Hỏi - Đáp
Người cư sĩ có nên nhận làm cha mẹ, anh chị (nuôi) với người xuất gia?
Thứ sáu, 21/07/2023 08:15
Tôi rất băn khoăn vì người Phật tử dù lớn tuổi đến mấy thì trong đường Đạo cũng là học trò đồng thời người xuất gia thì vốn đã cát ái ly gia. Vậy chúng tôi có nên kết tình mẹ con nuôi với Tăng Ni không?
Hỏi:
Chúng tôi là những nữ Phật tử thuần thành, nhờ chút phước báo nên gia đình chúng tôi tương đối khá giả, các con đều thành đạt. Nay tuổi tác đã cao, chúng tôi phát nguyện dành trọn phần thời gian còn lại của đời mình để tu học và làm Phật sự, nhất là trợ duyên cho các Tăng Ni trẻ ăn học.
Mặc dù thân quen và giúp đỡ rất nhiều Tăng Ni sinh nhưng lúc nào chúng tôi vẫn giữ tâm kính trọng, ưu ái bình đẳng tất cả. Thời gian qua, có một vài vị Tăng Ni sinh tâm sự với chúng tôi muốn kết thân làm mẹ con nuôi. Chúng tôi rất băn khoăn vì người Phật tử dù lớn tuổi đến mấy thì trong đường Đạo cũng là học trò đồng thời người xuất gia thì vốn đã cát ái ly gia. Vậy chúng tôi có nên kết tình mẹ con nuôi với Tăng Ni không? Nhiều lúc tự thân chúng tôi cũng muốn được như thế đễ lân mẫn cùng nhau tu học nhưng sợ mang tội thất kính. Xin cho chúng tôi những lời khuyên.
Đáp:
Đọc những dòng tâm sự của quý Phật tử, chúng tôi vô cùng xúc động trước sự tu học tinh tấn và những Phật sự cao cả mà quý vị đang làm. Với những công đức ấy, chắc chắn quý Phật tử và gia đình sẽ gặt hái được nhiều quả phúc trong hiện tại và mai sau.
Trong quá trình thực thi các Phật sự, quý vị được nhiều Tăng Ni thương mến chứng tỏ công tác Phật sự của quý vị khá thành công. Việc tu học và làm Phật sự của quý vị, cố nhiên phải có sự tham gia lãnh đạo của người xuất gia và dĩ nhiên, bao giờ người Phật tử cũng là những người học trò, là người đệ tử trước các bậc Thầy xuất gia khả kính.
Đối với người xuất gia, tự thân đã thệ nguyện cát ái từ thân, xa lìa gia đình và quyến thuộc, quyết chí xuất trần, tìm đường giải thoát. Quý Tăng, Ni đã rời bỏ những người thân thương nhất là cha mẹ, anh em và bà con họ hàng, vượt ra khỏi mọi sự luyến ái của thế tục và đó chỉ là bước khởi đầu trong sự nghiệp xuất gia. Do vậy, trong giai đoạn này cần dứt khoát lìa bỏ, xa rời mọi quan hệ luyến ái quyến thuộc của thế thường để chuyên tâm học đạo.
Một người sơ tâm xuất gia khởi lên ý muốn kết thân với Phật tử làm quyến thuộc tuy không phải là điều xấu. Song đối với tinh thần xuất gia thì vị này chưa thực hành trọn vẹn, dù chỉ là giai đoạn đầu tiên (xuất thế tục gia). Vậy thì làm sao thực hành được các bước tiếp theo của lộ trình xuất gia? Mặt khác, cha mẹ và anh em ruột thịt còn đó nhưng vì đại nguyện giải thoát, độ sinh nên mới đành xa lìa, nay lại mong muốn kết thân với người xa lạ làm quyến thuộc phải chăng là thiếu lòng tự trọng?
Người xuất gia phải là người “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (Quy Sơn cảnh sách). Nếu không làm đạo sư của chư Thiên thì chí ít cũng phải phấn đấu hoàn thiện tự thân để xứng đáng là bậc Thầy khả kính cho hàng Phật tử quy hướng. Vậy thì có nên tự trách mình chăng khi đúng ra là bậc Thầy nay lại nguyện làm con của Phật tử?
Đối với người Phật tử tại gia, nhờ có nhân duyên và căn lành nhiều đời với Tam bảo nên được Tăng Ni thương mến. Tuy nhiên, tự thân các Phật tử này cũng nên thận trọng và luôn khiêm hạ trước sự ưu ái, quý mến của Tăng Ni dành cho mình để tránh những sơ suất có thể xảy ra thất kính làm xói mòn công đức. Như đã nói, đối với người xuất gia thì hàng Phật tử tại gia luôn là đệ tử, là những học trò trong Chánh pháp. Do vậy, tiêu chuẩn đầu tiên mà người Phật tử phải tuân thủ là “kính Phật, trọng Tăng”, nhất là trong thời không có Phật thì vị trí và vai trò của Tăng bảo càng được trân trọng. Khi kết tình mẹ con nuôi, liệu người Phật tử có giữ được tịnh tín và kính trọng vị Tăng Ni ấy không khi vị ấy trở thành “con” của mình?
Mặt khác, liệu tình mẫu tử “nuôi” ấy đã vượt thoát hay vẫn còn luẩn quẩn trong vòng ràng buộc của thế thường luyến ái? Đành rằng, trong giáo pháp của Đức Phật có đề cập đến vấn đề xây dựng quyến thuộc để trợ duyên lẫn nhau tu tập. Vị nào trong quá trình tu tập mà xây dựng và phát triển quyến thuộc đông đảo, hùng mạnh thì rất thành công trong các Phật sự. Tuy nhiên, quyến thuộc phải được thiết lập trên nền tảng Đại bi tâm, hoàn toàn vắng mặt luyến ái, chấp thủ của tự ngã. Đây cũng là sở hành của Bồ tát, phát Bi nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, cố nhiên không phải ai cũng làm được.
Về phương diện tu học của Phật tử, tất nhiên được gần gũi với Tăng Ni để lân mẫn cùng nhau tu học là điều tốt nhưng không nhất thiết là phải kết thân làm mẹ con nuôi. Bởi lẽ, trong bối cảnh cả người xuất gia lẫn người tại gia đều đang tu học nên trí huệ chưa sâu, lại thêm phước mỏng nghiệp dày, rất khó vượt qua luyến ái của tình mẫu tử. Tình thương không thiết lập trên cơ sở Đại bi thì đó là tham ái, ràng buộc và hệ quả sẽ góp phần làm chướng ngại cho việc tịnh hoá thân tâm.
Trong thực tế tu tập hiện nay, sự kết giao với người Phật tử làm quyến thuộc trong hàng ngũ Tăng Ni trẻ tuy không nhiều nhưng không phải là hiếm. Tuy vậy, hàng Phật tử và chính các Tăng Ni trẻ cũng nên tự lượng sức mình khi tự nguyện “ràng buộc” lẫn nhau. Hãy phát khởi Đại bi tâm vì chúng ta, những người đệ tử Phật, là người một nhà trong Chánh pháp, là con chung của một Đấng Cha lành, Đức Phật, thương yêu lẫn nhau trong tinh thần Từ bi và Vô ngã mới là điều tối thắng.