Sách Phật giáo
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P5)
Thứ hai, 04/05/2016 09:45
Trong bối cảnh của một vũ trụ không có giới hạn về thời gian, một vũ trụ mà trong đó chúng sinh bị bao trùm trong bóng tối của vô minh, lang thang và ràng buộc bởi sự đau khổ của tuổi già, bệnh tật và cái chết, đức Phật xuất hiện như là “người cầm đuốc của nhân loại”, mang lại ánh sáng của trí tuệ.
CHƯƠNG II
NGƯỜI ĐEM ÁNH SÁNG
DẪN NHẬPHình ảnh của kiếp nhân sinh trong kinh tạng Nikāya, như đã trình bày trong chương trước, là bối cảnh để sự xuất hiện của đức Phật trên thế gian này có tầm mức quan trọng cao cả và sâu sắc. Nếu chúng ta không nhìn đức Phật trong bối cảnh đa chiều này, trải dài từ những nhu cầu cấp bách và cá nhân trong hiện tại cho đến các nhịp điệu to lớn, tổng quát của toàn thể vũ trụ, bất cứ diễn dịch nào của chúng ta về vai trò của Ngài đều khiếm khuyết, không đầy đủ. Thay vì nắm rõ quan điểm của các vị kết tập kinh điển, các diễn dịch của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những giả định của chúng ta cũng như của các vị ấy, thậm chí còn nhiều hơn thế. Tùy thuộc vào những thành kiến và thiên hướng của mỗi người, chúng ta có thể chọn để xem đức Phật như một nhà cải cách đạo đức phóng khoáng từ đạo Bà-la-môn đang thoái hóa, như một nhà nhân bản thế tục tuyệt vời, như một người thực nghiệm cực đoan, như một nhà tâm lý học hiện sinh, như một người cổ vũ thuyết bất khả tri, hoặc là một vị tiên tri của bất kỳ một chủ thuyết tâm linh nào đó theo thị hiếu của mình. Hình như hình ảnh đức Phật trong kinh điển chỉ là phản ánh cách nhìn về chính chúng ta, không phải là hình ảnh rõ ràng của một bậc Giác Ngộ.
Có lẽ trong việc diễn giải một kho tàng văn học tôn giáo cổ xưa, chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tránh việc đem bản thân và giá trị của mình vào chủ đề đang diễn giải. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta có thể không bao giờ đạt được sự minh bạch hoàn hảo, chúng ta có thể hạn chế tác động thiên vị cá nhân trong quá trình diễn giải, bằng cách tôn trọng những gì đã ghi trong kinh văn. Khi chúng ta có thái độ tôn kính kinh tạng, khi chúng ta nghiêm túc khảo sát những gì ghi lại về bối cảnh của sự biểu hiện của đức Phật trên thế gian, chúng ta sẽ thấy rằng các kinh văn đó đã ghi lại sứ mạng của Ngài trong bối cảnh vũ trụ bao la. Trong bối cảnh của một vũ trụ không có giới hạn về thời gian, một vũ trụ mà trong đó chúng sinh bị bao trùm trong bóng tối của vô minh, lang thang và ràng buộc bởi sự đau khổ của tuổi già, bệnh tật và cái chết, đức Phật xuất hiện như là “người cầm đuốc của nhân loại” (ukkādhāro manussānaṃ), mang lại ánh sáng của trí tuệ. Trong Kinh văn II,1, sự xuất hiện của Ngài trên thế gian là “sự xuất hiện của đại nhãn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh”. Sau khi giác ngộ giải thoát, Ngài thắp lên ánh sáng trí tuệ cho chúng ta, cho thấy sự thật chúng ta phải thấy và con đường tu tập đưa đến sự giải thoát.
Theo truyền thống Phật giáo, đức Phật Gotama (Cồ-đàm) không chỉ là một vị duy nhất xuất hiện trên thế gian rồi sẽ biến mất mãi mãi. Ngài là một vị Phật nối tiếp nhiều vị Chánh Đẳng Giác trong quá khứ và sẽ còn nhiều vị Phật khác trong tương lai vô thời hạn. Phật giáo Sơ kỳ, ngay cả trong các kinh văn cổ xưa của kinh tạng Nikāya, thừa nhận có nhiều vị Chánh Đẳng Giác, theo một khuôn mẫu tổng quát ghi lại trong đoạn đầu của bài kinh Đại Duyên (Mahāpadāna Sutta, DN 14, không trình bày trong tập sách này). Danh hiệu “Tathāgata” (Như Lai) được dùng cho đức Phật là để chỉ khuôn mẫu cơ bản này. Chữ này có nghĩa vừa là “đến như thế” (tathā āgata), nghĩa là Ngài đến như những vị Phật quá khứ đã đến; và vừa là “đi như thế” (tathā gata), nghĩa là Ngài đi an bình tối hậu, Niết bàn, như những vị Phật đã đi (xem chương X).
Mặc dù kinh tạng Nikāya quy định trong bất kỳ hệ thống thế giới nào, trong bất kỳ thời đại nào, chỉ có hiện diện một bậc Chánh Đẳng Giác, sự xuất hiện của các vị Phật gắn liền với sự vận hành của vũ trụ. Như một ngôi sao băng chống lại bóng tối của bầu trời đêm, trong từng thời kỳ, một vị Phật Chánh Đẳng Giác sẽ xuất hiện trong bối cảnh không gian vô biên, thắp sáng bầu trời tâm linh của thế giới, đem ánh sáng trí tuệ đến cho những ai có khả năng nhìn thấy các sự thật mà Ngài soi rọi. Một vị trên đường thành Phật được gọi trong tiếng Pāli là một vị Bodhisatta (Bồ-tát), tiếng Sanskrit gọi là Bodhisattva. Theo truyền thống chung của Phật giáo, Bồ-tát là một người có ước nguyện thành một vị Phật trong tương lai và đang trải qua một tiến trình thăng hoa tâm ý lâu dài. Với lòng từ bi vô hạn và ý nguyện mạnh mẽ để cứu độ chúng sinh đang đau khổ về sinh tử, vị Bồ-tát phải trải qua nhiều kiếp trên con đường huân tập để phát triển và toàn thiện các đức hạnh cần thiết của một vị Phật. Khi các đức hạnh này được phát triển hoàn mãn, Ngài đạt quả vị Phật để truyền bá Giáo Pháp cho thế gian. Một vị Phật phát hiện con đường “cổ xưa” đưa đến giải thoát, con đường mà chư Phật trong quá khứ đã đi qua, đưa đến tự do vô giới hạn của Niết bàn. Sau khi tìm thấy con đường và đã đi trọn con đường đó, Ngài truyền dạy đầy đủ cho nhân loại, để nhiều người khác có thể tiến vào con đường giải thoát tối hậu đó.
Kinh tạng Nikāya cung cấp hai quan điểm về đức Phật như một con người và cần phải cân bằng giữa hai quan điểm này, không bác bỏ một quan điểm nào. Cái nhìn đúng đắn về đức Phật chỉ có thể phát sinh từ sự kết hợp của hai quan điểm này, cũng như cái nhìn chính xác về một đối tượng có thể phát sinh khi sự ghi nhận từ hai con mắt được kết hợp trong não bộ thành một hình ảnh duy nhất. Một quan điểm, thường xuyên nổi bật nhất trong các sự trình bài hiện đại về Phật giáo, cho thấy đức Phật như một con người, giống như những người khác, đã phải đấu tranh với các yếu đuối phổ thông của bản chất con người, để đi đến trạng thái của một bậc Giác Ngộ. Sau khi giác ngộ ở tuổi ba mươi lăm, Ngài sống giữa chúng ta trong bốn mươi lăm năm như là một vị thầy trí tuệ và từ bi, chia sẻ sự thực chứng của mình với những người khác và đảm bảo giáo lý của Ngài sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài trên thế gian sau khi Ngài tịch diệt. Đây là một phương diện về bản chất của đức Phật nhận thấy rõ ràng nhất trong kinh tạng Nikāya. Vì điều ấy tương ứng chặt chẽ với những thái độ bất khả tín ngày nay đối với các lý tưởng về niềm tin tôn giáo, nó có một sức hấp dẫn tức thời cho những ai đang nuôi dưỡng bởi các tư tưởng hiện đại.
Một khía cạnh khác của con người đức Phật có thể có vẻ xa lạ đối với chúng ta, nhưng nổi bật trong truyền thống Phật giáo và dùng như một nền tảng cho sự sùng tín phổ thông trong đạo Phật. Mặc dù có vị trí thứ yếu trong kinh tạng Nikāya, khía cạnh này thỉnh thoảng hiện ra nhưng rất rõ ràng, không thể bỏ qua, bất chấp nỗ lực của những phật tử tân thời tìm cách giảm nhẹ ý nghĩa cho sự hiện diện đó. Trong quan điểm thứ hai này, đức Phật được xem như một trong những vị đã chuẩn bị cho quả vị tối cao trong vô số kiếp quá khứ và trong kiếp này, được xác định khi sinh ra sẽ hoàn tất sứ mạng của một vị thầy của toàn thế giới. Kinh văn II,2 là một thí dụ về cách đức Phật được nhìn từ quan điểm này. Ở đây, vị Phật tương lai từ cõi trời Đâu-suất (Tusita) với đầy đủ ý thức, nhập thai vào lòng mẹ. Việc thụ thai và đản sinh kèm theo nhiều điều kỳ diệu: Các vị thiên thần tôn kính trẻ sơ sinh; và ngay sau khi sinh ra, Ngài đi bảy bước và tuyên bố số phận tương lai của mình. Rõ ràng, đối với các nhà biên tập bài kinh đó, đức Phật đã được xác định sẽ đạt được Phật quả ngay cả trước khi nhập thai và do đó, cuộc đấu tranh đưa đến giác ngộ là một trận chiến mà kết quả đã được xác định trước. Đoạn cuối cùng của bài kinh, tuy nhiên, trở lại với hình ảnh thực tế của đức Phật. Những gì đức Phật được xem là thực sự kỳ diệu, không phải là những phép lạ đi kèm với sự nhập thai và đản sinh, nhưng là chánh niệm và hiểu biết rõ ràng về các cảm thọ, suy tưởng và nhận thức.
Ba bài kinh trong đoạn 3 là những tường thuật tiểu sử phù hợp với quan điểm tự nhiên này. Chúng cung cấp cho chúng ta một bức chân dung của đức Phật hoàn toàn hiện thực, rõ ràng tự nhiên, nổi bật trong khả năng truyền đạt những hiểu biết sâu sắc tâm lý, không dùng nhiều kỹ thuật mô tả. Trong Kinh văn II,3(1), chúng ta đọc về sự rời bỏ gia đình của Ngài, tu học với hai vị thiền sư nổi tiếng, thất vọng về giáo lý của họ, cuộc đấu tranh đơn độc của Ngài và thực chứng thắng lợi của Bất tử. Kinh văn II,3(2) điền vào những khoảng trống của câu chuyện trên với chi tiết về sự thực hành khổ hạnh của ngài Bồ-tát, không hiểu sao lại không được đề cập trong bài kinh trước. Kinh văn này cũng mô tả cổ điển của kinh nghiệm giác ngộ liên quan đến việc đạt được bốn tầng thiền-na – những trạng thái thiền định thâm sâu, tiếp theo là ba vijjās hay tam minh: Hiểu biết về các kiếp quá khứ (túc mạng minh), hiểu biết về chết và tái sinh của chúng sinh (thiên nhãn minh) và hiểu biết về sự hủy diệt của các lậu hoặc (lậu tận minh). Trong khi bài kinh này cho ta một ấn tượng rằng minh trí cuối cùng tự phát đột ngột trong tâm đức Phật, Kinh văn II,3(3) chỉnh sửa ấn tượng đó với sự tường thuật về ngài Bồ-tát vào thời gian trước khi giác ngộ, đã suy tư sâu sắc về sự đau khổ của tuổi già và cái chết. Sau đó, Ngài truy tầm nhân duyên của sự đau khổ này bằng một quá trình bao gồm, ở mỗi bước, sự “chú tâm cẩn thận” (yoniso manasikāra, như lý tác ý) dẫn đến “bừng phát minh kiến” (paññāya abhisamaya). Quá trình thẩm tra này lên đến đỉnh điểm trong việc phát hiện ra lý duyên khởi, do đó, trở thành nền tảng giáo lý của Ngài.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, như trình bày ở đây và các nơi khác trong kinh tạng Nikāya (lý duyên khởi, chương IX), lý duyên khởi không biểu hiện sự đề cao tính liên kết của tất cả mọi thứ, nhưng là một trình bày rõ ràng, chính xác của mô hình tùy thuộc phát sinh, dựa theo đó, đau khổ phát sinh và chấm dứt. Trong cùng một kinh văn, đức Phật tuyên bố rằng Ngài đã phát hiện con đường giác ngộ khi Ngài tìm thấy phương cách để chấm dứt vòng duyên sinh này. Như thế, thực chứng tận diệt duyên khởi, không chỉ đơn thuần là sự phát hiện của khía cạnh nhân duyên, đã đưa đến sự giác ngộ của Ngài. Ảnh dụ thành phố cổ xưa, trình bày trong đoạn sau của bài kinh, minh họa rằng sự giác ngộ của đức Phật không phải là một sự kiện độc đáo nhưng là sự tái khám phá “con đường cổ xưa” mà chư Phật quá khứ đã từng đi qua.
Kinh văn II,4, tiếp tục câu chuyện của Kinh văn II,3(1), mà tôi đã chia cắt trong hai phiên bản về sự tầm cầu con đường giác ngộ của ngài Bồ-tát. Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện về đức Phật sau khi giác ngộ, Ngài cân nhắc về vấn đề quan trọng là có nên chia sẻ sự thực chứng của mình đến thế gian hay không. Ngay thời điểm này, ở giữa một câu chuyện ghi trong kinh văn diễn tiến rất tự nhiên và thuyết phục, một vị thần tên là Phạm thiên Sahampati xuống từ cõi trời để thỉnh cầu đức Phật tiến bước du hành, truyền giảng Giáo Pháp vì lợi ích cho những người “có ít bụi trong đôi mắt của mình”. Cảnh tượng này được hiểu theo nghĩa đen, hay là một biểu tượng diễn tả sự suy tư cân nhắc trong tâm trí của đức Phật? Thật khó cung cấp một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này; có lẽ sự kiện đó có thể được hiểu như là xảy ra ở cả hai cấp độ cùng một lúc. Dù thế nào, vị Phạm thiên xuất hiện vào thời điểm này đánh dấu một sự chuyển đổi từ tính hiện thực trong phần đầu bài kinh sang tính biểu tượng thần thoại. Sự chuyển đổi này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ý nghĩa thiêng liêng về sự giác ngộ của đức Phật và sứ mệnh tương lai của Ngài như là một vị đạo sư.
Lời khẩn cầu của Phạm thiên cuối cùng được đức Phật đồng ý truyền giảng Giáo Pháp. Ngài chọn những người đầu tiên nhận được lời dạy của Ngài là năm vị đạo sĩ trước đó là từng là bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm trong một tuyên bố ngắn gọn rằng nếu họ sống đúng theo lời khuyến giáo của Ngài, họ sẽ tự chứng được Niết bàn bất tử. Tuy nhiên, Kinh văn II,4 không cho biết những lời dạy cụ thể mà đức Phật truyền đạt cho họ khi Ngài gặp họ. Những lời dạy đó được ghi lại trong bài thuyết giảng đầu tiên, có tên là bài kinh “Chuyển Pháp Luân”.
Kinh này được trình bày trong Kinh văn II,5. Bài kinh bắt đầu khi đức Phật công bố cho năm ẩn sĩ rằng Ngài đã phát hiện ra “Trung Đạo”, mà Ngài xác định đó là Bát Chi Thánh Đạo (Bát Chánh Đạo). Dựa theo những gì đã trình bày trong phần tiểu sử ở trên, chúng ta có thể hiểu tại sao đức Phật bắt đầu bài giảng theo cách này. Năm ẩn sĩ ban đầu đã từ chối thừa nhận tuyên bố của đức Phật đã giác ngộ và làm ngơ, vì họ cho rằng Ngài đã từ bỏ mục đích thanh cao để trở lại cuộc sống xa hoa. Do đó, đầu tiên Ngài đã phải đảm bảo với họ rằng Ngài không hề quay trở lại một cuộc sống nuông chiều bản thân. Ngài đã tìm được một phương pháp tiếp cận mới cho việc tầm cầu giác ngộ. Cách tiếp cận mới này, Ngài nói với họ, vẫn trung thành với việc từ bỏ thú vui nhục dục, nhưng cũng tránh hành hạ cơ thể một cách vô ích và không hiệu quả. Sau đó, Ngài giải thích cho họ con đường chân chính để tiến đến giải thoát, Bát Chi Thánh Đạo, tránh hai cực đoan. Từ đó, phát sinh ánh sáng trí tuệ và lên đến đỉnh điểm trong việc tiêu diệt tất cả mọi trói buộc, đó là Niết bàn.
Sau khi đánh tan sự hiểu lầm của họ, đức Phật tuyên bố về những sự thật Ngài đã nhận ra vào đêm giác ngộ của mình. Đó là Tứ Thánh Đế. Không những Ngài nói rõ mỗi sự thật và xác định ngắn gọn ý nghĩa của nó, mà lại còn mô tả mỗi sự thật từ ba góc nhìn. Đây là ba lần chuyển bánh xe Pháp, được đề cập trong phần sau của bài kinh. Đối với mỗi sự thật, lần chuyển thứ nhất là trí tuệ chiếu sáng bản chất đặc thù của sự thật cao quý đó (thị chuyển). Lần chuyển thứ hai là sự hiểu biết rằng mỗi sự thật cao quý đòi hỏi một nhiệm vụ đặc biệt cần phải thực hiện (khuyến chuyển). Do đó, sự thật cao quý đầu tiên, sự thật về đau khổ (khổ đế), cần phải được hiểu đầy đủ (liễu tri); sự thật thứ hai, sự thật của nguồn gốc của đau khổ (tập đế) tức là tham ái, cần phải đoạn trừ; sự thật thứ ba, sự thật về sự chấm dứt đau khổ (diệt đế), cần phải thực chứng; và sự thật thứ tư, sự thật của con đường (đạo đế), cần phải được tu tập. Lần chuyển thứ ba là sự chứng nhận rằng bốn nhiệm vụ liên quan đến Tứ Thánh Đế đã hoàn thành (chứng chuyển): sự thật của đau khổ đã được hiểu biết đầy đủ; tham ái đã được đoạn trừ; sự chấm dứt đau khổ đã được thực chứng; và con đường diệt khổ đã được hoàn toàn tu tập. Chỉ sau khi Ngài đã hiểu rõ Tứ Thánh Đế trong ba chuyển và mười hai phương thức, Ngài có thể khẳng định rằng Ngài đã đạt được giác ngộ hoàn toàn.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân minh họa một lần nữa sự dung hợp hai khía cạnh trình bày mà tôi đề cập trước đó – khía cạnh thực tế và khía cạnh thần thoại vũ trụ. Bài kinh diễn tiến hầu như qua khía cạnh thực tế tự nhiên cho đến khi chúng ta đọc đến đoạn cuối. Khi đức Phật hoàn tất bài thuyết giảng, ý nghĩa vũ trụ thần thoại của sự kiện này được nhấn mạnh bởi một đoạn kinh cho thấy chư thiên trong mỗi cõi trời hoan nghênh bài thuyết giảng và lớn tiếng thông báo tin mừng này đến chư thiên ở cõi trời cao hơn. Đồng thời, toàn thể vũ trụ thế giới chấn động rung chuyển và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra toàn thế giới, vượt trội ánh sáng của chư thiên. Rồi tiếp theo đó, trong phần kết thúc bài kinh, chúng ta từ cảnh quang rực rỡ trở lại cõi người bình thường, để thấy đức Phật chúc mừng ngài Kiều-trần-như đã có pháp nhãn, mắt không còn nhiễm bụi trần. Trong khoảnh khắc, ánh sáng giáo pháp được vị đạo sư truyền trao cho đệ tử, để bắt đầu cuộc hành trình đi khắp Ấn Độ và trên toàn thế giới.
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Còn nữa…
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
-
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P4)
-
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P3)
-
Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.2)
-
Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.1)