Kiến thức
Người mắng chửi làm nhục ta, họ là gì của ta?
Thứ bảy, 24/12/2023 12:45
Tất cả pháp thế gian đều là giả, không phải thật, có gì đáng để tranh luận? Người khác tán thán ta là giả, đừng ưa thích; người khác hủy báng ta, nhục mạ ta cũng là giả, hà tất phải sân hận. Vì sao họ mắng người khác bạn không tức giận?
Vì họ không phải là mắng bạn. Họ mắng người khác, bạn không tiếp nhận, nhưng khi họ mắng bạn, bạn lại tiếp nhận về thì liền tức giận. Nếu bạn đem chính mình cũng xem thành người khác, “họ mắng người khác, không liên quan gì với ta”, vậy thì bạn sẽ không tức giận.
“Ta” là giả, danh là giả, tướng cũng là giả. Người ta mắng, người ta làm nhục, thực tế mà nói cùng với cái danh này, cái tướng này gió thổi qua tai, không hề liên quan. Đây là chân tướng sự thật!
Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật, lại đi học Phật, hiểu được một chút đạo lý thì khi họ mắng ta, ta niệm “A Di Đà Phật”, cám ơn họ đã tiêu tai giải nạn cho ta. Họ là đại thiện tri thức, đại ân nhân của chúng ta. Mỗi câu của họ đều tiêu tai giải nạn thay ta, nghiệp chướng của chúng ta sẽ được tiêu hết. Đây là thật, không phải là giả.
Nhẫn nhục là biết trả cho hết nghiệp
Cho nên, bạn có thể hoan hỉ tiếp nhận, như như bất động là tiêu nghiệp chướng, còn nếu như bạn thảy đều tiếp nhận hết, khởi tâm sân hận, vậy thì bạn tạo nghiệp chướng. Một cái là tiêu nghiệp chướng, một cái là tạo nghiệp chướng, chỉ ở ngay trong một niệm!
Khi chuyển đổi lại thì không những không tạo nghiệp chướng, mà trái lại còn tiêu nghiệp chướng. Phật thật có trí tuệ, Ngài dạy chúng ta tuyệt chiêu này. Cho nên, đối với tất cả oan gia trái chủ, mỗi ngày chúng ta đem công đức tu tích được hồi hướng cho họ để báo đại ân của họ. Những oan gia trái chủ này ngày ngày giúp ta tiêu nghiệp chướng.
Nghiệp chướng vô lượng vô biên của ta đã tích lũy từ vô thỉ kiếp, nay được những oan gia trái chủ này ngày ngày tiêu nghiệp thay ta, Các vị phải biết, người mà mỗi ngày tán thán bạn, tâng bốc bạn không thể tiêu được nghiệp cho bạn. Tán thán bạn nhiều thì bạn cống cao ngã mạn, lại sanh ra nghiệp chướng. “Khẩu hòa vô tranh”, chúng ta phải biết nên làm như thế nào.