Hỏi - Đáp
Niệm Phật nhưng còn ăn mặn có được vãng sanh không?
Thứ hai, 11/05/2020 11:15
Nếu như Phật tử niệm Phật tha thiết chí thành và phải cố gắng tinh cần niệm Phật miên mật tương tục, nhiếp tâm thành ý, không luận thời gian và nơi chốn, lúc nào, ở đâu, làm gì, Phật tử cũng đều chuyên tâm niệm Phật. Được thế, thì lo gì Phật tử sẽ không được vãng sanh.
> Niệm Phật và những điều cần biết
Hỏi: Kính thưa thầy, hằng ngày con niệm Phật, nhưng con không có ăn chay trường, như vậy chết con có được vãng sanh không?
Đáp: Việc ăn chay hay ăn mặn còn tùy vào cái căn duyên nghiệp quả sâu cạn của mỗi người. Người có căn duyên với Phật pháp sâu dầy thì việc ăn chay đối với họ phải nói không có gì là khó khăn lắm. Ngược lại, thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thậm chí, có người chỉ ăn chay một bữa thôi mà họ ăn còn không được thay! Huống hồ là ăn chay kỳ hay ăn chay trường. Vì khi cầm đũa lên là họ nhớ đến thịt cá. Do đó, xin đừng bắt họ phải ăn chay. Bởi biệt nghiệp của mỗi người sâu cạn, dầy mỏng có khác nhau. Nói thế, không có nghĩa là chúng ta phó mặc buông xuôi theo duyên nghiệp. Bởi nghiệp là do thói quen, ta cũng có quyền chuyển đổi thói quen xấu trở thành thói quen tốt. Nếu ta ý thức và cương quyết thì không có gì mà làm không được. Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: "Ăn thịt chúng sinh là đồng với sát hại chúng sinh vậy".
Nếu Phật tử niệm Phật mà lại thêm ăn chay trường nữa thì điều đó rất là quý giá. Tuy nhiên, nếu Phật tử ăn chay trường chưa được thì cũng nên tập dần. Nghĩa là mình cứ tăng dần ngày chay kỳ lên đến một lúc nào đó Phật tử cảm thấy không còn thèm thịt cá nữa, thì bấy giờ Phật tử ăn trường chay luôn. Phật Tổ lúc nào cũng khuyên bảo chúng ta nên ăn chay tránh sát hại sinh vật. Bởi sát sinh hại vật là tội lớn nhứt. Thế nên, chúng ta cố gắng tập ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh được quả báo oán thù.
Những lời vàng về pháp môn niệm Phật
Trường hợp của Phật tử dù chưa ăn chay trường được, nhưng nếu Phật tử vẫn cố gắng bền tâm niệm Phật và phải niệm Phật cho đúng cách theo lời Phật Tổ chỉ dạy trong kinh điển thì cũng sẽ được vãng sanh. Theo tôi, việc ăn chay tuy là quan trọng, nhưng cũng không quan trọng bằng mình chân thành tha thiết niệm Phật. Có người chỉ biết ăn chay trường thôi, còn việc tu hành niệm Phật thì họ lại coi thường lơ là lúc niệm, lúc không. Nghĩa là họ không có giữ vững lập trường trong việc tu niệm. Họ không có thành tâm tha thiết gì đến việc niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc cả. Thử hỏi ăn chay trường như thế có được lợi lạc tiến bộ gì trong việc tu hành không? Hay chỉ biết ăn chay trường là đủ rồi? Họ nghĩ ăn chay như vậy là tốt lắm rồi không cần phải niệm Phật hay tu hành chi cho mệt. Quan niệm ăn chay như thế, thì trên bước đường tu hành giác ngộ giải thoát thật không đến đâu cả. Ngược lại, có người tuy họ chưa ăn trường chay được, nhưng họ chịu khó cần mẫn siêng năng bền chí tu hành và niệm Phật. Họ thành tâm tha thiết niệm Phật, và giữ thời khóa đều đặn trọn đời, như thế, thì chắc chắn là họ cũng sẽ được vãng sanh về Cực lạc.
Nếu bảo rằng, chỉ có ăn chay trường niệm Phật mới được vãng sanh, thì xin hỏi trong hàng Phật tử của chúng ta có được bao nhiêu người ăn chay trường? Như vậy, chả lẽ những người không ăn chay trường thì họ niệm Phật không được vãng sanh hay sao? Sách sử ghi lại, có rất nhiều người không ăn chay trường mà họ chí thành niệm Phật thì cũng được vãng sanh kia mà! (Tuy họ không ăn chay trường, nhưng họ không có sát hại sinh vật. Họ chỉ ăn thịt cá theo tam tịnh nhục mà thôi). Nói thế, không có nghĩa là tôi biện minh hay khuyến khích cho việc ăn mặn (nói đúng phải nói là ăn mạng bởi giết hại sinh mạng mà ăn). Xin Phật tử chớ vội hiểu như thế. Phật Tổ lúc nào cũng khuyên bảo nhắc nhở người Phật tử chúng ta nên cố gắng trường chay. Vì lợi ích của việc ăn chay thì không ai có thể phủ nhận được. Bởi nó có nhiều điều lợi ích cho thân thể và tâm linh.
Sự màu nhiệm và nét đẹp của niệm Phật
Phật dạy người Phật tử ăn chay trước tiên là vì lòng từ bi. Mình không thể ăn ngon miệng béo bổ để cung phụng cho cái xác thân hư huyễn, trên sự giãy chết kêu la thất thanh đau thương oằn oại của một con vật. Bởi tuy là loài vật, nhưng nó cũng có tánh linh hiểu biết và ham sống sợ chết như mình. Nếu mình ỷ mạnh mà ra tay giết chết chúng nó để ăn, thì quả thật là mình không có chút từ tâm! Bởi muôn loài đều có sự sống như nhau. Loài nào cũng ham sống sợ chết cả. Như vậy, theo lẽ công bằng, mình không muốn ai giết hại mình thì mình cũng đừng nên giết hại kẻ khác. Đó là mình khéo biết tôn trọng mạng sống với nhau. Sách Nho có câu: "Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân". Nghĩa là điều gì mình không muốn thì chớ nên làm cho người khác phải khó chịu. Mình sợ đau khổ thì tại sao mình lại đem cái đau khổ đến cho kẻ khác?
Ngoài lòng từ bi và tôn trọng mạng sống ra, ăn chay còn có được cái lợi thực tế là tránh được cái quả báo chồng chất oán thù, oan gia tương báo. Bởi theo luật nhân quả hễ có vay thì phải có trả. Có gây nhân tất nhiên phải có quả báo. Chẳng qua cái quả báo đó nó đến với mình có mau, chậm khác nhau đó thôi. Vấn đề nầy, chúng tôi cũng đã có bàn giải nhiều trong quyển 100 câu hỏi Phật pháp tập 2, nên ở đây chúng tôi không muốn luận giải dong dài.
Ý nghĩa kinh Dược sư và niệm Phật Dược Sư
Trở lại câu hỏi của Phật tử, Phật tử nói là Phật tử niệm Phật mà không có ăn chay trường, như vậy khi lâm chung Phật tử có được vãng sanh hay không? Xin thưa ngay là Phật tử đừng lo sợ không được vãng sanh. Không phải ai niệm Phật hay tu hành cũng đều ăn chay trường hết. Tuy nhiên, nếu Phật tử vừa niệm Phật mà vừa giữ được trai giới thanh tịnh nữa, thì việc vãng sanh của Phật tử có phần bảo đảm vững chắc hơn. Còn nếu như Phật tử chưa ăn chay trường được, thì cứ vẫn giữ ăn chay kỳ. Điều quan trọng không phải là chay hay mặn, trường hay kỳ, mà quan trọng là ở chỗ công phu tu hành niệm Phật của Phật tử. Nếu ăn chay trường, mà lười biếng niệm Phật, một ngày niệm năm ba ngày nghỉ, như thế, thì thử hỏi có được vãng sanh hay không? Vả lại, ăn chay cũng chưa phải là tu.
Ở đời, ta thấy có lắm người miệng thì ăn chay mà lòng họ không có chay lạt chút nào. Ai đụng đến họ thì họ nổi sân si lên, phùng mang trợn mắt hung hăng dữ tợn, quyết sống chết một mất một còn với người đó. Hạng người nầy người ta gọi họ là khẩu Phật mà tâm xà. Như vậy, họ chỉ biết ăn chay chớ họ đâu có biết tu hành gì! Người biết tu hành là phải dẹp bớt tham, sân, si, cho lòng mình được trong sáng an lạc nhẹ bớt những gánh nặng ưu phiền. Bởi niệm Phật cũng cốt là để dứt trừ phiền não cho tâm mình được an định. Đồng thời, cũng phải hằng sửa đổi điều chỉnh ở nơi ba nghiệp: "Thân, Ngữ, Ý" của mình. Có thế thì mới tiến bộ trên bước đường tu tập. Cái quan trọng thì chúng ta lại thờ ơ coi thường không quan tâm lưu ý đến, mà chỉ quan tâm đến việc ăn chay, ăn mặn. Như thế thì việc tu hành của chúng ta làm sao tiến bộ được?
Nếu như Phật tử niệm Phật tha thiết chí thành và phải cố gắng tinh cần niệm Phật miên mật tương tục, nhiếp tâm thành ý, không luận thời gian và nơi chốn, lúc nào, ở đâu, làm gì, Phật tử cũng đều chuyên tâm niệm Phật. Được thế, thì lo gì Phật tử sẽ không được vãng sanh. Dù Phật tử chưa ăn chay trường nhưng Phật tử vẫn được vãng sanh. Điều này không phải là điều ức đoán hay nói ngoa, mà là một sự thật chư Phật Tổ đã dạy chúng ta như thế. Xin Phật tử hãy yên tâm niệm Phật và cố gắng tu hành nhất là gìn giữ ở nơi ba nghiệp cho được thanh tịnh. Khi ba nghiệp hằng thanh tịnh thì đồng Phật vãng Tây phương.
> Xem thêm video: Ý nghĩa của hoa sen trong Phật giáo: