Sách Phật giáo

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P7)

Thứ hai, 03/05/2016 07:27

Một người con bất hiếu quay lưng với hai vị đại Phạm Thiên trong nhà rồi chạy đi cầu xin những vị thần linh nơi khác, nếu vị thần linh nơi ấy có chứng dám thì rõ ràng ông thần này đã không có mắt, không có trí tuệ và không có đạo đức.

Bốn thế giới siêu hình trong kinh tạng Nikāya
4. Những giá trị thiêng liêng của TGSH trong kinh tạng Nikāya

Như đã nói ở trên, tất cả các TGSH được nói đến trong kinh tạng Nikāya chánh gốc đều tuân theo nguyên tắc giúp thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm trên cơ sở tuân theo quy luật nhân quả nhân bản.

Nếu người học Phật đọc được những câu chuyện thuộc TGSH mang danh Phật giáo nhưng không thể hiện được nguyên tắc và quy luật này, thì người học Phật phải từ bỏ ngay để tránh cả tin mê tín vào những câu chuyện phi pháp, phi luật do người đời sau thêm vào.

Để thấy rõ hơn ý nghĩa giúp diệt khổ của những TGSH trong kinh tạng Nikāya, người học Phật cần nhận thức thêm về những đặc điểm cũng như giá trị tuyệt vời của những TGSH này.

4.1 Vai trò chủ động của con người

Một trong những đặc trưng rõ nét nhất của TGSH thuộc kinh tạng Nikāya cần nhận thức rõ, đó là vai trò con người trong TGSH được thể hiện một cách chủ động hơn so với TGSH trong dân gian.

Nếu trong câu chuyện cổ tích ‘Ăn khế trả vàng,’ người em nhờ hiền lành không tham lam nên được con chim thần trả ơn để rồi trở thành giầu có, còn trong kinh tạng Nikāya tất cả những người giàu có chân chánh đều nhờ vào hành nghiệp biết tạo phước bố thí, biết làm ăn lương thiện và biết tiết độ của chính bản thân họ, chứ không thụ động trông chờ vào nhân quả có tính chất may rủi của bất kỳ một thế lực thần thánh nào khác.

Điều này đã được chính đức Thế Tôn thuyết dạy cho thôn trưởng Asibandhakaputta: “- Này Thôn trưởng, Ta nhớ từ chín mươi mốt kiếp về trước, Ta không hề biết đã có làm hại một gia đình cho đến một bữa cơm nấu cúng dường.

Các gia đình ấy đều rất giàu, tiền của nhiều, tài sản nhiều, vàng bạc nhiều, vật dụng nhiều, ngũ cốc nhiều. Tất cả tài sản ấy được thâu hoạch do bố thí, được thâu hoạch một cách chân thật, được thâu hoạch một cách tự chế.” (S.iv,322 = [Su.11.9])

Tương tự, trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy, đức Thế Tôn đã nói rõ hơn: “Này các Tỳ-kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Này các Tỳ-kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỳ-kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp à hoại kiếp. Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm. Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên. (3) Tại đấy Ta là (1) Lý do phải sanh vào lâu đài trống không có thể tìm thấy trong bài kinh Tệ Túc, số 23, Trường Bộ 2: “Tôn chủ Pāyāsi vì đã bố thí không được cho hoàn bị, vì đã bố thí không tự tay mình làm, vì đã bố thí không có suy tư, vì đã bố thí các đồ vật phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh nhập chúng với Bốn Ðại Thiên vương, trong cung điện trống không của Serisaka. Còn thanh niên Uttàra bị bỏ qua trong cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách hoàn bị, vì đã bố thí tự tay mình làm, vì đã bố thí có suy tư, vì đã bố thí các đồ không phế thải, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên.” [Vd.31]

Và một trường hợp khác được thấy trong kinh Phạm Võng, số 1, Trường Bộ 1 = [So.39.37]:“Này các Tỳ-kheo, có một Phạm Thiên, Ðại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực.

Này các Tỳ-kheo, ba mươi sáu lần Ta đã là Thiên chủ Ðế Thích. Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương.

Này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?”. Rồi này các Tỳ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Ðây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

Thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra, nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung trống rỗng ấy. Vị ấy ở tại đấy, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian khá dài.” (Ghi chú: Phạm cung lúc này trống không vì các chúng sinh chưa tạo lập công đức mới) Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự” (It.14 = [Iti.22])

Đây cũng chính là quy luật nhân quả có tính nhân bản giữa cho và nhận: ‘Ai cho vật khả ý, sẽ nhận được điều khả ý’ (TC2, C5, tr.382 = [I.5.44]), hoặc theo dân gian ‘Sởi lởi thì trời cởi cho,’ ‘Bánh ít đi, bánh quy lại.’

Hãy thử hình dung, trong một đất nước, nếu tất cả mọi người giàu có đều ý thức được đạo lý nhân quả này và tích cực tu tập từ bi hỷ xả, bố thí từ mẫn, làm lành lánh ác, để kiếp này và kiếp sau họ tiếp tục được hưởng sự giàu có, thì đất nước đó còn lo gì người nghèo thiếu ăn, trẻ em thiếu mặc.

Nếu mọi người giàu có đều biết rõ họ chẳng cần phải đến cầu tài bói quẻ nơi ai, không tốn công cúng bái xin xỏ chỗ nào, không tốn tiền bạc đốt vàng mã lãng phí mà chỉ chăm làm bố thí từ thiện, giúp người độ tha; nhờ vậy bản thân họ vừa có được phước báu thực sự, lại được người trí tán thán, đồng thời những người khác cũng được lợi ích mà quốc gia cũng bớt đi gánh nặng phải lo cho dân nghèo.

Chính vì thế, trong kinh tạng Nikāya có rất nhiều bài kinh đức Phật dạy về lòng từ bi và hạnh bố thí, trong đó pháp bố thí chính là pháp đầu tiên trong thứ tự thuyết pháp của đức Thế Tôn dành cho người đã đặt lòng tin nơi Chánh Pháp.

Trong Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều đoạn kinh tương tự về ‘thuận thứ thuyết Pháp’ của đức Phật, như đoạn kinh dưới đây Ngài dạy cho Tướng Quân Sīha:

“Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho Tướng Quân Sīha, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi Trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các dục, những lợi ích của xuất ly.

Khi Thế Tôn biết Tướng Quân Sīha, tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: "Khổ, Tập, Diệt, Ðạo”.

Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa, rất dễ thấm màu nhuộm. Cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm Tướng Quân Sīha: "Phàm pháp gì được tập khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”.

Rồi Tướng Quân Sīha thấy pháp, chứng pháp, biết pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ vượt qua, do dự trừ diệt, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp của bậc Ðạo sư.” (Kinh Tướng Quân Sīha, TC 8 Pháp-a, II. Phẩm Lớn = [I.8.12])

Tướng Quân Sīha đã là một vị đại thần nổi tiếng, hẳn nhiên phước báu về tài vật của ông rất sung mãn, ấy thế mà đức Phật vẫn dạy ông về bố thí, vì bố thí không những giúp cho người thực hành theo duy trì được phước báu hiện có lẫn trong tương lai, mà còn giúp ‘trang nghiêm tâm, trang bị tâm’ (kinh Bố Thí, số 31, TC 8 pháp = [I.8.31]) nhằm tiến tới thực hiện những pháp cao hơn, đồng thời giúp diệt trừ lòng xan tham và tăng trưởng lòng từ bi với người khác, đây là hai pháp quan trọng giúp đi tới giải thoát khổ đau.

- “Này các Tỳ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri tất cả, ở đây tâm không ly tham, từ bỏ, không thể diệt được khổ đau. Này các Tỳ-kheo, ai thắng tri, liễu tri tất cả, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.” (It.3 = [Iti.7])

- “Này các Tỳ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm Thiên giới” (Kinh Từ, số 16, TC4, C11 = [I.11.16])

Đứng về mặt xã hội, ý thức về một TGSH theo quy luật nhân quả một cách chủ động - từ bi và bố thí được quả thiện lành - góp phần không nhỏ trong việc duy trì một nền đạo đức nhân bản và sự an lạc cho một đất nước.

Đây là kết quả tất nhiên khi mọi người từ vua tới dân đều muốn tích cực tu tập hạnh từ bi, bố thí giúp đỡ cho người khác và giữ gìn năm giới. Và đây cũng chính là giá trị ‘hữu hình’ có thể thấy rõ của những TGSH thuộc chánh pháp.
 
4.2 Minh và Hạnh chiến thắng cả TGSH

Cũng trong ý nghĩa chủ động của con người, giữa TGSH dân gian và TGSH trong kinh tạng Nikāya còn có một điểm phân biệt căn bản khác nữa. Đó là con người trong TGSH của dân gian thường là nạn nhân của thế lực xấu ác, và nếu họ có chiến thắng thì cũng phải nhờ thế lực siêu hình khác.

Ví dụ như cô Tấm trong câu chuyện cổ tích ‘Tấm Cám’, hoặc Cinderella trong câu chuyện “Cô bé lọ lem’ chẳng hạn; tuy cả hai đều hiền lành và nhân hậu thật, thế nhưng họ cứ phải là nạn nhân của hai mẹ con bà dì ghẻ độc ác, nhiều lần họ chỉ còn biết ‘nhắm mắt xuôi tay’ để được các bà Tiên cứu giúp.

Hoặc Thạch Sanh trong câu chuyện ‘Thạch Sanh, Lý Thông’ hay Aladdin trong câu chuyện ‘Aladdin và cây đèn Thần’; tuy hai chàng có oai dũng hơn cô Tấm và Cinderella, một chàng chém được cả chằng tinh, còn chàng kia chiến thắng trong chiến trận; thế nhưng họ vẫn phải bao phen khốn đốn vì sự lọc lừa gian trá. Và cũng nhờ có chiếc búa thần, cung tên thần, chiếc đàn thần, chiếc nhẫn thần, cây đèn thần mà cả hai mới tai qua nạn khỏi. Thử hỏi, nếu không có những thần vật này thì sao? E rằng số phận của họ cũng không hơn gì những người khác!

Ngược lại, vai trò con người trong TGSH của kinh tạng Nikāya được thể hiện hoàn toàn khác. Điển hình như trong các câu chuyện Tiền thân đức Phật chính gốc, người đọc dễ dàng nhận thấy đức Bồ-tát không bao giờ là nạn nhân của các thế lực siêu hình một cách cả tin ngây thơ.

Hơn thế nữa Ngài đều chiến thắng các thế lực siêu hình này, và chiến thắng không phải bằng một sức mạnh thần quyền nào khác mà bằng chính trí tuệ và đức hạnh của Ngài. Đây là điểm khác biệt quan trọng để người học Phật học hỏi, và dựa vào đây phân biệt giữa TGSH thật sự và TGSH giả tạo mang danh Phật giáo.

Ví dụ trong truyện Tiền thân Apannaka, số 1 [J.1], đức Bồ-tát là trưởng đoàn lữ hành đưa đoàn người băng qua sa mạc. Loài quỷ Dạ-xoa nơi đây đã giả dạng thành những người với quần áo ướt đẫm, bùn dính đầy chân, nói rằng phía trước là rừng cây đang có mưa, nước uống thừa thãi, và khuyên đoàn người nên đập hết các ghè nước dự trữ để đi cho nhanh.

Bồ-tát không thực hành theo những lời này, vì ngay từ đầu Ngài đã cảnh giác, biết rõ mình đang ở đâu, kẻ đối thoại đã có những biểu hiện gì đáng nghi ngờ, và sau đó ngài đã phân tích cho mọi người thấy một cách rất ‘khoa học’: những kẻ kia nói rằng phía trước có mưa nhưng gió mưa có thể thổi xa một dặm, đầu mây có thể thấy từ xa một dặm, ánh chớp có thể thấy xa từ khoảng bốn dặm, tiếng sấm có thể vang xa hai ba dặm, cả đoàn lữ hành đều ở trong phạm vi này, thế nhưng không một ai ghi nhận được các hiện tượng nêu trên, do vậy những kẻ kia chính là những người đã nói dối và muốn lường gạt đoàn lữ hành.

Nhờ có trí tuệ biết quán sát, suy tư, phân tích hợp lý như trên cho nên Bồ-tát đã không rơi vào âm mưu của kẻ xấu ác, đã cứu được bản thân mình và cả đoàn người.

Rõ ràng những nhận thức về dấu hiệu của mưa nhiều kiếp trước đã đúng, kiếp này cũng đúng đối với bất cứ nơi nào có mưa. Đây là thể hiện đặc tính chân lý chính xác bất di bất dịch, không sai chạy của chánh Pháp và những lời dạy thực sự của đức Thế Tôn trong kinh điển nguyên thuỷ Nikāya.

Người học Phật với sự tuệ tri ‘Dạ-xoa là Dạ- xoa’ hoàn toàn có quyền tin rằng Dạ-xoa trong câu chuyện trên là có thực 100%. Nó có thể nhập vào bất kỳ một kẻ tham lam nào để biến kẻ đó trở thành những tay sai gian ác đi lường gạt và hãm hại người tốt.

Nếu mọi người hiểu như vậy, tin như vậy và có trí tuệ tư duy như vậy, thì thế gian đã bớt được biết bao những bi kịch do những Dạ-xoa giả dối gây ra.

Nếu đã tuệ tri ‘Dạ-xoa là Dạ-xoa’ có thực 100%, thì tuệ tri ‘chư Thiên là chư Thiên’ cũng có thực 100%, và vì vậy TGSH của tuệ tri cũng có thật 100%.

Và vì TGSH của tuệ tri có thật, cho nên nó cũng phải tuân theo những quy luật của sự thật, của chân lý; đó là quy luật nhân quả và quy luật sanh diệt. Các chư Thiên, Phạm Thiên cho dù quyền năng đến đâu chăng nữa cũng phải tuân theo những quy luật thuộc về chân lý này.

Do vậy, một khi họ đã sanh ra và hiện hữu trong bất cứ tầng trời nào, nhưng nếu họ không tiếp tục làm phước tạo thiện để duy trì phước báu, khi phước báu cũ hết, họ vẫn phải tái sanh luân hồi theo nghiệp của mình như các chúng sinh khác mà thôi.

Kinh Tương Ưng còn ghi lại: “Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỳ-kheo:

- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy lên trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?

3) - Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này. Còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy lên trên đầu móng tay. Chúng không có thể ước tính được, không có thể so sánh được, không có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.

 - Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sanh giữa chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sanh trong địa ngục... phải tái sanh trong loài bàng sanh... phải tái sanh trong cõi ngạ quỷ...” (S.v,475 = [Ve.4.104]).

Số chư Thiên ít ỏi vẫn tái sanh tại thế giới chư Thiên là những vị biết tiếp tục tạo lập công đức và tu tập theo đúng con đường chánh đạo để đi tới giải thoát hoàn toàn. Chư Thiên, Phạm Thiên còn như thế, huống hồ con người. Các vua chúa, đại quan, tỷ phú cho đến mọi người bình thường hiểu được điều này cũng phải cố gắng tạo phước làm lành, tu tập từ bi hỷ xả, giữ giới đầy đủ để bồi đắp phước báu thiện lành cho chính bản thân mình.

Trong tạng Nikāya chánh gốc có rất nhiều những bài kinh, những lời dạy, những câu chuyện mang yếu tố siêu hình thực sự, thế nhưng mỗi bài kinh, mỗi lời dạy, mỗi câu chuyện lại là một bài học sống động, có ý nghĩa thiết thực và có giá trị hiện hữu ngay giữa thế giới hữu hình này (4)

(4) Các nhà giáo dục Phật giáo cần lưu ý: những truyện tranh minh hoạ ma quỷ trong TGSH của Phật giáo chỉ cần vẽ tượng trưng, không nên vẽ quá rùng rợn khiến trẻ em sợ hãi không dám đọc. Đã có một tập phim hoạt hình “Tom and Jerry” có cảnh địa ngục đúng theo luật nhân quả nhưng hợp với trẻ em, đây là điều đáng ghi nhận.

 4.3 Phạm Thiên vẫn đang hiển hiện trước mắt mọi người

TGSH trong kinh tạng Nikāya được mô tả một cách rất sinh động và hiển hiện như chính cuộc sống thực tại này. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện đậm nét tính đạo đức nhân bản và có giá trị cứu khổ cụ thể cho chính cái thế giới hữu hình mà con người đang sống.

Theo tín ngưỡng của một số dân tộc, vị Phạm Thiên được tôn thờ như một vị thần chủ có quyền năng ảnh hưởng với cả thế giới hữu hình này, có thể tạo tác ra cả con người. Chính vì thế, Phạm Thiên hay đấng Tạo Hoá được những người tin theo vinh danh, kính ngưỡng, cầu xin.

Người phật tử cũng có Phạm Thiên của mình và họ cũng phải vinh danh, kính ngưỡng, cúng dường cầu phước nơi vị Phạm Thiên này. Bởi lẽ vị thần chủ này cũng có quyền năng sáng tạo ra con người, không những thế ngài còn có công trực tiếp phù hộ độ trì, nuôi dưỡng, chỉ dạy giúp đỡ cho con người thành người. Vị Phạm Thiên ấy tồn tại thực sự ngay giữa cõi đời, mọi người đều có thể nhìn thấy được, nói chuyện được. Vị Phạm Thiên ấy là ai? ở đâu?

Kinh Nikāya đã chỉ rõ: “Phạm Thiên, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc Ðạo sư thời xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này.

Mẹ cha gọi Phạm Thiên, Bậc Ðạo sư thời trước  Xứng đáng được cúng dường Vì thương đến con cháu. Do vậy, bậc Hiền triết Ðảnh lễ và tôn trọng dâng đồ ăn đồ uống Vải mặc và giường nằm thoa bóp (cả thân mình) tắm rửa cả tay chân với sở hành như vậy, đối với mẹ và cha đời này người Hiền khen Ðời sau hưởng Thiên lạc”. (Kinh ‘Ngang Bằng Với Phạm Thiên’, Tăng Chi tập 1, Chương 3, số 31 (TC1, C3) = [I.3.22])

Chính vì thế, đối với người phật tử, ơn kính cha mẹ là một trọng ân luôn phải ghi nhớ.

Một người con bất hiếu quay lưng với hai vị đại Phạm Thiên trong nhà rồi chạy đi cầu xin những vị thần linh nơi khác, nếu vị thần linh nơi ấy có chứng dám thì rõ ràng ông thần này đã không có mắt, không có trí tuệ và không có đạo đức.

Thần linh không có mắt, không có trí tuệ và không có đạo đức là loại thần linh thấp kém nhất, vô tích sự nhất trong TGSH. Vì thế, cho dù lời cầu xin của người con bất hiếu có thành hiện thực chăng nữa, điều này không phải do vị thần linh cảm ứng mà là do ‘phước chủ, lộc thần’ (phước từ nơi chủ, thần lại hưởng lộc).

‘Chủ’ ở đây là Thần chủ Cha và Thần chủ Mẹ, hai vị Phạm Thiên này có lòng yêu thương vô bờ bến đối với các con, cho nên dù con cái có bất hiếu nhưng vẫn thương yêu, phù hộ cho chúng.

Mình yêu thương con cái mình như thế nào, cha mẹ cũng yêu thương mình như vậy, chỉ có sự biểu hiện hoặc cách thức dạy dỗ khác nhau mà thôi. Hùm dữ còn biết thương con, chim mẹ còn dám nhịn ăn nuôi con, chẳng lẽ cha mẹ lại không?

Nếu có khác chăng, thì chỉ do con người đã không còn nhớ đến truyền thống đạo lý:

“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

‘Đạo con’ ở đây có nghĩa là đạo đức của người con và cũng là đạo lý của Con Người. Bởi, chỉ có Con Người mới có đạo đức biết nhớ ơn và báo hiếu cho cha mẹ, vì khi Thượng đế tạo tác ra vạn loài chúng sinh, Ngài chỉ ban đặc ân này cho loài Người chứ không ban cho bất kỳ một con thú nào khác.

Những người con tôn thờ Thượng đế cũng phải thọ lãnh và thực hành đặc ân này để không phụ lòng Ngài và đồng thời cũng không tự đồng hoá mình với các sinh vật khác. Một vị Thiên chủ không hành xử theo quy luật nhân quả và không biết chỉ dạy cho con người đạo lý căn bản biết ơn kính mẹ cha, vị Thiên chủ ấy thực ra cũng chỉ là vị Phạm Thiên do tưởng tạo thành mà thôi.

Người phật tử muốn được ‘phước như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn’ (phước như biển cả, thọ như núi cao) phải biết vâng lời Phật, phải siêng năng cung kính cúng dường cho Phạm Thiên Cha, Phạm Thiên Mẹ. Một người con có hiếu nhưng chưa gặp may, thời càng phải cung kính cúng dường cha mẹ nhiều hơn nữa để phước lành sớm tròn đủ, nhờ vậy mới trổ quả được. Đây là đức tin của một người con biết hiếu nghĩa, và cũng là đạo đức của một người có chánh trí.

Ngược lại, những ai dù không tin có Thượng đế nhưng họ vẫn phải biết nhớ ơn và cúng dường cho hai vị Phạm Thiên trong nhà, nếu không, chính họ rồi sẽ là nạn nhân của sự bất hiếu. Mình không biết hiếu kính cha mẹ, làm sao con cái mình biết hiếu kính mình đây?
Người xưa nói rất tinh tế: ‘Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.’ Mình là sóng gió đập vào cha mẹ, con cái mình bắt chước theo đấy, làm sóng gió đập vào mình chứ vào ai.

Những người con lớn lên lại trở thành cha mẹ, nếu họ vẫn một lòng cung kính cúng dường cho hai vị Thần chủ của mình, thì chính họ là những tấm gương sáng cho con cái noi theo, là bậc Đạo sư đáng quý cho con cái của mình. Với phẩm hạnh ấy, họ sẽ trở thành Phạm Thiên có quyền năng duy trì truyền thống tạo dựng nên những thế hệ NGƯỜI thực sự cho thế gian này.

Chính vì thế, những gia đình nào trong đó con cái biết ơn kính cha mẹ ở trong nhà là những gia đình Phạm Thiên, đáng cho mọi người quy ngưỡng.

“- Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.” (Kinh “Ngang Bằng Với Phạm Thiên”, TC1, C3 = [I.3.22])

‘Con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà’ có nghĩa là con cái thực hiện bổn phận của mình vì lòng hiếu thảo đền ơn cha mẹ ngay từ trong nhà, chứ không phải chỉ vì muốn khoe khoang hay đóng kịch với người ngoài đường.

Công ơn cha mẹ như trời biển, vì thế ngay cho dù những người con có báo hiếu chân thành cả đời cũng không thể trả hết ơn được. Tuy vậy, những người con có đạo đức, muốn biết cách báo hiếu trả ơn đầy đủ cho hai vị Phạm Thiên trong nhà, hãy ghi nhớ kỹ và thực hành theo những lời dạy chí tình chí nghĩa sau đây của Bậc Đạo Sư:

“Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha.

Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.

Hơn nữa, này các Tỳ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao?

Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.

Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” (TC1, C2 = [I.1.2.2])

Chỉ có an trú cha mẹ vào chánh tín, thiện giới, bố thí và trí tuệ mới giúp cha mẹ có được cuộc sống an vui lành thiện ngay trong hiện tại, từ đó từng bước tiến tu tới giải thoát vĩnh hằng; nhờ vậy mới có thể đền đáp được công ơn trời biển của cha mẹ.

 Như vậy theo ý nghĩa trên, Phạm Thiên là đồng nghĩa với mẹ cha, chư Thiên là đồng nghĩa với những người hiền trí, có giới hạnh, thiện lành, biết báo hiếu cho cha mẹ và biết tu tập Từ Bi Hỷ Xả, luôn giúp đỡ cho những người khác. Và như vậy thế giới ‘chư Thiên có sắc, do ý sở thành’ nào phải ở đâu xa, các vị ấy vẫn đang hiện hữu giữa thế gian này.

Chẳng thế, không ít lần đức Thế Tôn đã dạy cho các cư sĩ thế này:

“- Này các Gia chủ, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ” (Kinh “Sống Chung”, TC1, C4 = [I.4.53]).

Trong bài kinh này đức Phật đã giải thích rất rõ thế nào là Thiên nam, Thiên nữ. Các cư sĩ hãy thọ trì và thực hành đúng với lời Phật dạy, hãy giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, tích cực thực hành Từ Bi Hỷ Xả, hiếu kính với cha mẹ và giúp đỡ cho mọi người để hoá thân thành các Thiên thần nam, Thiên thần nữ ngay trong cõi Ta Bà này.

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
loading...