Kiến thức

Nguyện làm kẻ ăn xin trong sạch

Thứ hai, 15/11/2020 09:20

Một trong những định nghĩa Tỳ-kheo là khất sĩ, nghĩa đen là người hành khất, kẻ ăn xin. Về hình thức thì mọi kẻ ăn xin đều giống nhau ở chỗ là không làm lụng để tự nuôi sống mà xin vật thực từ người khác bố thí cho. Chỉ khác là, khất sĩ thì nguyện làm những kẻ ăn xin trong sạch.

Ý nghĩa của việc đắp y và khất thực

khat-thuc 1

Trong sạch từ ngoài vào trong; ngoài thì khất thực với uy nghi và cách thức đúng như pháp, trong thì luôn giữ tâm ý thanh tịnh. Nên nguyện làm kẻ ăn xin trong sạch cũng chẳng phải dễ dàng!

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong; cầm tọa cụ vào trong rừng, tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

Ngươi từ đâu lại?

Xá-lợi-phất đáp:

Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại.

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trú thiền Không tam-muội.

Tỷ kheo khất thực nuôi cha mẹ được Đức Phật tán thán

Phật bảo Xá-lợi-phất:

Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, hôm nay ngươi đã nhập thiền trú bậc thượng tọa mà tọa thiền. Nếu các Tỳ-kheo nào, muốn nhập thiền thượng tọa, thì phải học như vầy:

Khi vào thành, khi đi khất thực, hoặc lúc ra khỏi thành, thì phải tư duy như thế này: ‘Hôm nay mắt ta thấy sắc, có khởi lên dục, ân ái, ái lạc, niệm tưởng, đắm nhiễm không?’. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo quán sát như vậy, nếu nhãn thức đối với sắc mà có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này vì để đoạn ác bất thiện nên phải phát khởi quyết ý tinh cần, có khả năng buộc chặt ý niệm để tu học. Ví như có người bị lửa đốt

cháy đầu và áo, vì muốn dập tắt hết lửa, nên phải phát khởi nỗ lực quyết tâm để dập tắt lửa. Tỳ-kheo này lại cũng phải như vậy, phải phát khởi quyết ý tinh cần, buộc chặt ý niệm để tu học.

Nếu Tỳ-kheo khi quán sát, hoặc ở giữa đường, hoặc đi khất thực ở trong làng xóm, hoặc đi ra khỏi làng xóm, ngay trong lúc đó mà nhãn thức đối với sắc không có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này ước nguyện bằng thiện căn hỷ lạc này, ngày đêm tinh cần cột niệm tu tập. Đó gọi là Tỳ-kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh. Cho nên kinh này gọi là Thanh tịnh khất thực trụ.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 236).

khat-thuc 2

Nét đẹp của truyền thống Khất thực

Nhân Tôn giả Xá-lợi-phất cho biết vừa nhập an trú thiền Không tam-muội, Thế Tôn tán thán đó là thiền trú của bậc thượng tọa, và dạy các Tỳ-kheo trẻ, muốn thành tựu thiền chứng cao quý ấy, trước nên thực hành ‘an trú khất thực thanh tịnh’, nguyện làm kẻ ăn xin trong sạch. Nghĩa là thiền không hẳn chỉ có ngồi yên nơi thanh vắng mà cần hành thiền khắp mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi. Quan trọng nhất là sự tự chủ với chánh niệm cao độ, giữ tâm ý trong sạch khi đối duyên xúc cảnh trong lúc vào làng xóm, phố phường hóa duyên khất thực.

Cốt tủy của lời Phật dạy là giữ vững chánh niệm khi đối duyên xúc cảnh. Sáu căn duyên sáu trần, vừa ý thì thức sinh ái nhiễm; không vừa ý thì sinh tâm sân hận chối bỏ. Tiếp xúc càng nhiều cảnh trần đẹp đẽ, vừa ý thì ái niệm càng sâu nặng, dính mắc càng khó dứt trừ. Khi nhận ra tâm có ái nhiễm thì ‘phát khởi quyết ý tinh cần, buộc chặt ý niệm’, quyết không mất chánh niệm. Việc này xảy ra bên trong tâm ý của mỗi người, chỉ tự mình biết mà thôi. Tuy nhiên không vì vậy mà dễ duôi, phải nỗ lực và gấp rút như ‘cứu lửa dữ đang cháy trên đầu’ thì mới giữ vững tâm ý. Ngược lại, khi đối duyên xúc cảnh mà thức không sinh đắm nhiễm cũng rõ biết tâm ý của mình để an trú trong tịnh lạc. Được như vậy, Thế Tôn gọi là ‘Tỳ-kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh’, cũng là thiền trú của bậc thượng tọa.

loading...