Sách Phật giáo

Nhân quả và số phận con người (P.1)

Thứ ba, 05/04/2017 02:13

Mọi việc trên đời này không phải ngẫu nhiên mà có mối quan hệ nhân quả xa gần của nó. Nếu ai quan niệm rằng cuộc sống trong thế gian này là có định mệnh, số mệnh, do một đấng quyền năng ban phước giáng họa giàu nghèo đều có số thì con người sẽ sinh ra ỷ lại và vô trách nhiệm đối với hành động của mình. Nếu ai cho rằng mọi việc đều ngẫu nhiên hoặc chấp nhận số phận đã an bài thì người giàu sẽ ỷ lại, người nghèo sẽ không cố gắng rồi đổ thừa cho trời đất, cả hai đều rơi vào cực đoan dễ gây ra khổ đau cho người khác. Thật ra, mọi việc trên đời này nên hư, thành bại, tốt xấu, đúng sai đều do nhân quả nghiệp báo chiêu cảm.

Đôi lời tâm sự

Nhân quả và số phận con người là quyển sách phản ảnh sự thực của kiếp người với vô vàn sự biến đổi. Người tin theo truyền thống có ông trời tạo ra, cuộc đời của ta do trời sắp đặt, mọi sự thăng trầm nên hư thành bại đều do trời quyết định, con người không có khả năng và quyền lực gì cả, cuối cùng chấp nhận số phận đã an bài.

Học thuyết này chỉ phù hợp khi con người còn ăn lông ở lỗ, chưa có kiến thức nhận định đúng sai nên mới tin rằng có một đấng sáng tạo và con người bị điều hành, sai sử bởi đấng này. Ai tôn thờ và nương theo đấng quyền năng ấy thì có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, còn ai không theo sẽ bị đọa đày, đau khổ. Con người chỉ có con đường duy nhất, theo thì nên, không theo thì hư. Vậy học thuyết đó có đúng hay không?

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, con người dễ nhận ra nguyên lý sống của vũ trụ, tất cả mọi hiện tượng sự vật đều do nhiều yếu tố hợp lại mà thành, không có gì là do một nhân mà có thể tồn tại trên thế gian này.

Thời xa xưa, những hiện tượng như mưa gió bão bùng, sấm sét long trời lở đất, người ta cho rằng, đó là do thần linh hay thượng đế muốn răn dạy con người bớt làm các việc xấu ác. Nếu có ai chẳng may là nạn nhân của các hiện tượng này thì họ phương tiện nói rằng, có đấng quyền năng tối cao trừng phạt người làm việc xấu ác. Từ đó, lâu ngày thành ra phong tục, tập quán, rồi người ta cứ chấp chặt vào đó mà lung lạc lòng người, họ quên đi những điều rất thực tiễn gieo nhân nào thì được quả nấy.

Bờ vực thẳm đợi kẻ ăn chơi
Bờ giác ngộ chờ người tu thiện.
Trong kinh Phật dạy:
Chỉ có ta làm điều tội lỗi
Chỉ có ta làm điều ô nhiễm
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi
Chỉ có ta gội rửa cho ta.

Trong sạch hay ô nhiễm là tự do ta, không ai có thể làm cho người khác trong sạch hay ô nhiễm được.

Đây là nguyên lý sống do đức Phật chứng ngộ mà nói ra, không phải do suy luận vu vơ, huyền hoặc. Ngài chỉ cho con người biết cách làm chủ bản thân đem lại giá trị bình đắng cho con người, bằng cách mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Con người có quyền làm chủ chính mình, nên hư, thành bại, phải quấy, tốt xấu đều do con người tạo lấy, không một đấng nào có quyền ban phước, giáng họa. Đó là chân lý nhiệm mầu của đời sống con người.

Người nào thích trác táng ăn chơi sa đọa để rồi giam mình trong ngục tù tội lỗi, làm khổ mình, hại người thì cuối cùng phải nằm bên bờ vực thẳm.

Còn nếu chúng ta tập thói quen tốt giúp người, cứu vật hướng đến chân thiện mỹ, làm người có nhân cách, sống có đạo đức, luôn vì lợi ích chung, không vì lợi ích riêng tư thì an nhiên, tự tại trên bờ giác ngộ vậy.

Giác ngộ hay vực thẳm là do hành động của mỗi người tạo nên qua thân, miệng, ý. Khi chưa biết tu như lúc khai hoang làm rẫy thấy rắn thì ta tìm cách đập chết, nay biết tu rồi thấy rắn thì tránh không đập mà tìm cách gieo duyên hóa độ cho nó. Đó là từ vực thẳm chuyển thành giác ngộ. Vì vậy, nhân quả có thể thay đổi được, qua cách chuyển nhân, thân không làm ác mà hay làm thiện.

Hoặc giả lúc ta chưa biết tu, miệng hay nói lời hung dữ ác độc, cay nghiệt làm cho người oán giận thù hằn, phiền não khổ đau. Nay ta biết tu rồi, ý thức được đó là lời nói làm tổn hại đến người, ta thường hay nói lời hòa nhã, chân thật, dịu dàng dễ nghe… Đó là ta biết chuyển nhân xấu từ miệng thành thiện ích.

Như vậy, nhân quả khác với số phận là có thể thay đổi được. Nhờ đó, con người có thể chuyển xấu thành tốt, chuyển họa thành phúc, chuyển mê thành ngộ. Thực hành được những điều đó chính là người khéo biết tu vậy.

Còn nói số phận con người là cố định, không thể thay đổi được thì người giàu sẽ ỷ lại, họ sẽ hưởng thụ ăn chơi sa đọa đến khi phước hết, họa đến làm sao trở tay cho kịp, đành bó tay ngồi than phân trách phận, oán trời, trách đất, đổ thừa tại bị thì là... Còn người nghèo thì lại nghĩ rằng, dù có siêng năng, tinh cần cũng mất công vô ích cho nên chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, cuối cùng nghèo lại càng nghèo thêm.

Vì vậy, việc hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, giúp cho con người có thêm ý chí nghị lực, giàu lòng can đảm, không bi quan, yểm thế, không oán than hay đổ thừa số phận khi gặp bế tắc, dù gặp nhiều khó khăn, chướng ngại nhưng ta vẫn luôn vui vẻ vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Người không tin vào nhân quả thường có thái độ yếu đuối thấp hèn, luôn sống trong lo lắng, sợ hãi, bất an. Họ hay tin vào những khả năng siêu hình, hoặc tha lực, mang tư tưởng cầu nguyện, van xin, sống ỷ lại vào người khác dễ dẫn đến mê tín, dị đoan, không tin sâu nhân quả, do đó không nhìn thấy được lẽ thật nên luôn sống trong đau khổ lầm mê.

Còn ai hiểu và tin sâu nhân quả thì sẽ sống một đời bình yên hạnh phúc trong trạng thái an lành, tự tại, luôn sống có trách nhiệm đối với mọi hành vi xuất phát từ thân, miệng, ý của chính mình. Người đã tin sâu nhân quả thì biết rõ ràng làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau là một quy luật tất yếu, là lẽ đương nhiên. Ai có lòng tin sâu như vậy, thì sẽ sống không ỷ lại, không cầu cạnh, van xin, không chạy trốn trách nhiệm, dám làm dám chịu không đổ thừa cho ai.

Đây là tinh thần tích cực chỉ có trong đạo Phật luôn giáo dục người phật tử ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với mọi hành động của bản thân, luôn yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau theo phương châm “tốt đạo đẹp đời”.

Còn nếu ai sống mà chấp nhận số phận đã an bài thì khó lòng mà vươn lên làm mới lại chính mình. Như bản thân chúng tôi nếu không có ý chí và nghị lực làm lại cuộc đời, thì tôi đã rũ xương trong lao tù nghiện ngập vì số phận đã an bài. Nếu ta không biết tự mình đứng lên sau khi vấp ngã, nếu không có Phật pháp soi đường chỉ lối, nếu không có thầy Tổ dang tay tế độ, nếu không có bà mẹ tốt nâng đỡ cưu mang… thì ngày nay tôi đâu có cơ hội để chia sẻ cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút trải nghiệm trong cuộc đời. Đạo Phật là một tôn giáo có chất liệu rất thực tế trong đời sống con người. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là để phục vụ cho lợi ích nhân loại và muôn loài. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người.

Tất cà mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, nếu đem ra khảo sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy không một sự vật nào thoát ra ngoài lý nhân quả. “Thấy quả biết nhân, thấy nhân biết quả” là tinh thần thực tiễn rất khoa học, không mơ hồ, không ảo tưởng. Một số khảo cứu của các nhà khoa học đã chứng minh cho lời Phật dạy là chân lý.

Một trong những giáo lý thiết thực nhất đức Phật đã dạy và hướng dẫn cho hàng đệ tử của Ngài, đó là thuyết nhân quả nghiệp báo. Nhân quả là giáo lý nền tảng của đạo Phật và nó đã thấm nhuần trong nhân loại và đã ăn sâu vào tâm huyết của mọi người.

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam đã trên hai ngàn năm nay, nếu ai không hiểu thấu lý nhân quả và áp dụng trong đời sống hằng ngày thì thật là một thiệt thòi to lớn không gì bằng.

Điểm nổi bật nhất của đạo Phật là đạo làm người hay nói cách khác đạo Phật là đạo của con người. Người ta thường nói, đạo Phật là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, vì giáo lý đạo Phật luôn giúp cho con người giải quyết được mọi sự nên hư, tốt xấu, thành bại trong cuộc đời là do mình tạo lấy, nhờ vậy ta biết sống tốt hơn để đạt được an vui hạnh phúc.

Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự tin nơi chính mình, không ỷ lại vào một đấng quyền năng nào có thể ban phước, giáng họa cho con người. Trong đời sống này, khổ hay vui là do mình tạo lấy mà thôi. Chính con người là thượng đế tối cao của con người. Con người có quyền quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống và có quyền làm chủ mọi hành động từ thân, miệng, ý. Và trong khuôn khổ nhất định, người làm lành được hưởng phước, người làm ác phải chịu khổ đau, ta không thể đổ thừa cho ai cả.

Chính vì vậy đạo Phật rất chú trọng đến vấn đề nhân quả nghiệp báo, nó là một nguyên lý giúp cho con người ý thức và chịu trách nhiệm về những hành vi tạo tác của mình trong đời sống hiện tại. Người tu theo đạo Phật, chúng ta cần phải hiểu thấu lý nhân quả một cách tường tận, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc.

Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền Thánh đều dựa trên nền tảng của nhân quả, vì vậy trong cuộc sống của chúng ta ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà đạt được kết quả tốt đẹp.

Chúng tôi chân thành bộc bạch đôi lời, xin được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, kính mong những ai muốn làm người tốt hãy cùng chúng tôi vượt cạn lên bờ. Tuy rằng, “vượt cạn lên bờ được mấy ai” nhưng khi ta quyết là được, muốn là thành, không có gì không thể làm được.

Tháng giêng năm Kỷ Sửu
Thích Đạt Ma Phổ Giác

ĐẠO PHẬT VÌ CON NGƯỜI

Sự sống của con người là luôn tìm kiếm sụ an lạc cho thể xác và tinh thần, vậy muốn tìm về cội nguồn của hạnh phúc, hãy nên tìm hiểu đạo Phật có mặt trên thế gian này để làm gì?

Muốn tìm hiểu đạo Phật, chúng ta phải biết đức Phật là ai? Là một con người có thực hay Ngài là một vị thần linh, thượng đế hay đấng sáng tạo hoặc chỉ là nhân vật huyền thoại mà thôi.

Theo lịch sử, vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch Việt Nam, và theo lịch Ấn Độ, vào đêm trăng tròn tháng 5 năm 544 trước công nguyên, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn Lâm-tỳ-ni, thái tử Sĩ-đạt-ta ra đời với sự vui mừng của vua cha Tịnh-phạn và hoàng hậu Ma-da. Sau khi sinh thái tử được 7 ngày thì hoàng hậu qua đời và được sinh về cõi trời. Người em ruột của bà là Ma-ha Ma-xà Ba-đề thay thế hoàng hậu nuôi dưỡng, chăm sóc thái tử cho đến khi trưởng thành.

Thái tử Sĩ-đạt-ta thuở nhỏ, khi vừa tròn 7 tuổi theo vua cha ra đồng làm lễ Hạ điền (lễ ăn mừng ngày làm ruộng đầu năm). Đây là một lễ hội lớn đối với toàn dân Ấn Độ thời bấy giờ.

Trong lúc mọi người đang nô nức hân hoan mừng lễ hội, những luống cày đầu tiên được bắt đầu, thái tử cũng vui mừng tham gia cùng bao người khác. Từng luống cày được xới lên, những con trùn, con dế bị đứt ra làm hai, làm ba khúc, khi ấy những con chim sẻ bay đến giành nhau nuốt côn trùng và những con chim cắt lớn đuổi bắt các chim sẻ ăn thịt. Bên cạnh nơi lễ hội, một anh thợ săn đang chờ, giương cung sẵn sàng bắn hạ các con chim cắt.

Trong khu rừng rậm, Người thấy nhiều con hổ đang chực chờ vố lấy người thợ săn. Thấy cảnh ngộ tương tàn, tương sát diễn ra trước mắt, trong lòng thái tử cảm thấy không vui. Thay vì tiếp tục cùng mọi người vui chơi lễ hội, thái tử tìm một nơi yên vắng dưới gốc cây để ngồi suy ngẫm sự sống này. Cuộc đời là thế đó sao?

Thời gian trôi qua, thái tử lớn lên với muôn vàn suy nghĩ và Ngài cũng lấy vợ có con như bao nhiêu người trên thế gian này.

Một hôm, nhân dịp đi dạo bốn cửa thành, thái tử lại chứng kiến cảnh người già, bệnh, chết và cách sống của một vị Sa-môn. Những điều đó làm cho thái tử Sĩ-đạt-ta càng thêm suy tư, thắc mắc trong lòng. Ta đây rồi cũng phải già, phải bệnh, phải chết như những người kia sao? Già thì đi đứng khó khăn, mắt mờ, tai điếc, gối mỏi, lưng còng. Bệnh thì đau đớn trăm bề, nhức nhối, khốn khổ. Chết thì nằm yên không cựa quậy được, ruồi bu kiến đậu, rữa mục thân xác. Ta rồi cũng phải vậy sao?

Thái tử đến gặp vị Sa-môn hỏi rằng: Tại sao người phải xuất gia làm hạnh sa-môn này đây, mai đó để làm gì? Vị Sa-môn giải thích cho thái tử biết làm hạnh Sa-môn là để tìm cách giải thoát khỏi khổ đau sinh, già, bệnh, chết. Từ đó, thái tử bắt đầu tìm ra một chút manh mối cho cuộc sống mới với nhiều hy vọng. Ngài ôm ấp suy tư này cho đến quên ăn mất ngủ, chẳng màng đến việc thụ hưởng dục lạc thế gian của một vị quyền uy bậc nhất trong thiên hạ thời bấy giờ.

Một hôm, thái tử lên trình vua cha xin được xuất gia học đạo và sau nhiều lần van xin như vậy, vẫn không được vua cha chấp thuận.

Vua cha bảo rằng: Tại sao con không theo truyền thống tu tập của Bà-la-môn giáo, lo chu toàn việc gia đình và xã hội rồi đi tu đâu có muộn màng gì? Từ xưa đến nay nhiều người vẫn làm như thế!

Thái tử liền thưa với vua cha, nếu ai cũng chờ đến già mới tu thì đã huân tập không biết bao nhiêu là thói quen xấu của thế gian, vậy đâu còn sức lực và trí tuệ nữa mà tu. Sau khi trình bày cho vua cha biết như vậy, thái tử mới yêu cầu nhà vua nếu cha giải quyết thỏa mãn cho con bốn điều kiện sau đây, thì con sẽ không xin xuất gia học đạo và sẵn sàng vâng lời chỉ dạy của cha yêu cầu:

• Làm sao cho con trẻ mãi không già?

• Làm sao cho con mạnh hoài không bệnh?

• Làm sao cho con sống đời không chết?

• Làm sao cho mọi người thoát khỏi già, bệnh, chết?


Vua cha bàng hoàng sửng sốt khi nghe con mình yêu cầu bốn điều kiện như thế. Ngài bảo:

• Này hỡi con yêu quý của ta! Tất cả mọi thứ trên thế gian này chỉ là tương đối mà thôi, con đòi hỏi và yêu cầu các điều kiện vượt ra ngoài quy luật thế gian, như thế thì làm sao cha có thể giải quyết cho con được, con hãy nên chính chắn suy nghĩ lại.

Biết con mình trước sau gì cũng tìm cách xuất gia, học đạo làm cho nhà vua càng thêm lo lắng, buồn rầu, khổ sở.

Bốn điều kiện mà thái tử đưa ra, trên thế gian này từ xưa cho đến nay chưa có ai thực hành được, làm sao mà có chuyện con người trẻ mãi không già, mạnh khoẻ hoài không bệnh, không chết và làm sao con người có thể thoát khỏi phiền não khổ đau.

Đến khi công chúa Da-du-đà-la sinh hạ cho thái tử đứa con trai đầu lòng, Đến lúc này người thấy rằng, có vợ rồi có con, đây chính là những chướng duyên, làm cho ta thêm sự ràng buộc. Nếu ta cứ chần chừ ở lại đây tiếp tục cuộc sống theo tình cảm ái ân thì không biết chừng nào mới giải quyết được khổ đau của kiếp người. Cho nên sau khi suy nghĩ chính chắn, Người quyết định từ bỏ tất cả để chuẩn bị cho đời sống xuất gia. Thế là Người bỏ lại sau lưng cuộc sống xa hoa, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, quyền uy thế lực, trong đêm vắng, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, hai lần quay vào trong nhìn lại vợ con lần cuối rồi cùng người tùy tùng Sa-nặc lén ra khỏi hoàng cung, vượt sông đến nước Ma-kiệt-đà, nơi có truyền thống tu tập tâm linh cao nhất thời bấy giờ để tầm sư học đạo.

Người tìm đến hai vị đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ để tu học. Trải qua năm năm tinh cần học đạo, những gì hai thầy đạt được Người đều thông suốt hết tất cả, nhưng vấn đề làm thế nào để giúp cho con người thoát khỏi già, bệnh, chết vẫn không giải quyết được. Do đó, Người từ giã hai vị thầy ấy, tiếp tục ra đi tầm sư học đạo.

Người nghe nói phương pháp tu ép xác khổ hạnh có thể đạt đến quả vị Niết-bàn không còn khổ đau và người tu theo phương pháp này, chỉ mặc áo quần không khí, trét tro kín người, đứng một chân tìm mọi cách để hành hạ thân xác mình, vì mọi người tu theo lối này cho rằng làm như thế để mau được giác ngộ và giải thoát.

Người vào rừng sâu tu theo phương pháp ấy sáu năm trường khổ khổ hạnh ép xác, mỗi ngày chỉ ăn vài hạt mè, hạt bắp. Đến nổi thân thể Người ốm yếu gầy còm chỉ còn da bọc lấy xương, tiều tụy, xanh xao không còn sức để tu tập nữa. Cuối cùng Người bị ngất xỉu, ngã quỵ bên vệ đường.

Trong lúc sức cùng, lực tận không đi đứng nổi, may mắn thay, một cô gái chăn bò nhìn thấy liền đến dâng cúng cho Người một bát sữa. Nhờ bát sữa của cô gái chăn bò tốt bụng, Người dần hồi được tỉnh trở lại. Từ đó Người quán xét lại các phương pháp mà Người đã tu, nếu Người tu hành mà còn hưởng thụ dục lạc thế gian thì giống như người nấu cát muốn thành cơm, không thể nào đạt đến giác ngộ giải thoát được. Còn lối tu khổ hạnh ép xác chỉ làm cho thân thể tiều tụy khốn đốn, khổ sở, tinh thần bất an cũng không thể nào đạt được đạo quả.

Sau đó, Người tự chiêm nghiệm quán chiếu và tìm ra phương pháp trung đạo, không hưởng thụ, không ép xác, sống quân bình trở lại, mỗi ngày đi khất thực, ăn đúng ngọ, ăn vừa đủ nuôi sống bản thân để hành trì tu tập.

Sau một thời gian thực hành theo phương pháp trung đạo, sức khỏe của Người được phục hồi trở lại bình thường và Người đến cội Bồ đề phát đại thệ nguyện: “Ta dù thịt nát xương tan, quyết không rời khỏi chỗ này nếu không chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề”. 

Người ngồi kiết già liên tục thiền quán soi sáng lại chính mình suốt bốn mươi chín ngày đêm, tinh cần siêng năng chuyển hóa dùng trí tuệ thẩm thấu tâm tư mà không cần ăn uống gì cả. Tại đây Người đã giác ngộ và giải thoát, chứng được tam minh.

Đầu tiên, Người chứng được Thiên nhãn minh, có được con mắt sáng suốt thấu rõ mọi sự vật từ gần cho đến xa mà con mắt phàm tình của chúng ta không thể nào thấy được. Người thấy rõ ràng con người sau khi chết sẽ tuỳ theo nghiệp tốt xấu của mình đã tạo trong hiện tại, mà được tái sinh chỗ xấu hay tốt.

Nếu ai gieo điều thiện lành tốt đẹp luôn giúp người cứu vật thì sẽ tái sinh trở lại ba đường lành; nếu ai gieo tạo nghiệp nhân xấu ác thì bị tái sinh vào ba dường dữ. Ba đường lành là cõi trời, cõi người và a-tu-la; ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chứ không phải chết là hết mà có rất nhiều người thường lầm tưởng như vậy, chết chỉ là thay hình đổi dạng tùy theo nghiệp nhân xấu tốt của mình đã tạo.

Do tu chứng mà thấy biết như vậy nên Phật nói: “Ta thấy chúng sinh đi trong sáu đường luân hồi, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy người qua kẻ lại, rõ ràng không sai sót”. Phật thấy rõ vòng luân hồi vô cùng tận của tất cả chúng sinh, nên Người khởi tâm mở rộng tấm lòng từ bi thương xót mà hướng dẫn lại cho chúng ta.

Kế đến Người chứng được Túc mạng tinh, thấu suốt được sinh mạng của bản thân mình từ vô số kiếp về trước một cách rõ ràng, tường tận về các kiếp quá khứ sinh ra làm gì, ở đâu Người đều thấy rõ, biết rõ. Điều này trong kinh A-hàm, Phật nói như sau: “Ta nhớ vô số kiếp về trước như người nhớ việc mới xảy ra ngày hôm qua”. Do đó, Người biết được con người từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu.

Cuối cùng, Người chứng được Lậu tận minh, tức là biết cách thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết một cách rõ ràng và chỉ lại cho tất cả mọi người nếu ai muốn thoát ly sống chết.

Tuy nhiên như vậy, trong đạo Phật có cái hay là không bắt buột ai tin theo một cách mù quáng, cuồng tín, Người chỉ là thầy dẫn đường, chỉ cho ta biết con đường này dẫn đến an vui, hạnh phúc, con đường kia dẫn đến sa đọa khổ đau, còn làm được hay không là do tự mỗi người quyết định.

Ai muốn tìm cầu giác ngộ, giải thoát để thành Phật rộng độ chúng sinh thì Người chỉ pháp tu hạnh Bồ-tát đạo.

Bồ-tát là người giác ngộ, không vì lợi ích riêng tư, luôn mở rộng tấm lòng thương yêu bình đẳng đến với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ hay chia sẻ những gì mình đang có, từ vật chất cho đến tinh thần, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui cho chính mình.

Bồ-tát tu sáu pháp Ba-la-mật để diệt trừ phiền não khổ đau. Bồ tát thấy rõ tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ, keo kiệt, hiểm độc là nhân nghèo khổ thiếu thốn khó khăn, cho nên Bồ-tát tu hạnh bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia để chuyển hoá lòng tham.

Thấy người ăn không ngồi rồi, buông lung sa đọa, cống cao ngã mạn làm cho đạo đức nhân cách băng hoại thì Bồ-tát tu trì giới để khuyên mọi người không sát sinh hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người và không dùng các chất gây say nghiện như là rượu, xì ke ma tuý cho nên nói “trì giới độ phá giới”.

Thấy người nóng giận là nhân gây thù chuốc oán, rồi dẫn đến chửi mắng, đánh đập cuối cùng giết hại, tạo ra nhiều tội lỗi mà làm cho mình và người phiền muộn khổ đau, cho nên Bồ-tát tu hạnh nhẫn, nhịn, nhường để chuyển hóa cơn giận dữ, cho nên nói “nhẫn nhục độ nóng giận”.

Thấy người lười biếng hưởng thụ bê tha là nhân dẫn đến hao tài tốn của, hư thân mất nết, chẳng giúp ích gì được cho ai Bồ-tát tu hạnh tinh tấn chuyên cần để chuyễn hóa ăn không ngồi rồi, nhàn cư vi bất thiện.

Thấy tâm tư lăng xăng, điên đảo, vọng tưởng là nhân dẫn đến bất an, lo sợ, Bồ-tát tu thiền định để dừng lắng mọi tâm tư vọng tưởng xấu ác có tính cách hại người vật, để sống trở lại với tâm thanh tịnh sáng suốt, cho nên nói “thiền định độ tán loạn”.

Thấy nhân ngu si là bị đọa vào ba đường xấu, nhất là các loài súc sinh Bồ-tát tu hạnh từ bi, trí tuệ để chiếu phá tối tăm, mờ mịt cho nên nói “trí tuệ độ ngu si”.

Ngoài việc biết tích lũy phước báo và siêng tu trí tuệ để cứu giúp chúng sinh, Bồ-tát còn phải tu sáu pháp Ba-la-mật để loại trừ các thói quen tật xấu, cho đến khi viên tròn quả mãn thì Bồ-tát thành Phật.

Đạo Phật đã hướng dẫn cho chúng ta thấu hiểu lý nhân quả để mỗi người sống có trách nhiệm hơn về những hành vi tạo tác của mình từ thân, miệng, ý. Nếu trong cuộc sống, chúng ta hay làm các việc thiện lành tốt đẹp thì được hưởng phước báo cõi trời người, còn chúng ta làm điều xấu ác thì phải chịu quả khổ đau. Đó là quy luật tất yếu và sinh tồn của xã hội, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay đày đoạ chúng ta cả.

Gieo nhân nào là gặt quả đó, chính đức Phật nhờ sự tu chứng mà thấy biết như thế và chỉ dạy lại cho chúng ta, chứ không phải do suy luận học hỏi từ kiến thức thế gian. Sự thấy biết của đức Phật là vô cùng, vô tận, không thể nghĩ bàn.

Thí dụ, như cách đây hơn 2.600 năm về trước, Người đã thấy rõ trong bát nước có vô số chúng sinh đang sống (vi trùng) hay là vô số thế giới trong bầu vũ trụ bao la này. Đến nay với sự tiến bộ của khoa học, các nhà bác học mới xác nhận điều này. Còn nếu bảo rằng, tất cả mọi hiện tượng, sự vật là do ngẫu nhiên, đương nhiên, khi không mà hình thành tốt hoặc xấu, không có nhân quả, nghiệp báo thì mọi người sẽ sống vô trách nhiệm đối với hành vi tạo tác của chính mình. Từ đó ỷ lại vào ân sủng của một đấng quyền năng nào đó… để chúng ta sống vô ý thức không chịu siêng năng làm việc mà ăn không ngồi rồi làm khổ cho gia đình và xã hội. Để chuyển hóa được phiền muộn khổ đau thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, đạo Phật đã chỉ cho mọi người hãy nên tin sâu nhân quả và áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

ANH NÔNG DÂN VÀ CON THỎ

Có anh nông dân nọ chuyên nghề làm ruộng để nuôi sống bản thân và gia đình. Hằng ngày anh lam lũ vất vả ngoài đồng từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi trời tối mịt mới về nhà, thế mà gia đình vẫn nghèo khó, thiếu trước hụt sau. Năm nào lỡ bị thiên tai lũ lụt xảy ra thì gia đình nhà anh phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, nợ nần chồng chất.

Một hôm, anh đang cuốc ruộng dưới nắng hè chang chang, quá mệt mỏi, anh ta vào ngồi nghỉ bên bờ ruộng dưới gốc cây. Ngồi dưới tán cây râm mát, nhìn ra ngoài đồng rực nắng, anh cảm thấy trong lòng buồn chán và suy nghĩ về thân phận nghèo khó của mình. Trước dòng suy nghĩ miên man anh cảm thấy cuộc sống của mình sao quá nhọc nhằn, cực khổ, suốt ngày phải làm lụng vất vả ở ngoài đồng một nắng hai sương mà chưa bao giờ có được một ngày cơm no, áo ấm.

Đang miên man với dòng suy nghĩ vẩn vơ về kiếp sống nghèo khổ của mình, bỗng dưng từ phía rừng sâu, một con thỏ chạy ra đâm sầm vào gốc cây chết liền tại chỗ. Anh nông dân tự nhiên vớ được con thỏ, anh vui mừng hớn hở và nghĩ rằng, từ nay về sau ta có thể thoát được cảnh nghèo khổ rồi. Anh phấn khởi xách con thỏ về nhà làm thịt, một nửa đem ra chợ bán lấy tiền, còn một nửa anh nấu cho cả nhà cùng ăn. Anh ta vui vẻ, khoái chí nói với vợ con rằng, gia đình ta kể từ nay về sau sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khổ thiếu thốn khó khăn và không còn làm ruộng nhọc nhằn, vất vả nửa. Bắt đầu từ ngày mai ta chỉ việc ngồi dưới gốc cây chờ đợi, chắc chắn ngày nào cũng có một con thỏ đến đây để nộp mạng cho mình.

Rồi anh ta cứ ra chỗ gốc cây ấy mà ngồi chờ, từ sáng sớm cho đến chiều tối, từ ngày này cho đến tháng nọ, anh nông dân chẳng thấy một con thỏ nào đến nộp mình cả. Dưới gốc cây, người ta chỉ thấy gã nông dân ngồi chờ với vẻ mặt bơ phờ hốc hác, thất vọng trông rất thểu não, thảm sầu làm sao đâu. 

Câu chuyện ngụ ngôn trên đã chỉ cho chúng ta một bài học quý báu và có cách nhìn đúng đắn hơn về giáo lý nhân quả, thay vì anh nông dân muốn có cơm ăn áo mặc thì phải gieo nhân thì mới gặt quả. Như muốn có thóc lúa, trước nhất phải cuốc đất rồi gieo mạ, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, dẫn nước vào ruộng, chăm sóc đúng theo tiến trình nhân quả và gặp lúc mưa thuận, gió hòa thì chắc chắn sẽ có một vụ mùa bội thu, gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

Chính vì quan niệm sai lầm của một số người cho rằng mọi việc đều ngẫu nhiên, khi không cùng với sự biếng nhác, không làm mà muốn có ăn. Anh nông dân cũng nằm trong trường hợp đó suy nghĩ, nhận định nông cạn, cứ tưởng rằng mọi việc xảy ra theo lẽ đương nhiên, như việc anh lượm được con thỏ, mà không biết rằng mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Con thỏ kia hoảng sợ bỏ chạy thục mạng, bởi nó đang bị thú lớn rượt bắt ăn thịt, nên thỏ vì sợ chết nên cố gắng tìm cách thoát thân, do đó chạy quá mức không định hướng đúng đắn mới đâm sầm vào gốc cây chết liền tại chỗ.

Còn anh nông dân, sau nhiều năm tháng cực nhọc với nghề làm ruộng nhưng vẫn không đủ sống, lỡ gặp năm hạn hán, bão lụt, mất mùa đành phải chịu đói kém thiếu thốn. Dù anh quanh năm suốt tháng tận tụy với nghề làm ruộng nhưng vẫn không đủ sức để nuôi gia đình, từ đó anh sinh tâm mơ mộng hão huyền, tưởng tượng ra đủ thứ.

Cho nên, khi anh đang ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây sau những lúc làm việc mệt nhọc, anh thả hồn theo mây gió suy nghĩ vẫn vơ, than phân trách phận cho kiếp sống của mình. Rồi anh mơ ước cầu trời đất ban cho anh có đầy đủ tất cả không làm mà vẫn có ăn và con thỏ vô tình làm cho ước mơ của anh hình như trở thành hiện thực. Vì thế, anh tin rằng, những điều mơ mộng của mình là đúng, cho nên anh không cần làm ruộng nữa mà mỗi ngày ra ngồi gốc cây chờ thời, trong lòng lúc nào cũng luôn hy vọng, có một con vật nào đó xốc tới nộp mạng như con thỏ lần trước.

Đây là tư tưởng và thái độ tiêu cực của một số người thiếu hiểu biết và không tin sâu về nhân quả, thích ăn không ngồi rồi, muốn không làm mà vẫn có ăn, từ đó sinh tâm biếng nhác, bê tha, hậu quả là không những bản thân anh, mà cả nhà phải chịu đói khổ.

Từ cuộc sống thiếu thốn nghèo hèn, con người thường hay ước mơ những điều viễn vông, huyền hoặc, không biết rằng mọi sự nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do mình tạo lấy, mình siêng năng làm việc gieo trồng phước báo thì cuộc sống ấm no đầy đủ. Nghèo khổ thiếu thốn khó khăn là do nhiều đời trước không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia hoặc hay gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều tiêu xài hoang phí. Đa số người nghèo khổ thiếu thốn khó khăn dễ sinh ra những tư tưởng mông lung, mơ ước hảo huyền lúc nào cũng mong cầu thần linh hay đấng quyền năng nào đó giúp đỡ, ban cho sự sống tốt đẹp.

Như anh nông dân kia, từ cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, trong lúc vô tình lượm được con thỏ làm cho anh phát sinh tư tưởng và hành động sai lầm. Anh ta cho rằng mọi việc là ngẫu nhiên khi không, có sự giúp đỡ của bề trên nên bỏ việc làm ruộng ra gốc cây ngồi chờ may mắn đến. Chúng ta vì không tin sâu nhân quả, không làm mà muốn có ăn, làm ít mà muốn hưởng nhiều đó là thói quen của những người thiếu hiểu biết và mê muội.

Ta muốn làm ra của cải vật chất thì phải biết kết hợp nhiều nguyên nhân, trước tiên con người phải siêng năng, cần cù lao động, biết áp dụng nhân quả một cách nhuần nhuyễn và chăm sóc đầy đủ. Thí dụ, như muốn có trái xoài, trước tiên ta phải có miếng đất trống để trồng rồi phải có hạt xoài, hay cây xoài giống rồi phải ra công chăm sóc tưới tẩm, bón phân trải qua ít nhất hai ba năm trở lên mới có kết quả được trái xoài. Còn kết quả được nhiều hay ít trái xoài là do thời tiết, cách chăm sóc của ta có phù hợp, có đúng mức hay không, chứ không phải chỉ có trồng cây xoài mà thôi.

Th&
loading...