Kiến thức
Người học đạo chân chánh phải vui với đạo mà tu
Chủ nhật, 13/10/2023 09:00
Nhân nghe chánh pháp của Phật mà mình được vui thích, cái vui đó là cái vui chân thật. Có nhận được cái vui đó rồi thì tu hành mới tinh tấn được.
Thông thường nhà Phật hay dùng: Đó là “Pháp hỷ thiền duyệt” nghĩa là chúng ta nghe chánh pháp trong lòng thấy nhẹ nhàng thư thới. Đó là vui pháp hỷ hay pháp lạc. Tại sao vậy?
Vì chúng ta nghe kinh học đạo, chúng ta tìm được lẽ thật, chúng ta tìm được một nguồn an ủi vui tươi.
Chính do tìm được, thấy được lẽ thật đó mà lòng chúng ta nhẹ nhàng thư thới.
Đó là cái vui của đạo.
Người nào học đạo, nghe đạo mà thấy trong lòng vui tươi sung sướng, đó là người đã được pháp lạc hay pháp hỷ. Còn người nào nghe đạo mà gục lên gục xuống, nghiêng qua ngả lại, thì người đó khó tìm được pháp lạc.
Nếu không có cái vui nghe pháp, dù có đi chùa nhưng khó tinh tấn nổi.
Có thích đâu mà tinh tấn.
Bởi vì chúng ta cố gắng làm khi chúng ta thích thú làm, nếu không có sự thích thú thì không bao giờ có sự cố gắng nào hết.
Người học đạo phải làm sao nghiền ngẫm thấy lẽ thật của đức Phật dạy tức là thấy được chân lý Phật đã chỉ dạy trong kinh.
Học Phật để soi rọi bản thân, kiến tạo một tâm hồn an vui tự tại
Nhận những lời chân thật cho rõ rồi, chúng ta mới thấy vui sướng, cái vui sướng đó gọi là pháp hỷ hay pháp lạc.
Nhân nghe chánh pháp của Phật mà mình được vui thích, cái vui đó là cái vui chân thật.
Có nhận được cái vui đó rồi thì tu hành mới tinh tấn được.
Nếu không nhận được, có tu chăng, chẳng qua là cầu mong được cái này cái nọ, chớ không phải vui thích để mà tu.
Người học đạo chân chánh là phải vui với đạo mà tu, chớ không phải là cầu mong cái gì khác.
Như vậy khi nghe kinh hoặc đọc sách Phật phải ráng chịu khó đem tâm trí nghiền ngẫm tức là Chánh tư duy.
Xét cho đúng đắn, cho tột cùng, thấy được lẽ thật trong đó thì mình vui thích lên.
Cái vui thích đó làm cho mình có một sức mạnh tinh tấn trên con đường đạo.
Thí dụ: Ngoài đời, khi người ta vui quá người ta khóc, trong đạo cũng thế.
Khi đọc kinh Phật, có một sự vui mừng lạ đời cảm động cũng rơi nước mắt.
Đó là trường hợp của ngài Khuê Phong.
Đi tu, được người tặng cho một quyển kinh Viên Giác, đọc qua Ngài vui mừng lạ đời, vui tới rơi nước mắt.
Cũng như vậy, chúng ta có thân nhân đi đâu xa hai mươi, ba mươi năm không gặp nhau, gặp lại mừng quá đến rơi nước mắt.
Đó là cái vui sướng tột cùng khiến đến rơi nước mắt.
Người học đạo mà vui đến mức đó thì không bao giờ thối chuyển.
Khi nào đọc kinh mà thấy Phật nói hay quá cảm động sung sướng, rơi nước mắt, thì đó là duyên lành khá sâu rồi.
Người được cái vui đó là người ít bị những sự khó khăn hay là chướng ngại làm cho họ phải lui sụt.
Còn học đạo khi đọc kinh thì thấy buồn ngủ, tụng kinh ngáp lên ngáp xuống, thì đó là không tìm được cái vui trong đạo.
Không có cái vui thì sự tu khó mà tiến bộ được.
Đó là cái vui của Pháp hỷ hay là Pháp lạc.