Sách Phật giáo

Nhật trình Yên Tử: Thiền tông bản hạnh

Thứ hai, 15/01/2016 05:32

Trung tuần tháng 5/2012, Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm đã vinh dự được chính thức ghi danh vào danh mục di sản tư liệu trong chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là niềm tự hào vô cùng to lớn cho nhân dân Bắc Giang, mộc bản Vĩnh Nghiêm được ghi danh, sẽ là một điều kiện lớn để nhân dân địa phương có cơ hội phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế….

Ngoài các đầu sách hàm chứa nội dung về kinh Phật, luật giới, sách thuốc...thì trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những tác phẩm văn học bằng chữ nôm có giá trị. Ví dụ như: Cư trần lạc đạo phú (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo của Trần Nhân Tông. Vịnh Hoa Yên tự phú (vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang. Du Yên Tử sơn nhật trình (Nhật trình đi chơi núi Yên Tử), Thiếu Thất phú  do Bạch Liên tiểu sĩ soạn theo thể phú và thơ lục bát. Thiền tịch phú (Bài phú về chốn thiền tịch), Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (Bài hạnh kể về sự tích dòng thiền phái Trúc Lâm triều Trần ở núi Yên Tử) của Thiền sư Chân Nguyên. Giáo tử phú (Bài phú về việc dạy bảo con cái) của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đây là những bài thơ trong Tập Thiền tông bản hạnh - Nhật trình Yên Tử

Thiền tông bản hạnh - Nhật trình Yên tử là tập thơ nói về sự ra đời và truyền bá thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nội dung của tập sách dùng nhiều văn từ liên quan tới giáo lý đạo Phật và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Qua nội dung của tập sách này chúng ta thấy hai vấn đề đặt ra là:

Thứ nhất: Vẽ ra một lộ trình đi tu cho tới đắc đạo của Giác Hoàng điều ngự Trần Nhân Tông. Lộ trình ở đây đề cập là lộ trình cụ thể với địa danh cụ thể chứ không phải lộ trình của đạo Phật mà thiền phái Trúc lâm lan tỏa.

Con đường đi tu của Trần Nhân Tông bắt đầu đi từ Thăng Long rồi đến Bàn Than ở sông Lục Đầu. Rồi từ đó vào chùa Côn Sơn (Tư Phúc tự). Lại từ khu Côn Sơn đến chùa Tăng Giác, Bác Mã ở huyện Chí Linh (Hải Dương). Đi tiếp đến chùa Quỳnh Lâm (ở huyện Đông Triều) rồi đi vào núi Yên Tử. Trong khu vực Yên tử ngài đến chùa Lỳ Lân (Am), suối Giải Oan, rồi lên Hoa Yên, Long Động, Tử Tiêu, Ngọa vân, Vân Tiêu.

Thứ hai:
Qua tác phẩm cũng đã cho thấy ở thời Trần đạo Phật rất thịnh hành. Từ Tuệ Trung thượng sĩ đến Trần Thái Tông rồi đến Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa, Huyền Quang. Tiếp sau đó là Trần Anh Tông và Trần Minh Tông – tất cả đều là các bậc tiền bối của thiền phái Trúc Lâm Yên tử và cũng là những người in dấu chân Phật trên khắp dãy núi Yên Tử ở vùng Đông Bắc Việt Nam rồi truyền bá trong cả nước. 
 
Lộ trình mà các vị tiền bối Trúc Lâm Trúc Yên tử đã đi kể trên là con đường phía đông Yên Tử. Điều này phản ánh rất rõ nét trong các câu có các địa danh liên quan ở Đông Yên Tử thuộc hai huyện Chí Linh và Đông Triều.

Thế còn vùng Tây Yên tử được phản ánh như thế nào trong tác phẩm này? Điều này xin được lưu ý là: Lộ trình kể trên chỉ nhắc tới một số địa danh ở đồng bằng và chân núi phía Đông sơn phận Đông Yên Tử như Côn Sơn, Bác mã, Quỳnh Lâm …chứ còn vào Yên tử thì đó là đất Phật, đất Bụt. Tác phẩm chỉ nhắc tới chùa Yên Hoa, Vân Tiêu, Long Động…là các di tích liên quan trực tiếp tới “Kinh đô Phật giáo” của Trúc lâm Yên tử thôi. Còn các địa danh khác, tác phẩm chỉ nói chung là “đất Bụt”.

Đất Bụt là vì ở đó có Bụt, có tâm Bụt, có hiệu của Bụt. Đó là cõi cực lạc mà thiền phái Trúc Lâm Yên Tử quan niệm. Bởi vì thế mà trong Yên tử Nhật Trình nhắc đi nhắc lại lại rất nhiều từ: Bụt – Phật – Quan Âm – A Di Đà vậy. Chính vì thế không chỉ ở ngay chùa Đồng Yên tử – vua Trần cho khắc lên đá lớn chữ Phật lớn mà còn đặt tên cho các núi ở dãy Yên tử thuộc địa phận Bắc Giang, Hải Dương mang chữ Phật, chữ Bụt và các từ liên quan đến đạo Phật – ta có thể dẫn chứng ra được như sau:

* Núi Phật Sơn là núi nằm ở địa phận xã Lục Sơn – núi này từ xa đã nhìn như thấy đức Phật nằm nhập niết bàn – đầu hướng về phía tây. Hình tượng này rất đẹp và hùng tráng. Từ Vô Tranh, Mai Sưu … đi vào Đồng Thông đã thấy hình ảnh này từ xa rồi. Về núi này, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Phật Sơn ở xã Hổ Lao (nay thuộc xã Lục Sơn – Lục Nam) cách huyện Lục Ngạn 12 dặm về phía nam. Thế núi cao vót và bằng phẳng. Phía đông có Liên Sơn (ở xã Vĩnh Ninh), phía tây có Định Sơn (ở xã Áng Trì). 

Sách Chí Linh địa chí cũng chép: “Núi Doanh Sơn còn có một tên nữa là Phật Sơn, cao 60 trượng. Từ Yên tử khởi làm tổ sơn, kéo tới Độn Sơn thì chia làm 3 chi – một chi kéo về phía Tống Sơn rồi tới chùa Huyền Thiên làm thanh long bên trái, một mạch nữa kéo về phía bắc làm thành Liên Sơn…”

Cũng về phía Sơn Động, lại có núi Bụt, ở đó có đèo Bụt. Bụt với Phật thì cũng như nhau. Nhưng Bụt thì gắn với ý nghĩa các từ ở Nhật trình Yên tử và Thiền tông bản hạnh hơn.

Từ Phật Sơn, lại đẩy ra núi Quan Âm (tên nôm là núi Am vãi) ở huyện Lục Ngạn. Núi này sách Đại Nam thống chí cũng nói đến là: “Núi Am Ni (ni với vãi giống nhau) ở xã Nam Điện, phía nam huyện Lục Ngan, mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến. Phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai cái bồn bằng đá. Trên núi có nền chùa cũ”. Chùa là chùa Am Vãi có tháp đá mang tên “Bảo tháp liên hoa”. Trong đó có bài vị của thiền sư phái Trúc lâm Yên tử.

Ngoài ra còn có nhiều địa danh liên quan tới nhà Phật ở trên đất Bụt, đất Phật Yên tử nữa mà ở đây không kể hết. 

Suy ngẫm về điều này, ở đây xin trích 1 đoạn ở Nhật Trình Yên tử như sau:

“Mở bội tìm lên cũng nghĩa thiên
Ngoảnh xem phong cảnh thắng bồng tiên.
Lầu son mấy nóc in sườn núi
Tượng báu nghìn tòa ngự bệ sen
Nhạn trắng chim vàng kêu tiếng pháp
Thông reo suối biếc nỗi lòng thiền
Khi thơm ngào ngạt mùi hương tuệ
Tháp ngọc muôn đời dấu tổ nguồn
Tiêu dao quạt gió đèn trăng
Rằng: Mình đất Bụt ngả lưng rừng thiền
Định thần một giấc đã yên
Sáng ngày thong thả bước lên ngàn từ
Bốn thầy năm bầy nhởn nhơ
Hoa ngào bóng thánh gió đưa hương thần
Thơ ngâm hài bước đăng vân
Mây Đầu trời biếc chỉ chân đất vàng”

Qua câu này ta thấy rõ: Đất Phật là đất Bụt, là đất Yên tử Sơn. Nơi ấy có rừng thiền. Phật và Bụt hiện hình vào sông núi Yên Tử mà thành Phật Sơn, núi Bụt, đèo Bụt, núi Quan Âm, núi Liên Sơn (Hoa sen), Thù Sơn, Độn Sơn, Tượng Sơn, Am vãi, Hòn Tháp, Hòn Chùa…đều là những cái tên gắn với đất Phật (ở địa phận các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam…). Đỉnh núi cao nhất ở xã Nghĩa Phương mang tên là Mây Đầu đã đi vào trong thơ Nhật trình Yên tử chăng? Từ đó xuống chùa Mã yên của Pháp Loa, xuống chùa Hòn Tháp, sang chùa Bình Long, lên chùa Hồ Bấc, Thanh Mai rất gần. Đất vàng là đất ở suối nước Vàng ở xã Lục Sơn (Lục Nam)? Nơi ấy là khu vực có chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên (Quảng Ninh), chùa Đồng Vành, đền Cửa Phủ thờ các vị vua Trần và các sư nhà Trần.

Chính vì thế mà khi các bậc tiền bối viết tập Yên Tử Nhật trình đã kết luận dãy Yên Tử chính là đất Bụt, chính là rừng Thiền mà từ đó để người đời mãi mãi tới chiêm ngưỡng….

Trần Văn – Lệ Chi
loading...