Sách Phật giáo

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P2)

Thứ hai, 22/04/2016 08:56

Trái Đất hiện nay chỉ có một Mặt Trời đã phải nhiều phen nóng sốt, có thêm sáu Mặt Trời thời phải sống làm sao? Nhiều người mới nghe qua Trái Đất có tới bảy Mặt Trời có thể giật mình phân vân sửng sốt, nhưng hiểu ra rồi, e còn phải sửng sốt nhiều hơn.

Nikāya và khoa học
2. kinh Nikāya và vũ trụ

Như các nhà thiên văn mô tả, Trái Đất con người đang sống chỉ là một hành tinh trong Thái Dương Hệ. Thái Dương Hệ cũng chỉ là một ốc đảo nhỏ của một Thiên Hà (galaxy) với hàng tỷ ngôi sao. Và trong vũ trụ bao la lại có tới hàng tỷ các Thiên Hà khác với muôn hình muôn vẻ. Các Thiên Hà này kết hợp với nhau tạo thành một Chùm Thiên hà (galactic cluster). Các Chùm Thiên hà lại kết hợp với các Chùm Thiên hà khác tạo nên Siêu Thiên hà (metagalaxy).

Thật không thể tượng tưởng nổi vũ trụ bao la nhường nào, nhưng lại càng không thể tưởng tượng được hình ảnh của vũ trụ hiện đại ấy đã xuất hiện rất rõ ràng trong kinh Tăng Chi của Phật giáo từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Dưới đây là bức ảnh vũ trụ được bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác mô tả một cách cụ thể:

“Này các Tỳ-kheo, xa cho đến Mặt Trăng, Mặt Trời di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương, cho đến như vậy là ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, có 1.000 Mặt Trăng, có 1000 Mặt Trời, có 1000 vua núi Sineru, có 1000 cõi Diêm phù đề, 1000 Tây ngưu Hóa châu, 1000 Bắc-cu-lô-châu, 1000 Ðông thắng Thần châu, 4000 biển lớn, 4000 Ðại vương, 1000 Bốn đại Thiên vương, 1000 Tam thập tam thiên, 1000 Dạ-ma-thiên, 1000 Ðâu-suất thiên, 1000 Hóa lạc thiên, 1000 Tha hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm Thiên giới” (kinh Người Kosalā, Tăng Chi tập 4, Chương 10, Phẩm Lớn, số 29 = [I.10.29.2])

Tất nhiên sẽ chẳng có ai thắc mắc theo kiểu ‘bới lông tìm vết’, vặn vẹo tại sao chỉ có một ngàn Mặt Trăng, một ngàn Mặt Trời, một ngàn vua núi Sineru... mà không là tỷ tỷ hành tinh như hiện nay. Một em học sinh trung học thời nay cũng hiểu: Ngàn thế giới có chứa hàng ngàn Mặt Trăng, hàng ngàn Mặt Trời cũng đủ nói lên ý nghĩa hàng tỷ rồi. Vả lại, cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, trình độ toán học con người không được như bây giờ, nói con số hàng tỷ, e nhiều người không kham nổi lại sinh ra chống đối, lợi đâu chưa thấy chỉ thấy phiền.

Điều đáng thắc mắc chính là ở chỗ vì sao trong hàng ngàn thế giới ấy với hàng ngàn Mặt Trăng, Mặt Trời, lại có 1000 núi chúa Sineru (Tu-di) cùng 4000 biển lớn? Trả lời: Hình ảnh này chứng tỏ đức A La Hán Minh Hạnh Túc đã thấy rõ hàng ngàn Mặt Trăng, Mặt Trời cùng vô số các hành tinh đang xoay chuyển chói sáng muôn phương kia cũng bao la rộng lớn với hàng ngàn núi Tu-di hùng vĩ, với hàng ngàn biển lớn như chính Trái Đất này, chứ không phải chỉ như hai cái bánh ‘pie’ bé nhỏ cùng muôn vàn ‘hạt đường’ lóng lánh trên cái mâm trời to tướng như cặp mắt phàm phu con người thường thấy.

Hơn thế nữa, điều đáng lưu ý là con số biển lớn gấp bốn lần con số núi lớn. Tại sao như thế? Số ‘biển lớn,’ ‘núi lớn’ trong vũ trụ và biển lớn, núi lớn trên Trái Đất này có sự tương đồng gì chăng? Ai đó muốn giải nghi điều này, hãy so lại các số liệu mô tả bộ mặt của Trái Đất sẽ biết. Đây chính là tỷ lệ tương ứng giữa đại dương và lục địa của quả đất, với ba phần tư là diện tích mặt nước và một phần tư còn lại là diện tích núi cao, đồng bằng.

Vì thế, cái ‘bản lai diện mục’ của Trái Đất thực ra là một ‘trái nước’, và chỉ như vậy nó mới là một hành tinh xanh lý tưởng cho các sinh loại tồn tại và tiến hóa. Điều này có nghĩa: Nếu có một hành tinh nào khác có sự sống cao cấp, hẳn nó cũng phải có được tỷ lệ tầm cỡ như ‘một ngàn núi lớn, bốn ngàn biển to’ tương đương như trái nước này (2)

Các nhà khoa học đang dõi mắt tìm kiếm trong vũ trụ các hành tinh có sự sống giống như ‘trái biển’ của con người. Cho dù họ có tìm ra thì đối với những người thọ trì kinh Nikāya cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi lẽ, với con số ‘4000 biển lớn,’ chí ít cũng cho những người học Phật cái quyền bình tâm chờ đón các nhà thiên văn học tiếp tục phát hiện thêm nhiều những Waterworld (thế giới nước) trong cái vũ trụ bao la này.

Một chi tiết đáng kể khác cũng cần phải nhắc đến, đó là đức A La Hán Chánh Đẳng Giác dùng hai động từ ‘di chuyển, xoay chuyển’ không phải là thừa, vì chỉ có như vậy mới diễn tả đầy đủ các hành tinh vừa di chuyển theo quỹ đạo của chúng, đồng thời cũng tự xoay chuyển quanh mình, giống như Trái Đất vừa quay quanh Mặt Trời vừa tự xoay chuyển quanh trục của nó vậy.

Lại nữa, khi nói ‘di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương’ điều này có nghĩa sự vận chuyển và chiếu sáng của muôn vàn Mặt Trăng, Mặt Trời trong một không gian đa chiều, nhiều phương xứ, chứ không phải chỉ là những vì tinh tú chạy dài và phát sáng từ Đông sang Tây trên cái vòm trần tròn trịa úp trên mặt đất mà mấy mươi thể kỷ sau nhiều người vẫn còn lầm tưởng.

Rõ ràng, chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy lời của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đã vượt xa khỏi thời gian và không gian của con người trần tục đến như thế nào. Ai đó còn hoài nghi chưa chịu tin ư? Thì đây, bài kinh Abhibhù đã khắc họa hệ thống của vũ trụ còn rõ ràng hơn, cụ thể hơn nữa, hoàn toàn không khác gì với thiên văn học ngày này:

“- Xa cho đến Mặt Trăng, Mặt Trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có một ngàn Mặt Trăng, một ngàn Mặt Trời, một ngàn núi Sineru (Tu-di), một ngàn Jambudìta (Diêm-phù-đề), một ngàn Aparagoyànà (Tây ngưu hóa châu), một ngàn Uttarakurù (Bắc-cu-lô châu), một ngàn Pubbavidehà (Ðông thắng thần châu), bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn đại vương, 1000 cõi trời Bốn thiên vương, 1000 cõi trời ba mươi ba, 1000 Dạ-ma thiên, 1000 Tusità (Ðâu-suất thiên), 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha Hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm Thiên.

Này Ānanda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ānanda, cho đến 1000 lần một tiểu thiên thế giới, được gọi là, này Ānanda, ba Ðại thiên thế giới.

Này Ānanda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn” (Tăng Chi 1, Chương 3, Phẩm Ānanda, kinh số 80 = [I.3.72.3]).

Đến đây đã quá rõ chuyện con số hàng tỷ các hành tinh đang quay cuồng trong cái vũ trụ này: ‘1000 lần một tiểu thiên thế giới’ với hàng ngàn đơn vị chính là con số hàng tỷ chứ còn gì nữa. Con người thời xưa nhìn lên bầu trời chỉ thấy một giải sông Ngân hay Milky Way với li ti những ánh sao, còn đấng A La Hán Thế Gian Giải lại thấy chúng thành từng hệ thống trong từng hệ thống y như các nhà thiên văn ngày nay với sự trợ giúp của kính viễn vọng. 
Ảnh minh họa
Một ngàn thế giới chính là một Thiên hà (galaxy), một Tiểu thiên thế giới chính là một Chùm Thiên hà (galactic cluster) và một Đại thiên thế giới chính là một Siêu thiên hà (metagalaxy). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy ‘Phật nhãn’ của Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đã thấu suốt cả Trái Đất này, cả vũ trụ này, và còn diệu dụng hơn cả vạn lần kính thiên văn Hubble hiện đại nhất hiện nay.

Thật không nói quá! Trong đoạn kinh trên đã có ý nhấn mạnh ‘Xa cho đến... chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy...,’ để diễn tả cái khoảng không bao la mà chỉ có con người ngày nay, với phương pháp đo khoảng cách bằng vận tốc ánh sáng, mới có thể hình dung ra được một chữ ‘xa’ của đức Phật thực sự xa đến như thế nào (3)

Cho nên, những người con Phật muốn tránh sa đọa vào những cõi giới lầm lạc, họ cần phải trở về đúng với nguồn cội, cần phải thận trọng với từng câu, từng chữ trong kinh và Luật Pāli nguyên thủy, đúng như lời bậc A La Hán Chánh.

Biến Tri đã căn dặn: “Mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật” (Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 1, số 16, tr.618 = [Ab.7.118]).

Nhưng ‘mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu’ của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đâu phải chỉ có bó hẹp trên quả đất này, vì trong cái vũ trụ bao la kia ‘Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.’

Hẳn, Diệu Pháp của Bậc A La Hán Thiên Nhân Sư không phải chỉ dạy riêng cho con người trên Trái Đất này. Bởi, ở đâu có sinh thì phải có diệt, ở đâu có sinh diệt thì ở đó có khổ đau của già và chết; và ở đâu có khổ đau của già và chết, ở đó Phật Pháp vẫn có nguyên giá trị như một diệu pháp diệt khổ.

Vấn đề là đấng Điều Ngự Trượng Phu có muốn hay không; và những ‘đóa sen sinh diệt’ trong vũ trụ kia có đủ phước duyên vươn lên khỏi mặt nước, để trở thành những bậc Trượng phu Thanh Văn xứng đáng được nghe Diệu Pháp của Ngài mà thôi!

Vào cái thuở mọi người đều tin rằng vị thần Mặt Trời còn bị quỷ ma nhai nuốt, phải biến thành tối mù trong những lúc nhật thực; còn những đêm thiếu vắng chị Hằng, con người chỉ biết dùng nến đuốc soi đường, trông xa vài chục mét đã không còn nhìn thấy gì, ấy vậy mà một bậc Thiện Thệ lại dám thuyết giáo ‘xa đến như thế’, trong khi quanh ngài cũng có biết bao Ma vương luôn tìm cách chống đối ám hại, thế nhưng Ngài vẫn có thể làm cho tiếng mình vang xa hơn cả ‘ba ngàn Đại thiên thế giới,’ qua đó đủ thấy uy lực của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác siêu việt đến như thế nào!

Nhân nói chuyện về Thái Dương Hệ cũng phải nhắc đến bài kinh ‘Mặt Trời’, Tăng Chi tập 3, chương 7, số 62 = [I.7.62]). Trong bài kinh này đức Chánh Biến Tri có nói đến sự xuất hiện lần lượt thêm sáu Mặt Trời gây ra khô hạn khốc liệt cho Trái Đất. Thậm chí khi Mặt Trời thứ bảy xuất hiện, Trái Đất bị nung chảy thiêu hủy hoàn toàn, đến độ tro và lọ đen cũng không còn tìm thấy.

Trái Đất hiện nay chỉ có một Mặt Trời đã phải nhiều phen nóng sốt, có thêm sáu Mặt Trời thời phải sống làm sao? Nhiều người mới nghe qua Trái Đất có tới bảy Mặt Trời có thể giật mình phân vân sửng sốt, nhưng hiểu ra rồi, e còn phải sửng sốt nhiều hơn.

Thật vậy, theo các nhà Thiên thể học, Mặt Trời (the Sun) của Thái Dương Hệ sẽ trương nở dần, kích thước của nó có thể đạt đến gấp 250 lần hiện tại, tới mức lớn hơn cả quỹ đạo của Trái Đất hiện nay. Hẳn nhiên, lúc này Mặt Trời có thể ‘nuốt chửng’ được cả Trái Đất và nung chảy Trái Đất hoàn toàn.

Như vậy, có thể xem sáu Mặt Trời xuất hiện lần lượt trong bài kinh Mặt Trời cũng chính là sáu giai đoạn trương nở khác nhau của Mặt Trời hiện nay; và tương ứng với từng kích thước trương nở ấy, Trái Đất sẽ bị thiêu đốt mỗi lúc một dữ dội hơn cho đến khi nó bị thiêu hoại hoàn toàn.

Một viễn cảnh như vậy chỉ có các nhà khoa học thời nay mới tính ra được, thế nhưng quý vị khoan vội nghĩ rằng mình là những người đầu tiên biết được sự thật này. Kỳ diệu thay, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, bài kinh Mặt Trời đã mô tả quá trình này rõ ràng đến từng giai đoạn.

Những ai quan tâm muốn tìm hiểu, họ hãy trở ngược về quá khứ, cùng với các Tỳ-kheo Thanh Văn thời Phật, phóng tầm mắt đến cả tỉ năm sau để xem những hình ảnh cuối đời của Trái Đất:

“Này các Tỳ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, Mặt Trời thứ bảy hiện ra. Này các Tỳ-kheo, khi Mặt Trời thứ bảy hiện ra, Trái Đất lớn này và núi chúa Sineru bốc cháy, rực cháy, trở thành một màn lửa.

Và khi quả đất lớn này và núi chúa Sineru cháy đỏ lên, cháy rực lên ngọn lửa do gió thổi bốc cao đến Phạm Thiên giới. Các chóp ngọn của núi Sineru, cao đến một, hai, ba, bốn, năm trăm do tuần, khi bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, bị cả khối lửa to lớn phá hoại và chinh phục, liền sụp đổ xuống.

Sau khi quả đất lớn và núi Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Ví như, này các Tỳ-kheo, khi bơ và dầu được cháy đỏ, được cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khi quả đất lớn này và núi chúa Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen” (Sđd).
 
Thế đấy, một khi vô thường đã chạm đến thì không phải chỉ có dãy núi chúa Sineru - Himalayas mà cả Trái Đất vĩ đại của con người cũng bị tiêu hủy hoàn toàn, thậm chí đến tro và lọ đen cũng chẳng còn. Những ai muốn biết Mặt Trời bức tử Mẹ Đất qua từng giai đoạn như thế nào, hãy xem trọn bài kinh Mặt Trời trong tạng Tăng Chi sẽ rõ.

Từ xưa cho đến nay, nếu không biết đến những tri thức khoa học hiện đại về Mặt Trời, không ai có thể nghĩ ra chứ đừng nói gì đến chuyện tin nổi cơ trời mệnh đất lại có lúc khốn cùng đến như vậy.

Thế nhưng ngoại trừ đức A La Hán, các Tỳ- kheo Thanh Văn, các nhà khoa học và cả “những người đã được chứng kiến”, chỉ có những vị này mới dám tin chuyện Trái Đất vĩ đại dường ấy nhưng rồi cuối cùng cũng phải trở về với hư không:

“Ở đây, này các Tỳ-kheo, ai là người có thể nghĩ rằng, ai là người có thể tin rằng: "Quả đất này và núi chúa Sineru sẽ bị đốt cháy, sẽ bị hủy hoại, sẽ không còn tồn tại nữa”, trừ những người đã được chứng kiến.” (Sđd)

‘Những người đã được chứng kiến’ là ai trong khi Trái Đất bị nung chảy ra như thế? Họ là các hậu duệ may mắn của loài người tìm được nơi ở mới? Hay các loài hữu tình tại đây được tái sinh làm người qua một hành tinh khác? Hay các chư Thiên ở trên các tầng trời? Hay những vị có Thiên nhãn thông? Hay các Alien - người ngoài Trái Đất?

Nhưng thôi, ai đó còn thắc mắc, hãy đọc trọn cả bài kinh để hiểu rõ vì sao đấng A La Hán Chánh Biến Tri đã phải tiết lộ thiên cơ, đã phải nhắc đến chuyện trên trời, đã phải nói đến thời lâu xa ấy. Hiểu ra điều này mới đáng phải giật mình. Không biết giật mình trước những điều đáng phải hiểu, để cho ba ngọn lửa tham-sân-si thiêu đốt mỗi ngày, dù có thông thái thấu suốt tám vạn bốn ngàn chuyện thế sự Ta Bà, đừng trách chi thế gian vẫn còn là bể khổ!

Chuyện Thái Dương Hệ đến đây đã đủ, hãy trở lại địa cầu và quay về với hiện tại để biết các nhà khoa học của chúng ta đang làm gì, và các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật phải từ bỏ thế tục vì điều gì.

Hiện nay có nhiều nhà khoa học đang giam mình trong các phòng thí nghiệm nhằm cố gắng khám phá những bí ẩn của tự nhiên. Nhiều nơi đang sử dụng những thiết bị hiện đại nhất để dõi mắt đến tận cùng của thế giới. Có nơi sẵn sàng chi hàng tỉ tiền cho những chương trình nghiên cứu không gian với nhiều mục đích khác nhau. Thật văn minh biết bao! Thật tiến bộ vô cùng!

Nhưng cũng thật đáng tiếc lắm thay! Bởi, hình như, vì quá đam mê với những chuyện trên trời mà người ta đã quên đi những công việc nhân đạo cấp bách ngay trên mặt đất. Chính tại nơi đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn trẻ em phải chết vì đói, hàng trăm triệu em khác phải sống lây lất vì bệnh tật, thiếu thuốc men. Nhiều nơi còn hàng triệu gia đình mỗi bữa ăn chỉ cần thêm được vài đồng tiền lẻ thôi cũng tránh được suy dinh dưỡng, chữa được đui mù.

Chưa hết, khốn khổ hơn, có vài nhà trí thức mới chỉ biết rõ trên Cung Trăng không có chị Hằng, dưới đất sâu không có địa ngục, thế là liền quay lại khinh miệt trí đức của người xưa, vênh váo coi thường cả đạo lý nhân quả, tiêu phí biết bao nhiêu tiền bạc để biến khoa học thành những vũ khí kinh hồn tàn hại con người!

Trong khi đó, các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật cũng sợ hãi sự vô minh ngu si lầm lỗi. Họ cũng sợ hãi sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại và cả muôn loài, nên nhắc nhở nhau theo lời dạy của bậc Đạo Sư, gắng thực hành đức hạnh Từ Bi cùng ba pháp Giới - Định - Tuệ. Họ bảo nhau noi gương các bậc A La Hán, ôm bình bát khất thực gieo duyên.

Các Tỳ-kheo Thanh Văn chỉ là những vị khất sĩ bình thường, cho nên họ không có kiêu mạn đại ngã với một ai, nhưng họ cũng không phải xấu hổ ti mạn trước một người nào. Bởi, họ cũng đang phải khép mình độc trú biệt cư nỗ lực khám phá những bí ẩn của một thế giới khác, cũng đang vận dụng một hệ thống tinh vi nhất để dõi mắt đến tận cùng của một vũ trụ khác với những mục tiêu khác.

Bí ẩn ấy là gì? Mục tiêu ấy là gì? Đó là bí ẩn của thế giới khổ đau và mục tiêu đi đến đoạn diệt những khổ đau. Bởi lẽ, một bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác của hai mươi lăm thế kỷ trước đã thấy như vậy, đã biết như vậy và đã tuyên bố như vầy:

“- Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỳ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới” (Bài kinh Thế Giới Dục Công Ðức, S.iv,93 = [Ve.8.115])

Một học giả, với kiến thức khoa học phổ thông, có thể hình dung được ranh giới 93 tỷ năm ánh sáng của cái vũ trụ này mênh mông thăm thẳm đến như thế nào so với tuổi thọ trăm năm của một kiếp người cùng các con tàu vũ trụ có vận tốc lệt bệt mà họ đang có, nhờ vậy có thể tin lời Thiên tử Rohitassa trong kinh Tăng Chi.

Vị thiên thần này trong một tiền kiếp đã từng là ẩn sĩ, có thần thông mỗi bước chân nhanh như tên bắn và vượt xa cả đại dương. Nhưng rồi cuối cùng vị ẩn sĩ có đại thần lực ấy đã phải chết dọc đường trên hành trình đi tìm kiếm tận cùng của thế giới. Sau đó Thiên tử Rohitassa đã được Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, vị Thầy Trời Người chỉ dạy:

“- Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng: "Tại chỗ nào không bị sinh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sinh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới”....

Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt

Với đi, không bao giờ, Ðạt tận cùng thế giới.
Nếu không, không đạt được, Chỗ tận cùng thế giới,
Thời không có giải thoát, Ra khỏi ngoài khổ đau.

Do vậy, bậc có trí, Hiểu biết rõ thế giới, Ði tận cùng thế giới,
Với Phạm hạnh thành tựu, Bậc đạt được an tịnh,
Biết tận cùng thế giới, Không mong cầu đời này, Không mong cầu đời sau.”
(kinh Rohitassa, TC1, C4, Phẩm Rohitassa, tr.643 = [I.4.45])

Do vậy, mỗi Tỳ-kheo Thanh Văn hãy bắt đầu từ hệ thống tinh vi nhất là chính bản thân mình để giải mã về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt mọi khổ đau, từ đó mới biết cách giúp cho những người khác giải thoát khỏi thế giới khổ đau. Đây mới chính là một vũ trụ diệu kỳ có ý nghĩa thiết thực hiện tại mà mỗi vị Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật cần phải cố công khám phá.

Trong bài kinh Bà-la-môn (TC4, C9, số 38 = [I.9.38]), đức Thế Tôn đã tái khẳng định thế giới này là mênh mông thăm thẳm, không có thể đi đến để biết được. Tuy vậy, Ngài cũng đã chỉ rõ cho các Tỳ-kheo cách thức đặc biệt để đạt đến tận cùng thế giới và vượt khỏi triền phược thế gian. Những Tỳ-kheo nào muốn đạt đến tận cùng thế giới và vượt khỏi triền phược thế gian hãy đọc kỹ bài kinh này và cố gắng thực hành.

Nhưng trước hết, cần ghi nhớ: Thời gian không chờ đợi một ai, vô thường không tha bất cứ người nào, là bậc hiền trí phải luôn tinh tấn chớ có phóng dật.

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
(2) Theo cách quán nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp của đạo Phật, một khái niệm trong kinh Nikāya có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo từng hệ thống, từng hoàn cảnh.
(3) Mỗi giây ánh sáng vút qua khoảng 300.000 cây số. Để chiếu suốt vũ trụ quán sát được, ánh sáng phải mất 93 tỷ năm.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...