Hỏi - Đáp
Người tu tại nhà không lập gia đình, vậy về già ai nuôi?
Chủ nhật, 15/06/2021 07:21
Hỏi: Bạch Thầy, nếu con không đủ duyên, không đủ phước, không đủ đức làm sư tu tại chùa, không lập gia đình làm người tu tại nhà. Nếu vậy thì về già ai nuôi con? Mong Thầy giải đáp, con đang rất lo lắng và hoang mang, suy nghĩ nhiều về tương lai về già sau này!
Nếu đi xuất gia thì có huynh đệ, không phải lo cơm áo gạo tiền. Nếu lập gia đình thì sau này con cái nuôi. Còn ở vậy tu độc thân... thì về già... một mình lẻ bóng đơn côi... rồi những lúc bệnh đau... nằm trước khung cửa... gió lùa lạnh thấu xương, ho khọt khẹt... sao con càng tưởng tượng càng thấy thê thảm vậy!
Tu tâm dưỡng tánh thì phước còn cao hơn nữa
Trả lời:
1. Nếu con thật tu thì về già Phật nuôi con. Con Phật, Phật nuôi; con ma, ma dưỡng.
2. Một chiếc xe dùng cho người trong nhà, khi nó bị hư thì gia đình trong nhà cùng nhau sửa chữa nó. Nếu như chiếc xe đó dùng cho xã hội: xe chữ thập đỏ, xe từ thiện... thì khi nó bị hư lập tức cả xã hội sẽ cùng nhau sửa chữa nó. Cũng như vậy con có gia đình, con chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình thì khi con mất, gia đình sẽ lo hậu sự cho con.
Còn như con vì xã hội mà cống hiến, vì xã hội mà lập công lập đức thì khi con mất, cả xã hội sẽ cùng chung đưa tiễn con, lo toan cho con...
3. Tu sao Phước lẫn Huệ đều đủ thì về già không sợ không có người lo. Người có phước và huệ thì sống ở đâu, ở thời điểm nào cũng được an nhàn tự tại.
4. Người đời khi về già sẽ rất hoang mang, buồn chán, sống cho qua ngày, không biết sau này sẽ ra sao... Người có tu thì khi về già sẽ hoan hỷ, vui vẻ, sau này về với Phật. Có khác biệt đó chứ! Nếu con có tu thì còn lo gì?
Người đời không biết tu, thiếu hiểu biết, chưa giác ngộ, họ mới lo thôi! Người có tu giữ hạnh thanh tịnh thì khỏi lo... Ráng tu con nhé!
Con hãy quan sát sẽ thấy có nhiều người già thậm chí con đàn cháu đống nhưng không ai nuôi, nếu hiểu nhân quả thì con sẽ thấy cái để ta nương tựa về già là phước chứ không phải con cháu, Nghiệp chi phối tất cả bởi vậy mà khi còn trẻ khỏe thì mình cứ bỏ thời gian đi săn sóc người già neo đơn, ai trong xóm mình già cả hiu quạnh thì mình giúp đỡ chăm lo, hay phát quà cho người vô gia cư tùy điều kiện kinh tế của mình nhưng mình hãy làm, và đối với người già dù họ thế nào cũng đầy thương yêu và kính trọng, thì khi về già con sẽ không cô đơn.
Có một vị tu sĩ, khi còn trẻ tu ở một cái am mà gần đó có một ông cụ cũng già rồi, ông sống một mình mà cứ mỗi dịp Tết là ông đi biếu quà và chăm lo cho những cụ già neo đơn hơn. Đến khi ông ngã bệnh và sắp mất thì đúng vào thời gian vị tu sĩ tu ở đó, rồi vị tu sĩ đến săn sóc ông cụ như cha mình rồi khi ông mất, vị tu sĩ đem đi an táng và nhờ sư khác thỉnh vong về chùa tu đàng hoàng, mà lúc ông bệnh mất vào mùa xuân.
Chiêm nghiệm lại ta thấy nhân quả rất công bằng. Nên con đừng sợ! Hãy an tâm và cố gắng tu tinh tấn, tu thật tốt làm một vị cư sĩ tại gia chân chính.
Cửa Từ