Lời Phật dạy
Ni giới và những lời Phật dạy
Chủ nhật, 26/03/2016 12:16
Tu sĩ hay cư sĩ đều được nương tựa Tam Bảo, cùng học và hành chung một nguồn Chánh pháp, và tất cả đều có điều kiện để đắc Thánh quả, Tâm và Tuệ giải thoát.
I. Dẫn nhập
1. Vai trò và vị trí của nữ giới và nam giới trong xã hội thường được ấn định khác nhau trong các vùng văn hóa khác nhau. Vì các lý do chính trị, xã hội hay tôn giáo, từ xưa nam giới thường được đề cao, nữ giới thì giữ một vị trí khiêm tốn hơn, có nơi bị xem nhẹ, như ở các xã hội chủ trương "đa thê", "phụ thê", "nam nhất viết hữu, nữ thập viết vô", phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ đảm nhiệm công việc gia đình, hay phải chịu tổn phí cưới hỏi.... Thậm chí thiếu mất quyền làm chủ gia đình và quyền lợi về giáo dục.
Ngày nay, trong các xã hội dân chủ và ở nhiều nước ở Âu, Mỹ thì chủ trương "nam nữ bình quyền" hay "nam, nữ bình đẳng"; một số nơi khác thì hiện tượng kỳ thị giới tính trở nên bớt gay gắt. Tuy thế, ý nghĩa về "nam, nữ bình đẳng" vẫn tiếp tục được bàn cãi, tranh luận. Thỉnh thoảng đây đó vấn đề lại được đặt ra đối với giáo lý của đức Phật, khi mà xã hội chứng kiến sự kiện không có Ni chúng ở các nước Phật giáo Nguyên thủy thuộc hệ Theravada (Thượng tọa bộ), hay Ni chúng phải nhận thêm "Bát Kỉnh pháp" ở các nước Phật giáo Phát triển (hay Đại thừa). Phải chăng hiện tượng thiếu bình đẳng giữa nam giới và nữ giới vẫn còn vương sót lại ở văn hóa Phật giáo?
Đây là vấn đề mà bài giảng hôm nay đề cập đến.
2. Trở về với xã hội Ấn, xưa và nay, chúng ta không lạ gì về hiện tượng phân chia giai cấp xã hội thành Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá và Thủ Đà La và đặt thấp vị trí và vai trò của phụ nữ. Ngày nay, dù Ấn Độ là một nước dân chủ, nhưng hiện tượng "phân biệt" nam, nữ giới vẫn còn in đậm nét.
Qua kinh tạng Pàli, đức Phật phủ nhận sự phân chia giai cấp xã hội và kỳ thị giới tính. Ngài dạy hành động (hay việc làm) nói lên giá trị của mỗi người là Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá hay Thủ Đà La, mà không phải là dòng dõi hay chủng tộc. Ngài chủ trương không có giai cấp trong "dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn". Chủ trương này phổ biến đối với quần chúng phật tử và các giới nghiên cứu Phật học đến độ chúng ta không phải trực tiếp trưng dẫn những lời dạy của Ngài. Đương thời, các người thuộc bốn giai cấp của xã hội Ấn, và ngay cả những người có gốc là kỹ nữ, ngoại đạo hay kẻ cướp đường, nếu có quyết tâm giải thoát đều được chấp nhận vào Tăng chúng, Ni chúng hay nam, nữ cư sĩ.
Chuyện kể một lần tôn giả A Nan xin nước uống từ bình nước của một cô gái thuộc giai cấp cùng đinh đã khiến cô gái hoảng hốt chạy xa, tôn giả đã gọi cô gái lại và ôn tồn bảo: "Hãy cho tôi nước uống. Tôi xin nước, chứ không xin giai cấp". Cử chỉ và lời nói ôn tồn, trân trọng của tôn giả đã khiến cô gái xúc động và thức tỉnh. Sau đó, cô gái đến xin xuất gia với Tôn Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, như vừa tìm thấy một đất sống tình người và trí tuệ, và đắc Thánh quả. Chỉ một câu nói của tôn giả A Nan hầu như đã có thể xóa tan trong chúng ta hết mọi nghi ngờ về bất cứ một hiện tượng kỳ thị giai cấp, giới tính nào có thể xảy ra trong Giáo hội của đức Phật.
3. Dù vậy, ý nghĩa bình đẳng giới tính trong giáo lý của đức Phật cũng cần được thêm một lần nữa minh thị, hiển thị qua chính những lời dạy của đức Phật được kiết tập trong kinh tạng Pàli.
Trước hết, từ "bình đẳng giới tính" hay "bình đẳng nam, nữ" cần được xác định ý nghĩa.
- Bàn tay có năm ngón không đều nhau ở vị trí khác nhau và có chức năng khác nhau. Ý nghĩa bình đẳng giữa các ngón tay là ý nghĩa giữ đúng vị trí và chức năng tự nhiên của mỗi ngón.
- Trái tim con người phải làm việc 24 giờ/ngày; nếu tim ngưng nghỉ thì sự sống chấm dứt. Óc của con người nếu làm việc 24 giờ/ngày như tim thì mọi người sẽ điên loạn mất, sự sống cũng không còn.
Thế nên, ý nghĩa bình đẳng ở đây không đòi hỏi tim, óc phải giống nhau, bằng nhau, mà mỗi thứ phải giữ đúng chức năng tự nhiên của nó trong một vận động hòa điệu.
- Cũng thế, nữ giới và nam giới trong xã hội con người, mỗi giới có một thiên chức thiêng liêng khác nhau của "người mẹ hiền" và "người cha thân". Ý nghĩa bình đẳng giữa nam giới và nữ giới ở đây là cần có đủ điều kiện để thể hiện tròn đầy thiên chức của mình, mà không phải là bằng nhau hay giống nhau ở vai trò hay thiên chức xã hội. Mỗi giới có các điều kiện xúc cảm, tình cảm, tâm, sinh, vật lý và chức năng khác nhau nên giữ các vai trò gia đình, đoàn thể và xã hội khác nhau.
Đây là sự sống. Hệt như cái nút chai khác với cái chai, nhưng cần thích ứng nhau để có công dụng - nếu cả hai là nút chai, hay là chai thì thật là ngỡ ngàng!
Từ nhận định trên, chúng ta đi vào tìm hiểu những lời dạy của đức Phật về nữ giới.
II. Những điểm tương đồng giữa nữ cư sĩ và nam cư sĩ
1. Về các bổn phận vợ đối với chồng, và chồng đối với vợ: Kinh Thiện Sinh (Trường bộ, 31) giới thiệu các bổn phận vợ đối với chồng và chồng đối với vợ rất là công bằng: người chồng phải là người chồng, người yêu và là người bạn của vợ; người vợ phải là người vợ, người yêu và là người bạn của chồng; cả hai đều phải thương yêu kính trọng và chung thủy với nhau. Nếu người vợ phải quán xuyến việc nhà, xí nghiệp, đối xử tốt đối với những người thân, bạn bè của chồng, thì người chồng phải chăm sóc các nhu cầu của vợ, thường sắm quà cho vợ. Ở đây hiện rõ: có một sự bình đẳng giữa nam và nữ giới trong giáo lý Phật giáo.
2. Các loại giới tu tập: Về ngũ Giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới, nam và nữ cư sĩ cùng đồng đẳng tu tập, không có khác biệt.
3. Về nghe pháp: Nam và nữ cư sĩ cùng chung dự các thời pháp mà đức Thế Tôn hay đệ tử của đức Thế Tôn thuyết giảng.
4. Về bố thí, cúng dường và thực hành thiền định: Nam và nữ cư sĩ đều đồng đẳng tu tập và chứng đắc tùy theo quyết tâm của mỗi người.
5. Về ngũ nghịch tội: Tội giết cha hay mẹ đều bị đọa địa ngục dù là nam hay nữ vi phạm.
6. Về trí tuệ: Nếu tu đúng pháp, nam hay nữ cư sĩ đều có thể chứng đắc bốn Thánh quả, Tâm và Tuệ giải thoát.
Như thế, trong giáo lý của đức Phật, không có sự khác biệt nào dành cho nam hay nữ cư sĩ.
III. Những điểm tương đồng giữa tu sĩ và cư sĩ:
1. Tu sĩ hay cư sĩ đều được nương tựa Tam Bảo, cùng học và hành chung một nguồn Chánh pháp, và tất cả đều có điều kiện để đắc Thánh quả, Tâm và Tuệ giải thoát.
2. Tu sĩ và cư sĩ đều có thể chung dự các thời pháp do đức Thế Tôn hay đại đệ tử của Thế Tôn thuyết giảng.
3. Tu sĩ hay cư sĩ đều có thể vào chín cảnh giới thiền định.
4. Tất cả đều phải "nương tựa mình và nương tựa pháp", nghĩa là đều phải giữ giới và thực hành Tứ niệm xứ.
Pháp do đức Thế Tôn thuyết giảng không hạn chế vì giai cấp, chủng tộc, giới tính, tại gia hay xuất gia. Tùy theo căn cơ và quyết tâm giải thoát của mỗi người mà lãnh nhận và thực hành.
IV. Những điểm tương đồng giữa tăng và ni:
1. Cả hai đều là hàng xuất gia, là thành viên của Giáo hội Tăng già Phật giáo, không phân biệt tuổi tác, giai cấp, chủng tộc.
2. Cả hai đều được học hỏi và thực hành chung kinh tạng.
3. Cả hai đều thực hành 37 Phẩm trợ đạo, và đều có khả năng thành tựu đạo như nhau.
4. Cả hai đều có điều kiện để đắc Tam minh hay Lục thông, không có sự khác biệt nào.
5. Cả hai, nếu có đủ điều kiện, đều có thể thu nhận đệ tử xuất gia cùng giới tính.
6. Cả hai đều phải bố tát, an cư, tự tứ.
7. Cả hai đều có thể hành độc cư thiền định, hay thuyết pháp độ sinh nếu có khả năng.
Về các điểm học và hành cơ bản về Giới, Định, Tuệ này thì không có sự phân biệt nào giữa tăng và ni. Tuy nhiên, về mặt xã hội và tổ chức thì có một số điểm khác biệt nhỏ giữa tăng và ni, do điều kiện căn cơ khác biệt về thiên hướng xã hội và giới tính.
V. Những điểm khác biệt giữa tăng và ni, giữa nam giới và nữ giới:
1. Tăng Chi Bộ Kinh, chương Một Pháp chép rằng:
Sự kiện này không xảy ra: một phụ nữ có thể là một A La Hán Chánh đẳng giác (Phật).
Sự kiện này không xảy ra: một phụ nữ có thể là một Chuyển Luân Thánh Vương, một Đế Thích (Sakka), một Phạm Thiên Vương hay một Ma Vương.
Sự kiện này có xảy ra: một đàn ông (nam thân) có thể là một A La Hán Chánh đẳng giác, một Chuyển Luân Thánh Vương, một Đế Thích, một Phạm Thiên Vương hay một Ma Vương (đại độc ác).
Các pháp là như thế ("Pháp nhỉ như thị") không thể hỏi tại sao, ví như không thể hỏi tại sao mặt trời mọc ở phương Đông.
2. Sự khác biệt về giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa: (Patimokkha):
Giới bổn của tăng, ni đều cùng có 7 tụ với số lượng giới điều có sai biệt, nên giới bổn của tăng có 250 giới, trong khi đó giới bổn của ni có 350 giới.
Giới vốn được thiết lập nhằm đem lại lợi ích giải thoát cho người giữ giới, cho Tăng già và cho quần chúng để Chánh pháp trú thế lâu dài. Vì thế, giới điều càng đi vào chi tiết, càng nhiều thì thuận lợi thêm cho việc giải thoát cho Ni giới, mà không hề có ý nghĩa ràng buộc thêm cho Ni giới.
3. Sự kiện Ni giới nhận lãnh thêm "Bát Kỉnh pháp":
"Bát Kỉnh pháp" là tám điều mà Ni giới phải tôn trọng giữ gìn như là giữ gìn vòng hoa trang điểm cho lịch nhã hơn cho người phụ nữ Ấn ngày xưa. Đó là:
a. Dù cho thọ đại giới 100 năm, một Tỷ kheo ni đối với vị Tỷ kheo thọ giới trong một ngày cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, xử sự đúng pháp.
b. Tỷ kheo Ni không thể an cư tại chỗ không có Tỷ kheo.
c. Nửa tháng một lần, Tỷ kheo ni cần phải thỉnh chúng Tỷ kheo đến thuyết giới.
d. Sau khi an cư mùa mưa xong, Tỷ kheo ni cần phải làm lễ Tự tứ trước hai Tăng chúng.
e. Tỷ kheo ni phạm trọng tội phải làm pháp ý hỷ đến nửa tháng.
f. Sau thời gian hành các pháp Sa di ni 2 năm, phải xin thọ Cụ túc giới trước 2 Tăng chúng.
g. Không vì bất cứ lý do gì, Tỷ kheo ni có thể chỉ trích Tỷ kheo.
h. Chỉ có sự giáo giới phê bình giữa các Tỷ kheo về các Tỷ kheo ni, mà không có sự giáo giới phê bình giữa các Tỷ kheo ni về các Tỷ kheo.
Các điều ở trên chỉ nhằm xác định sự bày tỏ kính trọng chư tăng của chư ni (giới xuất gia), để tạo một khoảng cách thân mật về tình cảm dễ đưa đến các ngộ nhận, nghi ngờ bất lợi cho giá trị phạm hạnh của Tăng già, tổn hại đến sứ mệnh của Tăng bảo (điều a, g và h), và nhằm chỉ có một giáo hội Tăng già thống nhất, mà không phải có một Giáo hội Ni độc lập với Giáo hội Tăng. "Bát Kỉnh pháp" như thế được thành lập để mở ra hướng xuất thế cho nữ giới và nhằm bảo vệ giá trị phạm hạnh của đoàn thể Tăng già vì sự an trụ lâu dài của Chánh pháp, mà không thể có một ý nghĩa phân biệt, kỳ thị nào ở đây.
Đức Thế Tôn đã dạy cho tôn giả A Nan rõ lý do tại sao Thế Tôn ràng buộc "Bát Kỉnh pháp" cho Ni giới rằng:
"Này A Nan, ví như một người vì nghĩ đến tương lai, xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua; cũng vậy này A Nan, vì nghĩ đến tương lai, Ta ban hành 'Bát Kỉnh pháp' này cho các Tỷ kheo Ni cho đến trọn đời không được vượt qua" (Tăng Chi VIII.51, Kinh Mahàpajàpati Gotamì).
Hồ nước ấy là hồ nước phạm hạnh của Tăng già.
Đức Thế Tôn dạy tiếp:
"Nếu Tăng già không có mặt Ni chúng thì phạm hạnh sẽ tồn tại lâu dài, diệu pháp sẽ tồn tại đến 1.000 năm. Vì có mặt Ni chúng, nên diệu pháp đã bị rút ngắn 500 năm)" (Tăng Chi VIII.51, Kinh Mahàpajàpati Gotamì).
Về ý nghĩa diệu pháp bị rút ngắn đã được Thế Tôn chỉ dạy rằng:
"Ví như một gia đình có nhiều phụ nữ và ít đàn ông thì dễ bị đạo tặc đánh trộm, cũng thế về trường hợp Tăng già có mặt Ni chúng".
Tài sản của Tăng già bị đánh trộm là tài sản phạm hạnh, là tài sản xây dựng tín tâm cho quần chúng đối với Chánh pháp. Đây là ý nghĩa mà mỗi chúng ta có thể tự hình dung ra, rất dễ nhận diện. Những nhà nghiên cứu Phật học và quần chúng Phật tử không có lý do gì để nghi ngờ về "Bát Kỉnh pháp" rằng đấy là sự áp đặt lên Ni giới.
Hãy nghĩ rằng đức Thế Tôn là đấng Đại giác đã tận trừ hết thảy các lậu hoặc, thì không thể có sự kiện thiên vị Tăng giới hay kỳ thị Ni giới xảy ra. Tôn giả A Nan và Tôn giả Ưu Ba Li (Upàli) là các đại đệ tử của Thế Tôn đã tận trừ sạch lậu hoặc trước thời kiết tập, không có sự kiện thêm, bớt hay tuyên thuyết sai Phật ý có thể xảy ra.
Nếu nêu lên nghi vấn khác rằng có một sự thêm thắt về sau từ thời kiết tập kinh điển lần thứ ba dưới triều đại đế A-Dục (Asoka), thì điều này cũng không thể xảy ra, bởi vì kỳ kiết tập này cũng được chủ trì bởi các vị đại A La Hán, những vị hiểu rõ tận tường Pháp và Luật do đức Phật thuyết. Vấn đề còn lại là do nghi ngờ của chúng ta khởi lên từ vọng niệm, từ các tư duy sai lầm bị chế ngự bởi các ngã ái, ngã mạn, ngã chấp.
Chúng ta hãy bình tĩnh hồi tưởng lại các sự kiện rắc rối đã xảy đến với giáo hội Tăng già khi có mặt Ni chúng thì sẽ rõ hơn:
- Như trường hợp các vị Ni trẻ bị các thanh niên cản đường hành đạo, đòi xâm phạm tiết hạnh hay đòi thành gia thất. Sự kiện này không phải chỉ xảy ra một lần.
- Như trường hợp các phụ nữ xin xuất gia sau khi vừa lập gia đình do động cơ cần cầu giải thoát; sau ngày xuất gia thì thai nhi lớn dần.... Đây không phải là trường hợp vi phạm giới luật. Sự kiện này không phải chỉ xảy ra có một lần. Cứ mỗi lần như vậy thì Tôn giả Ưu Ba Li và Tôn Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng tín nữ Lộc mẫu (Visakhà) phải vất vả biết bao để giải quyết. Dù là tâm trong sáng, nhưng liệu Ni chúng và Tăng già có tránh khỏi tai tiếng không? Phải chăng đây là ý nghĩa tài sản phạm hạnh đã bị các đạo tặc đánh cắp?
Tiếp tục tư duy thêm một bước nữa. Trong đời sống xã hội thì nữ giới gặp nhiều khổ đau ngang trái hơn là nam giới, như các trường hợp thiếu nhan sắc, góa bụa giữa tuổi xuân xanh, không có điều kiện sinh con trai.... Thường thì đối với những phụ nữ này, cảnh chùa Ni là đất sống dựng lại niềm tin cho cuộc sống, là nguồn an ủi duy nhất, là cửa từ bi rộng mở, mở đường đi vào tỉnh thức. Nhưng liệu hình ảnh này có tạo thêm sức mạnh để dựng xây niềm tin giải thoát tích cực cho cuộc đời không? Có dễ thuyết cuộc đời đây là nơi nương tựa giải thoát cho đời không? Còn có nhiều, nhiều lắm các lý do tương tự đối với Ni giới để chúng ta đi đến một sự ổn định về nhận thức rằng: để chấp nhận sự hiện diện của Ni giới trong hàng xuất gia, phạm hạnh, thì điều kiện tối thiểu cần có là duy trì, tôn kính "Bát Kỉnh pháp". Thế Tôn không thiết lập "Bát Kỉnh pháp" cho đoàn thể nữ cư sĩ đối với nam cư sĩ.
Có lẽ vì ý thức về các lý do phiền phức vừa bàn mà Giáo hội Tăng già các nước Phật giáo thuộc Thượng tọa bộ hệ như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia cho đến nay vẫn ngần gại trong việc thành lập Ni chúng như ở các nước Phật giáo Phát triển (Bắc tông). Sự ngần ngại ấy có mặt cũng chỉ vì muốn cho phạm hạnh hay diệu pháp được tồn tại lâu dài ở đời. Các nước Phật giáo Bắc truyền như Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.... vì phải tiếp nối truyền thống phát triển khoáng đạt của Phật giáo phát triển mà thành lập Ni chúng, tiếp nối truyền thống Tăng già dưới thời đức Phật với sự duy trì "Bát Kỉnh pháp". Thế có nghĩa là "Bát Kỉnh pháp" là giới hạn sau cùng của sự phát triển Ni chúng, không thể vượt qua.
Đến đây, nếu còn chút nghi ngờ nào đó về "Bát Kỉnh pháp" như là một sự áp đặt, thì chúng ta hãy tiếp tục nghĩ rằng:
- Là một Tăng sĩ Phật giáo có học pháp, hiểu pháp và hành pháp, thì ý thức rằng công phu của tự thân là chế ngự ngã si, ngã mạn, ngã ái nên tuyệt nhiên không hưởng một quyền lợi giải thoát nào qua "Bát Kỉnh pháp", và sẽ không bao giờ có một tự hãnh nào về sự kính trọng mà Ni giới dành cho vị Tăng sĩ ấy cả.
- Là một Ni sư có học pháp, hiểu pháp và hành pháp - và cả Tăng hay Phật tử cũng thế - thì ý thức rằng mình phải biết ơn cả cuộc đời này, pháp giới này, thiên nhiên cây cỏ này, phải tỏ sự kính trọng đối với tất cả, huống nữa là đối Tăng già, đối các Tăng sĩ trẻ. Đây là điều tốt đẹp cần làm như là một phụ nữ cần trang điểm cho vẻ đẹp tự thân vậy: một vẻ đẹp của văn hóa phạm hạnh và của cả văn hóa Phương Đông.
Nghi ngờ "Bát Kỉnh pháp" chỉ là sự rối loạn của tư duy sẽ dẫn đến sự rối loạn của thái độ sống. Điều này hẳn sẽ không đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Đản sinh đức Phật thứ 2621 (Phật lịch được tính từ năm đức Phật nhập diệt: 2541 + với 80 năm sinh thời của đức Phật [kể từ ngày sinh] = 2621), chúng ta ôn lại lời dạy của đức Phật về "Bát Kỉnh pháp" để xác định lại lòng tin của chúng ta đối với "Bát Kỉnh pháp", đối với giá trị giải thoát đời sống phạm hạnh của hàng xuất gia của đức Phật như là phẩm vật dâng lên đức Thế Tôn, với mong cầu Chánh pháp được tồn tại lâu dài ở thế gian này.
Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn giả.
Tỳ kheo Thích Chơn Thiện
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2 năm 2016