Sách Phật giáo
Những giải pháp góp phần phát triển bền vững GHPGVN
Thứ hai, 03/12/2017 03:25
Trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta phải vừa tiếp thu cái hay cái đẹp, vừa giữ được bản sắc 4.000 năm văn hiến của dân tộc; phát huy truyền thống 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, vừa góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm,
Kính thưa…,
Hôm nay, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, trang nghiêm Giáo hội, trong xu thế hội nhập, phát triển bền vững của đất nước. Trước hết, chúng tôi xin gửi đến Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành, quý tăng ni tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần VIII, chư vị khách quý và nam nữ phật tử lời chúc mừng tốt đẹp nhất, kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Để tiếp tục phát huy “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” với thành quả đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hơn 35 năm qua, được sự hoan hỷ của Chư tôn đức Giáo phẩm Chứng minh và Chủ tọa, chúng tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Đề xuất giải pháp góp phần phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai”.
Ngày nay, GHPGVN đang tiếp cận với thời đại mới, đó là thời kỳ hội nhập và phát triển. Với tính ưu việt sẵn có, GHPGVN phải chuyển mình thích ứng với hiện tại và định hướng tương lai. Đây là vấn đề lớn cần đưa ra những giải pháp khả thi. Nhìn về góc độ lịch sử, chúng ta đã biết đức Phật đã chứng ngộ rốt ráo với lý Duyên khởi: “Cái này sinh cho nên cái kia sinh, cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Điều đó hàm ý rằng quy luật vận hành của các pháp là không tự nó sinh ra hay tự nó hoại diệt, mà tuân thủ theo nguyên tắc duyên sinh hay duyên diệt; cũng đồng nghĩa với quan điểm thế gian không phải do đấng quyền năng quyết định hoặc ngẫu nhiên mà có, mà ngược lại đề cao vai trò quyết định của con người, mỗi chúng ta có quyền quyết định cho cuộc sống chính mình.
Chính vì hệ thống giáo lý này, mà nhà bác học Albert Einstein đã nhận định về đạo Phật: “Tôn giáo của tương lai sẽ là tôn giáo mang tính toàn cầu. Nó phải là một tôn giáo vượt lên trên ý nghĩa của thần quyền, bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn tâm linh, tôn giáo phải dựa trên nền tảng ý thức tôn giáo, được kết tinh từ trải nghiệm của mọi sự vật tự nhiên và tâm linh, như là một sự thống nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được tiêu chuẩn này”. (trích từ sách Tân Vật lý và Vũ trụ luận, xuất bản năm 2012 của HT.Thích Nguyên Giác)
Qua lời dạy của đức Phật và tầm nhìn khách quan của nhà bác học Albet Einstein, đủ chứng minh giáo lý đạo Phật được ứng dụng luôn luôn cùng với thời đại văn minh khoa học. Như vậy trước sự kiện đất nước Việt Nam thời hội nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam xem đó là cơ hội tốt để thể hiện tinh hoa của mình, cùng với xã hội văn minh tiến bộ.
1. Giáo lý đạo Phật luôn song hành cùng xã hội đất nước và con người
Tính thực tế khoa học: Nghĩa là giáo lý đạo Phật phải được áp dụng ngay cuộc sống hiện tại và có sáng tạo, làm thế nào để xoa dịu chặn đứng cảm giác bất an căng thẳng sợ hãi do chính mình tạo ra từ tham lam, dục vọng, hận thù, không sáng suốt, mà hậu quả đưa đến là chiến tranh, trộm cướp, khủng bố, bệnh tật, tệ nạn xã hội, đạo đức suy đồi, thiên tai địch họa, môi trường ô nhiễm…
Tính tùy duyên bất biến là nguyên tắc để thực thi giáo lý, vì bản chất của đạo Phật là từ bi - bình đẳng - vô ngã vị tha, cho nên dù ứng dụng giáo lý ở hình thức nào miễn sao có hiệu quả, nhưng phải luôn giữ được và thể hiện bản chất trong sáng của đạo Phật. Giáo lý ứng dụng phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội đất nước. Dân tộc Việt Nam có truyền thống 4000 năm văn hiến và đầy bản sắc văn hóa bản địa. Cho nên Phật giáo có thể cải tiến hình thức trên mọi lĩnh vực nhưng không được đánh mất sự hài hòa với văn hóa dân tộc. Với tinh thần từ bi vô ngã, Phật giáo phải cùng Đảng - Nhà nước - Nhân dân xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với nhiều hình thức tham gia phong trào như: xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chống bạo lực gia đình, bảo vệ an ninh quốc phòng toàn dân, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ tệ nạn xã hội, an toàn giao thông…
2. Phật giáo đào tạo thế hệ kế thừa “tài đức”
- Người tu sĩ phải có tài: Tài ở đây là khả năng thực hiện các sinh hoạt trong đời sống có hiệu quả như giao tiếp, ứng xử, thông tin, quản lý, điều hành… Vì vậy, song song với việc thông hiểu Phật học, người tu sĩ ngày nay phải có kiến thức thế học cần thiết, để ứng dụng kỹ thuật công nghệ thông tin, tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội không bị hạn chế về ngôn ngữ, ngành nghề, giới tính, trình độ…; nắm vững Hiến chương Giáo hội, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; biết cách bố trí sắp đặt văn phòng, thực hiện đúng thủ tục hành chánh v.v...
Tất cả những kiến thức đó sẽ giúp người tu sĩ làm phương tiện hữu hiệu thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.
- Người tu sĩ phải có Đức: Là phẩm chất đạo đức cũng là đức hạnh của người tu sĩ không thể thiếu. Người tu sĩ lúc nào cũng phải thực hiện hoài bão phụng sự chúng sinh và giữ gìn thân tâm trong sáng thanh tịnh trong đức tính từ bi vô ngã.
Kết hợp được hai yếu tố Tài và Đức, sẽ giúp bản thân người tu sĩ thành tựu chí nguyện của mình trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy việc đào tạo tăng - ni tài đức là trọng trách của GHPGVN, nó quyết định tương lai tươi sáng cho Phật giáo trong thời kỳ mới.
Trong những năm qua Giáo hội đã có chương trình mở các trường Phật học, các lớp đào tạo chuyên ngành, hơn nữa là khuyến khích tăng - ni du học nước ngoài. Số lượng tăng - ni ra trường khá đông, nhưng người ra phụng sự cho Giáo hội với con số khiêm nhường, điều này phải chăng chưa được khả quan về chất lượng đào tạo hay do những nguyên nhân nào khác mà Giáo hội cần tìm rõ để có biện pháp khắc phục.
3. Những vấn đề ưu tư và đề xuất thực tế
Nhìn chung về Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, trên đà phát triển và đang chuyển mình đi lên trong thời đại mới. Các tổ chức hành chánh Giáo hội từ Trung ương đến địa phương được hoàn thiện và hoạt động thống nhất xuyên suốt. Các Ban – Ngành - Viện từ Trung ương đến các tỉnh thành đã phát huy tích cực vai trò trong từng lĩnh vực và có hiệu quả. Vì vậy, các ngôi tự viện mới được hình thành, trùng tu sửa chữa được trang nghiêm. Số lượng tăng ni xuất gia tu học ngày càng đông hơn. Mọi tầng lớp quần chúng nhân dân trong nước cũng như ngoài nước, họ càng hiểu đạo, mến đạo và đến với đạo nhiều hơn.
Nhưng mọi vấn đề đã có mặt mạnh thì phải có cái yếu của nó. Nhìn vào sự thật, vì sự trong sạch hoàn thiện tốt đẹp của Giáo hội, vì sự thanh cao của Đạo pháp, chúng ta cũng không ngần ngại nói lên những điều tồn tại ngoài ý muốn để cùng nhau chấn chỉnh sửa đổi, nhằm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một hưng thịnh.
* Các Ban ngành Trung ương Giáo hội cũng như các tỉnh thành hoạt động không mang được tính liên kết cao, hoạt động theo từng Ban riêng lẻ nên kết quả chỉ được một chiều. Cụ thể như: không có ăn, không có mặc thì không thể tu tập Phật pháp; ngược lại đáp ứng được nhu cầu ăn mặc một phần nào đó chỉ là đối cách giải quyết tạm thời chứ không thể nuôi họ suốt đời, mà điều quan trọng là cho họ nền tảng đạo đức nhân quả, biết gieo nhân tốt sẽ có cuộc sống an lành hạnh phúc về sau.
* Về sắc phục của tu sĩ và phật tử hiện nay rất đa dạng, dường như đủ màu sắc và kiểu dáng. Vấn đề này tùy thuộc vào vị tăng - ni, phật tử theo sở thích của riêng mình, tạo sự chú ý cho người khác. Người bên ngoài nhìn vào tạo nên suy nghĩ sai lệch về Phật giáo là dường như có nhiều vị giáo chủ riêng, tông phái riêng... mà họ không theo quy định về sắc phục tu sĩ và phật tử đã không theo đúng Nội quy Tăng sự.
* Tín đồ phật tử nơi tư gia tôn trí tượng Phật bằng tượng cốt ở trong nhà và ngoài trời (Phật lộ thiên) rất nhiều và đang gặp trở ngại, vì phía lãnh đạo chính quyền địa phương đã đề nghị các cấp Giáo hội cơ sở giải quyết bằng cách tháo dỡ, nhưng không thể được, vì Giáo
hội chưa có quy định rõ ràng về việc thờ tượng Phật, Bồ tát theo kích thước và vị trí tại tư gia phật tử.
* Tăng - ni tại một số cơ sở tự viện ở nhiều địa bàn, có thể do hiểu biết hạn chế, hoặc vì tư lợi mà họ đã sinh hoạt hành đạo không đúng chánh pháp, nên dễ gây ngộ nhận cho quần chúng hiểu sai lệch về Phật pháp. Như một số chùa (ngay cả vị trụ trì cũng hướng dẫn) đã lạm dụng những tín ngưỡng dân gian mà xem là làm phật sự, như khuếch trương vận động xây cất miếu bà, miếu ông cúng tế lễ, múa đồng hát bóng, soi căn bói quẻ… để lợi dụng lòng tin thu hút quần chúng.
Bên cạnh đó, cũng có số ít trong giới xuất gia không được giáo dục đào tạo đúng đắn, sống trong tự viện một thời gian rồi bỏ thầy Tổ ra ngoài tự sống, tìm cách mưu sinh bằng nhiều hình thức không được thanh cao. Cũng có một số tăng - ni sau khi đã thọ được Đại giới rồi nhưng một thời gian họ không còn sống trong tăng đoàn, không chịu sự quản lý của Giáo hội; hoặc họ đã trụ trì những ngôi chùa nào đó của Giáo hội mà họ không chịu gắn kết, thờ ơ vô trách nhiệm với Giáo hội, thậm chí vì sở thích cá nhân mà họ đã chống báng Giáo hội, xúc phạm các vị Tôn túc lãnh đạo; hoặc có những trường hợp một số vị đã bị Giáo hội xử lý kỷ luật vì vi phạm nhân cách nhưng họ đã không tuân thủ chấp hành và vẫn mặc nhiên tự tại ở nơi này nơi khác; hoặc nạn giả danh tu sĩ khất thực được báo chí lên tiếng rất nhiều nhưng vẫn chưa được khắc phục.
* Hiện nay số lượng tăng - ni sinh tốt nghiệp ở các trường Phật học, các lớp đào tạo rất nhiều, mà số người dấn thân phục vụ cho đạo pháp rất ít, những vị tăng - ni này không có trú xứ ổn định, thường hay tập trung ở những nơi đông dân cư như thị xã, thành phố và các đô thị lớn… tìm cách học thêm hoặc làm việc này, việc nọ cho qua thời gian. Xét từ tình hình thực tế trên, trong bài tham luận này xin được mạo muội đưa ra những ý kiến như sau:
1. Ban Tăng sự Trung ương nên đề nghị với Hội đồng Trị sự ban hành thông tư đến tỉnh, thành, quận, huyện để thống nhất về sắc phục của tăng - ni, áp dụng chung cho cả nước.
2. Ban Tăng sự các tỉnh thành, quận, huyện phải quản lý chặt chẽ tăng - ni, phải kịp thời xây dựng sửa chữa đối với những tăng - ni sai phạm đạo đức và nếu cần thiết phải thẳng thắn có thể dùng biện pháp chế tài đúng theo giới luật Phật dạy, mà nội quy Ban Tăng sự đã đề ra.
3. Ban Trị sự các tỉnh thành phải liên kết chặt chẽ với nhau trong việc quản lý tăng - ni, nhất là trong việc thọ giới và An cư kiết hạ… từ tỉnh này đến các tỉnh khác, tất cả phải theo đúng thủ tục hành chánh của ngành Tăng sự đã quy định.
4. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xem xét soạn thảo chương trình tu học cho thanh thiếu niên phật tử và giáo lý căn bản cho các đạo tràng phật tử tu học.
5. Các ngành của Trung ương Giáo hội phải thường xuyên tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ (như Hội đồng Trị sự) để học hỏi lẫn nhau và định hướng cho chuyên ngành.
6. Các cấp Giáo hội cần quan hệ chặt chẽ với các ngành chức năng thuộc lãnh đạo chính quyền các cấp, để yêu cầu thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn trong việc tranh chấp đất đai, tự viện, giải quyết tăng - ni vi phạm…
Tóm lại, chúng ta luôn mong muốn đạo Phật trường tồn và sự phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai, là một vấn đề mang tính chiến lược lâu dài và cẩn trọng sâu sắc, mang sắc thái đặc thù bảo tồn và phát huy đạo đức Phật giáo. Những việc mà chúng tôi trình bày không thể một sớm một chiều thực hiện được, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có kế hoạch, định hướng lâu dài để từng bước triển khai thực hiện. Nếu được vậy, chúng ta có thể hy vọng bảo tồn và phát huy đạo đức, văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta phải vừa tiếp thu cái hay cái đẹp, vừa giữ được bản sắc 4.000 năm văn hiến của dân tộc; phát huy truyền thống 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, vừa góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người.
Những gì được trình bày trong tham luận, chắc không sao tránh khỏi những điều làm phiền lòng Chư tôn đức. Nhưng với bổn phận của người đệ tử Phật, chúng tôi mạo muội trình bày, rất mong Chư tôn đức, quý Đại biểu hoan hỷ và lượng thứ.
Xin trân trọng kính chào và cảm ơn, kính chúc Đại hội thành tựu viên mãn.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma ha tát.
Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)