Kiến thức

Nhận lỗi, xin lỗi chính là thực hành hạnh “nhẫn nhục”

Thứ hai, 25/07/2023 05:15

Từ chỗ nhượng bộ, chịu thua thiệt mà ta có thể rèn luyện tâm tánh, dùi mài được ý chí lớn lao. Trải lòng yêu thương với mọi người xung quanh sẽ làm rộng lớn tâm lượng của mình.

Có hai nhà ở cạnh nhau, Nhà bác Thọ thì sống rất vui vẻ hòa thuận, còn nhà chú Thao thì dăm ba ngày lại có một trận cãi nhau to, ầm ĩ cả xóm, đến gà chó cũng chẳng yên... Một hôm, chú Thao sang nhà bác Thọ chơi và hỏi:

- Vì sao nhà anh lại sống rất hòa thuận, vui vẻ, không nghe một tiếng cãi nhau vậy? Bác Thọ trả lời:

- Vì người nhà tôi hễ có chuyện đều nhận mình là người có lỗi, do đó nên mới nhẫn nại với nhau, an ổn được mọi chuyện... Chú Thao lại hỏi:

- Đây là đạo lý gì? Bác Thọ trả lời tiếp:

- Ví như trên bàn có để một cái ly (cốc), có người làm vỡ, không những người đó không chịu nhận lỗi lại còn phùng mang trợn mắt quát mắng: “Ai để cái ly ở đây vậy?” Người để cái ly cũng đâu chịu thua cãi lại: “Tôi để đó... thì sao?

Tại anh vô ý làm vỡ nó còn quát mắng ai?”

Hai người chẳng chịu nhường nhau, ai cũng cho mình là người đúng, rồi dẫn đến đánh mắng nhau...

Ngược lại, nếu người làm vỡ cái ly nếu có thể nhỏ nhẹ nói rằng: “Xin lỗi! Tôi vụng về nên vô ý làm vỡ mất cái ly rồi!”

Đối phương nghe xong cũng lập tức đáp: “Điều này không thể trách anh, đáng lý tôi không nên để cái ly ngay ở đó!”

Hai bên cùng nhận lỗi, nhường nhịn lẫn nhau thì làm sao mà cãi vã, đánh nhau cho được?

Nhẫn nhục - đạo đức giúp con người vượt qua khó khăn nghịch cảnh trong cuộc sống

01

Lời bàn: 

Trong cuộc sống nếu ai cũng có thể dẹp bỏ “Bản ngã” của mình, biết hạ mình trước người khác để nói lời “Xin lỗi”, thực hành hạnh “Nhẫn nhục”, bỏ ngoài tai những lời khen chê của người khác, trừ khi những lời chê đó là đúng thì ta nên tiếp thu và theo đó để sửa mình. Và có những phút giây chúng ta phải ngồi lại để suy nghĩ và xả bỏ những tư tưởng không tốt...

Để rồi ta có thể sẵn sàng nhường lại những hạnh phúc cho người khác nếu họ có nhu cầu, còn những cái chưa tốt ảnh hưởng đến người khác làm cho họ không vui, không được hạnh phúc thì ta xin nhận lãnh.

Hãy thường khen người khác, tôn trọng người khác để học tập hạnh “Từ ái”. Từ chỗ nhượng bộ, chịu thua thiệt mà ta có thể rèn luyện tâm tánh, dùi mài được ý chí lớn lao. Trải lòng yêu thương với mọi người xung quanh sẽ làm rộng lớn tâm lượng của mình.

Nếu tất cả mọi người đều thực hiện được những điều trên thì nhất định gia đình sẽ luôn hạnh phúc, xã hội sẽ được an vui.

Trích “Chuyện Đạo Đời”. 

loading...