngài làm điều gì cũng đều biết trước những điều về sau, giải quyết vấn đề cho nhân loại. 

Vậy nên việc hỏa táng mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho vong linh người mất mà con cho gia đình, những người còn sống. Chúng ta cũng tư duy xem thân này rất nhẹ nhàng để trở về với cát bụi, chúng ta vay của đất sau này phải trả về cho đất. Qua bài viết trên, mong rằng quý Phật tử hiểu rõ được lợi ích và ý nghĩa của việc hỏa táng, để đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhất.

Khi chết nên chôn hay hỏa táng?

Trích theo lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh

loading...