Kiến thức
Niệm Phật như thế nào để đạt thành tựu?
Thứ sáu, 10/07/2023 07:50
Chấp trì danh hiệu là chăm chăm giữ lấy, gìn chặt trong lòng không tạm thời quên lãng. Nếu vừa có một niệm gián đoạn, hoặc xen tạp thì chẳng phải chấp trì.
Mỗi niệm tiếp nối, không xen tạp, không gián đoạn, là tinh tấn thật sự. Tinh tấn không ngừng thì lần lần vào chỗ nhất tâm không loạn, thành tựu trọn vẹn Tịnh nghiệp. Nếu đến chỗ nhất tâm không loạn vẫn còn tinh tấn không ngừng, ắt sẽ khai mở trí tuệ, phát khởi biện tài, được thần thông, thành tựu Niệm Phật Tam-muội, cho đến mọi thứ tướng lành linh ứng lạ kỳ đều hiện tiền. Nhưng không thể đem lòng trông mong hiệu nghiệm, chỉ nên gắng sức nơi nhất tâm không loạn mà thôi.
Ngay khi niệm Phật, nên buông bỏ muôn duyên, chỉ chuyên nhất một niệm như cứu lửa cháy đầu, như an táng cha mẹ, như gà ấp trứng, như rồng dưỡng châu, không mong hiệu quả nhỏ bé, chẳng mong cầu mau chóng thành tựu, chỉ một lòng thường niệm như thế, đó gọi là môn Thiền thâm diệu vô thượng. Thế thì căn thân thế giới, mỗi niệm thầm chuyển biến theo tâm mình, tâm phàm mắt thịt chẳng thể thấy biết được. Đến lúc lâm chung, Phật A-di-đà cùng Thánh chúng bỗng hiện ra trước mắt, hoặc hiện hương lạ nhạc trời, các thứ tướng lành. Lúc ấy, người đời mới bảo rằng Tịnh ngiệp thành tựu, nhưng đâu phải lúc ấy mới thành tựu Tịnh nghiệp!
Niệm Phật nên phát sinh bốn thứ tâm:
1. Phát sinh tâm hổ thẹn, vì từ vô thỉ kiếp đến nay chúng ta đã tạo nhiều nghiệp chướng.
2. Phát sinh tâm vui thích, vì được nghe pháp môn này.
3. Phát tâm đau buồn, vì nghiệp chướng từ vô thỉ nên khó gặp được pháp này.
4. Phát tâm cảm kích, vì Phật từ bi như thế.
Nếu có được một trong bốn thứ tâm này, Tịnh nghiệp liền có thể thành tựu. Niệm Phật phải lâu dài, phải không gián đoạn, nếu gián đoạn Tịnh nghiệp sẽ không thành tựu. Niệm Phật lâu dài nhưng phải mạnh mẽ, không thể lười mỏi, nếu lười mỏi Tịnh nghiệp cũng không thể thành tựu. Lâu dài mà không mạnh mẽ thì sẽ thối lui; mạnh mẽ mà không lâu dài thì không tiến bộ.
Ngay khi niệm Phật, không thể có tư tưởng khác, không có tư tưởng khác tức là “Chỉ”. Ngay khi niệm Phật phải rõ ràng phân minh, hay rõ ràng phân minh tức là “Quán”. Trong một niệm Chỉ–Quán đầy đủ, chẳng phải có pháp Chỉ–Quán nào khác. Chỉ là nhân của định, định là quả của Chỉ. Quán là nhân của tuệ, tuệ là quả của Quán. Một niệm không sinh, rõ ràng phân minh là lặng lẽ mà sáng soi; rõ ràng phân minh, một niệm không sinh là sáng soi mà lặng lẽ. Người được như thế, Tịnh nghiệp nhất định thành tựu. Người thành tựu như thế đều là Thượng phẩm. Một người cho đến trăm ngàn muôn ức người, tu như thế đều thành tựu như thế.
Trích dẫn “Tịnh nghiệp tri ân” và “Niệm Phật bách vấn”