Kiến thức

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả

Thứ năm, 27/05/2022 12:26

Phật dạy chúng ta trong Tịnh Nghiệp tam phước có một câu – “Thâm tín nhân quả” – Cái nhân quả này không phải là nhân quả thông thường.

Thông thường chúng ta gọi nhân quả, trồng nhân thiện được quả thiện, bạn tạo tác nhân ác đương nhiên có ác báo, đó là nhân duyên quả báo thiện ác, cái ý này còn thấp. Trong tam phước ý nghĩa của “Thâm tín nhân quả” rất sâu. Nhân quả này chuyên nói niệm Phật “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Thế nhưng rất ít người hiểu được hai chữ “niệm Phật”, họ đều nghĩ đến miệng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”.

'Thật thà niệm Phật' tức miệng niệm tâm cũng niệm, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật A Di Ðà. Khẩu niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Ðức Phật A Di Ðà.

"Thật thà niệm Phật" tức miệng niệm tâm cũng niệm, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật A Di Ðà. Khẩu niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Ðức Phật A Di Ðà.

Thực ra, đó không gọi là niệm, mà gọi là hát Phật, bởi vì hát thì chỉ có miệng chứ không có lòng, không thể gọi là niệm Phật.

Chữ viết của chúng ta rất trí tuệ, chữ “niệm” là bao gồm một chữ “kim” và một chữ “tâm”. Trong tâm hiện tại của bạn có Phật, vậy gọi là niệm Phật, miệng niệm hay không niệm không hề gì, trong lòng thật có Phật, mỗi niệm đều là Phật. Phật ở trong tâm của bạn chưa từng bị gián đoạn, con người này mới chân thật là người niệm Phật. Chúng ta thường nói “buộc chặt niệm trong tâm”, thường hay niệm lấy. Trên thế gian, người mẹ luôn nhớ con cái của mình, niệm lực này rất mạnh. Cho dù con cái bất hiếu, hay con cái ở phương xa, người mẹ vẫn ngày ngày nhớ chúng, ngày ngày nghĩ đến. Nếu có thể đem cái niệm này đổi thành A Di Đà Phật thì họ nhất định sẽ thành Phật.

Chúng ta phải suy xét cặn kẽ hơn, trong lòng thật có Phật, trong lòng thật có pháp, chân thật muốn đem pháp môn niệm Phật thù thắng giới thiệu cho tất cả chúng sanh; cùng với bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà, mỗi nguyện đều tương ưng. Một người chân thật niệm Phật chính là người thế giới Tây Phương Cực Lạc rộng độ chúng sanh, là người thừa nguyện tái lai đến thế gian này; sống vì tất cả chúng sanh, chết cũng vì tất cả chúng sanh; sinh hoạt và làm việc đều vì tất cả chúng sanh. Vì chúng sanh là chân thật vì chính mình, vì chính mình mà bỏ quên chúng sanh là đặc biệt sai lầm, đó là tâm phàm phu, tâm luân hồi, không phải tâm Bồ Đề. Chúng ta phải sâu sắc tin tưởng cái nhân quả này – “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”.

Vào triều nhà Tống có một vị pháp sư tên Oánh Kha, tuy là xuất gia không chịu theo thanh quy, tạo tác rất nhiều tội nghiệp. Con người này thông minh, chính ông thường hay xem kinh, kiểm thảo lại hành vi của chính mình, biết được chính mình nhất định sẽ đọa địa ngục. Vừa nghe đến đọa địa ngục ông liền lo sợ khủng khiếp nên đến thỉnh giáo với các bạn đồng tu, hỏi rằng tôi còn có thể cứu được hay không? Các đồng tu cũng rất tốt, cũng rất từ bi nói với ông niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nói cho ông nghe rất nhiều những sự tích niệm Phật vãng sanh. Sau khi ông nghe rồi rất là cảm động, thế là chính mình đóng cửa lại niệm Phật A Di Đà cầu sanh tịnh độ. Niệm đến ba ngày ba đêm, không ăn cơm, không uống nước, không ngủ nghỉ, tâm của ông chân thành nên đã niệm ra được Phật A Di Đà. Phật A Di Đà nói với ông:

“Thọ mạng của ông vẫn còn 10 năm. Mười năm này ông hãy cố gắng tu hành, đến khi thọ mạng của ông hết rồi thì ta sẽ tiếp dẫn ông về thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Pháp sư Oánh Kha sau khi nghe rồi liền nói với Phật A Di Đà rằng: “Nghiệp chướng của con rất nặng, tập khí rất sâu, từng đã bị mê hoặc, cảnh giới bên ngoài vừa đến thì liền bị mê hoặc, con lại đi tạo tội nghiệp. Con còn phải đến 10 năm nữa thì không biết phải tạo bao nhiêu tội nghiệp. Tuổi thọ của con 10 năm con không cần nữa, hiện tại con muốn theo Ngài đi”. Đích thân ông đưa ra yêu cầu này. Phật A Di Đà rất từ bi nói: “Rất tốt, sau ba ngày nữa ta sẽ tới đón ông”. Ông rất là vui mừng, bèn mở cửa thất ra nói với mọi người, sau ba ngày nữa thì tôi vãng sanh. Đại chúng trong chùa đều không tin lời của ông, ông là một người ác, không việc ác nào mà không làm, phá giới phạm giới, làm sao mà ba ngày nữa có thể vãng sanh? Được rồi, ba ngày cũng không dài, chúng tôi đợi tới ba ngày xem ông có vãng sanh hay không?

Thế là ngày thứ ba ông đi tắm thay đổi bộ quần áo mới, khi thời khóa tụng, ông yêu cầu đại chúng thời khóa tụng hôm nay đổi thành Phật Thuyết A Di Đà Kinh, niệm Phật hiệu A Di Đà tiễn ông vãng sanh. Đại chúng cũng rất hoan hỉ, vậy hôm nay ông thật có thể vãng sanh, thời khóa sớm hôm nay chúng tôi sẽ tụng kinh A Di Đà, niệm Phật hiệu. Tụng kinh xong rồi, Phật hiệu mới niệm được mười mấy danh hiệu thì ông liền nói với mọi người là Phật A Di Đà đã đến rồi, ông nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn ông, ông từ giã cáo biệt liền vãng sanh, không hề bị bệnh. Do đây có thể biết, chỉ cần tâm của bạn chân thành thì có thể cảm động Phật A Di Đà. Thọ mạng của 10 năm không cần, sớm đi đến thế giới Cực Lạc là người chân thực giác ngộ, là người thực sự thông minh. Không có cái quyết tâm như vậy, không có nghị lực như vậy thì chúng ta rất dễ dàng đọa lạc. Do đó, đây là người trước làm tấm gương để chúng ta xem. Chúng ta phải cố gắng ghi nhớ, phải nỗ lực tu học.

Trích lời dạy của HT. Tịnh Không từ:

– Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 24).

– Tư Lương Tịnh Độ.

loading...