Sách Phật giáo
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P4)
Thứ hai, 02/05/2016 11:51
Tham, sân, si là ba căn bản bất thiện. Bất cứ nghiệp hành nào của một người bị tham, sân, si chi phối – qua thân, khẩu, ý – cũng đều là bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, có lòng sân, bị lòng sân chinh phục, có lòng si, bị lòng si chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên ý nghĩ: “Ta có sức mạnh, ta muốn có sức mạnh”. Tất cả đều là bất thiện.
TRÍCH LỤC
I. KIẾP NHÂN SINH
1. GIÀ, BỆNH, CHẾT
(1) Già và chết
Ở tại Sāvatthī (Xá-vệ). Ngồi một bên, vua Pasenadi (Ba-tư- nặc) nước Kosala (Kiều-tất-la) bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có cái gì sinh mà không già và không chết?
– Thưa Ðại vương, không có cái gì sinh mà không già và không chết. Thưa Ðại vương, dù cho những vị sát-đế-lỵ đại phú có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Vì các vị ấy có sinh nên không thoát khỏi già và chết.
Thưa Ðại vương, dù cho những vị bà-la-môn đại phú,... dù cho những gia chủ đại phú, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Vì các vị ấy có sinh nên không thoát khỏi già và chết.
Thưa Ðại vương, cho đến các vị tỳ-kheo, những bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích tối hậu, đã đoạn được hữu kiết sử, đã được giải thoát nhờ chánh trí, cho đến thân này của các vị ấy cũng phải bị hủy hoại, cũng phải bị từ bỏ.
Xe vua dù mỹ diệu, Rồi cũng phải hư hoại, Thân thể này cũng vậy, Rồi cũng phải già yếu. Chỉ thiện pháp không già, Bậc thiện nhân nói vậy. (SN 3:3)
(2) Ví dụ hòn núi
Nhân duyên ở Sāvatthī. Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu lại?
– Bạch Thế Tôn, con rất là bận rộn với những sự việc các vua chúa bận rộn. Các vua chúa sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn.
– Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có người đến với Ðại vương từ phương Ðông, một người thân tín, đáng tin cậy. Người ấy đến Ðại vương và thưa: “Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con từ phương Ðông lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp tất cả loại hữu tình. Tâu Ðại vương, Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm”.
Rồi một người khác đến từ phương Tây... Rồi một người thứ ba đến từ phương Bắc... Rồi một người thứ tư đến từ phương Nam, thân tín đáng tin cậy. Người ấy đến Ðại vương và thưa: “Tâu Ðại vương, mong Ðại vương được biết, con từ phương Nam lại và có thấy tại đấy một ngọn núi cao như hư không, đang di chuyển và chà đạp, đè bẹp lên tất cả loại hữu tình. Tâu Ðại vương, Ðại vương hãy làm những gì cần phải làm”. Như vậy, thưa Ðại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Ðại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người thật khó khăn, thì Ðại vương có thể làm được những gì?
– Như vậy, bạch Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người thật khó khăn, thì con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chánh làm các hạnh lành, làm các công đức.
– Thưa Ðại vương, Ta nói cho Ðại vương biết, Ta báo cho Ðại vương hay. Già và chết đang tiến đến chinh phục Ðại vương. Khi bị già chết chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì?
– Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thì con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.
Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với tượng binh không đem lại một hướng đi (gati), một điểm tựa cho các vua chúa ấy, mội khi bị già chết chinh phục.
Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả một vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với mã binh..., với xa binh..., với bộ binh. Bạch Thế Tôn, các trận chiến với bộ binh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa ấy một khi bị già chết chinh phục.
Bạch Thế Tôn, trong vương quốc này có những đại quan tinh luyện về thần chú. Các vị này có thể với thần chú, phá tan quân địch tới tấn công. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến chú thuật không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị đại quan ấy một khi bị già chết chinh phục.
Bạch Thế Tôn, trong vương cung này có nhiều số vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng và với số vàng ấy chúng con có thể thao túng và phá tan nền kinh tế nước khác. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến kinh tế không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho chúng con một khi bị già chết chinh phục.
Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thì con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.
– Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Khi Ðại vương bị già chết chinh phục, Ðại vương có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức.
Thế Tôn nói như vậy và bậc Ðạo Sư nói thêm:
Như núi đá rộng lớn, Dựng đứng lên hư không, Tiến tới tràn xung quanh, Áp đè cả bốn phía. Cũng vậy, già và chết Di chuyển đến hữu tình, Giai cấp sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, phệ-xá, Thủ-đà, chiên-đà-la Kẻ đổ rác, đổ phân, Không một ai thoát khỏi, Tất cả bị chinh phục.
Ở đây không tượng binh, Không xa binh, bộ binh, Không trận chiến chú thuật, Không trận chiến tài sản. Có thể giúp chiến thắng, Chống với già, với chết.
Do vậy người hiền trí, Thấy rõ phần tự lợi, Người trí đặt tin tưởng, Vào Phật, Pháp và Tăng. Ai với thân, khẩu, ý, Hành trì đúng Chánh pháp, Ðời này được tán thán, Ðời sau, hưởng phước trời. (SN 3:25)
(3) Thiên sứ
– Có ba thiên sứ này, này các tỳ-kheo, Thế nào là ba? Ở đây, này các tỳ-kheo, có người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Sau khi thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Rồi những người lính địa ngục với hai cánh tay bắt người ấy dẫn đến vua Yama (Dạ-ma, Diêm vương) và thưa:
– Thưa Ðại vương, người này không kính mẹ, không kính cha, không kính sa-môn, không kính bà-la-môn, không tôn kính các bậc lớn tuổi trong gia đình, Ðại vương hãy trừng phạt nó.
Rồi vua Yama chất vấn người ấy, cật vấn, nạn vấn người ấy về thiên sứ thứ nhất:
– Này người kia, người có thấy vị thiên sứ thứ nhất hiện ra giữa loài người không?
Người ấy trả lời:
– Con không thấy, thưa ngài Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay đàn ông tám mươi tuổi, hay chín mươi tuổi, hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã tận, răng rụng tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, đầu rung, tay chân da mồi khô đét?
Người ấy nói như sau:
– Thưa Ngài, con có thấy.
Rồi vua Yama nói với người ấy như sau:
– Này người kia, với ngươi là người có trí và lớn tuổi, ngươi có nghĩ rằng: Ta rồi cũng bị già, ta không vượt qua tuổi già. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?
Người ấy nói như sau:
– Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.
Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư thiên làm, không phải sa-môn làm, bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
Rồi vua Yama sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị thiên sứ thứ nhất, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị thiên sứ thứ hai:
– Này người kia, người có thấy vị thiên sứ thứ hai hiện ra giữa loài người không?
Người ấy trả lời:
– Con không thấy, thưa ngài Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, bệnh hoạn khổ não nguy kịch, rơi nằm trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?
Người ấy nói như sau:
– Thưa Ngài, con có thấy.
Rồi vua Yama nói với người ấy như sau:
– Này người kia, với ngươi là người có trí và lớn tuổi, ngươi có nghĩ rằng: Ta rồi cũng bị bệnh, ta không vượt qua bệnh hoạn. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?
Người ấy nói như sau:
– Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.
Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư thiên làm, không phải sa-môn làm, bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
Rồi vua Yama, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị thiên sứ thứ hai, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị thiên sứ thứ ba:
– Này người kia, người có thấy vị thiên sứ thứ ba hiện ra giữa loài người không?
Người ấy trả lời:
– Con không thấy, thưa Ngài. Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, chết đã được một ngày, hay chết được hai ngày, hay chết được ba ngày, sưng phù lên, xanh xám lại và nát rữa ra?
Người ấy nói như sau:
– Thưa Ngài, con có thấy.
Rồi vua Yama nói với người ấy như sau:
– Này người kia, với ngươi là người có trí và lớn tuổi, ngươi có nghĩ rằng: Ta rồi cũng bị chết, ta không vượt qua sự chết. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?
Người ấy nói như sau:
– Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.
Rồi vua Yama nói với người ấy:
– Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư thiên làm, không phải sa-môn làm, bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy. (AN 3:35)
2. NHỮNG KHỔ NÃO CỦA CUỘC SỐNG THIẾU SUY TƯ
(1) Mũi tên của thọ khổ
(1) Mũi tên của thọ khổ
– Này các tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Ví như có người bị người ta bắn với mũi tên, rồi họ bắn người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, người ấy cảm giác cảm thọ cả hai mũi tên. Người ấy cảm giác hai cảm thọ khổ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm.
Cảm xúc bởi khổ thọ ấy, người ấy cảm thấy sân hận. Do cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ được tồn chỉ tùy miên. Cảm xúc bởi khổ thọ, người ấy tìm hoan hỷ nơi dục lạc. Vì sao? Vì rằng, kẻ vô văn phàm phu không tìm thấy một sự xuất ly khổ thọ nào khác, ngoài dục lạc. Do hoan hỷ nơi dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại. Người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, nên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại.
Nếu người ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Này các tỳ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ.
Và này các tỳ-kheo, bậc đa văn thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thì không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Ví như có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, người ấy chỉ cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, bậc đa văn thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ, vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm.
Vị ấy không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy. Do không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ không có tồn tại. Cảm xúc bởi khổ thọ, vị ấy không tìm hoan hỷ nơi dục lạc. Vì sao? Vì bậc đa văn thánh đệ tử có tuệ tri một sự xuất ly khác đối với khổ thọ, ngoài dục lạc. Vì vị ấy không hoan hỷ dục lạc, tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Vì rằng vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, đối với bất khổ bất lạc thọ, vô minh tùy miên không có tồn tại.
Nếu vị ấy cảm thọ lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm khác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Này các tỳ-kheo, đây gọi là tỳ-kheo không bị trói buộc bởi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng vị ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.
Này các tỳ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là thù thắng, đây là sự khác biệt giữa bậc đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
(SN 36:6)
(2) Những nỗi thăng trầm của cuộc đời
– Tám thế gian pháp này, này các tỳ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám? Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.
Vị đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu đều phải đối diện với tám pháp thế gian này. Ở đây, có đặc thù gì, thù thắng gì, có khác biệt gì giữa vị đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?
– Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các tỳ-kheo sẽ thọ trì.
– Vậy này các tỳ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Với kẻ vô văn phàm phu, này các tỳ-kheo, khi khởi lên lợi dưỡng, người ấy không có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại”. Người ấy không như thật rõ biết. Khi khởi lên không lợi dưỡng... khởi lên danh vọng... khởi lên không danh vọng... khởi lên tán thán... khởi lên chỉ trích... khởi lên an lạc... khởi lên khổ đau, người ấy không có suy tư: “Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại”. Người ấy không như thật rõ biết. Do đó, lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú. Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ. Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không thể giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thể thoát khỏi khổ.
Với vị đa văn thánh đệ tử, này các tỳ-kheo, khi khởi lên lợi dưỡng, vị ấy có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết. Khi khởi lên không lợi dưỡng... khởi lên danh vọng... khởi lên không danh vọng... khởi lên tán thán... khởi lên chỉ trích... khởi lên an lạc... khởi lên khổ đau, vị ấy có suy tư: “Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường, khổ, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết, lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú. Vị ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên, không nghịch ứng với không lợi dưỡng; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên, không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên, không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên, không nghịch ứng với đau khổ. Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.
Ðây là đặc thù, này các tỳ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị đa văn thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
(AN 8:6)
(AN 8:6)
(3) Lo rầu về sự thay đổi
– Này các tỳ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông về sự rúng động vì chấp thủ, sự không rúng động vì không chấp thủ. Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các tỳ-kheo, thế nào là rúng động vì chấp thủ? Ở đây, này các tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc thánh, không thuần thục và không tu tập pháp của các bậc thánh, không thấy rõ các bậc chân nhân, không thuần thục và không tu tập pháp của các bậc chân nhân, người ấy quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Sắc ấy sẽ biến hoại và đổi khác. Ðối với người ấy, khi sắc biến hoại và đổi khác, tâm thức của người ấy tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Từ đó, các pháp ưu não sinh khởi, xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên sợ hãi, đau buồn, run sợ và vì chấp thủ, người ấy rúng động.
Người ấy quán thọ như là tự ngã,... quán tưởng như là tự ngã,... quán các hành như là tự ngã,... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Thức ấy sẽ biến hoại và đổi khác. Ðối với người ấy, khi thức biến hoại và đổi khác, tâm của người ấy tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Từ đó, các pháp ưu não sinh khởi, xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên sợ hãi, đau buồn, run sợ và vì chấp thủ, người ấy rúng động.
Như vậy, này các tỳ-kheo, đó là sự rúng động vì chấp thủ.
Và này các tỳ-kheo, như thế nào là sự không rúng động vì không chấp thủ? Ở đây, này các tỳ-kheo, vị đa văn thánh đệ tử thấy rõ các bậc thánh, thuần thục và khéo tu tập pháp của các bậc thánh, thấy rõ các bậc chân nhân, thuần thục và khéo tu tập pháp của các bậc chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Sắc ấy sẽ biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, tâm của vị ấy không tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Từ đó, các pháp ưu não không sinh khởi, không xâm nhập tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có sợ hãi, đau buồn, run sợ và vì không chấp thủ, người ấy không rúng động.
Vị ấy không quán thọ như là tự ngã,... không quán tưởng như là tự ngã,... không quán các hành như là tự ngã,... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức ấy biến hoại và đổi khác. Ðối với vị ấy, khi thức biến hoại và đổi khác, tâm không tùy chuyển theo sự biến hoại của thức. Từ đó, các pháp ưu não không sinh khởi, không xâm nhập tâm và an trú. Do tâm không bị xâm chiếm nên không có sợ hãi, đau buồn, run sợ và vì không chấp thủ, người ấy không rúng động.
Như vậy, này các tỳ-kheo, đó là sự không rúng động vì không chấp thủ.
(SN 22:7)
3. THẾ GIỚI QUAY CUỒNG
(1) Nguyên nhân của xung đột
(1) Nguyên nhân của xung đột
Bà-la-môn Ārāmaṇḍa đi đến Tôn giả Mahākaccāna (Đại Ca- chiên-diên), sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; rồi hỏi:
– Do nhân gì, thưa Tôn giả Kaccāna, do duyên gì các người sát-đế-lỵ tranh chấp với các người sát-đế-lỵ, các người bà-la-môn tranh chấp với các người bà-la-môn, các người gia chủ tranh chấp với các người gia chủ?
– Do nhân thiên chấp, bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các dục tham, này bà-la-môn, nên các sát-đế-lỵ tranh chấp với các sát-đế-lỵ, các người bà-la-môn tranh chấp với các người bà-la-môn, các người gia chủ tranh chấp với các người gia chủ.
– Do nhân gì, thưa Tôn giả Kaccāna, do duyên gì các sa-môn tranh chấp với các sa-môn?
– Do nhân thiên chấp, bị trói buộc, bị đắm say, bị xâm chiếm, bị đắm trước bởi các kiến tham, này bà-la-môn, nên các sa-môn tranh chấp với các sa-môn.
(AN 2:iv,6)
(2) Tại sao chúng sinh sống trong thù hận?
2.1 Thiên chủ Sakka (Đế-thích) hỏi Thế Tôn:
2.1 Thiên chủ Sakka (Đế-thích) hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do kiết sử gì, chúng sinh thường ao ước sống không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý; họ ao ước sống hòa bình, thế nhưng chúng sinh lại sống trong hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý?
Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy như sau:
– Này thiên chủ, tật đố và xan tham trói buộc chúng sinh sống trong hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, mặc dù họ thường ao ước sống hòa bình, sống không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý.
Ðó là hình thức Thế Tôn trả lời cho câu hỏi thiên chủ Sakka. Sung sướng, thiên chủ Sakka hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
– Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con diệt tận, do dự của con tiêu tan.
2.2 Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ câu trả lời của Thế Tôn, liền hỏi câu hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn, tật đố và xan tham, do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sinh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố và xan tham có mặt? Cái gì không có mặt, thì tật đố và xan tham không có mặt?
– Này thiên chủ, tật đố và xan tham do ưa và ghét làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sinh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì tật đố và xan tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, ưa và ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sinh khởi... ?
– Này thiên chủ, ưa ghét do dục làm nhân duyên, do dục làm tập khởi...
– Bạch Thế Tôn, dục do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến dục sinh khởi... ?
– Này thiên chủ, dục do tầm làm nhân duyên, do tầm làm tập khởi...
– Bạch Thế Tôn, tầm lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi, cái gì khiến tầm sinh khởi... ?
– Này thiên chủ, tầm lấy cái loại vọng tưởng hý luận làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm sinh khởi, các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì tầm có mặt. Do các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì tầm không có mặt.
(DN 21, Kinh Ðế-thích sở vấn)
(3) Chuỗi duyên đen tối
– Như vậy, này Ānanda, do duyên thọ, ái sinh; do duyên ái, tìm cầu sinh; do duyên tìm cầu, lợi sinh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sinh; do duyên quyết định, tham dục sinh; do duyên tham dục, đắm trước sinh; do duyên đắm trước, chấp thủ sinh; do duyên chấp thủ, hà tiện sinh; do duyên hà tiện, thủ hộ sinh; do duyên thủ hộ, phát sinh các pháp ác, pháp bất thiện như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ.
(DN 15, Kinh Ðại duyên)
(4) Gốc rễ của tàn bạo và đàn áp
Tham, sân, si là ba căn bản bất thiện. Bất cứ nghiệp hành nào của một người bị tham, sân, si chi phối – qua thân, khẩu, ý – cũng đều là bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, có lòng sân, bị lòng sân chinh phục, có lòng si, bị lòng si chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên ý nghĩ: “Ta có sức mạnh, ta muốn có sức mạnh”. Tất cả đều là bất thiện.
(AN 3:69)
4. KHÔNG THỂ BIẾT ĐƯỢC KHỞI THỦY
(1) Cỏ và cũi
(1) Cỏ và cũi
Thế Tôn nói như sau:
– Vô thủy là cõi ta-bà này, này các tỳ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Ví như, này c