Kiến thức
Nguồn gốc túi đãi trong Phật giáo
Chủ nhật, 21/03/2024 02:50
Trong nếp sống hằng ngày của một Tỳ kheo, vì để giữ gìn oai nghi tăng thêm vẽ trang nghiêm khi vào tụ lạc, chốn a lan nhã, du phương, hóa duyên khất thực... Vì thế, trong Tỳ Nại Da tạng đức Phật cho phép các Tỳ kheo sử dụng túi đãi để đựng các đạo cụ.
Túi đãi âm Hán Việt gọi là Hương Đại, có nguồn gốc từ cái Túi Đựng Y vào thời đức Phật. Túi đựng y nầy còn gọi là Y đại, Tam y đại, Ca sa đại, Ca sa hành lý, Ca sa văn khố, Thịnh y, Đả bao.
Túi đãi là cái túi mà chư Tăng Ni thường mang trên vai, ban đầu dùng để đựng ca sa, kinh sách và các vật dụng hằng ngày khi đi xa.
Hình dáng na ná như cái tay nãi, nhưng ý nghĩa và công dụng hoàn toàn khác nhau. Quai đeo và túi của đãi dính liền với nhau, có khi dùng miếng vải che ở trên, miệng đãi thường dùng dây kéo hoặc nút cài lại. Bên trong có vài ngăn phụ, cũng có nút khuy hoặc dây kéo. Hai bên hông đãi trang trí hình bánh xe pháp luân, hình Phật, chữ vạn, chữ thiền, chữ Phật,... nhìn chung kiểu cách rất đa dạng. Chất liệu dùng vải, tơ lụa... có màu vàng, lam, nâu... để may.
Luật Thập tụng chép: “Phàm làm Tăng sĩ phải giữ gìn y như giữ gìn da trên thân mình, giữ gìn cái bát như giữ gìn tròng con mắt của mình, không được mặc đại y tức y Tăng Già Lê, mà làm các việc như cuốc đất, quét nhà, dẫy cỏ... Vì thế, khi không dùng đến y, thì phải xếp cẩn thận để vào trong túi đựng y nầy để bảo quản.”
Về cách may túi đựng y thì trong quyển 5 bộ Căn bản Tát Bà Đa Bộ Luật Nhiếp (Đại 24, 553 trung) chép: “Túi đựng ba y, có độ dài ba khủyu tay, rộng một khủyu rưỡi. Túi may 2 lớp, 2 đầu khâu kín lại, giữa để miệng túi. Để y áo vào trong túi, đeo lên vai, cột gút miệng túi lại, không cho côn trùng chui vào”
Trong “Tỳ Nại Gia Tạp Sự” chép: “Có vị Tỳ kheo vác ba y trên vai, khi đi đường y dễ bị dính dơ, liền đi đến hỏi Phật, phải làm thế nào? Phật dạy: Thầy có thể dùng túi đãi để đựng rồi mang ở trên vai. Túi có thể làm dài chừng ba khuỷu tay, rộng một khuỷu rưỡi tay, ở khoảng giữa miệng nên kết khuy nút để gài lại.”
Ngày nay túi đãi không những có giá trị thực dụng mà nó còn là “Dung trí khí” rất đẹp của một Nhà sư, gợi lên một hình ảnh giải thoát trong lòng người. Khi mang vào tăng thêm uy nghi, trang nghiêm tao nhã.
Chư Tăng Ni khi rời khỏi Tự viện đi Phật sự, dự Pháp hội, Tham học,... xếp một cái áo hậu, chiếc ca sa, vài tư cụ cần thiết để gọn vào trong Túi đãi mang trên vai mà đi thì đủ để thực hành Phật sự.
Nói chung, phàm làm Tăng sĩ khi du phương hoằng hóa thì cần phải có những tư cụ tùy thân, cái Túi đãi nầy, giúp chư Tăng Ni đựng những tư cụ đó. Cho nên khi có Phật sự bên ngoài Tự viện, thì Túi đãi là một “Dung trí khí” không kém phần quan trọng.
Chú thích: Dung trí khí là những khí vật để cất chứa, trang trí các đạo cụ như: Bình đựng Xá Lợi, rương để kinh, túi đựng ca sa, hộp để giới diệp...(theo PQĐTĐ)