Kiến thức
Nhận diện nghịch cảnh
Chủ nhật, 02/05/2021 08:49
Nghịch cảnh bao gồm thái độ nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện và con người không thuận lợi, hoặc tiêu cực, mà chúng ta có dịp tiếp xúc. Tất cả những tâm lý tiêu cực từ nghịch cảnh đã làm cho nhiều người nhận định về đời sống của người tu chẳng khác gì so với đời sống của người tại gia.
Trong những nước phương Tây, chúng tôi có dịp tham quan và thuyết pháp, có một số nghịch cảnh làm cho nhiều người không muốn xuất gia, mặc dù họ có chí nguyện. Những nghịch cảnh đơn giản như hằng ngày họ tới chùa, nhìn thấy quí thầy, quí sư cô phải làm nhang bán, đi tụng kinh, ma chay, những việc rất đỗi thông thường. Ngoài ra, họ không nhìn thấy được những việc gì có giá trị ấn tượng hơn. Do đó, họ đã suy nghĩ rằng, đi tu là giao hết thân phận cho đức Phật, chánh pháp và những vị hướng dẫn đời sống tâm linh, liệu mình sẽ có được những giá trị an lạc gì thông qua những việc làm như thế này? Câu hỏi của họ chứa đựng nỗi niềm thao thức. Chính vì thế, người xuất gia cần thể hiện các giá trị vượt lên trên những người thông thường về nhận thức, tình cảm, cách ứng xử và các sinh hoạt khác trong cuộc đời.
Hoặc một tình huống so sánh về nội dung và hình thức,đã làm cho người phát tâm xuất gia chưa vững trở nên thối chí. Chẳng hạn như nhìn thấy quí thầy, quí sư cô ở chùa vẫn có những nỗi buồn, lời qua tiếng lại, ăn uống, ngủ nghỉ giống như những sinh hoạt hàng ngày của người tại gia. Một số đã thối chí vì nghĩ rằng khi xuất gia ta hy sinh cả tuổi đời thanh xuân tươi đẹp để được gì đây?
Sống chung với chướng duyên nghịch cảnh
Nếu được ở chùa, ta sẽ được học cách ăn uống, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, trao đổi hay tư duy có chánh niệm sẽ khác hoàn toàn với người tại gia. Sự khác biệt lớn giữa người tại gia và người xuất gia trong các sinh hoạt hằng ngày, người tại gia thể hiện như một thói quen: thích cái gì thỏa mãn cái đó, đôi lúc thể hiện thiếu sự cân nhắc, chỉ chiều theo bản ngã và thói hưởng thụ vật dục.
Trong khi đó, đạo Phật dạy người xuất gia khi ăn luôn có sự hiện diện của dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Khi ăn, họ đóng lại cửa ngõ của suy nghĩ, hay ký ức về mọi sự vật hiện tượng, con người hoặc các mối quan hệ đối tác. Khi ăn, họ hiểu được thực phẩm nào có lợi ích cho sức khỏe, thực phẩm nào chứa độc tố thì mạnh dạn kiêng cữ, không hành hạ thân thể bằng những chiều chuộng thông thường.
Trong lời nói và việc làm của họ cũng thể hiện tính cách từ ái, biết chia sẻ, lắng nghe, bồi đắp tình huynh đệ và các giá trị của sự vươn lên. Trong dòng chảy của tâm thức, họ có sự huấn luyện và theo dõi chánh niệm không còn những nỗi khổ niềm đau và những ước vọng mông lung. Cho nên, người xuất gia sẽ nhận thấy rất rõ các giá trị của sự tu tập. Với những phương tiện đời sống giản đơn ấy, nhưng họ vẫn tìm được những giá trị của hạnh phúc và đi suốt cuộc đời với hình ảnh và hình thức người tu.
Bài học từ nghịch cảnh và chướng duyên
Vì thế, khi đánh đồng hình thức sinh hoạt hằng ngày của người xuất gia giống như người tại gia, ta đã đánh mất đi cơ hội nhìn thấy các giá trị của chánh niệm tỉnh thức trong lòng hiện thực. Khi hành động của người đánh đồng bị ám ảnh bởi những điều đó, những người muốn xuất gia khó phát nguyện chân thật đi tu để mang lại lợi ích cho nhiều người. Chướng ngại này liên hệ đến nhận thức, vốn thuộc về phần chủ đạo, dẫn khởi và đạo diễn cho đời sống của chúng ta. Sự nhận thức sai lệch về khuynh hướng lý tưởng và con đường thực hiện đi theo cái ngã mà giá trị của nó lại không được gì. Vì lẽ đó, đức Phật khuyên chúng ta hãy chăm sóc nhận thức của chính mình, giúp nó đi đúng hướng và có giá trị bền bỉ, lâu dài.