Kiến thức
Những bài học về cách “tùy duyên” mà người đệ tử Phật cần nên thực tập
Chủ nhật, 11/11/2023 09:01
Kinh Phật dạy có hai nguyên tắc quan trọng: Tùy duyên và bất biến. Tùy duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện...mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp. Còn Bất biến là không được thay đổi những gì nòng cốt như giới luật, kinh điển, đạo hạnh, những điều này mà thay đổi thì không còn gì là Phật giáo nữa.
Bài học 1: Học cách sống như những bụi tre, khóm trúc
Uyển chuyển, mềm mại là một trong những đặc tính của những bụi trúc, cây tre. Nó không bao giờ gãy đổ trước những cơn giông bão, luôn nương chiều theo cơn bão đó nên sẽ đứng vững, mà không gãy đổ. Vì vậy, chúng ta là những cư sĩ Phật tử, khi tiếp cận với những vấn đề trong cuộc sống thì cũng cần uyển chuyển, “hòa nhập nhưng không hòa tan” để xây dựng cho mình một nghệ thuật sống đối với đương sự, hiện trường, hoàn cảnh.
Bài học 2: Thực tập đời sống vô ngã như những dòng sông
Sở dĩ, con người khổ là vì cố chấp, mà cố chấp là không biết tùy duyên. Tất cả các pháp đều là nhân duyên, không có một pháp thật thì tại sao chúng ta phải bám một chỗ để mà chịu khổ. Hãy sống như những dòng sông, khi chảy vào đến biển rồi cũng phải dứt bỏ cái nguyên chất của nó, mà chung lấy một chất với nước biển. Chúng ta sống tùy duyên là phải từ bỏ cái tôi cố chấp, thiên lệch, ích kỷ nhỏ hẹp của mình để sống hòa mình, đồng điệu với gia đình, bạn bè, với tất cả mọi người và vạn hữu chúng sanh.
Bài học 3: Giữ tâm thênh thang như những đám mây
Đây là thái độ sống không vướng bận, bởi vì đám mây không cố có định một chỗ, luôn trôi bồng bềnh, gặp lạnh thì đông lại, gặp gió thì tản ra, theo nhân duyên mà tụ tán… Người đệ tử Phật nên giữ tâm thênh thang, tự tại, luôn cởi mở đón nhận mọi sự mọi việc trong cuộc đời một cách không chấp thủ, không dính mắc.
Bài học 4: Hãy tu tập tâm như đất, nước, gió, lửa, hư không…
Trong kinh Trung Bộ, Đại kinh Giáo giới Rahula, số 62, Đức Phật đã nói rõ ý nghĩa thế nào về sự an trụ tâm trước những biến thiên của dòng đời, cách thức tu tâm của người con Phật và thái độ đón nhận chúng xảy ra trên cuộc đời:
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như nước. Ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tụ tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa. Ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió. Ví như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái không, khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.