Sách Phật giáo

'Niệm Phật chuyển hoá tế bào ung thư'

Thứ năm, 14/09/2022 08:09

BBT trích sách 'Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư', tác giả: Pháp sư Đạo Chứng, dịch giả: Thích Minh Quang. Tác giả, Pháp sư Đạo Chứng 'là một vị thiện tri thức vĩ đại của bệnh nhân ung thư trong thời hiện đại, dìu đỡ chúng sinh qua vũng tối sợ hãi, tìm ra nguồn sáng nơi Đức Phật Vô Lượng Quang'.

Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo một đoạn trích trong cuốn sách nổi tiếng này.

Giới thiệu sách 'Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư'

Vướng phải bệnh ung thư hay bệnh nan y nào khác, phải làm cách nào đây?

Giả sử bạn là một người tin Phật, niệm Phật đã đến trình độ tâm an nhiên, hoan hỷ thì không cần phải nói gì nữa. Còn như bạn chưa chuẩn bị gì cả, mà bỗng nhiên phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư, hay một căn bệnh nan y nào khác, nên trong lòng đau khổ, cuộc sống đầy lo lắng bất an, không biết phải làm cách nào, vậy chúng ta có thể an ủi, khích lệ lẫn nhau. Tôi vốn là một bác sĩ trị bệnh ung thư, mà lại trở thành bệnh nhân ung thư! Có thể vì lý do này, bạn cho rằng tôi là một bác sĩ vừa dở lại vừa dốt, bản thân còn lo chưa xong, thì nói chi làm được việc gì.

Vâng, quả thực là như vậy! Rất nhiều người cười tôi. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình đáng cười, một người bác sĩ ngu dốt! Song thực ra, trên đời này, chẳng có một bác sĩ nào mà không mắc bệnh. Càng tìm không ra một bác sĩ nào có thể bảo đảm rằng mình không bệnh, không chết! Cho nên, kinh nghiệm mà bản thân tôi trải qua, tuy có một chút đáng cười, song nếu như bạn từ bi không chê bỏ, xin thử kiên nhẫn lắng nghe. Cho dù là vài tờ báo cũ rách, cũng có thể giúp bạn gói chiếc bình hoa xinh đẹp, quý giá của mình, bảo vệ khiến nó không đến nỗi bị va vỡ; một ngọn nến với ánh sáng mờ nhạt mà lúc bình thường không đáng chú ý, lại có thể giúp bạn vượt qua một đêm gió bão, tối tăm, lúc không có điện. Xin bạn hãy xem tôi như vài tờ báo cũ rách, giúp bạn bảo vệ chiếc bình hoa quý giá của mình. Tôi cũng rất sẵn lòng làm một ngọn nến nhỏ, bầu bạn với bạn trong một đêm mưa bão tối tăm, thiếu ánh đèn soi sáng trong cuộc đời!

Đường núi gập ghềnh tăm tối, nguyện cùng nhau kết bạn đồng hành

Những năm gần đây, thường có một số bạn mắc bệnh ung thư, do thấy các giáo sư ở Liên Xã Đài Trung lần lượt xuất bản những quyển sách nhỏ được ghi lại từ băng giảng của tôi, nên rất muốn mời tôi cùng thảo luận, học tập, và chia sẻ với nhau những trăn trở hay tâm đắc của mình sau khi mắc phải căn bệnh này. Phần lớn những ai muốn tìm đến tôi, đều là những người đã từng chịu khổ đau, đày ải: Khổ vì bệnh tật hành hạ ; khổ vì quá trình trị liệu; khổ vì những người bên cạnh không thông cảm; khổ vì bản thân lo sợ ám ảnh bởi cái chết; thậm chí có người còn khổ vì bị người thân, hay người yêu hắt hủi, ruồng bỏ!

Khi người ta đau khổ, ai cũng hy vọng có người có thể hiểu và thông cảm nỗi khổ trong lòng mình. Lúc sợ hãi đến nỗi giá lạnh cả tay chân, ai cũng kỳ vọng có đôi bàn tay Phật ấm áp, vĩ đại đến cứu độ kịp thời. Lúc vượt qua một đọan đường núi gập ghềnh trong đêm đen, nếu có bạn đồng hành, mình luôn cảm thấy dễ đi hơn nhiều. Chỉ mong trong lúc bạn đau khổ, lo buồn, tôi có thể trở thành một người bạn đồng hành, cùng nhau vượt qua đọan đường nhân sinh nhiều gập ghềnh và đen tối này!

Thoát vòng sợ hãi, hết lòng phụng sự. Học sống một ngày, biết ơn một ngày; học sống một hôm, biết vui một hôm

Chúng ta đều là những con người giống nhau, biết khóc, biết cười, biết đau, biết khổ. Dòng máu ai cũng đỏ, nước mắt của ai cũng mặn! Cho nên, khi gặp phải cảnh khốn khó phải bó tay, ai mà không khỏi lo lắng, sợ hãi? Khi biết được trong thân có một cái bướu “ác tính”, không biết nó sẽ hành hạ mình như thế nào, hiếm có ai mà không lo sợ! Khi biết rằng mình sắp chết, lại không biết chết rồi sẽ đi về đâu, ai lại không lo sợ, bàng hoàng? Tôi rất biết ơn sự dạy dỗ của chư Phật, Bồ tát, sư trưởng, cha mẹ và các vị thiện tri thức, đã giúp tôi thoát ra khỏi vũng tối sợ hãi này.

Tôi cũng biết ơn tất cả bệnh nhân trong bệnh viện trước kia, đã thị hiện dạy cho tôi rất nhiều bài học. Tôi đã học được làm cách nào để sống qua những ngày tháng như thế này, và học sống một ngày là biết ơn một ngày; học sống một hôm là biết vui một hôm. Tôi cũng từng rất đau khổ; đau khổ đến mức không còn cách nào chịu đựng được nữa! Nhưng dựa vào đức tin, tôi đã tìm lại được những ngày tháng biết ơn và an lạc. Đã từng có người nghe đến đây lắc đầu bảo: Chúng tôi trước khi mắc bệnh đâu có đức tin như vậy; cũng không biết Phật là gì, làm sao mà có tâm biết ơn; Lo sợ đến chết đi được, làm sao mà thanh thản như bác sĩ!

Xin bác sĩ hãy nói những điều thực dụng đối với chúng tôi, đừng dính dáng đến kinh Phật, hay những thuật ngữ khó hiểu. Cũng từng có bệnh nhân bảo: Tôi hiện giờ còn tâm trí đâu mà nghiên cứu kinh Phật. Trong lòng lo lắng, mỗi ngày tôi đều tra cứu tài liệu y học, song càng xem lại càng sợ hãi! Có người khuyên nên đọc kinh Phật, nhưng tâm tôi luôn rối rắm, đọc thứ gì cũng không vô! Những lời nói này đã phản ánh thực đúng tâm trạng khốn khó của tất cả người bệnh nói chung. Bản thân tôi không có công phu, cũng không có tư cách, khả năng giảng nói kinh Phật. Tôi chỉ có một số kinh nghiệm qua sự thấy nghe của mình, từ đó rút ra được những bài học và sức mạnh bổ ích, giúp mình tháo gỡ những vướng mắc trong tâm. Tuy những kinh nghiệm này rất nghèo nàn, song cũng có thể chia sẻ cùng bạn. Biết đâu căn cơ của bạn tốt, nhờ đó mà có thể sống vui vẻ, thanh thản hơn tôi nhiều!

Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật

Tôi rất thích lời giải thích Phật là gì của một vị Thiền sư. Đó là Ngài Đạo Tín. Ngài bảo: Vui vẻ không buồn lo, nên gọi là Phật. Trước hết, tôi xin kể ra đây một câu chuyện, hy vọng bạn có thể cảm nhận được đạo lý chứa đựng trong đó. Lúc tôi còn là sinh viên ở Học Viện Y Học, năm thứ hai phải học môn giải phẫu, nghiên cứu cấu tạo toàn bộ xương người. Ví dụ, miếng xương nào có những lỗ gì, có những mạch máu và dây thần kinh nào đi qua lỗ đó…, đều phải ghi nhớ kỹ không được sai sót. Thi rất là khó, không ít sinh viên bị rớt ở môn này. Tháng muời năm đó có kỳ nghỉ lễ, tôi tranh thủ thời gian trở về quê ở Đài Nam vài ngày. Nhưng sau kỳ nghỉ là kỳ thi, cho nên tuy về quê, tôi vẫn đem xương sọ theo học. Chúng tôi học đều dùng xương sọ người thật.

Tôi đem cái xương sọ và vài nhánh xương tương đối phức tạp, đựng trong một túi xách đơn giản, ôm trước ngực, cùng mọi người chen nhau bước lên xe lửa trở về quê. Lúc đó, tôi chen tới chen lui trong dòng người đông đảo. Không ai biết trong túi đựng gì, nên ai cũng thản nhiên và không có chuyện gì xảy ra. Sau này tôi mới biết, nếu lúc đó mình đưa xương sọ và mấy khúc xương ra cho mọi người thấy, rồi bảo đó là xương thật, có lẽ không ai dám đứng gần, không chừng còn nhường chỗ cho mình ngồi nữa! Thực ra, lúc đó tôi cảm thấy việc này rất bình thường. Bởi vì cha tôi là bác sĩ, trong nhà ai cũng nghĩ đó là công cụ để dạy học mà thôi.

Hôm sau có một ngừơi chị họ lớn hơn tôi hai tuổi đến chơi. Chị trông thấy tôi ngồi cầm xương sọ, đối chiếu với hình vẽ trên sách, đọc lẫm nhẫm tiếng Latin, nên hiếu kỳ đến chơi. Chị tươi cười cùng xem với tôi, lại còn cầm xương sọ lên, đùa bảo: “À, thì ra hai con mắt là hai cái lỗ sâu hoắm, còn lỗ mũi lại bằng phẳng, trông thực dễ thương!” Chị vừa xem vừa cười. Không biết lúc đó nghĩ sao tôi lại nói: “Những người này hiến xương cho chúng ta nghiên cứu, để sau này mình có thể cứu người, cho nên phải tỏ lòng kính trọng và biết ơn…”

Tôi còn chưa nói xong, chị bỗng thét lên một tiếng, quăng xương sọ đang cầm trên tay ra thực xa, khóc mếu máo, trách tôi: “Sao không nói sớm đó là xương người thật?” Tôi vội vã xin lỗi, rồi đi nhặt lại xương sọ. Tôi nhìn thấy mặt chị xám xanh, nước mắt ràn rụa, đang ngồi run rẩy bên cạnh đàn dương cầm. Chị lại nhìn đôi tay của mình, một đôi tay vừa sờ qua xương người chết! Dường như chị rất ghê sợ nó, không biết phải làm sao! Bỏ đi không được, để đó lại thì ghê!

Tôi thấy vậy mới nói: “Xin lỗi, thì ra chị không biết đó là xương người thật. Nhưng không phải lúc nãy chị đã xem rất hứng thú hay sao? Xương người cũng không có gì đáng sợ! Tụi em mỗi ngày phải ở chung với xương người đễ nghiên cứu. Chỉ cần có tâm cung kính là được.” Tôi lại còn phải nói nhiều và rất nhiều để an ủi chị. Sau đó chị mới hết khóc, cười nói vui vẻ trở lại. Nhưng từ đó về sau, chị không còn dám sờ đến mấy khúc xương này nữa! Vì sao tôi phải kể lể dài dòng như vậy? Bởi vì câu chuyện này đã cho bản thân tôi một bài học lớn. Đó là: con người thực ra đều sống với thế giới “quan niệm” của mình! Sọ người trước đó và sau không có gì khác nhau, nhưng thái độ tâm lý của chị tôi lại thay đổi một trời một vực! Thì ra, trước đó chị cho rằng nó chỉ là cái xương sọ giả, một công cụ dạy học làm bằng nhựa, nên không chút sợ hãi, lại thích thú vưa xem vừa cười. Sau đó chị lại cho rằng: “Thì ra đây là xương của người chết, thực là kinh khủng!” cho nên mới sợ đến nỗi mặt mày trắng bệch, vội quăng chiếc sọ đó ra xa!

Cho dù là xương sọ thực, nếu trong quan niệm của mình cho nó là giả, thì cũng không có gì đáng sợ; ta có thể chơi đùa với nó một cách tự nhiên, vui vẻ. Khi mà trong quan niệm, ta lại đem xương sọ người đơn thuần liên tưởng đến những câu chuyện ma quỷ mà lúc nhỏ mình bị hù dọa hay tưởng tượng, thì nó sẽ trở thành một thứ hết sức kinh khủng! Đối với người không có liên tưởng viễn vông, xương người là thứ rất bình thường, bởi vì tất cả chúng ta ai cũng có một bộ! Bộ xương của mình được bao bọc bên ngoài bởi lớp thịt da, chẳng phải rất bình thường, không có chút gì đáng sợ hay sao? Nhưng người chị họ của tôi khi nghĩ nó là giả, thì vui đùa hết sức tự nhiên; đến khi biết nó là xương người, lại sợ đến phát khóc, trống ngực đánh dồn dập. Đây là chị bị “quan niệm” và óc tưởng tượng quá đáng của mình khống chế mới khiến như vậy.

Chúng ta không nên cười chị. Vì thực ra mình cũng không khác gì. Chúng ta đều bị một số quan niệm và óc tưởng tượng lừa dối. Đây có thể gọi là: Sắc chẳng mê người, người tự mê; xương không đáng sợ, người tự sợ! Có rất nhiều lời nói, bản thân nó không làm người ta giận, nhưng người nghe lại tự mình nổi giận. Cũng vậy, ung thư không làm người ta sợ, mà người ta lại tự sợ. Cái sợ này, có thể khiến người đang không việc gì mà tim bỗng đập dồn dập, vốn khỏe mạnh mà lập tức suy sụp cả người!

Trạng thái tâm lý, ý niệm có tính quyết định, có sức mạnh không thể nghĩ bàn

Khi tôi còn làm việc trong bệnh viện, từng phát hiện một sự thật như sau. Bệnh nhân ung thư trị liệu bằng phóng xạ hay hoá chất, do đó huyết cầu của họ phần lớn sẽ giảm. Nói chung, người bệnh vốn không biết số lượng huyết cầu mình bao nhiêu, và số lượng nhiều ít có ý nghĩa như thế nào, nhưng họ đều quan niệm số huyết cầu càng giảm thì càng không tốt. Bệnh viện có tiêu chuẩn, số lượng huyết cầu giảm đến mức độ nào thì phải tạm ngưng điều trị. Có một số người bệnh vì bạch huyết cầu giảm thấp, nên tạm thời nghỉ ngơi vài ngày. Khi họ ở nhà cảm thấy sức khoẻ khá hơn, liền trở lại bệnh viện tái khám. Phần lớn những người này đều cho rằng huyết cầu của mình nhất định sẽ tăng lên. Nên khi bước vào phòng khám, họ thường tươi cười và nói với tôi: “Mấy hôm nay khá lên nhiều lắm, lại ăn ngon miệng!” Họ cũng vui vẻ đi thử máu lại, rồi đem phiếu xét nghiệm về cho tôi xem. Lúc tôi đang coi phiếu xét nghiệm, người bệnh đều hỏi: “Bạch huyết cầu của tôi bao nhiêu?”

Nếu như tôi nói ra số liệu thực sự ghi trên phiếu, có thấp hơn so với lần trước, là điều mà họ không ngờ đến, thì dường như vẻ mặt ai cũng trầm xuống, tay chân như thoát lực, giọng nói yếu ớt: “Sao lại thấp như vậy?” Một lát nữa, họ có thể còn suy sụp đến mức không đủ sức đi về nhà! Chúng ta thử nghĩ xem, cũng là một thân này, mà trước sau chỉ có một giây mà đã khác nhau như trời vực! Chỉ cần nghe đến con số huyết cầu mà người ta không ngờ đến, thì tâm liền thất vọng và lo lắng! Tình trạng sức khoẻ mà trước đây mình cho là đã khá hơn bỗng lập tức trở nên suy sụp, yếu đuối! Nó phác tác còn nhanh hơn bất cứ thuốc độc nào! Từ chỗ này chúng ta có thể nhận ra một đạo lý. Đó là tâm niệm của con người có tính quyết định và sức mạnh không thể nghĩ bàn!

Tâm lý ảnh hưởng đến công năng miễn dịch.Thí nghiệm khoa học cho thấy, sự thay đổi trạng thái tâm lý quả thực có thể sinh ra một số vật chất ảnh hưởng đến sinh lý. Ví dụ lúc chúng ta nóng giận, trong cơ thể sẽ sinh ra độc tố rất giống hay tương đồng với nọc rắn. May mà gan của con người có công năng giải độc, nên những chất độc do nóng giận sinh ra này không đến nỗi khiến chúng ta mất mạng! Nếu công năng giải độc của ai yếu kém, hoặc cao huyết áp, hay người mắc bệnh tim, thì chất độc do nóng giận gây ra đủ để làm người đó mất mạng. Cho nên, việc “giải độc” triệt để cần phải ngay “tâm niệm” của mình mà hạ thủ công phu. Tâm niệm thay đổi, thân thể cũng thay đổi theo.

Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia ở Mỹ có một công trình nghiên cứu cho thấy: Nhà nghiên cứu có thể đoán trước đúng một trăm phần trăm người bệnh có chiến thắng được bệnh ung thư trong vòng từ một đến hai tháng hay không. Điều mà khoa học căn cứ không phải là khối u lớn hay nhỏ hay mọc ở chỗ nào, cũng không phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm theo máy móc, càng không phải là số liệu có được từ kết quả thử máu, mà hoàn toàn căn cứ vào “trạng thái tâm lý” của người bệnh! Tâm mới chính là gốc rễ của vấn đề.

Có đến hàng ngàn công trình nghiên cứu cho thấy, do chịu áp lực nên khiến cho tuyến ngực teo lại, có nghĩa là công năng miễn dịch trở nên suy yếu. Theo kết quả thí nghiệm, những trạng thái tâm lý xấu như nóng giận, lo buồn v.v…. đều có thể đưa đến sự suy yếu công năng miễn dịch, khiến dễ sinh bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như khiến việc điều trị mất đi công hiệu. (Bởi vì cần phải thông qua công năng miễn dịch của bản thân người bệnh, thì việc trị liệu mới có hiệu quả).

Điều này cho thấy, tâm niệm có sức mạnh vô cùng. Cho nên cần phải đem tâm niệm của mình chuyển thành tâm niệm Phật. Phật chính là tâm sáng suốt, an vui, không có lo buồn. Nếu niệm Phật, tâm tự nhiên sẽ trở nên sáng suốt, an lạc và có sức mạnh. Tâm niệm Phật thì vừa có thể buông xả những áp lực, vừa có thể tránh được những độc tố sinh ra bởi những tâm lý xấu, lại vừa tăng trưởng sức miễn dịch. Chúng ta cần phải biết rằng, áp lực là do tâm mình tự “tiếp nhận” lấy. Chỉ có những việc mà mình quá quan tâm, vướng mắc, mới có sức đè nặng lên tâm lý.

Nếu thay đổi tâm niệm, không nghĩ rằng đó là gánh nặng, thì sức ép tự nhiên không còn tồn tại và mình cũng không phải “tiếp nhận” lấy gánh nặng này. Nếu chúng ta quyết tâm chỉ tiếp nhận ánh sáng của Phật (niệm Phật), thì không còn có tâm nào để tiếp nhận gánh nặng tâm lý đó nữa. Cho nên cần phải luyện tập: “Nhận hay không nhận là do tự tâm mình quyết định.”…

 Vài nét về Pháp sư Đạo Chứng

Ni Pháp sư Đạo Chứng (thế danh: Bác sĩ Y khoa Quách Huệ Trân, sinh ngày 25 tháng 2 năm 1956, viên tịch ngày 19 tháng 6 năm Quý Mùi, Dương lịch năm 2003).

Pháp sư sinh tại Đài Trung. Ông nội là bác sĩ Đông y nổi tiếng. Cha của bà từ nhỏ đã theo ông nội học nghề y. Pháp sư thi đậu vào Trường Đại học Y Đài Loan, vừa học vừa thực hành. Từ nhỏ, Pháp sư đã chứng kiến và tiếp thu sâu sắc sự tận tình chữa trị, chăm sóc bệnh nhân của cha mình, nên khi tốt nghiệp, Pháp sư đã trở thành một bác sĩ tận tụy, hy sinh cho các bệnh nhân. Sau khi Pháp sư mắc bệnh nan y, thì cơ duyên đã đến, bà rũ sạch vạn duyên, xuất gia theo Phật.

> Hoà thượng Tịnh Không: Dùng tâm niệm Phật, nhất định thượng phẩm thượng sanh

Theo sách 'Niệm Phật chuyển hoá tế bào ung thư'.

loading...