Sách Phật giáo

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.21)

Thứ hai, 04/07/2016 11:11

Với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh nay được sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Đây gọi là chánh tinh tấn.

TRÍCH LỤC
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

1. TẠI SAO TA PHẢI VÀO CON ĐƯỜNG?
(1) Mũi tên của sinh, già và chết

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, Jetavana, tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

2. Rồi Tôn giả Māluṅkyāputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. 

Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn,... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thì ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta những điều ấy, ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

3. Rồi vào buổi chiều, Tôn giả Māluṅkyāputta từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên loại bỏ ra... Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta những điều ấy, ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là thường còn”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là thường còn”. Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô thường”. Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô thường”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường”, thì không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là hữu biên”... “Thế giới là vô biên”... “Sinh mạng này và thân này là một”... “Sinh mạng này và thân này là khác”... “Như Lai có tồn tại sau khi chết”... “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”... Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. 

Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thì không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, không thấy”.

4. – Này Māluṅkyāputta, Ta có nói với ông: Này Māluṅkyā- putta, hãy đến và sống đời phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho ông: “Thế giới là thường còn”... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Hay ông có nói với Ta như sau: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn”... hay “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Sự tình là như vậy, này kẻ ngu kia, ông là ai và ông từ bỏ cái gì?

5. Này Māluṅkyāputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn”... hay “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.

Này Māluṅkyāputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa giải phẫu đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không để y sĩ rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc một người sát-đế-lỵ, bà-la-môn, phệ- xá, hay thủ-đà-la”.

Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không để y sĩ rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì... là người cao, thấp, hay trung bình... là da đen, da sẫm hay da vàng... là người thuộc làng nào, thị trấn nào, hay thành phố nào... khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ... khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, cây lau, một thứ gân, một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau dại hay được trồng...

Khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì – lông con kên, lông con cò, lông con ó, lông con công, hoặc lông một loại két... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn bởi loại gân nào – gân bò, gân trâu, gân nai, hoặc là gân khỉ... khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, loại tên móc, loại tên như đầu sào, loại tên như răng bò, hay loại tên như kẽm gai”. Người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì cả.

Cũng vậy, này Māluṅkyāputta, ai nói như sau: Ta sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn”... hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.

6. Này Māluṅkyāputta, đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là thường còn”. Đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô thường”. Dù có quan điểm “Thế giới là thường còn” hay quan điểm “Thế giới là vô thường”, thì vẫn có sinh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay ở đây và trong hiện tại.

Đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Thế giới là hữu biên”... “Thế giới là vô biên”... “Sinh mạng này và thân này là một”... “Sinh mạng này và thân này là khác”... “Như Lai có tồn tại sau khi chết”... “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”... Dù có quan điểm “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, hay quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thì vẫn có sinh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay ở đây và trong hiện tại.

7. Do vậy, này Māluṅkyāputta, hãy thọ trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những gì Ta có trả lời.

Và điều gì Ta không trả lời? “Thế giới là thường còn” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô thường” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là hữu biên” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô biên” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là một” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này khác” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời.

8. Vì sao điều ấy Ta không trả lời? Vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản đời sống phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.

9. Và điều gì Ta trả lời? “Ðây là khổ” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ tập” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ diệt” là điều Ta trả lời. “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” là điều Ta trả lời.

10. Vì sao điều ấy Ta trả lời? Vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản đời sống phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên điều ấy Ta trả lời.

Do vậy, này Māluṅkyāputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những điều Ta có trả lời.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Māluṅkyāputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. (MN 63, Tiểu kinh Māluṅkyā)

(2) Cốt lõi của đời sống tâm linh

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), núi Gijjhakuta (Linh Thứu), khi Devadatta (Ðề- bà-đạt-đa) từ bỏ (chúng tăng) ra đi không bao lâu. Ở đây, nhân việc Devadatta, Thế Tôn cho gọi các Tỳ kheo và dạy như sau:

2.– Ở đây, này các Tỳ kheo, có thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được”.

Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: “Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các Tỳ kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Vị ấy, vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. 

Chư Tỳ kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây.

Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”. Cũng vậy, vị Tỳ kheo ấy trở thành mê say, tham đắm trong lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng. Vị Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy cành lá của phạm hạnh và dừng lại ở đấy.

3. Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, có vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người.

Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu, giới đức này, vị ấy khen mình chê người: “Ta là người trì giới, theo thiện pháp. Các Tỳ kheo khác phá giới, theo ác pháp”. Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Chư Tỳ kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây.

Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”. Cũng vậy, vị Tỳ kheo ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu giới đức. Vị Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy vỏ ngoài của phạm hạnh và dừng lại ở đấy.

4. Nhưng ở đây, này các Tỳ kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được”. Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người.

Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình, chê người. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn.

Do thành tựu thiền định này, vị ấy khen mình chê người: “Ta có thiền định nhất tâm. Các Tỳ kheo khác không có thiền định, tâm bị phân tán”. Do thành tựu thiền định này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Chư Tỳ kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn lõi cây, tìm cầu lõi cây.

Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”. Cũng vậy, vị Tỳ kheo ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu thiền định. Vị Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy vỏ trong của phạm hạnh và dừng lại ở đấy.

5. Lại nữa, ở đây, có thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người.

Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn.

Vị ấy không vì thành tựu thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì tri kiến này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người: “Ta sống, thấy và biết. Các Tỳ kheo khác sống, không thấy và không biết”. Vị ấy, do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ.

Chư Tỳ kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá.

Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”. Cũng vậy, vị Tỳ kheo ấy trở thành mê say, tham đắm với sự thành tựu tri kiến. Vị Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy giác cây của phạm hạnh và dừng lại ở đấy.

6. Lại nữa, ở đây, này các Tỳ kheo, có vị thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong vòng sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn.

Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định, vị ấy do thành tựu thiền định này, hoan hỷ nhưng không tự mãn.

Vị ấy không do thành tựu thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giải thoát vĩnh viễn. Vị ấy không thể nào suy thoái từ sự giải thoát thoát vĩnh viễn ấy.

Này các Tỳ kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá.

Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện”. Cũng vậy, vị Tỳ kheo ấy đã thành tựu giải thoát vĩnh viễn.

7. Như vậy, này các Tỳ kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích do lợi dưỡng và danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Nhưng tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỳ kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. (MN 29, Ðại kinh Ví dụ lõi cây)

(3) Dục tham dần dần tan biến

– Này các Tỳ kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Vì mục đích gì, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, các ông cần phải trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Vì mục đích đoạn tận tham, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới sa-môn Gotama”.

Này các Tỳ kheo, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư hiền, đưa đến đoạn tận tham?” Ðược hỏi như vậy, này các Tỳ kheo, các ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư hiền, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham”.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham? Chính là Bát Chi Thánh Đạo này, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham.

Ðược hỏi vậy, này các Tỳ kheo, các ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy.

[Hoặc nữa, các ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau:] “Vì mục đích đoạn tận các kiết sử... Vì mục đích nhổ sạch lên các tùy miên... Vì mục đích liễu tri hành lộ... Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc... Vì mục đích chứng ngộ được quả của tuệ giác và giải thoát... Vì mục đích thấy và biết... Vì mục đích Niết bàn tối hậu, không có chấp thủ, này chư hiền, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn”.

Này các Tỳ kheo, nhưng nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ông như sau: “Có con đường nào, có đạo lộ nào, này chư hiền, đưa đến chứng đạt Niết bàn tối hậu, không có chấp thủ?” Ðược hỏi như vậy, này các Tỳ kheo, các ông phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Có con đường, này chư hiền, có đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết bàn tối hậu, không có chấp thủ”.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết bàn tối hậu, không có chấp thủ? Chính là Bát Chi Thánh Đạo này, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đạt Niết bàn tối hậu, không có chấp thủ.

Ðược hỏi vậy, này các Tỳ kheo, các ông cần phải trả lời như vậy cho các du sĩ ngoại đạo ấy. (SN 45:41-48)

2. PHÂN TÍCH BÁT CHI THÁNH ĐẠO

– Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng và phân tích Bát Chi Thánh Đạo này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỳ kheo, thế nào là Bát Chi Thánh Đạo? Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh kiến? Chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Đây gọi là chánh kiến.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh tư duy? Chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Đây gọi là chánh tư duy.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh ngữ? Chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Đây gọi là chánh ngữ.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh nghiệp? Chính là từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi phạm hạnh. Đây gọi là chánh nghiệp.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, vị thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Đây gọi là chánh mạng.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sinh không cho sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sinh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm.

Với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh nay được sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Đây gọi là chánh tinh tấn.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo sống quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ như các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm như tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp như các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Đây gọi là chánh niệm.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm.

Vị ấy ly hỷ trú xả, niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Đây gọi là chánh định. (SN 45:8)

3. THIỆN BẠN HỮU

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakya, tại thị trấn của dân chúng Sakya tên là Nāgaraka. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

– Một nửa phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyāṇamittatā), thiện bạn đãng (kalyāṇasahāyatā), thiện thân tình (kalyāṇasampavaṅkatā).

– Chớ có nói vậy, này Ānanda! Chớ có nói vậy, này Ānanda! Toàn bộ phạm hạnh này, này Ānanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, vị Tỳ kheo tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo.

Và này Ānanda, thế nào là Tỳ kheo với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo? Ở đây, này Ānanda, Tỳ kheo tu tập chánh kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

Tỳ kheo ấy tu tập chánh tư duy... chánh ngữ... chánh nghiệp... chánh mạng... chánh tinh tấn... chánh niệm... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ānanda, là Tỳ kheo với thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Bát Chi Thánh Đạo.

Này Ānanda, chính với pháp môn này, ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Nhờ lấy Ta làm thiện bạn hữu, này Ānanda, nên các chúng sinh bị sinh được giải thoát khỏi sinh; các chúng sinh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sinh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sinh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não.

Chính với pháp môn này, này Ānanda, ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. (SN 45:2)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
loading...