Kiến thức
Người xuất gia có bất hiếu không?
Thứ hai, 23/08/2023 08:37
Trước đây và hiện nay vẫn còn có một số người chưa hiểu hết giáo lý giải thoát của nhà Phật, cho rằng các vị đi tu không có vợ con nên không có con nối dõi tông đường, họ cho là bất hiếu. Vì họ hiểu sai về lý tưởng xuất gia của đạo Phật.
Như vậy kinh điển của Phật giáo Nam Tông cũng như Bắc Tông đều nói đến đạo hiếu và rất coi trọng đạo hiếu.
Trước đây và hiện nay vẫn còn có một số người chưa hiểu hết giáo lý giải thoát của nhà Phật, cho rằng các vị đi tu không có vợ con nên không có con nối dõi tông đường, họ cho là bất hiếu.
Vì họ hiểu sai về lý tưởng xuất gia của đạo Phật.
Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân.
Xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ mọi tình cảm hẹp hòi vị kỷ, từ bỏ ba độc tham-sân-si.
Sách Phật thường nói về sự xuất gia và lý xuất gia.
Cạo tóc, mặc áo cà sa vào chùa ở chỉ mới là sự xuất gia.
Từ bỏ được ân ái hẹp hòi, từ bỏ được danh lợi thế gian tầm thường, từ bỏ được mọi tham muốn thấp hèn về ăn uống, tiền tài danh sắc, ngủ nghỉ, từ bỏ được tham sân mới gọi là xuất gia.
Chuyện Hòa thượng Tuyên Hóa báo hiếu, xuất gia
Người tu sĩ sau khi xuất gia, chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội đều là cha mẹ, anh em, con cái của mình, và thương yêu với một tình thương không phân biệt.
Đức Phật Thích Ca được tôn xưng là đấng Từ phụ, tức là cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như con một của mình.
Mọi người xuất gia cũng vậy, noi gương đức cha lành, cũng xem mọi người trong xã hội đều như cha mẹ anh em, bà con ruột thịt của mình.
Hơn nữa người xuất gia làm tròn đạo hiếu của mình bằng một cách khác.
Tức là bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyến khích cha mẹ bố thí và tu học chánh pháp, đạt tới trí tuệ chơn chánh.
Và làm như vậy, theo như lời đức Phật nói, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ trọn vẹn nhất.
Chữ báo hiếu không có nghĩa cha mẹ làm gì mình cũng tán thành, dù rằng làm ác, làm điều bất thiện.
Ngay báo hiếu cũng phải có trí tuệ.
Đạo Phật nói đến chữ Nhân và chữ Hiếu như đạo Nho, nhưng với một nội dung rộng lớn hơn nhiều, như có thể thấy qua câu mở đầu toát yếu toàn bộ ý tứ trong tập truyện thơ dân gian "Nam Hải Quan Âm", rất được ưa chuộng của dân chúng Việt Nam:
"Chơn như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Ta bà".
Độ thoát cha mẹ khỏi vòng sống chết luân hồi là cách thức báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, nhưng không phải ai cũng làm được.
Bởi vì mình có tu hành chứng quả, độ thoát được mình, mới có thể độ thoát cho cha mẹ được.
Đó là việc làm đức Phật bà Quan Âm Diệu Thiện trong truyện Nam Hải Quan Âm.
Thế nhưng tất cả chúng ta, dù xuất gia hay tại gia đều có thể trả ơn đầy đủ cho cha mẹ, nếu chúng ta học tập và thực hành theo lời đức Phật dạy trong Tăng Chi bộ Kinh Tập I trang 75:
"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ.
Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ".
Những lời dạy của đức Phật, tất cả Phật tử chúng ta đều có thể thực hành được.
Trích trong Bài thuyết giảng Đại Lễ Vu Lan PL 2540 , năm 1996.