Kiến thức

Nhớ nghĩ đến sự chết, tiêu cực hay tích cực?

Thứ năm, 21/09/2022 01:48

Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác, nhận thức được án tử đang lững lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào để đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử?

Này các Tỷ kheo, khi ngày vừa tàn, đêm vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là chướng ngại.

Này các Tỷ kheo, khi đêm vừa tàn, ngày vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là chướng ngại.

Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần suy nghĩ như sau: Ta còn những pháp ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu lỡ mạng chung đêm hoặc ngày nay, chúng có thể là những chướng ngại cho ta. Biết được như vậy, Tỷ kheo ấy tinh cần, nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.49)

Sanh không mang đến, chết không mang theo, cớ sao ta mãi nặng lòng?

233691954_1038222040321332_8524312073567975661_n

Lời bàn: 

Đời sống của con người thật quý giá nhưng cũng thật quá đỗi mong manh. Hôm nay còn khỏe mạnh, vui sống nhưng ngày sau sẽ ra sao vẫn là điệp khúc bí ẩn vấn nạn nhân sinh muôn thuở. Con người chỉ chạnh lòng, tê tái khi chứng kiến cảnh vô thường sống chết xảy ra với mọi người xung quanh mà chẳng mấy ai lưu tâm đến điều ấy có thể xảy ra với mình.

Theo tuệ giác của Thế Tôn thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở, một khi thở ra mà không thở vào là kết thúc một đời người. Do vậy, quán niệm và đối diện với sự thật của chính mình rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều mỗi người phải thực hành. Chính nhận ra sự mong manh, tạm bợ, nay còn mai mất của kiếp người sẽ giúp con người biết trân quý cuộc sống hơn. Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác, nhận thức được án tử đang lững lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.

Cuộc sống xung quanh ta luôn biến động, đầy dẫy những tai nạn, rủi ro và bất trắc. Ý thức rõ ràng về sự chết có thể đến với con người bất kỳ lúc nào, người con Phật không hẹn ngày mai. Sống trọn vẹn với giờ phút hiện tại, bớt tham ái, hỷ xả, tha thứ và luôn nghĩ đến mọi người đồng thời tinh cần thực hành các thiện pháp. Nghĩ đến vô thường, thần chết đang rình rập là một cách thể nghiệm sự thật của đời sống. Cuộc sống sẽ bớt khổ đau và con người sẽ thương nhau hơn nếu như mọi người biết suy niệm về cái chết.

loading...