Sách Phật giáo

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.14)

Thứ hai, 21/06/2016 09:21

Chấp nhận luật nghiệp quả đòi hỏi thay đổi cơ bản trong sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ của ta với thế giới. Cặp đôi giáo thuyết về nghiệp và tái sinh cho chúng ta thấy thực sự thế giới mà ta đang sống, trong các khía cạnh quan trọng, là sự phản ánh của vũ trụ nội tại trong tâm.

CHƯƠNG V
CON ĐƯỜNG ĐỂ TÁI SINH TỐT ĐẸP
DẪN NHẬP

Khi kể lại “cuộc tầm cầu cao quý” của Ngài, đức Phật nói rằng khi Ngài quán sát thế gian ngay sau khi thành đạo, Ngài thấy chúng sinh như hoa sen qua các giai đoạn sinh trưởng khác nhau trong hồ nước. Có những hoa sen đã ở mặt nước hoặc gần mặt nước, có khả năng giác ngộ chỉ qua tiếp xúc với giáo pháp xuất thế của Ngài.

Nhưng đa số chúng sinh khi tiếp cận với giáo pháp như thể những búp sen còn chìm sâu dưới mặt nước. Các đóa sen này được hưởng lợi qua ánh sáng mặt trời và dùng năng lượng đó để duy trì sự sống, nhưng vẫn cần thời gian để có thể vươn lên đến mặt nước. Cũng như thế, đa số phàm nhân khi nghe được Phật pháp và thiết lập niềm tin, vẫn phải nuôi dưỡng các phẩm hạnh tốt với năng lượng của Pháp, cho đến khi tâm thức họ được phát triển đầy đủ để thực chứng giác ngộ.

Tiến trình này thường phải qua nhiều kiếp sống. Như thế, những người đó cần phải có phương cách dài hạn để phát triển tâm linh. Khi thực hành con đường giải thoát, họ phải tránh việc tái sinh vào những cảnh khổ, tạo những kiếp sống nối tiếp với bảo đảm vật chất, an vui và có cơ hội cho tiến bộ tâm linh.

Những lợi ích này, các điều kiện tăng cường cho phát triển tâm linh trong Giáo Pháp, có được do sự tích tụ phước báu (puñña). Đây là một từ có nghĩa là khả năng của hành động thiện lành, mang đến các kết quả lợi lạc trong chu kỳ tái sinh. Theo lời dạy của đức Phật, vũ trụ với nhiều cõi hiện hữu của chúng sinh được vận hành ở tất cả các mức độ, bằng các nguyên tắc không thay đổi về vật lý, sinh học, tâm lý và đạo đức.

Tiến trình các chúng sinh đi từ trạng thái hiện hữu này sang hiện hữu khác cũng tuân theo nguyên tắc như thế. Tiến trình đó được quy định bởi một luật dựa theo hai nguyên tắc chính. Thứ nhất, luật đó liên kết các hành động của chúng ta với cõi giới ta sẽ tái sinh, tương ứng với các hành động đó. Thứ hai, luật đó xác định sự liên hệ giữa các hành động của ta với phẩm chất kinh nghiệm của chúng ta trong cõi giới ta sinh ra.

Yếu tố chi phối trong tiến trình này, yếu tố làm cho toàn thể tiến trình theo đúng luật trên, là một lực gọi là “nghiệp” (kam- ma). Chữ “nghiệp” có nghĩa đen là hành động, nhưng về mặt vận hành, nó có nghĩa là hành động cố ý. Như đức Phật có nói: “Chính tác ý (cetanā) Ta gọi là nghiệp; bởi vì khi có ý chí (cetayitvā), người ta hành động qua thân, khẩu và ý”.

Như thế, nghiệp là những hành động do tác ý. Tác ý như thế có thể chỉ ở trong tâm, tạo ra ý nghiệp phát sinh như tư tưởng, hoạch định và mong muốn; hay nó có thể biểu hiện ra ngoài bằng những hành động về thân và lời nói.

Những hành động của chúng ta, sau khi thực hiện, dường như tiêu hủy và biến mất, không còn lưu lại dấu vết nào, ngoài tác động có thể nhìn thấy trên người khác và trên môi trường của chúng ta.

Tuy nhiên, theo đức Phật, tất cả những hành động cố ý về mặt đạo đức sẽ mang đến kết quả (vipāka, phala) tương ứng với phẩm chất đạo đức của các hành động đó. Khả năng của các hành động để tạo ra những kết quả thích hợp về mặt đạo đức là những gì có ý nghĩa là nghiệp.

Từ đó, khi có đủ các điều kiện nội tại và ngoại vi thích hợp, nghiệp sẽ chín muồi và tạo ra quả tương xứng. Khi chín muồi, nghiệp sẽ quay trở lại với chúng ta, tốt hay xấu tùy thuộc vào phẩm chất đạo đức của hành động ban đầu.

Điều này có thể xảy ra sớm hay muộn, ngay trong kiếp sống này, hay trong kiếp sống kế tiếp, hay những kiếp sống khác trong tương lai xa xôi. Một điều chắc chắn là khi ta vẫn còn ở trong cõi ta-bà, những nghiệp tích tụ của ta có khả năng sẽ chín muồi nếu chúng chưa trổ quả.

Trên cơ sở phẩm chất đạo đức, đức Phật phân biệt nghiệp thành hai loại chính: Bất thiện (akusala) và thiện (kusala). Nghiệp bất thiện là hành động bất lợi về tinh thần cho người tạo ra, đáng chê trách về mặt đạo đức, có tiềm năng tạo ra sự tái sinh kém may mắn và các kết quả đau khổ.

Tiêu chuẩn đánh giá một hành động là bất thiện là các động lực cơ bản, là “gốc rễ”, từ đó phát sinh ra hành động. Có ba gốc rễ bất thiện: Tham, sân và si. Từ đó, nảy sinh nhiều phiền não thứ cấp – các trạng thái giận dữ, thù hận, ganh tị, ích kỷ, ngoan cố, kiêu ngạo, tự phụ và phóng dật. Từ gốc rễ bất thiện và phiền não thứ cấp sẽ phát sinh các hành động uế nhiễm.

Trái lại, nghiệp thiện là hành động có lợi về tinh thần, đáng khen ngợi về mặt đạo đức. Đây là hành động chín muồi trong hạnh phúc và may mắn. Có ba gốc rễ thiện: Vô tham, vô sân và vô si, được thể hiện tích cực hơn qua sự rộng lượng, từ tâm và trí tuệ. Trong khi các hành động phát xuất từ gốc rễ bất thiện ràng buộc ta vào vòng sinh tử liên tục, hành động bắt nguồn từ gốc rễ thiện được chia làm hai loại, hiệp thế và siêu thế.

Các hành động thiện hiệp thế (lokiya) có tiềm năng đưa đến sự tái sinh may mắn và các kết quả an vui trong vòng tái sinh. Các hành động thiện siêu thế (lokuttara) – là nghiệp tạo ra qua phát triển Bát Chi Thánh Đạo và các yếu tố hỗ trợ giác ngộ – sẽ đưa đến giác ngộ và giải thoát khỏi vòng tái sinh. Đây là nghiệp để gỡ bỏ toàn bộ tiến trình nhân quả nghiệp báo.

Mối tương quan giữa nghiệp và quả được trình bày tổng quát trong Kinh văn V,1(1). Bài kinh gọi hành động bất thiện là “nghiệp đen” và hành động thiện hiệp thế là “nghiệp trắng”. Bài kinh cũng đề cập đến một loại nghiệp là cả trắng lẫn đen. Nói chính xác, đây không phải để chỉ một nghiệp đồng thời có cả tính chất thiện lẫn bất thiện; bởi vì một hành động phải là thuộc loại này hay loại khác.

Nghiệp kết hợp này là để chỉ hành vi của một người lúc thiện, lúc ác, thay đổi liên tục. Cuối cùng, bài kinh nói về loại nghiệp không trắng không đen. Đây là nghiệp phát triển Bát Chi Thánh Đạo, loại nghiệp thiện siêu thế.

Cần phải nhấn mạnh rằng trong Phật giáo Sơ kỳ, sự thông hiểu và chấp nhận nguyên tắc nghiệp quả là một nhân tố thiết yếu của Chánh kiến. Chánh kiến có hai phương diện: phương diện hiệp thế, có liên quan đến đời sống thế gian; và phương diện siêu thế, có liên quan đến con đường giải thoát. Chánh kiến siêu thế bao gồm sự thông hiểu Tứ Thánh Đế, lý duyên sinh và ba đặc tướng về vô thường, khổ, vô ngã.

Trong Phật giáo Sơ kỳ, chánh kiến siêu thế này không thể có mặt riêng rẻ, cô lập khỏi chánh kiến hiệp thế. Trái lại, chánh kiến siêu thế bao hàm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ vững chắc của chánh kiến hiệp thế, nghĩa là một niềm tin vững chắc vào luật nghiệp quả và tác động của luật này qua tiến trình tái sinh.

Chấp nhận luật nghiệp quả đòi hỏi thay đổi cơ bản trong sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ của ta với thế giới. Cặp đôi giáo thuyết về nghiệp và tái sinh cho chúng ta thấy thực sự thế giới mà ta đang sống, trong các khía cạnh quan trọng, là sự phản ánh của vũ trụ nội tại trong tâm.

Đây không có nghĩa thế giới bên ngoài có thể thu nhỏ thành một suy diễn tâm thức theo cách thức của một số chủ thuyết triết học duy tâm. Tuy nhiên, nếu kết hợp lại, hai giáo thuyết này cho thấy những hoàn cảnh chúng ta sống phù hợp chặt chẽ với các xu hướng nghiệp hành của tâm ta. Lý do chúng sinh nào tái sinh vào một cảnh giới nào là vì trong kiếp trước, chúng sinh đó đã tạo nghiệp, hay những hành động có tác ý, dẫn đến tái sinh vào cảnh giới ấy.

Như đức Phật đã dạy: “Vì chúng sinh bị ngăn che bởi si mê và tham ái, nghiệp là đất trồng, thức là hạt giống và tham ái là hơi ẩm, để thức được thiết lập trong cảnh giới mới của hiện hữu – hoặc là thấp kém, hoặc trung bình, hoặc cao sang” (AN 3:76).

Bài kinh tiếp theo, Kinh văn V,1(2), phân biệt rõ hơn về nghiệp bất thiện và thiện. Bài kinh liệt kê mười điều quan trọng cho mỗi loại. Lần lượt, chúng được gọi là “phi pháp, phi chánh đạo”“đúng pháp, đúng chánh đạo”, nhưng chúng thường được gọi là thập ác nghiệp và thập thiện nghiệp. Mười điều bất thiện này được phân chia theo ba cửa hành động – thân, khẩu, ý.

Có ba hành vi bất thiện về thân: Giết người, trộm cắp và tà hạnh; bốn hành vi bất thiện về khẩu: Nói dối, nói lời chia rẻ, nói lời thô lỗ và nói lời vô ích (hay đồn nhảm); và ba bất thiện về ý: Tham lam, sân hận và tà kiến. Mười điều thiện là đối nghịch lại: Không làm ba điều ác về thân, không làm bốn điều ác về khẩu, không tham lam, có lòng tử tế và có chánh kiến.

Theo bài kinh, mười ác nghiệp là lý do đưa chúng sinh tái sinh vào cảnh giới khổ sau khi chết; mười thiện nghiệp là lý do đưa chúng sinh tái sinh vào cảnh giới tốt lành sau khi chết. Bài kinh cũng cho thấy mười thiện nghiệp không những đưa đến cảnh giới an vui, mà còn đưa đến việc đoạn trừ lậu hoặc, chứng đạt giải thoát.

Các đoạn kết của bài kinh cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về vũ trụ quan Phật giáo. Vũ trụ Phật giáo được chia làm ba giới: dục giới (kāmadhātu), sắc giới (rūpadhātu) và vô sắc giới (arūpadhātu) – mỗi giới có nhiều cõi khác nhau.

Dục giới là thế giới chúng ta đang sống. Có tên gọi như thế vì chúng sinh tái sinh vào đây bị thúc đẩy bởi dục tham. Giới này chia ra làm hai cõi, cõi dữ và cõi lành. Cõi dữ hay các trạng thái đau khổ (apāya) có ba loại: Địa ngục, thú vật và hồn ma hay ngạ quỷ (pettivisaya) – là những chúng sinh đói khát không ngừng và chịu các thứ đau khổ khác. Đây là các cõi tái sinh do kết quả của thập ác nghiệp.

Các cõi lành trong dục giới là cõi người và sáu cõi chư thiên dục giới. Sáu cõi chư thiên là: Chư thiên trong cõi của Tứ đại thiên vương, chư thiên trong cõi trời Ba mươi ba hay Đao-lợi (Tāvaṭimsa), chư thiên trong cõi trời Dạ-ma (Yāma), chư thiên trong cõi trời Ðâu-suất-đà (Tusita), chư thiên trong cõi trời Hóa lạc (Nimmānaratī) và chư thiên trong cõi trời Tha hóa tự tại (Paranimmitavasavattī). Nghiệp nhân để tái sinh vào các cõi lành này là thập thiện nghiệp.

Trong sắc giới, các dạng thức sắc vật chất thô tế không hiện diện. Cư dân ở đó, được gọi là phạm thiên (brahmā), được hưởng hạnh phúc, sức mạnh, độ sáng và sức sống vượt trội so với các chúng sinh dục giới. Sắc giới có mười sáu cõi. Đây là tương quan đến bốn thiền-na.

Đắc sơ thiền đưa đến tái sinh vào các cõi Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên. Đắc nhị thiền đưa đến tái sinh vào các cõi Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang minh thiên. Đắc tam thiền đưa đến tái sinh vào các cõi Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên. Đắc tứ thiền đưa đến tái sinh vào các cõi Quảng quả thiên, Vô tưởng thiên.

Sắc giới cũng bao gồm năm cõi hoàn toàn dành cho sự tái sinh của các vị Bất Lai, gọi là cõi Vô đọa thiên, Vô phiền thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên, Vô song thiên (aviha, atappa, sudassa, sudassı̄, akaniṭṭha). Trong mỗi cõi này, tuổi thọ có thời hạn rất lớn và tuổi thọ gia tăng đáng kể với mỗi cõi cao hơn.

Trong vô sắc giới, hình dạng sắc vật thể không hiện hữu mà chỉ có tiến trình tâm. Gồm có bốn cõi tương ứng với bốn bậc thiền-na vô sắc: Không vô biên xứ thiên, Thức vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. Tuổi thọ của các cõi này lần lượt là: 20.000; 40.000; 60.000; và 84.000 đại kiếp (xem Kinh văn I,4(3) về đại kiếp).

Trong vũ trụ quan Phật giáo, sự hiện hữu trong mỗi cõi, là kết quả của nghiệp với hiệu lực hữu hạn, đều là vô thường. Chúng sinh tái sinh vào cõi thích ứng với nghiệp của họ, thọ lãnh quả tốt hay quả xấu. Sau khi sinh nghiệp hết hiệu lực, họ qua đời để tái sinh vào một nơi nào đó, tùy theo các nghiệp khác đến lúc chín muồi. Vì thế, sự hành hạ nơi địa ngục cũng như an lạc ở cõi trời, dù cho kéo dài rất lâu, cũng sẽ chấm dứt.

Cho những người vẫn còn khuynh hướng muốn tái sinh làm người hay làm chư thiên, đức Phật dạy họ những hành vi đạo đức để đạt được sự mong cầu của họ. Nhưng đối với những ai có giác căn trưởng thành, Ngài khích tấn họ phải nỗ lực để chấm dứt luân hồi trong thế giới ta-bà, đạt đến Bất tử, Niết bàn, vượt ra khỏi các cõi giới hữu vi.

Trong khi hai bài kinh đầu tiên của chương này thiết lập mối tương quan tổng quát giữa nghiệp và các cõi tái sinh, Kinh văn V,1(3) chỉ rõ các nguyên nhân cơ bản về nghiệp, để thấy các khác biệt hiển hiện trong đời sống con người. Bài kinh đề cập đến một lời giảng nổi tiếng của đức Phật: “Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia chúng sinh, nghĩa là có liệt, có ưu”.

Bài kinh giải thích câu nói này qua bảy đôi đối nghịch về phẩm hạnh của con người. Bài kinh cũng đưa ra sự khác biệt giữa hai loại hậu quả của ác nghiệp. Loại ác nghiệp mạnh sẽ đưa đến tái sinh vào các cõi dữ. Loại kia là tạo ra các quả xấu trong kiếp người, thí dụ như có tuổi thọ ngắn cho những người tạo nghiệp sát sinh trong kiếp trước.

Tương tự, kết quả của nghiệp thiện cũng có hai loại. Loại thiện nghiệp mạnh sẽ cho tái sinh vào các cõi trời và loại kia đưa đến quả lành trong kiếp người.

Phần tiếp theo trình bày về công đức hay phước báu (puñña). Đây là thiện nghiệp có khả năng sinh ra các kết quả thuận lợi trong chu kỳ tái sinh. Công đức tạo ra các lợi ích hiệp thế, như sinh ra tốt lành, có tài sản, sắc đẹp và thành công. Công đức cũng dùng như một điều kiện tăng cường cho các lợi ích siêu thế, nghĩa là giúp đạt đến các giai đoạn trên con đường giác ngộ.

Do đó, như trong Kinh văn V,2(1), đức Phật kêu gọi các đệ tử vun trồng công đức, đề cập đến việc vun trồng công đức của Ngài trong nhiều kiếp trước, như là một thí dụ.

Các bộ kinh Nikāya đã phân chia rõ ràng ba nền tảng công đức (puññakiriyavatthu, phước nghiệp sự): Bố thí, trì giới và hành thiền. Kinh văn V,2(2) kết nối các các nền tảng công đức với những loại tái sinh tương ứng. Trong bối cảnh tôn giáo Ấn Độ, việc tạo các công đức xoay quanh niềm tin vào những đối tượng được xem là thiêng liêng và có sức mạnh tâm linh, có khả năng dùng để hỗ trợ cho tích tụ công đức.

Đối với tín đồ Phật giáo, đó là ba châu báu (Tam Bảo): Phật, Pháp, Tăng. Kinh văn V,2(3) đề cao mỗi loại châu báu này là tối thượng trong một lĩnh vực riêng: Phật bảo là tối thượng trong loài người, Pháp bảo là tối thượng trong các lời dạy và Tăng bảo là tối thượng trong các cộng đồng tôn giáo.

Kinh văn đề xuất hai mặt khác biệt thú vị về Pháp bảo: Trong tất cả các pháp hữu vi (dhammā saṅkhatā), Bát Chi Thánh Đạo là tối thượng; trong tất cả các pháp hữu vi và vô vi (dhammā saṅkha- tā vā asaṅkhatā vā), Niết bàn là tối thượng. Chỉ có niềm tin nơi Tam Bảo, sự tín nhiệm tôn kính và sùng kính, là cơ bản của công đức.

Nhưng các câu kệ trong bài kinh cũng vạch ra rõ ràng rằng đức Phật và Tăng đoàn có thêm chức năng là những vị nhận các món quà tặng. Trong vai trò này, các vị ấy giúp cho thí chủ tạo công đức đưa đến trọn vẹn các mong ước đạo hạnh của họ. Khía cạnh này sẽ được trình bày thêm dưới đây.

Những phần kế tiếp trong chương này trình bày thêm về từng nền tảng của công đức, bắt đầu là bố thí (dāna, rộng lượng, chia sẻ). đức Phật thường dạy bố thí là giới hạnh sơ khởi nhất của đời sống tâm linh, vì bố thí giúp bẻ gảy khung vị kỷ trong tâm mà dựa vào đó, ta quen tương tác với người khác – Kinh văn V,3(1)-(4).

Trái ngược với những gì độc giả phương Tây mong đợi, bố thí trong Phật giáo Sơ kỳ không có nghĩa đơn giản là từ thiện nhân đạo hướng về người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù bao gồm những điều đó, nhưng sự thực hành hạnh bố thí còn có một ý nghĩa đặc biệt bắt nguồn từ cấu trúc xã hội của tôn giáo Ấn Độ.

Tại Ấn Độ trong thời đức Phật, những người đi tìm những chân lý sâu xa nhất của sự hiện hữu và đạt được giải thoát khỏi vòng sinh tử thường là những người rời bỏ gia đình, từ bỏ vị thế an toàn trong trật tự xã hội Ấn Độ và sống một cuộc đời bấp bênh của kẻ lang thang vô gia cư.

Với đầu cạo tóc hoặc tóc quấn bện lại, đắp y vàng hoặc trắng hoặc khỏa thân, họ đi từ nơi này đến nơi khác, không có nơi cư trú cố định, ngoại trừ trong ba tháng mùa mưa, đi lang thang không nhà cửa. Họ được gọi là sa-môn (samaṇas, người tu khổ hạnh) hoặc du sĩ (paribbājakas), không làm các dịch vụ có thu nhập, nhưng sống nhờ vào lòng từ thiện của các gia chủ.

Các tín đồ cư sĩ cung cấp phương tiện vật chất – y áo, vật thực, nơi ở và thuốc men – với niềm tin rằng cúng dường như thế là nguồn công đức, để giúp các tín đồ ấy tiến vài bước xa hơn trên con đường hướng đến giải thoát tối hậu.

Khi đức Phật xuất hiện trên thế gian, Ngài áp dụng cho phương cách đó cho chính Ngài. Khi Ngài bắt đầu công tác hoằng pháp như một vị đạo sư, Ngài thành lập Tăng đoàn theo cùng một nguyên tắc: Các Tỳ kheo và Tỳ kheo-ni, nghĩa là nam tu sĩ và nữ tu sĩ, sống tùy thuộc vào sự rộng lượng của hàng cư sĩ hỗ trợ vật chất.

Các vị tu sĩ đáp lại bằng cách hiến tặng các thí chủ món quà quý giá của Giáo Pháp. Đó là lời giảng dạy về con đường cao thượng đưa đến hạnh phúc, an bình và giải thoát tối hậu. Kinh văn V,3(5) nêu rõ nguyên tắc tương trợ này. Khi chấp nhận các món quà của cư sĩ, những vị tu sĩ cho họ cơ hội tạo công đức.

Bởi vì mức độ công đức từ hành động bố thí được xem như tỷ lệ thuận với mức độ xứng đáng của người nhận, khi người nhận là đức Phật và những vị đi theo vết chân của Ngài, công đức trở nên vô lượng (xem thêm MN 142). Vì lẽ đó, Tăng đoàn Thanh văn (sāvakasaṅgha), là cộng đồng các vị thánh đệ tử, được gọi là “ruộng phước vô thượng trên đời” (anuttaraṃ puññakhetta lokassa).

Quà cúng dường đến Tăng đoàn sẽ đưa đến các phước lành to lớn, đưa đến lợi lạc và hạnh phúc lâu dài và có thể giúp tái sinh vào các cõi trời. Nhưng Kinh văn V,3(6) cũng nhắc nhở chúng ta rằng điều này chỉ đúng “cho những người có đạo đức trong sạch, không phải cho những người thiếu đạo đức”.

Từ đó đưa đến phần kế kiếp của nền tảng công đức, “kỷ luật đạo đức, hay trì giới” (sīla), trong Phật giáo Sơ kỳ nghĩa là tuân thủ năm giới. Hướng dẫn đạo đức căn bản nhất trong kinh tạng Nikāya là ngũ giới – các điều học tránh sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất say.

Các giới này được đề cập trong Kinh văn V,4(1), trong đó, có một xoay chuyển khá thú vị trong thuật ngữ, nói rằng các điều đó là “nguyên sơ, quà tặng truyền thống cổ xưa”, ngầm hiểu rằng trì giới (sīla) là nằm trong bố thí (dāna). Lý do việc tuân giữ các điều giới là một dạng bố thí vì người nào tuân giữ năm giới, người ấy “ban cho vô lượng chúng sinh sự tự do thoát khỏi sợ hãi, thù địch và áp bức”, và kết quả của nghiệp lành này là “người ấy sẽ hưởng được vô lượng tự do, thoát khỏi sợ hãi, thù địch và áp bức”.

Trong khi đức Phật khuyến dạy các đệ tử cư sĩ luôn luôn tuân thủ năm giới, Ngài cũng khuyến khích họ tuân giữ một loại đạo đức nghiêm ngặt hơn trong ngày bố-tát (uposatha). Đó là những ngày trai giới theo âm lịch: Ngày rằm, ngày đầu trăng và hai ngày giữa tuần trăng (trong các nước Phật giáo ngày nay, ngày rằm có vị trí ưu tiên hơn).

Trong những ngày này, những cư sĩ Phật giáo tín thành tuân giữ tám giới. Đó là năm giới thông thường, nhưng với giới thứ ba chuyển thành tuyệt đối không hành dâm, cộng thêm ba giới khác tương tự như các học giới của sa-di và sa-di-ni. Tám giới này, liệt kê trong Kinh văn V,4(2), tăng cường việc huân tập giới đức như là một sự tu tập đạo đức trong việc tự kiềm chế, sống đơn giản và biết đủ. Trên phương diện này, các điều giới ấy giúp cho vị đệ tử chuẩn bị để huân tập tâm trong công phu hành thiền, nền tảng thứ ba của công đức.

Hành thiền không phải chỉ là trọng tâm của con đường giải thoát, mà còn là nguồn công đức theo đúng nghĩa. Các công phu hành thiền lành mạnh, ngay cả những pháp không trực tiếp đưa đến tuệ quán, giúp tinh lọc các cấp độ thô tháo của lậu hoặc và phát hiện chiều hướng thâm sâu của tâm thanh tịnh và chói sáng. Kinh văn V,5(1) tuyên bố rằng pháp thiền có nhiều kết quả nhất để tạo công đức hiệp thế là pháp phát triển lòng từ (mettābhāvanā).

Tuy nhiên, thiền tâm Từ chỉ là một trong bốn pháp thiền gọi là bốn “phạm trú” (brahmavih̄āra) hay bốn “tâm vô lượng” (appamaññā). Phát triển từ, bi, hỷ, xả, phải được trải rộng, không giới hạn, đến tất cả chúng sinh.

Vắn tắt, tâm Từ (mettā) là ước nguyện chúng sinh được an vui, hạnh phúc; tâm bi (karuṇ̣ā) là sự thông cảm đến chúng sinh đang đau khổ; tâm hỷ (muditā) là cùng vui với hạnh phúc và thành công của người khác; và tâm xả (upekkhā) là phản ứng quân bình về hạnh phúc và đau khổ, giúp bảo vệ tâm, không bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc khích động.

Các pháp thiền này được xem như là phương cách để tái sinh vào cõi phạm thiên – xem Kinh văn V,5(2). Trong khi các người bà-la-môn xem cõi phạm thiên là cõi cao nhất, đối với đức Phật, đó chỉ là một cõi cao của tái sinh. Tuy nhiên, tâm định sinh ra từ các pháp thiền này, có thể được dùng như nền tảng để vun trồng tuệ quán và tuệ quán đưa đến giải thoát.

Kinh văn V,5(3), phần cuối của chương này, xếp hạng các loại công đức khác nhau theo kết quả: Từ bố thí (với những loại tặng phẩm dựa theo cấp độ tâm linh của người nhận) xuyên qua việc quy y và tuân giữ năm giới, đến pháp thiền tâm Từ. Sau đó, đến đoạn cuối, bài kinh tuyên bố rằng kết quả tốt nhất là sự nhận thức về vô thường.

Tuy nhiên, nhận thức về vô thường thuộc về một cấp độ khác. Nhận thức ấy có kết quả tốt nhất không phải là vì đem đến các điều an vui trong vòng tái sinh, nhưng là vì điều đó đưa đến tuệ quán để cắt đứt các chuỗi nô lệ ràng buộc và đem đến thực chứng giải phóng toàn bích, đó là Niết bàn.

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...