Đức Phật
Những bài học ý nghĩa rút ra từ cuộc đời Đức Phật
Thứ sáu, 18/10/2021 09:58
Cuộc đời của đức Phật rất vĩ đại, vô vàn những điều hay, chúng ta không tài nào học hết được. Lý do đầu tiên là mình không thể biết hết để học. Chưa có ai dám tự nhận mình là người biết hết những điều hay của đức Phật.
Chúng ta chỉ nhận biết được phần nào thôi cho nên khó học hết. Một lý do nữa là những điều được nghe, được học, được hiểu, nhưng chúng ta không dễ hiểu hết thâm ý đức Phật muốn chỉ trong đó. Và điều thứ ba, thí dụ như quý vị đang ở Đà Nẵng, làm công việc ồn ào, chưa bao giờ ra cảnh núi rừng thanh vắng như thế này thì chúng ta không thể nào hình dung ra hay cảm nhận được cảm giác thanh tịnh giống như mấy hôm mình đã ở lại đây. Chỉ có ai ra đến đây rồi thì mới cảm nhận hết được.
Cũng thế, nếu chưa ở trong cảnh giới của Phật thì chúng ta sẽ không thể thấy hết để học theo. Chỉ có Phật mới biết đến cảnh giới Phật. Nếu chưa như thế thì không dễ hiểu thấu hết thâm ý của Phật, cho nên khó học hết những điều hay từ đức Phật. Chừng nào chưa thành Phật, ngày đó chúng ta chưa thể học hết những bài học từ cuộc đời đức Phật muốn dạy mình. Mới biết, bài học từ cuộc đời đức Phật rất lớn lao. Cho nên hôm nay trong phạm vi hạn hẹp, chúng ta chỉ học những bài học gần gũi, bình dị, vừa sức chúng ta có thể hiểu biết, cảm nhận và ứng dụng được.
Vì sao 1 thời pháp của Đức Phật có thể ứng hợp mọi trình độ hiểu biết?
1. Duy ngã độc tôn
Có lẽ phần đông quý vị có hiểu biết về lịch sử cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho nên quý Thầy không nhắc lại. Chỉ ôn sơ qua một vài điểm để chúng ta học theo thôi. Ngài là một vị thái tử tên Tất-đạt-đa, hay còn gọi là Sĩ-đạt-ta, có nghĩa là “người được toại nguyện”. Vì qua bao nhiêu mong mỏi, vua Tịnh Phạn mới có được một vị thái tử duy nhất, Vua rất quý cho nên nhân đó đặt tên. Vừa mới ra đời, Thái tử đi trên bảy hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói:
Thiên thượng, thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử.
Nghĩa là “Trên trời, dưới trời, chỉ ta là hơn hết. Tất cả thế gian đều bị chi phối bởi sanh, già, bệnh và chết”. “Chỉ ta hơn hết”, chữ TA không phải là cái ngã thể sanh diệt, không phải là cái thân tứ đại này, mà chữ TA ở đây là trí giác, là Phật tâm, là sự giác ngộ. Khi vừa ra đời, điều đầu tiên Ngài tuyên bố cho mọi người biết, trên trời, dưới trời, chỉ có con người giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ là trên hết. Ngoài ra, tất cả những thứ khác chỉ thuộc về sanh, già, bệnh, chết, tức là chỉ thuộc về vô thường, biến hoại, không thật, không có gì đáng trân quý. Cụ thể hơn, lìa sự giác ngộ thì làm gì cũng rơi vào vô thường, biến hoại, huyễn hóa.
Có lần, quý Thầy gặp một anh nọ bảo rằng: “Sanh ra trên đời, ai cũng có một lý tưởng riêng và lý tưởng nào cũng tốt.” Tất cả chúng ta đều có lý tưởng riêng và mỗi lý tưởng đều có mặt tốt của nó. Nhưng nếu nói tất cả đều tốt thì có vẻ chung chung nên quý Thầy chưa hài lòng lắm. Chúng ta cần phải trắc nghiệm, kiểm tra lại lý tưởng sống của mình để không bị nhầm. Cụ thể mỗi một chúng ta đều có quyền chọn cho mình một lý tưởng sống và hằng ngày chúng ta đang sống với lý tưởng đó. Nhưng lý tưởng đó nó có đủ lớn để bảo kê cho cuộc đời mình hay không? Điều này quý vị có thể kiểm nghiệm qua ba trường hợp:
1. Khi gặp một điều vui, trong lòng quý vị có được vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra hay không?
Nếu vẫn bình thường thì lý tưởng sống nó mới đủ lớn để bảo kê cho mình được. Bởi lẽ khi vui quá là không bình thường, là động tâm. Mà tâm động thì chúng ta sẽ yếu. Tâm yếu thì dễ bị chi phối, không tự chủ, đưa đến khổ đau. Còn đưa đến khổ đau thì lý tưởng ấy chưa bảo vệ cho mình được. Ví dụ chúng ta đang hào hứng, hăng say với một công việc nào đó mình cho là quan trọng, là hay. Bỗng dưng có ai đó phản bác, chặn lại, làm ngược đi với những ý tưởng của mình, chúng ta sẽ bất mãn, bực bội, bỏ cuộc. Ngược lại, cũng một công việc đó, nhưng mình làm trong an tỉnh. Nhỡ có ai đó chặn lại, chúng ta sẽ bình tỉnh, tìm cách thuyết phục, vượt qua, phương án ấy sẽ được khả thi, đưa đến thành công tốt đẹp. Như vậy, hào hứng, hăng say nó chỉ được một chiều. Nhưng vì là tướng động nên làm cho mình yếu, không đủ sức để vượt qua chướng ngại.
An tỉnh mới đủ sức vượt qua những thử thách rào cản trong cuộc sống. Cũng thế, gặp cảnh vui mà chúng ta vui được thì đó là động tâm. Lâu ngày tâm động này thành thói quen, thành sức mạnh cho nên khi gặp cảnh khổ chúng ta cũng không tự chủ được và cũng sẽ khổ não. Bởi vậy khi gặp cảnh vui mà chúng ta động tâm vui được thì khi buồn chúng ta cũng sẽ động tâm và buồn được, các khổ từ đó có ra. Nếu người sống với một lý tưởng nào đó mà khi gặp chuyện vui họ vẫn bình thường, vui một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ, tâm mình không động. Chính năng lực không động này cho ta một sức giác rất lớn, các khổ não không còn giá trị, chúng ta luôn được an vui. Chính lý tưởng giác ngộ đó sẽ đủ tư cách chuẩn xác, bảo kê cho đời mình không bị khổ.
2. Thứ hai, lý tưởng chúng ta sống làm sao phải đủ sức, khi gặp cảnh khổ, chúng ta vẫn bình thường không khổ, hay ít khổ, không khổ nhiều đến nỗi quá sức chịu đựng.
Được vậy, lý tưởng ấy mới có lợi ích, mới đủ tư cách bảo kê cho mình được. Ví dụ sáng sớm thức dậy gặp chuyện không như ý. Lên công sở thì gặp việc bực bội. Một lúc sau lại gặp chuyện không vui, rồi những chuyện vớ vẩn đâu đâu nó lại ùa đến làm mình khó chịu. Một lúc mình bị đụng một chút, cho đến chiều thì chúng ta sẽ bị căng thẳng, bức rức, yếu mỏi vô cùng. Khi mỏi mệt thì tâm mình càng trở nên suy yếu, càng gia tăng sự căng thẳng và bực bội. Càng căng thẳng, bực bội thì lại tâm mình lại càng bị suy yếu đi. Cứ như thế nỗi bực bội mỗi lúc một lớn và đưa đến khổ đau.
Nếu vừa có một niệm khó chịu, chúng ta chấn chỉnh ngay thì tâm mình sẽ trở lại trạng thái an ổn ban đầu, điều khó chịu thứ hai, thứ ba không có chỗ tiếp nối, chúng ta được an tịnh. Như vậy không ai, không điều gì có thể làm cho mình khổ đau được. Ngay một niệm đầu đó chúng ta soi lại, hóa giải thì tâm mình trở nên an tĩnh, sức giác từ đó có ra. Theo thời gian sức giác ngộ này lớn mạnh, các khổ tự nhiên được tiêu trừ, chúng ta được an vui mãi mãi. Cho thấy, chính sức giác ngộ này là một lý tưởng đủ lớn để bảo vệ cho mình an vui miên viễn được.
3. Và tiêu chí cuối cùng là lý tưởng sống suốt cả đời đó làm sao để khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, mình cảm thấy bình thường, ổn định, không có gì xao xuyến, lo âu, hoang mang hay sợ hãi...
Nói như thế không phải sống để chờ chết, để phục vụ cho cái chết. Nhưng vì chết là một điều ai cũng cảm thấy lớn lao và sợ sệt, cho nên đem nó ra để đo lường với lý tưởng của mình xem, lý tưởng ấy đã đủ lớn để làm chủ được sự sống chết hay chưa. Với sự giác ngộ, chư Phật, chư vị Tổ sư, các vị tiền bối đã minh chứng hùng hồn cho một sự ra đi an nhiên, tự tại. Mới thấy, sức giác ngộ lớn lao đến dường nào!
Nếu một lý tưởng ổn định, đủ lớn để bảo kê được ba tiêu chí trên thì quý vị đã chọn được cho mình một lý tưởng đúng, chuẩn xác. Ngược lại, nếu chọn một lối sống mà khi gặp ba sự việc trên, chúng ta còn bị nó chi phối thì lý tưởng kia không bảo kê được cho mình. Đó là chúng ta đã chọn một lối sống không thiết thực có lợi, là một lý tưởng chưa được xác đáng.
Khi người con muốn xin một điều gì đó ở bố mẹ, chúng thường nhìn nét mặt, ánh mắt bố mẹ hôm đó được vui không. Nếu đang vui thì biết lòng đang an ổn, sẽ sẵn sàng cho. Một buổi sáng thức dậy với một tâm thái an ổn, nhẹ nhàng thì mọi việc hanh thông. Sự việc có đến như thế nào mình cũng cảm thấy bình thường và giải quyết rất trôi chảy. Ngược lại, bằng một tâm thái không ổn định, bấn loạn, bực bội thì gặp điều gì cũng dễ bực, làm gì hỏng đấy. Mới thấy tâm thái lặng lẽ ấy cần thiết cho cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Đức Phật và đại nguyện giáo hóa chúng sinh
Giác ngộ là tâm thái tự lắng sáng một cách tuyệt đối. Người luôn sống bằng tâm giác sáng, lặng lẽ, không động đó là người giác ngộ. Người ấy sẽ có một nguồn an lạc vô biên. Sống bằng tâm giác đó thì nó đủ lớn để tất cả cảnh trở nên bình thường, không còn đủ sức chi phối con người giác ngộ ấy. Mới thấy, sự giác ngộ là trên hết. Đó là tinh thần đức Phật đã nói: “Duy ngã độc tôn.”
1/ Với cảnh vui: Nếu hằng ngày, ở mọi hành động quý vị luôn luôn sống bằng tâm phẳng lặng, giác sáng, không manh động quá. Lâu ngày tập thành thói quen, tự nó sẽ tạo thành một nguồn năng lượng vô hình, tạo nên sức mạnh cần thiết. Khi gặp cảnh vui, chúng ta cũng không dễ động. Ngay khi không động thì người mình vững vàng, sáng suốt, tỉnh tại, lạc an, tươi vui. Từ đó nhìn cái gì cũng tươi mát, tâm mình rộng hơn, nhìn ai cũng bằng tâm cởi mở, dễ cho ra hơn... Điều đó đã minh chứng được một lý tưởng sống đã phục vụ tốt cho mình và người, là một lý tưởng đúng nghĩa.
2/ Với cảnh khổ: Cũng sống bằng tâm phẳng lặng, giác sáng, an lạc vô biên đó. Khi gặp cảnh khổ, cảnh trái ý nghịch lòng, tất cả cảnh ấy không đủ lớn để làm cho chúng ta khổ được. Vậy là sự giác ngộ đã bảo kê được cho mình rồi.
3/ Với cái chết: Trong bất cứ trường hợp nào, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta luôn luôn sống bằng tâm lặng lẽ, giác sáng, an vui suốt cả một đời như vậy. Cho đến khi sắp nhắm mắt lìa đời, sức sống ấy rất lớn, bỗng dưng chúng ta cảm thấy chuyện sống chết rất bình thường, cái chết không còn đủ sức chi phối chúng ta nữa. Thật sự an nhiên, tĩnh tại. Nếu sức huân hằng ngày còn ít, chưa đủ mức để được như thế thì lực ấy cũng khiến chúng ta cảm thấy tỉnh sáng, an ổn. Thấy thân này không phải thật là mình, cảnh này không phải cố định của mình, cuộc sống chỉ là một khoảng gá mượn để thực hành việc giác ngộ... Khi đó tâm mình tự lặng an, sáng suốt, biết hướng đi. Mới thấy, chính sự giác ngộ đã bảo kê cho chúng ta được an ổn khi sắp lìa đời.
Đảm bảo được ba điều kiện đó thì mới đúng nghĩa một lý tưởng, một điều mà ai trong đời cũng thấy cần phải hướng đến. Sống được như vậy là sức sống của một người giác ngộ. Sức sống giác ngộ ấy có giá trị vô biên cho mình và mọi người cho nên sự giác ngộ là trên hết. Đức Phật đã nói, trên trời, dưới trời, cả cõi nước này, đối với tất cả mọi thứ, chỉ có sự giác ngộ là trên hết.
Ngoài ra, không giác ngộ, rời tâm giác mà sống, mà làm thì tất cả chỉ là rơi vào sanh diệt, vô thường, không đưa đến một cuộc sống chắc chắn an lạc, an toàn, an vui tuyệt đối. Đó là điều rất trọng yếu, khi vừa ra đời đức Phật đã tuyên bố, đã nói cho chúng ta nhận biết trước để hướng đến. Đó là cái chính yếu, cái gốc. Nếu học được, nắm bắt và sống được ngay cái gốc này thì mọi việc đã được hoàn thành. Nếu chưa như thế thì đức Phật chỉ từng bước cho chúng ta nhận thấy. Khi lớn lên, ngài là người văn võ song toàn. Những lúc ra khỏi hoàng thành, chứng kiến bốn cảnh sanh, già, bệnh, chết, thái tử ý thức sâu sắc về lẽ vô thường, về nỗi khổ kiếp người nên đã phát chí hướng thượng, phát tâm xuất gia.
2. Sự sống là khổ
Một lần đi xem lễ hạ điền, thái tử ngồi dưới tán cây nhìn các nông dân cày ruộng. Khi cày đất lên, côn trùng bò lúc nhúc, chim chóc sà xuống gắp ăn. Thấy vậy, thái tử tư duy, thấm nghiệm, cảm nhận, thấy ra được một sự thật. Con này sống từ sự chết chóc đau đớn của con kia. Con này được một miếng ngon thì con kia phải mất mạng, phải đau đớn vô kể. Sự sống con này là cái chết của con kia, cho nên Ngài thấy sự sống quá là đau khổ.
Cùng trước cảnh ấy, nếu chúng ta lăng xăng, lộn xộn, tâm thái đang loạn động thì khó thấy ra, khó thấm nghiệm và giác ngộ được như Ngài. Huống chi với một tâm quá thô tháo, không được hiền thiện, chính mình làm những việc ăn sống uống tươi thì làm sao, biết bao giờ mới có được cảm nhận đó! Bằng tâm tĩnh lặng, với tâm từ bi nên ngài thấy rõ và thương cho những con bị chết lẫn con sống. Ngài ý thức rằng, sự sống là khổ cho nên nói sanh là khổ.
Ngày xưa, quan niệm ăn chay chưa có. Nhưng khi thấy cảnh con này ăn con kia thì thái tử đã thấy thương tâm, đã thấy là tạo khổ đau cho nhau rồi. Bây giờ tinh thần ăn chay đã được mọi người biết đến rất rộng rãi, nhiều người thích ăn chay. Thế nhưng vẫn có không ít người không chấp nhận việc ăn chay. Có người vẫn nói “vật dưỡng nhân”, con vật sanh ra để phục vụ mình, cho mình ăn chứ việc gì phải ăn chay. Cái nhìn như thế là chưa đồng cảm với mọi loài, là trái chiều với cái nhìn của thái tử xưa kia. Khi thấy con chim ăn côn trùng là thái đã thương tâm rồi. Chúng ta đi ăn tươi nuốt sống những con vật mà không hề biết đến sự đau đớn của nó, còn nói động vật dưỡng nhân, vậy là chúng ta khá ích kỷ, từ tâm của mình còn bị khuất lấp.
Nếu thực sự con vật sinh ra để nuôi dưỡng chúng ta thì con gà, con heo... nó sẽ tự nguyện đến mời chúng ta làm thịt nó để ăn. Nhưng trên thực tế có con gà, con heo nào tự nguyện chạy tới nói, tôi sinh ra để phụng dưỡng con người, quý vị cứ giết tôi mà ăn đi, có con nào đến nói với chúng ta như vậy không? Hay quý vị bắt để làm thịt thì nó la thất thanh? Chúng ta rượt bắt thì nó hoảng sợ và chạy trốn? Sợ tức là sợ đau. Nó không sẵn sàng cho mình làm thịt, nhưng mình lại cưỡng bức giết nó để mình được ăn. Vậy là chúng ta bức ép nó chứ có con vật nào tự nguyện cho chúng ta giết đâu mà bảo là nó sinh ra để nuôi dưỡng mình!
Nếu nói vật dưỡng nhân là đúng thì quý Thầy sẽ nói “nhân dưỡng hổ”, tức là con người sinh ra để con cọp nó ăn. Vậy có quý vị nào tình nguyện đến trước miệng hổ để nó có một bữa ngon miệng no nê không? Hay nghe nói đã sợ, thấy con cọp sổng chuồng đã lo chạy trốn bán mạng? Gặp cọp chúng ta hoảng sợ bỏ chạy như thế nào thì con gà, con heo, con vịt thấy chúng ta cầm cái dao, nó cũng hoảng sợ và bỏ chạy như thế. Tỉnh táo một chút, sáng suốt một chút, mạnh mẽ một chút để nhìn lại cho trung thực thì sẽ thấy, khi bị đâm mổ, mình bị đớn đau, sợ hãi như thế nào thì con vật nó cũng bị đớn đau, hốt hoảng như thế ấy. Chúng ta không nỡ vì mình mà để cho nó phải khổ đau, cho nên không nỡ giết nó. Nghĩ được như vậy thì lòng từ bi của mình được phát triển, cho nên ăn chay để tăng trưởng lòng từ bi là vậy. Ngoài ra, không giết chóc thì không mắc nợ mạng sống, không bị bệnh hiểm nghèo, chết yểu hay đớn đau.
Ngày trước chưa biết ăn chay, quý vị có thể giết heo, mổ trâu, làm gà, làm vịt... Đủ duyên đi chùa, ăn chay, sống đời hiền thiện, tu tập. Thời gian sau tình cờ thấy ai đó mổ gà thì mình cảm thấy khó chịu, không nhìn được. Nghe kể những chuyện đâm trâu giết bò, chúng ta cảm thấy ghê tởm, kinh khủng, khó chịu... Quý thầy khuyên không nên đập muỗi, giết kiến... như thế sẽ mắc nợ thân mạng sống của nó, bị quả báo không tốt. Tập lâu thành quen, một thời gian sau nhỡ có muỗi cắn, quý vị thấy thương nó, tội cho nó và không nỡ đập nó. Tương tự, nhỡ đạp một con kiến mình cũng cảm thấy bất nhẫn quá.
Ngày trước còn ở Trúc Lâm Đà Lạt, khi đi làm công tác chung, quý Thầy kéo chiếc xe bò (xe cộ) vô tình cán vào cây thông con bên lề đường. Hòa Thượng Tôn sư nói “Sao mà mấy chú bất nhẫn như vậy. Cây thông đang sống như vậy mà không tránh ra, lại nhẫn tâm cán lên cho nó chết”. Hòa Thượng tôn sư thì thương đến cả cây thông con. Còn chúng ta có khi con người với nhau vẫn còn thương nhau không nổi. Như thế, lòng từ bi của mình lớn được bao nhiêu? Chỉ có tỉnh táo, soi xét lại thì chúng ta mới học hết hạnh giác ngộ của các Ngài. Đến một cây thông con Hòa thượng tôn sư cũng thấy tội nghiệp, không nở làm tổn thương nó.
Ngày xưa có khi mình cũng giết gà, giết vịt. Nhưng tu tập thời gian thì chúng ta cảm thấy thương cho chúng sanh, không nỡ đập muỗi hay đụng đến con kiến. Mới thấy, khi yên tĩnh, ăn chay, tu tập thiện tâm lâu ngày thành quen rồi thì tự nhiên chúng ta không làm được những việc xấu ác. Đó là dấu hiệu cho thấy thiện căn của chúng ta đã được tăng trưởng. Thiện căn tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được đi trên con đường an lành, an ổn. Nếu không khéo tu tập thì ác pháp tăng trưởng, đưa đến con đường xấu ác và phải bị khổ não thôi. Nếu biết soi xét lại mình, khéo léo sửa đổi từ những hành vi nhỏ nhặt của mình, sự tu tập sẽ có hiệu quả rõ rệt.
Một sự chiêm nghiệm nữa cũng dễ thấy lắm. Xưa kia mới lớn lên, chưa được học đạo, chưa biết ăn chay, chúng ta ăn mặn, có khi ăn cả những món máu me tươi sống. Nhưng khi biết học đạo, ăn chay lâu ngày rồi, hôm nào ai đó dọn cái chén ăn mặn mà rửa không sạch, chúng ta nghe mùi tanh thấy không dễ chịu chút nào. Lịch sự nín hơi để ăn cho hết bữa, nhưng và cơm vào miệng là tự nó muốn ói ra ngoài. Nghe giết súc vật, tự nhiên mình cảm thấy khó chịu. Nghe đến đồ mặn là đã cảm thấy rùng rợn. Nhưng nếu hồi còn ăn mặn, máu tanh tươi sống chúng ta cũng uống được nữa.
Mới thấy, ăn chay sẽ làm cho tâm từ và căn lành của chúng ta tăng trưởng một cách rõ ràng. Tâm từ tăng trưởng, thiện pháp tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được an ổn. Sống được an ổn, vui tươi thì chết cũng sẽ được an vui. Đó là điều nghiễm nhiên, chắc chắn, thấy được, không nhọc ai phải cầu nguyện cho mình nữa. Rất rõ ràng! Mặt khác, có nhiều người cho rằng ăn chay sẽ suy dinh dưỡng, không thông minh. Ở Nhật, người ta nuôi hai con chó để thí nghiệm. Một con cho ăn chay từ nhỏ và con kia thì ăn mặn. Khi trưởng thành, người ta thả cho hai con đấu nhau. Ban đầu con ăn mặn rất hùng hổ. Nó vồ vập, dữ tợn. Ngược lại con ăn chay thì có vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng. Khi cắn nhau một đỗi, con ăn mặn có vẻ đuối sức, gục ngã. Còn con ăn chay thì rất dẻo dai, bền bĩ và nó chiến thắng. Như vậy, khi chúng ta ăn chay, nhìn thấy người hiền từ, nhẹ nhàng thì người khác ngỡ là yếu đuối, nhưng thật chất rất bền bĩ. Còn ăn mặn thì thấy như là mạnh bạo, nhưng chỉ là thoáng chớp rồi vụt tắt thôi chứ không thực sự mạnh mẽ. Có lúc vì cái chất tanh hôi đó nó làm cho mình nổi hung khí, cảm thấy anh hùng lắm, dám cầm dao, cầm gậy, chửi mắng, đấu tranh,...
Nhưng tới khi gặp chuyện buồn chút xíu thì xìu như cọng bún thiu, sống không nỗi. Như vậy gọi là anh hùng được sao! Dám mạnh mẽ với chiến thắng thì cũng phải dám mạnh mẽ trước những thất bại, dám mạnh mẽ chấp nhận những điều mình không ưa, dám mạnh mẽ đối diện với những nỗi buồn của lòng mình nữa thì mới xứng đáng được gọi là anh hùng chứ. Đằng này khi làm ăn lời được năm bảy chục triệu thì vênh váo, anh hùng, đắc thắng, như là mạnh mẽ lắm. Khi thất trận không còn đồng xu nào thì đi đâu cũng thở ra thở vô như muốn chết cho rồi, sống không nổi. Vậy mà gọi là anh hùng được sao! Có được một số tài sản kha khá thì thích sống theo kiểu đẳng cấp. Nhưng biểu vô bếp nấu cơm hoặc đi lau chùi nhà vệ sinh thì phản ứng, ngán ngẫm, bực bội, không làm được. Một sự việc nhỏ nhoi như vậy cũng đủ cản bước của chân của mình được thì chí khí anh hùng nằm ở chỗ nào? Mới thấy, sự vồ vập, động đậy, háo thắng, hung hãn không phải là cái mạnh.
Có những người là người mẹ, là chị trong gia đình lúc nào cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, khoan thai, vui vẻ, sẵn sàng sẻ chia, xem ra như là mềm yếu. Nhưng khi anh chàng con trai anh hùng cái thế bị thất trận, buồn bã trở về nhà thì lại tìm đến mẹ mình, chị mình để tâm sự, cần mẹ và chị vỗ về, sẻ chia. Mới thấy, sự điềm đạm, nhẹ nhàng là cái dẻo dai, cái chịu đựng tốt, chỗ an toàn, vững chãi để người khác nương về chứ không phải yếu đuối. Một người mạnh mẽ thực sự là khi gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, lúc chiến thắng hay thất bại họ đều bình thảng, nhẹ nhàng, tươi tỉnh. Như một con chó ăn chay, tuy nhẹ nhàng nhưng nó lại được chiến thắng. Mặc khác cũng cho chúng ta thấy ra một điều nữa, sức khỏe của người ăn chay không phải thô tháo, vồ vập nhưng rất bền bĩ, dẻo dai. Kế nữa, nếu nói người ăn chay không được thông minh bằng người ăn mặn, vậy thì quý vị nhìn lại thấy quý Thầy ở đây có ai ngu dại không. Có thể quý thầy không thông minh hơn ai, nhưng hiện tại mình thông minh hơn mình lúc chưa biết tu, lúc còn ăn cá thịt. Chúng ta không nên nghe theo một chiều lý thuyết suy luận chưa được kiểm chứng mà phải nhìn vào kết quả thực tiễn.
Đức Phật hàng phục Ma Vương như thế nào?
Khi thấy con này ăn con kia, con này giết chết con kia để được sống, bằng tâm tĩnh lặng, tâm từ, thái tử thấy sự sống là đau khổ. Như vậy, con chết bị đau đớn, mất mạng nên khổ đã đành, nhưng con còn sống, con được ăn nó vẫn không thoát khỏi các khổ đau. Bởi lẽ khi bị cắn giết, con chết nó chưa sẵn sàng chết cho con kia ăn. Trong cơn đớn đau mất mạng, nó rất oán hận. Ôm lòng đớn đau, căm phẩn, oán hận mà chết thì kiếp sau nó sẽ tìm cách báo thù lại. Con được ăn kia rồi cũng sẽ phải đau khổ, chứ không phải thiếu suy nghĩ, chỉ biết được ngon miệng rồi cho là an ổn đâu! Nếu không biết trông xa hiểu rộng, chỉ nhìn cái thiển cận trước mắt mà sống ẩu, làm càng rồi cho là an ổn, cuối cùng phải chịu lấy khổ đau. Chịu nhìn lại chung quanh một chút, chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều người than vãn vì sao tôi quá khổ. Không biết rằng, khổ đó là do mình đã lỡ tạo nhiều điều không tốt từ quá khứ, hôm nay đủ duyên thành quả khổ và mình phải gánh chịu. Có người than, không biết vì sao tôi sinh con ra giống như sinh quỷ, không chịu nghe lời, phá phách đủ thứ... làm tôi khổ não, sống không nỗi với con. Thế gian có quá nhiều điều khổ đau, không thể kể hết.
Đây là mẫu chuyện có thật tại Việt Nam. Có người vào chùa bạch với một vị Hòa Thượng, không biết vì sao thằng con trai của con nó phá phách quá, không nghe lời bố mẹ, quậy phá lung tung từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Đến khi lớn lên một chút thì nó còn đòi cầm dao đâm ba nó. Hằng ngày nó rất thích giết ba nó nhưng không biết vì sao như vậy. Hòa thượng bảo, quý vị nghiệm kỹ, nhớ lại coi, trước đó có tạo duyên gì nghịch không? Nếu lỡ tạo thì nên thành tâm sám hối rồi sẽ qua khỏi. Về nhà quý vị chiêm nghiệm lại một hồi, liên kết tư tưởng lại mới nhớ ra, lúc bà mẹ mang thai, trong nhà có giết chết một con chó. Có lẽ con chó này hận quá cho nên mới đầu thai lên để trả thù lại.
Giống như một người đã bị giết, vì bực quá nên họ muốn trả thù, phá trở lại và lớn lên đòi giết ông già mình. Nghe lời Hòa thượng, cả nhà thành tâm sám hối, tu tập, làm các việc thiện, khởi tâm từ, không oán trách bực bội nữa. Thời gian sau, thằng con bỗng nhiên hiền hậu trở lại rồi nó bị bệnh và qua đời. Nó ra đời chỉ vì lòng uất hận muốn đòi lại cái nợ này thôi. Nhưng thấy gia đình này tu giỏi, tâm giận nó được chuyển hóa, hỷ xả, không còn uất hận, không đòi nợ nữa và nó ra đi. Cho thấy rằng, con chó bị giết chết thì nó khổ đã đành. Chúng ta là người chủ động giết nó cũng bị khổ luôn. Cứ ngỡ giết hại súc vật được một bữa ngon miệng là sung sướng, nhưng không ngờ khi bị nó đầu thai lên phá lại rồi cũng bị khổ nhiều hơn như thế nữa. Cho nên khi con này giết con kia để ăn thì con bị giết đã khổ, con được ăn đó cũng sẽ khổ về sau. Thế gian vẫn thường nói, kiến ăn cá thì cá sẽ ăn kiến.
Vua Trần Thái Tông cũng dạy, hắn ăn mày, mày ăn hắn, kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau, mãi không có ngày thôi dứt. Đâu cần đợi đến kiếp sau. Trong hiện đời, quý thầy đã chứng kiến và nghe kể lại nhiều người cả đời hành nghề mổ trâu, giết bò, mổ heo... Đến khi cuối đời đau đớn dữ dội, la ó như con trâu bò hoặc heo đang bị thọc huyết, nằm treo hai chân lên cửa sổ mà không chết được. Có người tư vấn, một người trong nhà đặt cái chậu bên dưới và đặt con dao ngang cổ người bệnh để tượng trưng như đang cắt cổ hứng máu thì người kia mới chết được. Báo ứng, nổi khổ ai cũng trông thấy rõ ràng, tại sao vì sự sống của mình để cho kẻ khác phải chết như vậy mà không hay biết. Sống như thế sẽ đưa đến khổ đau cho cả hai. Cho nên trước cảnh đó, thái tử đã thấm nghiệm và thấy rõ rằng, sự sống là khổ. Khi đã thấm sâu điều đó, Ngài không còn yên lòng để sống một cuộc đời thụ hưởng trong cung thành nữa và bắt đầu nhen nhúm ý chí muốn phát tâm xuất trần. Ở đây chúng ta đã học được bài học, sự sống là khổ. Trước mọi hoàn cảnh, nếu bình tâm, tỉnh trí, quán xét thì chúng ta sẽ thấy ra được nhiều điều.
3. Già là khổ
Cảnh thứ hai, một lần đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già khô gầy, dung nhan tiều tụy, khí lực yếu ớt, mọi thứ không còn gì cả, chỉ còn một nỗi khổ đau chồng chất. Thái tử quán xét và ý thức sâu sắc, rồi đây mình cũng sẽ già nua, yếu ớt và tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm, càng thấm thía sâu sắc, ngài không còn tâm trạng an ổn để sống trong hoàng cung nữa, nuôi chí xuất trần, cứu khổ. Hằng ngày chung quanh mình, không thiếu những người già nua yếu đuối như thế. Nhưng phần đông chúng ta ít ai nghĩ đến có ngày mình cũng sẽ già, hoặc thấy đó như một sự nghiễm nhiên nên ý chí xuất trần còn yếu hoặc chưa có. Không chỉ như vậy, có khi thấy người già rù rờ chậm chạp, bỏ trước quên sau, ăn nói không chuẩn, đau ốm không yên..., chúng ta không có sự cảm thông, kính mến, còn cảm thấy chán ngán, bực bội, chê bai đủ thứ, mất hết tính người.
Cho nên quý cụ già mới có bài thơ tự than vãn mình:
Rù rờ đổ vỡ thiệt là hư
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư.
Người thân gặp lại chừng quên hết
Bỏ trước, quên sau kiếm mệt đừ.
Ai ngỡ ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!
Thấy người già mà không biết soi xét lại để biết mình rồi cũng sẽ già, để có sự thâm cảm mà còn khinh thường, chê bai, đó là chúng ta chưa có được cái nhìn như Phật. Thấy người khác già thì biết rằng, rồi mình cũng sẽ già, từ đó có sự cảm thông sâu sắc với người già yếu, tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ. Đồng thời quyết tâm sống và tu tập để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già. Đó là cái nhìn của người tỉnh giác, có trí tuệ. Ngược lại, hằng ngày chung quanh mình luôn gặp những người già, nhưng thấy như là việc của người khác, còn mình thì không nhớ là sẽ già, cho nên không có sự thông cảm, thương yêu, kính trọng mà còn bực bội, chê bai. Đó là cái nhìn hời hợt, không tỉnh táo, sáng suốt, là người mê. Nhưng mà giác hay mê là do chúng ta. Chỉ cần tỉnh táo để đủ sáng thấy lại, từ đó có sự cảm thông, rồi yêu thương, kính trọng và quyết tâm tu tập để có đủ định lực, thoát khỏi sự chi phối của các khổ về già. Mỗi người chúng ta đều có quyền nhìn nhận, suy nghĩ và thực hành được điều đó. Đó là chúng ta đã biết học theo hạnh giác