Sách Phật giáo
Những điều cốt lõi của giáo dục Phật giáo
Thứ hai, 21/11/2017 02:42
Nền giáo dục Phật học nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là giáo dục đạo đức, giáo dục thiền định và giáo dục trí tuệ. Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người.
Bằng giáo dục thiền định, người học Phật ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân, làm chủ cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức, hành vi và ứng xử, trong các hành vi đi, đứng, nằm, ngồi; nói, nín; động, tịnh; thức và ngủ. Thực tập thiền định mỗi ngày giúp cho con người tiếp xúc thực tại hiện tiền với hạnh phúc sâu lắng, trở nên điềm tĩnh, sáng suốt, phát minh, sáng kiến, sáng tạo.
Ngoài ra, người tu học Phật được hướng dẫn kỹ năng phát triển trí tuệ, gồm trí tuệ do học Phật, trí tuệ do thẩm nghiệm Phật pháp và trí tuệ do thực tập thiền định. Theo đó, người tu học Phật sở hữu được chìa khóa mở tung ngục tù khổ đau, chặt đứt xiềng xích bất hạnh, giúp con người tự cởi trói mình khỏi tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ và tiến xa hơn là giải phóng mình khỏi khổ đau của sinh tử và luân hồi. Nói cách khác, khi tăng ni nhận thức được vai trò đặc biệt của ngành Phật học, thì việc ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu, như con người cần không khí để thở, thực phẩm để ăn, nước để uống, trang sức phẩm để làm đẹp…
Đối với các vị theo học tại các trường Phật học, có một số điều sau cần lưu tâm:
1. Để trở thành nhà Phật học giỏi, người học cần có kiến thức cổ ngữ Phật giáo và phương pháp luận để đào sâu vào văn bản Phật giáo. Cần có kiến thức nội điển và ngoại điển để có thể trước tác các tác phẩm Phật học theo hướng nghiên cứu và ứng dụng. Cần có kiến thức sư phạm để truyền bá Phật pháp mang tính thuyết phục, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm giải quyết các vấn nạn khổ đau của kiếp người.
2. Các bằng cấp, dù tốt nghiệp trường đời hay trường đạo, không phải là mục đích của người tu Phật. Học Phật là để giải ngộ, nhằm giải phóng nỗi khổ niềm đau nơi tự thân. Bên cạnh việc học Phật đến nơi đến chốn, người học Phật cần phải thực tập Phật pháp, biến đạo Phật triết lý trở thành đạo Phật ứng dụng, hữu ích cho đời nhiều hơn.
3. Chân lý Phật phơi bày hiện thực, nhấn mạnh đến hai phương diện: “nhận thức rõ về sự khổ đau” và “hướng dẫn con đường kết thúc khổ đau”. Ngoài chức năng giúp ta nắm vững về các quy luật thế giới, quy luật thiên nhiên, quy luật xã hội, Phật pháp còn dạy chúng ta về quy luật đạo đức, quy luật nhân quả và quy luật tái sinh. Người tu học Phật, dù tăng ni hay cư sĩ, phải đủ năng lực chẩn đoán bệnh khổ, truy nguyên gốc khổ, trải nghiệm hạnh phúc và thực tập chánh đạo, nhằm mở ra an vui, hạnh phúc.
4. Để làm được nhiệm vụ chuyển mê khai ngộ, người học Phật cần nắm vững kho tàng chân lý (tức Kinh tạng), kho tàng đạo đức (tức Luật tạng), kho tàng triết học (tức Luận tạng). Nhờ đa văn về Phật pháp, người học Phật dễ dàng bắt mạch khổ đau, trị liệu khổ đau, đạt được hạnh phúc.
5. Các tăng ni tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ Phật học phải đủ các khả năng bao quát gồm dịch thuật, sáng tác, giảng dạy, hoằng pháp, hướng dẫn khóa tu, nhập thế phụng sự đạo và đời bằng sự hiểu biết và hành động cụ thể.
HT.Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực HVPGVN tại TP.HCM
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII