Hỏi - Đáp
Người tu Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Thứ bảy, 27/12/2023 07:00
Hỏi: Người ta thường nói “Tự Tu Tự Độ” vậy Mật Tông có như vậy không? Người tu theo Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Mật Tông thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa? Đường lối của Mật Tông ra sao?
Hỏi: Tu Mật Tông có khó không?
Đáp: Khó hay dễ là do mình. Các cụ thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là mọi việc khi bắt đầu đều khó, nhưng lúc quen rồi thì thấy dễ thôi.
Hỏi: Người nữ có tu được Mật Tông không?
Đáp: Đạo không phân chia nam, nữ. Phật không chọn nam, nữ để độ riêng. Vậy tại sao ta lại phân biệt? Đã là đi tìm giác ngộ thì già, trẻ, lớn, bé, trai gái gì mà không được!
Hỏi: Người ta thường nói “Tự Tu Tự Độ” vậy Mật Tông có như vậy không?
Đáp: Nên hiểu nghĩa “Tự Tu Tự Độ” là mình phải tự tu cho mình, không ai tu giùm hoặc tu mướn cho mình được, đừng hiểu là “tu không cần Thầy”. Các cụ đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Vì vậy, dù là thế gian hay xuất thế gian, làm việc gì muốn đạt đến mục đích mau chóng và toàn mỹ thì đều phải có học và có Thầy cả. Mật Tông cũng như vậy thôi.
Hỏi: Người ta thường thấy đọc chú, bắt ấn cho là mê tín và hành tà giống như mấy ông thầy pháp. Vậy Mật Tông thì sao?
Đáp: Khi nào tin một cách mù quáng thì là mê tín thật, còn người tu Mật Tông thì biết rõ việc mình làm, thẩy rõ mục đích mình đi tới, vậy sao gọi là mê tín được.
Còn việc tà chánh thì phải hiểu là Đạo không có phân chia Tà, Chánh. Mà Tà hay Chánh là do TÂM ý người hành Đạo. Nếu ta tu theo Chánh đạo, nhưng ta dùng phương tiện đi làm việc xấu, cướp đoạt tiền bạc, vợ con của người, lòng đầy tham, sân, si, thì đó là ta hành tà. Còn nếu như thầy Pháp mà người ta làm việc cứu người không nghĩ đến lợi ích cá nhân, không hại người lành, ngăn chặn kẻ ác thì đó là chánh chớ đâu phải tà.
Về người tu Mật tông thì là “Tu để thành Phật” vậy tà làm sao được? Phật và Ma chỉ khác nhau ở lòng “Từ Bi Cứu Độ” mà “Từ Bi Cứu Độ” là tôn chỉ của Mật Tông đấy.
Hỏi: Tu Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Đáp: Nếu ăn chay được thì tốt, vừa ít bệnh tật lại mau tiến tu hơn, vì thân thể thanh tịnh. Còn như không ăn chay được thì cũng vẫn tu được, chỉ có điều là ta đã không thể hiện lòng từ bi của Phật, vì ta đã dùng thân mạng của một chúng sanh khác nuôi sống thân mạng của ta.
Về giữ giới thì người Phật tử nào đã quy y rồi thì đều phải giữ năm giới:
- Không sát sanh- Không trộm cướp- Không tà dâm- Không nói sai, nói dối, nói đôi chiều, nói đâm thọc- Không uống rượu.
Người tu Mật Tông cũng vậy thôi, và vấn đề này sẽ được bàn đến trong phần sau, khi nào người tu Mật Tông đã hành trì tự nhiên không nói đến giữ giới mà lại tự giữ giới hơn ai hết.
Hỏi: Biệt làm sao để chọn “Chú” nào mạnh, “Chú” nào yếu, “Chú” nào linh, “Chú” nào không?
Đáp: Mạnh hay yếu khi nào học và hành trì thì sẽ rõ, còn linh hay không là ở mình. Các cụ thường nói: “Linh tại ngã bất linh tại ngã” ta không nên quên điều đó.
Hỏi: Người Phật tử khi đọc kinh sách gặp một câu “Chú” thấy ghi những kết quả lớn nên đem trì tụng, như vậy có ích lợi gì không?
Đáp: Có lợi nhưng rất nhỏ nhoi, không đáng kể so với lợi ích đã ghi chép trong kinh sách.
Hỏi: Vì sao lợi ích lại nhỏ?
Đáp: - Vì lòng còn tham, muốn cầu lợi ích riêng mình,- Vì tâm còn nhỏ hẹp nên sự linh ứng không lớn- Vì không biết dùng “Chú” nên sự đáp ứng chẳng được như ý,- Vì thiếu ấn pháp nên chưa trọn vẹn,- Vì công đức chưa đủ mà lại muốn được thành tựu lớn.
Hỏi: Vì sao đọc “Chú” lại cần bắt ấn?
Đáp: Ấn là bí pháp thuộc về “thân mật”, khi nào tu lâu sẽ hiểu. Đại để có thể tạm giải thích: khi ta bắt ấn thì làm phát huy cái lực của “Chú”, cũng ví như mở đài, tivi mà có thêm cây ăngten vậy.
Đối với người tu Mật thì việc bắt ấn còn là một sự “thể nhập” vào pháp thân Phật nữa.
Hỏi: Tại sao người tu Mật Tông lại gọi là “Trì Chú”?
Đáp: Trì có nghĩa là nắm giữ lấy. Nếu ta chỉ đọc không thôi thì nó sẽ theo gió mà bay đi. Còn khi nói “Trì” thì phải nghe rõ “Chú” , phải theo âm thanh của “Chú” mãi mãi không rời. Đó là sự khác biệt giữa “ĐỌC” và “TRÌ”.
Hỏi: Trì chú, bắt ấn bao lâu thì có kết quả?
Đáp: Người tu Mật Tông nói đến “thành tựu” để cứu độ chúng sanh chớ không mong cầu kết quả cho mình. Còn thành tựu lâu hay mau, lớn hay nhỏ đều do ở mình, chỉ có hai điều chắc chắn cò thể nói được: Một là tu Mật Tông thì tiến từng giờ, từng ngày. Hai là đã tu thì sẽ có thành tựu, chỉ khác nhau ở chỗ lớn hay nhỏ mà thôi.
Hỏi: Thế nào là tiến từng ngày, từng giờ?
Đáp: Điều này thuộc về chứng nghiệm, chỉ khi nào tu mới thấy rõ được. Tuy nhiên có thể nói rằng nương vào chân ngôn, hành giả tiến được rất nhanh. Giờ sau khác giờ trước, ngày sau khác ngày trước.
Hỏi:Tại sao thành tựu lại khác nhau lớn hay nhỏ?
Đáp: Đối với một hành giả, thì sự thành tựu lớn hay nhỏ là do tâm mình. Còn nếu đem so sánh giữa hai hành giả tùy theo căn cơ, phước đức và sự mở tâm của mỗi người mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu gắng công tu để đạt được sự “tương ưng” thì cái thành tựu ban đầu nhỏ sau cũng sẽ lớn lên vô hạn. Do đó người hành giả đừng sợ là không thành tựu và cũng đừng buồn khi thành tựu nhỏ.