Sách Phật giáo

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P.5)

Thứ hai, 30/04/2016 10:15

Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... Như Lai thắng tri chư Thiên là chư Thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật"

Bốn thế giới siêu hình trong kinh tạng Nikāya
1. Thực tế mâu thuẫn

Trong lịch sử nhân loại, vấn đề ‘có hay không có thế giới siêu hình (TGSH)’ là một trong những sự kiện gây nhiều quan tâm nhất và cũng dễ xung đột nhất.

Riêng trong Phật giáo, vấn đề này tuy không gây tranh luận gay gắt, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt đến độ mâu thuẫn.

Trong khi một số người quả quyết rằng đạo Phật là một đạo ‘vô thần’, thế nhưng ở rất nhiều chùa vẫn còn đầy dẫy những nghi thức tế lễ, cúng bái, cầu siêu... thể hiện thế giới tâm linh một cách hiển nhiên chính thức, không thua kém bất kỳ một tôn giáo ‘hữu thần’ nào khác.
 
Đứng trước thực trạng trên, một số phật tử bị hoang mang phân vân không hiểu, một số khác lại phủ nhận tất cả mọi TGSH đến độ ‘vô chấp’ cả bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên; số còn lại thì tin tưởng một chiều mọi TGSH để rồi rơi vào mê tín.

Do vậy, người học Phật chân chính muốn có được nhận định đúng đắn, trước hết, phải căn cứ vào những lời dạy đích thực của đức Thế Tôn trong kinh tạng Nikāya nguyên thuỷ, đồng thời phải tự mình tư duy, thẩm sát kỹ lưỡng trước rồi mới đặt lòng tin vào đây, chứ không nên vội vã nghe theo bất cứ một giáo lý nào, và từ bất kỳ ai.

Nhưng trước khi đi sâu vào phân tích tìm hiểu vấn đề, cần phải nói rõ một điểm, theo lời Phật dạy ‘người nói Pháp không có tranh luận với bất cứ ai ở đời’ (S.iii,113 = [Ve.7.94]), (1) bởi thế, bài viết này không nhằm mục đích đặt lại một vấn đề đã gây tranh cãi từ lâu đời để bắt đầu một cuộc tranh luận mới, trái lại chỉ muốn giới thiệu những nhận thức về vấn đề TGSH trong kinh tạng Nikāya mà thôi.
Ảnh minh họa
2. Nhận định từ kinh văn và từ thực tế khách quan

Căn cứ vào kinh tạng Nikāya có thể khẳng định ngay: Trong kinh tạng Nikāya không những có thế giới siêu hình mà có tới bốn thế giới siêu hình. Thật vậy, một người đọc kỹ bài kinh ‘Pháp Môn Căn Bản’ sẽ phải thừa nhận điều này. Vì bài kinh này dài nên ở đây chỉ trích lược và trình bày những đoạn có liên quan đến vấn đề bàn luận nhằm làm rõ hơn nhận định nêu trên.

Trong kinh Pháp Môn Căn Bản (Trung Bộ1, kinh số 1 = TB1,1 = [U.3]), đức Phật đã dạy rõ:

“... Này các Tỳ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe... Người ấy tưởng tri chư Thiên là chư Thiên... Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri chư Thiên.

... Này các Tỳ-kheo, có Tỳ-kheo hữu học tâm chưa thành tựu... Vị ấy thắng tri chư Thiên là chư Thiên... Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri chư Thiên.

... Lại nữa, này các Tỳ-kheo, có Tỳ-kheo là bậc A-la-hán... Vị ấy thắng tri chư Thiên là chư

Thiên. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục... sân hận... si mê, nhờ tham dục... sân hận... si mê đã được đoạn trừ.

... Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... Như Lai thắng tri chư Thiên là chư Thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỳ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác” (Các trích dẫn từ Kinh Nikāya theo bản dịch của HT.Thích Minh Châu).

Như vậy, căn cứ vào những đoạn kinh trên cho thấy có bốn mức độ nhận thức về thế giới chư Thiên, bao gồm (tác giả có thay đổi từ để dễ phân biệt hơn):

1. Tưởng tri chư Thiên là chư Thiên của kẻ phàm phu.
2. Tuệ tri chư Thiên là chư Thiên của hàng hữu học.
3. Thắng tri chư Thiên là chư Thiên của bậc A-la-hán.
4. Liễu tri chư Thiên là chư Thiên của Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác.

Chư Thiên là một bộ phận của thế giới siêu hình, chính vì thế, từ đây có thể suy rộng ra cũng có bốn mức độ nhận thức về TGSH, đó là:

1. Tưởng tri TGSH là TGSH
2. Tuệ tri TGSH là TGSH
3. Thắng tri TGSH là TGSH
4. Liễu tri TGSH là TGSH.

Trong thực tế cuộc sống, các TGSH thuộc mỗi tầng nhận thức đều khác nhau, và vì vậy trong kinh điển Nikāya cũng thể hiện đầy đủ cả bốn TGSH này. Chúng bao gồm: TGSH của tưởng tri, TGSH của tuệ tri, TGSH của thắng tri và TGSH của liễu tri.

Nhưng dù các TGSH trong kinh tạng Nikāya được thể hiện theo mức độ nào chăng nữa thì cũng không vượt ngoài mục đích ý nghĩa trước sau như một của chánh pháp, ‘Chư Tỳ-kheo, xưa cũng như nay, Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ’
(TB1, 22 = [Sb.4.35]).

Chính vì kinh tạng Nikāya thể hiện nhiều TGSH khác nhau như vậy, cho nên không phải bất kỳ TGSH nào cũng có thể hiểu được bằng tuệ tri của bậc hữu học, nhất là đối với những TGSH được đức Phật thuyết giảng theo mức độ thắng tri và liễu tri. Trong đó TGSH được liễu tri của Như Lai và TGSH được thắng tri bởi các bậc A-la-hán thuộc về sự thực chứng, vượt ngoài tầm luận giải thông thường, do vậy thiết nghĩ không nên lạm bàn đến ở đây. Trong bài viết này, tác giả chỉ nói đến TGSH thuộc phạm vi của tưởng tri và của tuệ tri mà thôi.

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
(1) Các ký hiệu trong ngoặc […], là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín Tạng Thánh Kinh
loading...