Kiến thức
Những điều Phật tử cần biết về sám hối, tụng Kinh, niệm Phật
Thứ sáu, 07/12/2020 04:57
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật là những phương thức sơ đẳng nhưng vô cùng cần thiết cho tất cả những người tu Phật. Đây là hình thức có tính cách tín ngưỡng như thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật vậy, nhưng ẩn bên trong là ý nghĩa của giáo pháp, chúng ta không thể không tìm hiểu cho thấu đáo.
Phật tử tại gia nên trì Kinh nào để có được hiệu quả tốt nhất?
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật của đa phần đại chúng đồ hiện nay đã một phần nào sai lạc mất ý nghĩa cao đẹp của nó; đôi khi bị rơi vào thủ tục hình thức hoặc lấy phương tiện làm cứu cánh, đi xa tôn chỉ của đạo giác ngộ vậy.
Là những người học Phật chân chánh, chúng ta cần phải biết rõ, đâu là hình thức của ngoại đạo tà giáo, nơi nào nhuốm màu mê tín.
Vậy trước khi đi vào nội dung này, chúng ta cần hiểu qua những sai lầm ấy để điều chỉnh cho đúng đắn.
1. Quan niệm sám hối là hết tội
Điều đầu tiên chúng ta cần minh định rằng, từ “sám hối” chỉ riêng đạo Phật mới có; còn thế gian và ngoại đạo tuy lập ngữ tương tự nhưng sai lệch ý nghĩa rất nhiều. Đó là những hình thức tạ lỗi, xin lỗi, chuộc tội hay rửa tội!.
- Làm điều gì đó khiếm lễ, sai lầm đối với kẻ khác thì người ta “xin lỗi” bằng lời nói, bằng cung cách cúi đầu tự hối hoăc có thể bằng hiện vật, quà tặng...
- Phạm tội với triều đình thì người ta “lập công chuộc tội”.
- Có lỗi với ông bà, cha mẹ, dòng họ, làng nước thì người ta thiết lễ mâm trầu rượu, heo gà, tiền bạc hay quả phẩm để “tạ tội”.
- Thiên chúa giáo quan niệm “rửa tội” là hết tội.
- Bà-la-môn giáo thì rửa tội bằng cách lấy máu súc vật để tạ tội với thần linh hoặc xuống sông Hằng tắm rửa cho sạch tội. Đôi khi tín đồ tôn giáo này lại sắm phẩm vật cúng tế nhiều ngày để mong thần linh xá tội và ban phước. Quan niệm tu hạnh ép xác, hành thân hoại thể với cầu mong diệt trừ hết tội lỗi cũng được tôn giáo này xem trọng.
- Lại có người tu Phật với quan niệm: Cứ lạy sám hối cho thật nhiều, nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Lạy sám hối với lòng thành khẩn, nhiệt tâm thì không những bao nhiêu tội lỗi tạo tác trong đời đều được dứt sạch; mà cho chí các tội lỗi tiền khiên, ngủ ngầm trong nhiều đời kiếp thảy đều tiêu vong!.
- Cũng có một số tín đồ tu Phật đến trước tượng Phật, Bồ-tát mà sám hối. Không phải họ sám hối một lần, hai lần mà có thể sám hối cả hàng trăm lần như thế; chỉ khi nào thấy Phật, Bồ-tát đến xoa đầu, thấy hào quang chư Phật, thấy hoa sen tịnh độ thì mới thôi, thì mới hết tội...!
Sám hối là tốt. Sám hối nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Tuy nhiên, tất cả những quan niệm rửa tội, chuộc tội kể trên là của thế gian và ngoại đạo, không phải là ý nghĩa sám hối của đạo Phật. Còn những người tu Phật mà sám hối với cầu mong rửa sạch tất cả tội, kể cả tội tiền khiên thì hẳn là không được đúng. Đã gây nhân ác, thì phải bị quả khổ. Nếu do sự cải hối, lánh ác, làm lành thì quả báo ác nghiệp có thể nhẹ đi chứ không thể diệt mất đi được. Các tội ngủ ngầm dù lâu xa, quá nặng như tội giết cha mẹ (1), ví như tôn giả Mục Kiền Liên - thì lại càng không thể dù cho ngài đã chứng quả Thánh - vẫn bị trả quả quá khứ.
Còn nữa, nếu sám hối mà thấy Phật, Bồ-tát đến xoa đầu, thấy hoa sen tịnh độ, tuy là triệu chứng tốt, là do “tưởng” sinh ra nhưng đấy chỉ là ảo giác! Và nếu thấy hào quang, ánh sáng... thì đơn thuần chỉ là hiện tượng bình thường khi có sự chú tâm cao độ, sự tập trung tâm ý đến độ thuần thục, chuyên nhất! Nó chính là phỉ (pīti) ở trong năm thiền chi: tầm (vitakka), tứ (vicāra), phỉ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggatā).
Ý nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo
2. Quan niệm về tụng kinh siêu độ
- Nếu tụng kinh mà “siêu độ” được thì người ta chẳng cần làm lành, lánh ác làm gì!
- Nếu tụng kinh mà “siêu độ” được thì người Phật tử chẳng cần phải tu tập bố thí, trì giới, thập thiện... làm gì cho mất thời giờ, tốn công phu, tiền bạc vô ích!.
- Nếu tụng kinh mà “siêu độ” được thì những kẻ làm ăn phi pháp, bất chánh - vốn lắm tiền nhiều của - có thể hối lộ cho định luật nhân quả thì kiếp sau sẽ được an vui, sung sướng hết hay sao?
Than ôi! các quan niệm tụng kinh siêu độ ấy thật là đáng phàn nàn làm sao! Chẳng biết vô tình hay hữu ý, chúng ta đã nhấn chìm tư tưởng thanh cao, thoát trần của đạo Phật xuống cho vừa tầm với ước mơ dung thường của con người!.
Ngoài ra, chúng ta còn cần phải hiểu rằng, các hình thức về chuông, trống, xướng, tán... đều là phương tiện của các bộ phái phát triển sau này. Các nước Phật giáo Theravāda đôi nơi có sử dụng chuông; nhưng mõ, trống, xướng, tán chỉ có mặt trong các quốc độ mang ảnh hưởng ít nhiều tinh thần “nhạc lễ” của Khổng Nho! Tinh thần nhạc lễ ấy rất hay, rất phù hợp với tâm địa đại chúng, rất khế hợp với tình cảm của con người nhưng đấy chỉ là phương tiện quyền biến mà thôi.
Người Phật tử thật sự có tu giới, tu định, có tham thiền niệm Phật, thì thật sự không cần các phương tiện bên ngoài ấy tác động hỗ trợ.
3. Quan niệm “niệm Phật” có thể giải thoát sinh tử, chứng Niết-bàn
Chúng ta đều hiểu rằng, giới định tuệ là con đường tu tập của người xuất gia; và, bố thí, trì giới, tham thiền là con đường tụ tập của người cư sĩ. Tham thiền là từ gọi chung chỉ cho thiền định, thiền quán. Niệm Phật là một pháp môn của thiền định. Người ta đã gom lại và gọi chung là tham thiền, niệm Phật.
Do vậy, bố thí, trì giới và tham thiền niệm Phật, chúng liên hệ hỗ tương thiết cốt với nhau. Là ba yếu tố cần và đủ cho người cư sĩ. Nếu niệm Phật mà không có bố thí, trì giới thì chỉ là xây lâu đài trên cát. Có bố thí, có trì giới mà hiểu và hành niệm Phật một cách sai lạc thì cũng uổng phí cho sự tu tập vậy.
Chúng ta cần phải hiểu rằng:
- Niệm Phật thật sự rất lợi ích nếu hiểu đúng và hành đúng. Nó là pháp môn dễ dàng nhất dành cho đại chúng. Các pháp môn khác thuộc thiền định hoặc thiền tuệ thường đòi hỏi nhiều kiến thức giáo pháp đa dạng và phức tạp hơn hoặc cần có thiền sư đích thực hướng dẫn.
Niệm Phật không chỉ có niệm Phật (Buddho) mà có thể niệm cả 9 hồng danh khác nữa, ví dụ Arahaṃ (Ứng Cúng), Sammāsambuddho (Chánh Biến Tri, Chánh Đẳng Giác)...
- Niệm Phật và cả niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên... chỉ đưa đến cận hành định, không thể đạt an chỉ định! Chưa đạt an chỉ định là chưa đạt sơ thiền! Chưa đắc định sơ thiền là chưa có định sung mãn. Chưa có định sung mãn, lại chưa tu tập tuệ thì làm sao có thể nói niệm Phật có khả năng giải thoát sinh tử, chứng quả Niết-bàn!?
Sự hiểu lầm đáng tiếc này là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của những người tu Phật, học Phật.
Mong rằng, là Phật tử, chúng ta cần trang bị cho mình con mắt Pháp, con mắt Tuệ để thấy cho thật rõ căn bản giáo pháp. Gần gũi hơn, là phải tìm hiểu thế nào là sám hối, tụng kinh và niệm Phật một cách đúng đắn để đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho mình và người.
Sám hối
Tất cả chúng sanh còn trôi lăn luân hồi, còn xuống lên, chìm nổi giữa dòng sinh tử ái hà; còn bập bềnh lặn hụp giữa đại dương sinh tử khổ đau; còn lang thang phiêu bồng và vô định trên mọi nẻo vinh quang hư ảo lẫn tối tăm mịt mùng nơi ba cõi, sáu đường thì không một ai có nội tâm được trắng bạch như vỏ ốc. Không một ai được hoàn toàn vô tội, trong sạch. Ai cũng có nhiều nhiễm ô, bụi bặm, dơ dáy, đen đúa, phiền não. Bụi trần và tội lỗi lâu đời, nhiều kiếp phủ dày trong tâm trí chúng ta như tro xỉ, như bụi than...!
Ngoại trừ những tội lỗi tiền khiên, ngủ ngầm, ẩn kín trong khu rừng già hoang nguyên, âm u, bí mật nhiều đời của tự ngã; chúng ta không thấy, không biết nên không thể sám hối được. Nhưng những tội lỗi chúng ta đã làm trong kiếp hiện tại, nếu không phải là ngũ nghịch đại tội, mà chỉ do thân, khẩu, ý bất tịnh đều có thể sám hối được.
Sám hối đúng đắn có công năng và diệu dụng rất thù thắng, thật là khác xa với những quan niệm lệch lạc vừa dẫn lược ở trên.
1. Sám hối là gì?
Nguồn gốc của nghĩa sám hối là do từ chữ posatha hay uposatha (2), chỉ có nghĩa đơn thuần là ngày thọ trì Bát quan trai giới hay là ngày đọc tụng giới bổn của tỳ-khưu Tăng.
Theo Phật giáo Nam Tông, Bát quan trai giới mỗi tháng có 8 ngày, nếu tính thêm ngày rước và ngày đưa (trước và sau) thì có 12 ngày.
- Người Phật tử có thể nguyện thọ trì mỗi tháng bao nhiêu ngày, 2 ngày hoặc 4 ngày đều được cả. Mỗi lần như vậy, họ nguyện giữ 8 giới trong một ngày, một đêm.
Đây là những ngày mà họ có thể sám hối, nhất là các ngày lệ thường sóc vọng - 14, 30 mỗi tháng.
- Tỳ-khưu Tăng thì mỗi tháng hai lần tụng giới bổn. Và dịp này, chính mỗi vị phải sám hối những giới phạm của mình. Có tội sám hối được, có tội không sám hối được (3).
2. Cách thức sám hối
Theo Phật giáo Theravāda thì cách thức sám hối rất đơn giản.
- Vào những ngày 14 và 30 mỗi tháng, Phật tử đến chùa làm phước, bố thí, xin giới và làm lễ sám hối, nghe pháp... Dịp này, Phật tử tụng kinh Tam Bảo, đối trước điện Phật hoặc đối trước Tăng đọc lời sám hối hoặc tụng bài kinh sám hối. Họ cũng thường xin chư Tăng truyền thọ lại Ngũ giới hoặc Bát quan trai giới. Xin thọ trì giới trở lại, có thể bất cứ lúc nào, trong các lễ trai tăng, cúng dường, nghe pháp hoặc các lễ chúc phúc an lành...
Nếu không đến chùa được thì Phật tử có thể sám hối và xin giới ngay bàn thờ Phật ở trong nhà rồi nguyện thọ trì giới cho được trong sạch từ nay về sau.
- Với hàng xuất gia thì có 227 điều luật, tùy theo nặng nhẹ mà trục xuất, cấm phòng hay sám hối. Những giới có thể sám hối được đều tương tợ nhau, nghĩa là vị tỳ-khưu phạm giới trình giới tội của mình với vị tỳ-khưu cao hạ. Và sự đối đáp xẩy ra như nhau: Hiền giả đã “thấy rõ tội” chưa? Vị phạm giới đáp: Thưa vâng, bạch tôn giả, con “đã thấy rõ tội” rồi! Sau đó vị sư cao hạ khuyên pháp đệ của mình cố gắng giữ giới cho trong sạch.
Cách thức sám hối này rất trong sáng, không mang màu sắc tín ngưỡng, mà trái lại; tỏ lộ tình cảm đạo lý, giúp người phạm giới sau khi “thấy tội” của mình rồi, nguyện chừa bỏ để nỗ lực tu tập cho tốt hơn.
Phật dạy không nên có tâm ỷ lại người khác
3. Ý nghĩa sám hối
Như vậy, sám hối của Phật giáo nổi bật hai ý nghĩa chính là: Ăn năn xin chừa bỏ lỗi trước và nguyện cải hối, làm lành lánh dữ từ đây về sau.
Sám hối những giới đã phạm:
Nếu tội lỗi mà có hình tướng thì dẫu cả hư không vô tận kia cũng không chứa hết tội lỗi của chúng sanh đã tạo tác từ vô thủy đến nay. Quả vậy, chúng ta đã từ vô lượng kiếp trôi lăn, tội lỗi chất chồng, lớp này lớp kia, truyền nối nhiều đời thật không kể xiết được.
Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta đã mang sẵn nhiều chủng nghiệp khác nhau, tạo nên những cá tính khác nhau. Ai ai cũng chứa đầy những giống loại tâm lý, tính tình, khả năng, thói quen, ác tật phức tạp. Những tham, sân, mạn, tật đố, hiềm hận, bạc ơn, phản phúc, bỏn xẻn...đã có đầy đủ ở trong mỗi chúng ta. Các hạt giống này đã có sẵn, do duyên sanh, hiện hành... làm nhân, làm quả tương tục, liên miên, bất tận. Tất cả những “tiền khiên tội lỗi” ấy, chúng đã đâm chân mọc rễ nhiều đời, mọi phương cách sám hối đều không thể rửa sạch. Chỉ có tu tuệ quán mới có thể bứng nhổ được một phần nào. Và cũng có thể, có một số chúng tử xấu ác trong vô thức, chúng ta không tạo nhân tham sân để cho nó duyên khởi, như ngũ cốc để trong kho lâu ngày thì mầm giống sẽ tự tiêu hoại.
Tuy nhiên, những tội lỗi chúng ta làm trong hiện tại, sau khi sám hối, nguyện ăn năn chừa bỏ, chúng ta sẽ thấy thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, sẽ không còn bị ám ảnh về tội lỗi nữa. Thoát khỏi ám ảnh tội lỗi (4) là ý nghĩa rất quan trọng, rất có lợi ích do nhờ sám hối đúng đắn mang lại.
Nguyện từ nay về sau xin chừa bỏ:
Khi đã xin từ bỏ thì sẽ không còn dám tái phạm, từ nay về sau cố gắng sống cho tốt hơn, cố gắng phát triển những hạnh lành, những đức tính thanh cao.
Quả vậy, nếu xấu ác là quá nhiều như hư không vô tận không thể chứa hết thì những hạnh lành, những đức tính tốt đẹp, cao cả ở trong tâm chúng ta có được từ “vô thỉ dĩ lai” (5) cũng nhiều đến vô biên vô lượng. Những đức tính ấy, những thiện pháp thanh lương và cao sáng ấy ví dụ như: Chân thật, nhẫn nại, từ ái, đức tin, tấn, niệm, vô tham, vô sân, tàm, quý...
Ý nghĩa sám hối không chỉ đơn thuần là chừa bỏ ác xấu mà còn phát triển những hạnh lành nữa vậy. Phải làm cho những cái xấu ác không có cơ hội nẩy nở, tăng trưởng; mà chúng ta phải tạo duyên, điều kiện tốt cho những mầm giống thiện nẩy sinh, đâm chồi, ra hoa, kết trái nữa.
Mà nếu như vậy thì ý nghĩa, giá trị của sám hối là phải tu tập Tứ chánh cần ở trong 37 trợ đạo phẩm:
- Tinh tấn làm cho những ác niệm đã sanh phải tuyệt dứt (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn).
- Tinh tấn ngăn giữ những ác niệm chưa sanh, đừng cho sanh khởi (Ác vị sanh, sử bất sanh ).
- Tinh tấn làm cho niệm lành chưa sanh, được sanh (Thiện vị sanh, sử phát sanh).
- Tinh tấn làm cho những niệm lành đã sanh, được tăng trưởng (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).
Nói tóm lại, nhờ sám hối, con người có thể cải hóa được những cái xấu ác trong lòng mình, có thể được an vui, thanh thản do si mê đã lỡ tạo tác ác nghiệp, phạm giới trong quá khứ. Ngoài ra, ta còn có cơ hội phát triển những đức tính tốt đem lại hạnh phúc cho mình và người. Chân nghĩa sám hối phải thật sự như các câu Kinh Lời Vàng sau đây:
“Trước kia phóng túng mê mờ,
Ngày sau tỉnh niệm hướng bờ giác xa;
Đưa tay vén đám mây qua,
Vầng trăng ló dạng nguy nga hạ huyền”.
(Pháp cú 172)
“Hồi đầu làm các hạnh lành,
Xóa mờ ác nghiệp đã sanh thuở nào;
Trí nhân chiếu sáng trần lao,
Trời quang, mây tạnh, trăng sao đời này”.
(Pháp cú 173)
Tụng Kinh
Tụng kinh là hai thời khóa công phu của chư Tăng Ni và chúng điệu ở bất kỳ một ngôi chùa, tự viện nào. Hành trì hai khóa lễ kinh tụng là sinh hoạt cần thiết không thể thiếu được, ngoại trừ những tu viện, thiền viện chuyên tu thiền định, thiền quán (thay vì tụng kinh là giờ thiền tọa hay kinh hành).
Người cư sĩ tại gia sau khi thọ quy giới, có tôn trí bàn thờ Phật, thì tụng kinh cũng là một cách tu tập giản dị nhưng lại có lợi ích thiết thực cho mình và gia đình mình vậy.
1. Tụng kinh là gì?
Tụng là đọc. Tụng kinh là đọc lên thành tiếng những bài kinh do Phật thuyết, hoặc bằng Phạn văn hoặc bằng Việt văn - đã dịch thể văn xuôi hay văn vần. Gọi chung là kinh nhưng gồm tất cả kệ ngôn hoặc kệ thơ được trích từ những bài kinh ngắn. Đôi khi cũng có thể là những bài kệ khuyến tu do những người học Phật sáng tác, tự nhắc nhở mình và đại chúng trên con đường giác ngộ, giải thoát.
2. Phải tụng kinh như thế nào?
Tụng kinh không nên đọc quá to, quá nhanh, cũng không nên đọc quá nhỏ, mà nên tụng chậm rãi, khoan thai, bình hòa, an tịnh...
Khi tụng, phải hoàn toàn chú tâm vào lời kinh, lời kệ; phải hoàn toàn tự chủ, ổn định, chánh niệm. Không nên kéo dài hơi ê, a... ngân nga như ngâm thơ. Chỉ cần giữ nhịp nhàng vần điệu, không nên chú trọng quá đến hình thức “nhạc lễ” của Trung Quốc. Nói tóm lại là phải giữ cho được tinh thần trong sáng, thanh thoát và giản dị của đạo Giác Ngộ.
3. Lợi ích của tụng kinh
Tụng kinh là pháp môn tu tập tương đối dễ dàng, không những dành cho đại chúng, những kẻ sơ cơ mà người học Phật lâu năm cũng không nên xem thường. Tụng kinh có những lợi ích sau đây:
Thấy được lý kinh:
Cứ tụng đi tụng lại mãi những câu kinh, với nghĩa lý đôi khi không hiểu hết, nhưng chợt trong một lúc nào đó, ta trực nhận ra một vài ý nghĩa rất sâu xa ở bên trong. Đôi khi lại từ thường ngữ, thường nghĩa của kinh, ta lãnh hội được pháp ngữ, pháp nghĩa của kinh nữa vậy.
Huân tập vào vô thức những hạt giống lành:
Nếu không trực nhận được những nghĩa lý sâu xa, vi diệu của kinh thì vô thức ta cũng có dịp ghi nhận và khắc sâu câu kinh, tiếng kệ ấy. Có nhiều người tụng kinh nhiều, vô thức họ đã thuộc làu nên có thể tụng kinh cả trong giấc ngủ. Có trường hợp nằm thấy mộng dữ - kinh hoàng, ghê sợ - có thể tụng kinh ngay trong giấc mộng ấy, tức khắc được an lành, an toàn.
Câu kinh tiếng kệ khi đã khắc sâu vào vô thức rồi thì chính vô thức ấy sẽ tác động ý thức, dẫn dắt ý thức, ảnh hưởng ý thức và chuyển hóa được ý thức. Và rồi đến một lúc nào đó, vô thức đã được huân tập bởi lời kinh tiếng kệ ấy, sẽ thay tâm đổi tánh con người. Biến một con người xấu ra tốt, biến người ác độc, hung dữ thành người hiền lành, từ ái; biến người bộp chộp, nóng nảy thành người trầm tĩnh, ổn định...
Đối trị với tạp niệm, phiền não:
Tâm ý chúng sanh giống như con vượn chuyền cành, con khỉ nhảy nhót lung tung, con ngựa bất kham ham thích dong ruổi (tâm viên, ý mã). Tâm ý ấy luôn lăng xăng, phóng dật, buông lung... đúng như mấy câu Kinh Lời Vàng:
“Tâm ta khinh động bất an,
Kiếm tìm dục lạc chạy quàng, chạy xiêng”.
“Khó thay trì nhiếp tâm người,
Chập chờn, dao động vạn đời không yên”.
Rõ ràng là tâm ý ấy không bao giờ yên được, bình lặng được, nó luôn lăng xăng, loay hoay tìm kiếm đối tượng ngoại trần ưa thích. Đau khổ từ đó có mặt mà phiền não cũng từ đó mà dấy sinh.
Khi tụng kinh với tâm biết an trú, chánh niệm - thì phiền não, tạp niệm không có cơ hội xen vào mà nó sẽ tự động lắng dứt vậy.
Ba nghiệp thân khẩu ý trọn lành:
Khi tụng kinh thì:
- Thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh.
- Khẩu không nói dối, hai lưỡi, ác độc, ỷ ngữ.
- Ý không tham, sân và tà kiến.
Như vậy cả 10 nghiệp lành đều được trọn hảo, tốt đẹp, thanh tịnh.
Tạo năng lực hỗ trợ cho thường nghiệp và tập quán nghiệp:
Thường nghiệp hay tập quán nghiệp là những nghiệp thường làm trong đời sống hàng ngày mà thành thói quen, thành tập quán. Là một trong những nghiệp quan trọng quyết định tâm thức tái sinh.
Ví như người đồ tể do thói quen giết vật, lúc lâm chung thường thấy cảnh đâm giết, máu đổ.
Ví như người hay lễ lạy, cúng hoa, tụng kinh, chiêm bái xá-lợi Phật... lúc lâm chung thấy bảo tháp, đức Phật, cảnh giới đẹp đẽ, huy hoàng.
Tụng kinh lâu ngày thành thói quen tốt, tập quán nghiệp tốt sẽ quyết định, hỗ trợ cho kiết sanh thức tìm kiếm cảnh giới thanh lương, cao sáng, an lành.
Cảm hóa được gia đình và mọi người xung quanh:
Nhờ câu kinh, tiếng kệ hàng ngày mà trong gia đình và mọi người chung quanh bớt những câu chuyện vô ích, phù phiếm, những chuyện “ngồi lê đôi mách”, “đâm bị thóc, thọc bị gạo”, những chuyện nhạt nhẽo vô duyên - đôi khi chúng là nguyên nhân của bất hòa và phiền não. Gia đình và mọi người xung quanh như được bao trùm bởi những năng nượng tốt lành, không khí hướng thượng, thanh cao và mát mẻ.
Được nhiều quả báu tốt đẹp:
Người tụng kinh thường hưởng được những quả báu tốt đẹp cho đời này và đời sau:
- Miệng thơm tho.
- Phiền não lắng dịu.
- Có uy tín trong gia đình và ngoài xã hội.
- Tâm hồn luôn định tịnh, mát mẻ.
- Nhân sanh nhàn cảnh...
Nói tóm lại, với những lợi ích như vậy, người Phật tử tại gia dù trăm công nghìn chuyện, nhưng cũng phải cố gắng công phu. Không thường xuyên hàng ngày được thì cũng nên giữ mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày... hoặc vào những ngày Bát quan trai giới.
Pháp môn này dễ thực hiện nhưng công năng của nó không thua kém các pháp môn thiền định khác.
Niệm Phật
Tụng kinh và niệm Phật thường đi đôi với nhau, nhưng chúng có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau.
- Tụng kinh vừa hiểu được lý nghĩa của kinh vừa đối trị với loạn tâm - tức là cũng đưa đến định tâm (với nghĩa tâm không loạn).
- Niệm Phật đòi hỏi sự tập trung tâm ý chuyên nhất hơn nên sẽ đưa đến định (cận hành định).
- Tụng kinh không thuộc đề mục thiền định, nhưng mà niệm Phật thì thuộc 1 trong 40 đề mục thiền định.
- Niệm Phật nằm trong “Thập tùy niệm” sau đây: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm Giới, niệm thiên, niệm tịch tịnh(Niết-bàn), niệm sự chết, niệm thân (32 thể trược), niệm hơi thở.
Lưu ý: Trong 10 niệm nầy, 8 đối tượng đầu chỉ đưa đến cận hành định; niệm 32 thể trược đắc sơ thiền; niệm hơi thở có thể đắc đến tứ thiền, và nếu kết hợp với minh sát, có thể đắc tứ đạo quả.
Niệm Phật là niệm như thế nào?
Niệm do từ “sati” là ghi nhớ, ghi nhận, chú tâm - thường sử dụng trong các đề mục thiền, có khả năng đạt an chỉ định, tức sơ thiền. Niệm Phật không dùng “sati” mà phải sử dụng “anussati”, nghĩa là tùy niệm, theo dõi niệm, niệm luôn luôn, niệm liên tục.
Niệm Phật nhưng ta phải hiểu là có cả thảy 9 hồng danh sau đây:
- Arahaṃ: A-la-hán, Ứng Cúng; Sammāsambuddho: Chánh Biến Tri; Vijjācaranasampanno: Minh Hạnh Túc; Sugato: Thiện Thệ; Lokavidū: Thế Gian Giải; Anuttaro purisadammasārathi: Vô thượng Điều Ngự Trượng Phu; Satthādevamanussānaṃ: Thiên Nhơn Sư; Buddho: Phật; Bhagava: Thế Tôn
Trong 9 hồng danh này, tùy theo tâm cảm, sở thích, người tu Phật lựa chọn cho mình một hồng ân thích hợp làm đề mục tùy niệm cho mình. Như vậy, khi đã lựa chọn rồi thì mình phải chuẩn bị tu tập như một hành giả đang khởi sự tu tập thiền định vậy.
Có bao nhiêu cách niệm?
Ví dụ: Hành giả chọn “Arahaṃ”, sau đó có thể niệm theo nhiều cách sau đây:
Danh niệm: Là đọc cái tên lên. Đọc “Arahaṃ, Arahaṃ”... liên tục, không gián đoạn. Cách niệm này là giai đoạn sơ khởi giúp hành giả xua đuổi tạp niệm và an trú tâm.
Tâm niệm: Là niệm thầm, niệm trong tâm (không thành lời còn được gọi là mặc niệm) “Arahaṃ, Arahaṃ”... một cách liên tục, không gián đoạn. Mục đích cũng tương tự danh niệm nhưng tâm được an trú sâu hơn.
Ân đức niệm: Là niệm ân đức, đức tánh của vị A-la-hán. Đấy là 3 đức tánh sau:
Vô sanh: Bậc đã hoàn toàn thanh tịnh, đã diệt tận nhiễm ô, không còn dấy khởi sanh niệm phiền não, không còn trôi lăn, chìm đắm trong 3 cõi, 6 đường nữa.
Ứng cúng: Bậc ấy đã dứt sạch tất cả mọi lỗi lầm, thân khẩu ý của ngài đều được trọn lành, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại tán thán, cung kính, cúng dường.
Sát tặc: Bậc ấy đã phá hủy tất cả căm xe sinh tử, đã chiến thắng tất cả giặc phiền não...
Ân đức niệm này thuộc về “tưởng niệm”, giúp cho hành giả tăng trưởng đức tin, lìa triền cái, bớt tham đắm, tâm lắng dịu tham sân phiền não, được an lạc và thanh tịnh.
Lợi ích của niệm Phật:
“Danh niệm” hoặc “tâm niệm” (mặc niệm) tuy là đề mục thiền định nhưng cốt ý để đối trị tạp niệm, thất niệm, loạn niệm; tuy tâm được an trú nhưng cao nhất chỉ đạt cận hành định chứ không thể đạt an chỉ định (tức định sơ thiền).
Sở dĩ như vậy, là vì muốn đắc định Sắc Giới, đối tượng phải là sắc pháp (ví dụ đất, nước, lửa...). Trong trường hợp ấy, hành giả lần lượt đoạn trừ 5 triền cái do 5 thiền chi phát sanh:
Tầm (vitakka) ® Hôn trầm, thụy miên
Tứ (vicāra) ® Nghi
Phỉ (pīti) ® Sân
Lạc (sukha) ® Trạo cử
Nhất tâm (ekaggatā) ® Dục
Sau lạc (sukha), tức là sau an tĩnh nội tâm, đối tượng sắc pháp ấy, ví dụ bát đất do tưởng sinh, nó sẽ tròn sáng như mặt trăng giữa bầu trời không mây; hành giả trú vào “quang tướng” ấy để đi vào cận hành định rồi an chỉ định. Cận hành định thuộc thiện Dục Giới tâm, còn an chỉ định đã vào cõi Sắc Giới.
Còn các đối tượng như 8 tùy niệm ở trên không thể gom thành “nhất điểm tròn sáng” được nên tạm thời lắng dịu tham sân, phiền não, nội tâm an lạc, tĩnh chỉ của cận hành định.
Ân đức niệm, cũng tương tợ vậy, do quá nhiều đức tính chi phối nên cũng không thể gom thành nhất điểm nên chỉ đạt cận hành định.
Tuy nhiên, pháp môn niệm Phật là một thành trì ngăn giữ hữu hiệu tội lỗi, tàm quý tăng trưởng, tấn, định, đức tin... đều được thêm sức mạnh. Ngoài ra, giữa cuộc đời, trong những lúc tương giao, ứng xử; người có pháp môn niệm Phật dễ dàng vượt qua nghịch cảnh, dễ dàng đối trị với những phiền não từ xung quanh mang đến.
Kết luận.
Sám hối, tụng kinh, niệm Phật mới nghe qua tưởng là tầm thường, nhưng nếu học hiểu và thực hành cho thấu đáo thì chúng thường mang đến kết quả tức thời, hữu hiệu. Lại nữa, một pháp môn dẫu có sơ cơ, đại chúng; nhưng nếu hiểu trọn vẹn lý nghĩa, biết cách áp dụng, ứng dụng, chăm chuyên hành trì thì lợi ích của nó rất thù thắng vậy.
Thật đúng như câu thơ:
“Ai ơi! niệm Phật tụng kinh,
Nghe ra thì dễ, thực hành khó thay;
Chuyên tâm tụng niệm hằng ngày,
Phúc lành trổ quả đầy cây, đầy lòng”.
Giới thiệu một bài kệ tụng sám hối:
KỆ SÁM NGUYỆN
Đệ tử chúng con
Trước đài Tam Bảo
Kính lạy Đức Phật
Vô lượng Phá