Kiến thức
Nhẫn nhục dứt hận thù là pháp tối thượng
Thứ bảy, 01/03/2022 09:14
Việc cãi vã, tranh chấp vụn vặt cũng thường xảy ra trong chúng Tăng từ xưa tới nay, âu cũng là chuyện bình thường với người mới tu và đang tu.
Nhẫn được trong thời khắc quan trọng thì không xảy ra tai họa. Nhẫn chịu và kìm nén được mới có thể khai triển từ bi.
“Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la. Bấy giờ các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di đã nhiều lần cãi vã nhau. Do đó Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di rằng:
– Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ cãi vã nhau. Vì sao?
Nếu lấy tranh dứt tranhĐời nào dứt cho xongNhẫn nhục dứt hận thùĐó là pháp tối thượng”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Trường thọ vương, kinh Trường thọ vương bổn khởi, số 72 [trích])
Việc cãi vã, tranh chấp vụn vặt cũng thường xảy ra trong chúng Tăng từ xưa tới nay, âu cũng là chuyện bình thường với người mới tu và đang tu. Vì khi phiền não còn nhiều, chấp thủ còn nặng thì vướng mắc, rắc rối, rầy rà là điều khó tránh. Đáng nói là những cuộc tranh chấp dữ dội, kéo dài lại xảy ra vào thời Đức Phật khiến cho chúng ta trăn trở, suy ngẫm thật nhiều về tập khí, nghiệp lực của con người.
Sự kiện chúng Tăng ở xứ Câu-xá-di (Câu-diệm-di, Pāli: Kosambī) bất hòa, tranh chấp căng đến độ Đức Phật cũng không khuyên can được nên bỏ vào rừng đã cho thấy phiền não của hội chúng bấy giờ dâng cao đến ngút ngàn. Một khi đã tức giận, quyết hơn thua thì mù lòa và mê muội, mọi thứ đều bỏ ngoài tai, kể cả lời khuyên của Thế Tôn. Kinh, Luật (Mahāvagga, Tứ phần, Thập tụng) đều ghi lại rõ ràng, chi tiết cuộc tranh chấp này để răn nhắc cho hàng hậu học. Sự việc này cho thấy quan điểm của Đức Phật, nếu không có bạn lành, hội chúng không hòa hợp thì thà sống một mình cô độc trong rừng vắng còn hơn.
Đức Phật đã nhiều lần răn dạy nếu cứ tranh chấp, đấu đá, hơn thua thì câu chuyện bất hòa sẽ kéo dài đến vô tận. Nhân sao thì quả vậy, phải dùng nhẫn nhục và từ bi, hai phía đều thấy mình sai thì mới có thể ngồi lại và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Còn ai cũng thấy mình đúng thì kết cục lại sai. Muốn tắt lửa thì phải rút bớt củi, cần buông cái tôi xuống, càng bớt chấp thủ mới có thể tìm được tiếng nói chung. Bất hòa nhiều vô kể nhưng đều có nguồn gốc từ danh lợi và chấp thủ hẹp hòi.
Nhiều bản kinh đã nói đến từ bi diệt hận thù. Pháp thoại này Thế Tôn nhấn mạnh đến nhẫn nhục là liệu pháp để hóa giải tranh chấp và thù hận. Nhẫn nhục là sự chịu đựng trong an tĩnh, là bản lĩnh của những người có sức sống nội tại mạnh mẽ. Chuyện gì cũng có cách giải quyết thấu tình đạt lý để đôi bên cùng có lợi nếu biết dằn lòng mà ngồi xuống với nhau. Nôn nóng, hấp tấp, vội vàng rồi để xảy ra manh động, xô xát, xung đột chỉ đem lại thiệt hại cho cả hai.
Những ai đã trải qua xung đột và chịu nhiều thiệt hại mới thấm thía rằng, phải chi ngày ấy chịu dằn lòng một chút thì giờ đây mọi chuyện sẽ khác. Khi người ta quyết đấu mà mình nhẫn được thì chẳng khác nào cú tung cước vào hư không. Không có điểm tựa để phản hồi lực thì người ra đòn liền rơi vào hụt hẫng, thậm chí tự ngã nhào. Nên nhẫn được là dũng, là sức mạnh thực sự của người trí chứ không phải nhẫn là nhục như nhiều người lầm tưởng.
Nhẫn được trong thời khắc quan trọng thì không xảy ra tai họa. Nhẫn chịu và kìm nén được mới có thể khai triển từ bi. Bởi tâm nóng giận và yêu thương không thể đồng thời có mặt. Chúng như nước và lửa luôn loại bỏ nhẫn nhau. Một khi tức giận lên cao bừng bừng thì lấy từ bi ở đâu mà xoa dịu, tưới tẩm. Vì thế cần khai triển nhẫn nhục trước, đây là bước đệm vô cùng quan trọng, là khoảng lặng cần thiết để huy động tâm từ. Vì thế, Đức Phật mới chỉ ra, nhẫn nhục là pháp tối thượng để dập tắt sân hận.