Sống an vui
Nhớ về mùa hạ, mong các em vững bước vào đời
Thứ sáu, 14/08/2020 10:08
Mỗi khi hoa phượng nở đỏ là mùa thi, mùa của những bịn rịn, vấn vương lại tới. Có những chiếc áo trắng phủ đầy nét bút của các bạn chung lớp; có những giọt nước mắt trong veo của tình bạn tuổi học trò; có những người thầy hoe hoe mắt đỏ, lòng biêng biếc chênh chao...
Tuyên Quang: Chung tay tiếp sức cho sỹ tử trong mùa thi 2020
Mùa Hạ, nắng trải vàng trên khắp các nẻo đường. Nắng làm cho hoa bằng lăng thêm rực rỡ. Dường như cái sắc tím ấy cũng được phủ lên bởi một "lớp niềm vui"? Nắng buông xõa trên những mái tóc của các cô gái đương tuổi thanh xuân. Những nụ cười thanh tân cũng tươi như màu nắng. Hè về, hoa phượng đỏ rực cho nắng thêm phần lung linh, còn ngọc lan nơi góc phố như ướp hương cho nắng thêm ngọt ngào và nồng nàn như mật.
Những con phố trải dài. Những thành cổ im lìm. Những ngôi thành cổ nơi đây nay vẫn còn nguyên vẻ uy nghi vững chãi. Đây là nơi mà ngày xưa, cha ông đã lựa chọn để xây dựng chốn kinh kỳ. Dấu tích của quá khứ đã bị lớp lớp thời gian phủ mờ như chính những mảng rêu giăng bám trên từng viên gạch đỏ. Màu của thời gian cũng là màu của kỷ niệm, của lịch sử, của cội nguồn.
Yêu thương là mạch nguồn nuôi dưỡng tình thầy trò, huynh đệ
Mùa hè, có một Hà Nội rất khác. Cột cờ Hà Nội bay phấp phới dưới khung trời xanh rười rượi không một gợn mây. Mặt hồ loang loáng trong sắc vàng lấp lánh. Văn Miếu ríu ran tiếng đùa vui của những cô bé, cậu bé và cả những bạn trẻ vừa tốt nghiệp phổ thông. Lớp lớp học sinh ngày nay, cứ sau một năm học hoặc khi bắt đầu học kỳ mới thường sẽ tới dâng hương và chụp hình lưu niệm, đánh dấu một năm học đã qua.
Mùa hè vẫn luôn là mùa đáng nhớ nhất đối với các cô cậu học trò. Chẳng vậy mà tôi, đến hôm nay vẫn còn nao nao lòng khi thấy các em bên nhau trong những tấm hình kỷ yếu. Những khuôn mặt trong veo đã gắn bó cùng thầy bạn suốt thời phổ thông, thời trung học sắp phải chia tay nhau, chia tay một năm học và mái trường thân thương. Mỗi khi hoa phượng nở đỏ là mùa thi, mùa của những bịn rịn, vấn vương lại tới. Có những chiếc áo trắng phủ đầy nét bút của các bạn chung lớp; có những giọt nước mắt trong veo của tình bạn tuổi học trò; có những người thầy hoe hoe mắt đỏ, lòng biêng biếc chênh chao khi nhìn lũ học trò rời xa những bảng đen phấn trắng, lại sắp phải đối mặt với những kỳ thi không giám thị mà đầy rối ren phản trắc ngoài cuộc đời kia...
Cũng có sự đồng cảm sâu sắc với trái tim của những người thầy, các bậc làm cha, làm mẹ đôi khi khắt khe với con mình cũng là bởi đã thấy ở đời sống xã hội quá nhiều những gian khó. Cố nhiên, lẽ thường ai cũng muốn con em mình gặp những tốt lành nhất.
"Nuôi dạy con là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Thời gian đầu làm cha mẹ là giai đoạn nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời bạn, mở ra cho bạn tình yêu và sự phát triển mà bạn chưa từng trải qua. Hãy dùng những năm tháng đó để khai thác sự sáng tạo của bản thân cũng như sáng tạo của con trẻ. Bạn sẽ cùng con yêu thương và phát triển cùng nhau. Việc đánh thức sự tò mò và khám phá của con trẻ sẽ giúp khơi dậy sự tò mò của riêng bạn. Sự rèn luyện sáng tạo, một mình và cùng với con, sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Với đủ sự lạc quan, con của bạn sẽ có một cuộc sống phong phú và giàu tính phiêu lưu", tác giả Julia Cameron đã viết trong cuốn Sáng tạo không áp đặt như vậy.
Nhưng sự sáng tạo rõ ràng không chỉ dừng lại ở những điều kiện, bối cảnh tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Con trẻ học nhiều hơn từ xã hội. Giáo dục gia đình có vai trò làm nền tảng; giáo dục trong trường học có vai trò gợi mở và định hình tư duy trong những buổi đầu. Tại trường học, môi trường học tập không áp lực điểm số hay thi cử; điều kiện cơ sở vật chất tốt; các con được thầy cô, bạn bè và gia đình chăm sóc kỹ lưỡng là điều ngày nay được nhiều cha mẹ quan tâm và cố gắng xây dựng cho con. Nhưng, áp lực mới là cuộc sống.
Có câu, gỗ tốt không mọc trên đất phì nhiêu. Vừa phải vượt qua đủ áp lực, khó khăn, vừa có những trắc trở, gian nan mới có thể phát triển được khả năng tiềm tàng trong mỗi con người. Sự kiên nhẫn, khả năng vượt khó, sự dũng cảm, lòng trắc ẩn, bao dung...ta học ở đâu nếu không phải từ những sai quấy, những va vấp, những vụng về ở đời, ở người và ở chính bản thân mình?
Tôi nhớ đã đọc đâu đó một câu chuyện về hai cha con đi trên bờ biển. Người cha đi trước dặn con bước vào dấu chân của mình. Cậu bé xem đó là một trò chơi thú vị vì bước chân rộng của người cha và cậu phải nhảy theo mới vừa nhịp. Khi trở thành một doanh nhân, cậu mới hiểu rằng, cha cậu không muốn chân con trai mình bị cắt bởi mảnh chai và vỏ sò.
Mong các em hiểu lòng cha mẹ, thầy cô. Mong mỗi mùa Hạ qua, lớp lớp các em sẽ đều trưởng thành, vững bước vào đời và kiến tạo cho mình một tương lai tươi đẹp!
> Xem thêm video: "Ăn chay đối với giới trẻ":