Sách Phật giáo

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P8)

Thứ hai, 06/05/2016 03:12

Bởi lẽ, kẻ ác nhân phải gánh chịu tất cả những khổ đau của những người thân của nạn nhân khi họ mất đi người thân yêu của mình. Sự công bằng của luật nhân quả không bỏ sót bất cứ điều gì, và lưới trời tuy thưa nhưng thật khó thoát!

Bốn thế giới siêu hình trong kinh tạng Nikāya
4.4 Chư Thiên và A-tu-la: Những cuộc chiến tranh siêu hình khốc liệt

Người học Phật đọc kỹ kinh tạng Nikāya sẽ dễ dàng tìm thấy khá nhiều các bài kinh mô tả những cuộc chiến tranh qua lại giữa chư Thiên và A-tu- la (Asurā).

Nếu người đọc một chiều phủ nhận mọi TGSH, hoặc chỉ dừng lại ở mức độ ‘tưởng tri chư Thiên là chư Thiên, A-tu-la là A-tu-la;’ thì không thể lĩnh hội hết được những ý nghĩa vi diệu từ những câu chuyện này. Người học Phật cần phải tuệ tri suy tư kỹ lưỡng những bài kinh tường thuật những cuộc chiến đấu siêu hình, nhờ vậy mới có thể nhận thức được mỗi bài kinh là một bài học có giá trị thiết thực giúp cho sự tu tập thoát khổ của mình.

Hãy lấy bài kinh ‘Chư Thiên,’ Tăng Chi 4, Chương 9, số 39, làm ví dụ. Trong phần đầu của bài kinh này đã mô tả ba lần A-tu-la chiến thắng chư Thiên. Riêng trong lần cuối cùng có sự khác biệt:

“... Lần thứ ba, này các Tỳ-kheo, chư Thiên đánh với các Asurā. Lần thứ ba, này các Tỳ-kheo, các Asurā lại thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỳ-kheo, chư Thiên thất trận sợ hãi bỏ chạy vào thành phố chư Thiên.

Và này các Tỳ-kheo, chư Thiên đi vào trong thành của chư Thiên suy nghĩ như sau: "Nay ta hãy đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không có gì phải làm với các Asurā”.

Này các Tỳ-kheo, các Asurā cũng suy nghĩ như sau: "Nay chư Thiên đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta.” [I.9.39.6]

Người học Phật khi đã biết tuệ tri một thân làm thiện cũng là một thân chư Thiên, thì cũng phải tuệ tri một lời nói thiện là lời chư Thiên, một ý nghĩ thiện là ý niệm chư Thiên. Cũng vậy, khi đã tuệ tri một thân làm điều bất thiện như một thân Dạ-xoa, hoặc A-tu-la; thì một lời nói bất thiện cũng là lời của Dạ-xoa, lời của A-tu-la; và một ý nghĩ bất thiện cũng là ý niệm Dạ-xoa, hoặc ý niệm A-tu-la. Nhờ biết tuệ tri như vậy người học Phật mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa bài kinh trên.

Thật vậy, muốn chiến thắng chính mình và giải thoát khổ đau, con người phải tiến tới từng bước hoàn thiện bản thân mình. Trong quá trình đó, việc thanh lọc tâm để đạt được tâm thanh tịnh cũng là quá trình của biết bao cuộc chiến tranh tâm ý giữa một bên là niệm thiện và một bên là niệm bất thiện.

Niệm thiện có hùng mạnh mới chiến thắng được niệm ác-bất thiện, mới giúp tâm thanh tịnh được. Ngược lại để cho niệm ác-bất thiện lớn mạnh tiêu diệt niệm thiện, thì cuộc đời tu hành xem như thất bại.

Muốn niệm thiện vững mạnh đủ sức chiến thắng niệm ác-bất thiện, người tu sĩ phải biết dựa vào những thành trì kiên cố của mình. Hai trong số những thành trì vững vàng đó chính là pháp Tàm (xấu hổ) và pháp Quý (sợ hãi):

- “Ví như, này các Tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường thông hào, vừa sâu và rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử có lòng xấu hổ. Vị ấy xấu hổ vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy xấu hổ vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy xấu hổ làm con đường thông hào, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ hai này, vị ấy được thành tựu.

Ví như, này các Tỳ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường đi vòng chung quanh, vừa cao vừa rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy sợ hãi vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy sợ hãi làm con đường đi vòng xung quanh, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ ba này, vị ấy được thành tựu” (Bài kinh Thành Trì, TC3, C7, số 63, tr.426-36 = [I.7.63.17- 18]

- “Do vậy, này các Tỳ-kheo, cần phải học tập như sau: "Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có

kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỳ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.” (TC1, C2, phẩm Hình Phạt, tr.96 = [I.2.1])

Nếu một người tu sĩ không ở trong thành trì của Tàm Quý, không biết xấu hổ và sợ hãi trước những điều đáng xấu hổ và sợ hãi, để rồi rời bỏ thành trì của giới hạnh, của sự hộ trì các căn, của chánh niệm tỉnh giác, thì đương nhiên các niệm A-tu-la bất thiện trong tâm của vị ấy sẽ lớn mạnh và chiến thắng những niệm thiện chư Thiên. Sớm muộn gì vị tu sĩ này cũng sẽ trở thành buông lung phóng dật và đi đến thối đọa, đây là điều hết sức dễ hiểu.

Ngược lại, vị Tỳ-kheo phải biết sợ hãi trước những điều đáng phải sợ hãi, họ phải sợ hãi những thân-miệng-ý độc ác, phải sợ hãi sự vô minh ngu dốt, phải sợ hãi nhân quả bất thiện, phải sợ hãi nghiệp báo luân hồi; phải biết dựa vào bức thành trì của Tàm Quý cùng với Pháp và Luật của Thế Tôn, nhờ vậy vị ấy mới có thể làm lớn mạnh các niệm thiện chư Thiên để chiến thắng các niệm ác A-tu-la trong tâm mình.

Thậm chí cho dù con người có là “cây sậy biết tư tưởng” như Pascal mặc cảm, hoặc yếu đuối như con chim cút chăng nữa, nhưng nếu biết vững trú trong đúng phương xứ của mình, họ vẫn có thể khiến cho con chim ưng ác ma phải bể ngực thất bại (Xem thêm bài kinh Con Chim Ưng (S.v,146= [Ve.2.6]).

Rõ ràng, với những ai muốn tìm kiếm sự minh triết để đi tới giải thoát, họ không thể xem thường những cuộc chiến tranh siêu hình như thế này. Thậm chí, không tuệ tri được những diệu-pháp- siêu-hình như trên, họ còn có thể phát cuồng khi suy tư về những vấn đề phù phiếm của thế gian, hoặc khi nghe người khác nói về diệu pháp nhưng họ không sao hiểu nổi, không sao tin nổi, giống như điều mà bài kinh ‘Tư Duy’ đã mô tả:

“Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

 - Thuở trước, này các Tỳ-kheo, một người đi ra khỏi Vương Xá, nghĩ rằng: "Ta sẽ suy tư về thế giới”, và người ấy đi đến hồ sen Sumāgadhā; sau khi đến, ngồi trên bờ hồ Sumāgadhā và suy tư về thế giới.

Này các Tỳ-kheo, người ấy trên bờ hồ Sumāgadhā thấy một đoàn quân với bốn loại binh chủng (voi, ngựa, xe, bộ binh) đi vào trong một củ sen; thấy vậy, người ấy nghĩ: "Có lẽ ta phát cuồng! Có lẽ ta điên loạn! Nay ta thấy một điều không thể có ở đời".

... Này các Tỳ-kheo, điều mà người ấy đã thấy là có thật, không phải không thật. Thuở xưa, này các Tỳ-kheo, chư Thiên và loài Asurā (A-tu-la) giàn trận để khai chiến. Và này các Tỳ-kheo, trong trận chiến ấy, chư Thiên thắng trận, các Asurā bại trận. Các Asurā bại trận, này các Tỳ-kheo, hoảng hốt đi vào thành Asurā ngang qua củ sen vì quá sợ hãi chư Thiên.” (S.v,446 = [Ve.4.41])

Những ai đã quay lưng với kinh điển Nikāya, hoặc phủ nhận mọi TGSH, hoặc chỉ hiểu kinh tạng Nikāya bằng tưởng tri phàm tục của mình, thời làm sao có thể lãnh hội được điều có thật 100% này, làm sao có duyên may thực chứng được sự thật ‘siêu hình’ 100% này. Và cho dù họ có nghe được người khác thấy chăng nữa, họ cũng không dám tin. Vì sao?

Vì cứ mang một đống vọng tưởng ‘tâm viên, ý mã’ rối bời bất trị, thời làm sao họ hiểu được do đâu niệm chư Thiên lại thắng được niệm ác A-tu- la? Làm sao họ hiểu được thế nào là phải ‘tuệ tri củ sen là củ sen,’ và vì sao chỉ có ‘pháp củ sen’ này mới có thể khiến cả lũ A-tu-la biến mất, và còn ‘nuốt’ được cả một đoàn quân với bốn loại binh chủng của voi, ngựa, xe và bộ binh?

Không thọ trì đúng chánh Kinh chánh Pháp, hoặc phủ nhận mọi TGSH, hoặc không tuệ tri được ‘TGSH là TGSH,’ thời làm sao biết được có lúc ‘củ sen’ lại biến thành cả một toà cung điện Vejayanta Tối thắng với những cấu trúc hết sức kỳ diệu và cũng hết sức cụ thể, ngay cho dù nó đã bị nhận vơ bởi một ông Thiên chủ Sakka ba hoa.

Trong Tiểu kinh Đoạn Tận Ái, thiên chủ Sakka đã khoe khoang vờ vịt về Tối Thắng Điện với ngài Mục Kiền Liên: “Này Thiện hữu Moggallāna, trong trận chiến này, chư Thiên thắng, chúng Asurā bại. Này thiện hữu Moggallāna, sau khi thắng trận chiến ấy và nhân dịp thắng trận, chúng tôi, sau khi trở về, cho xây dựng một lâu đài tên là Vejayanta (Tối Thắng Ðiện).

Này Thiện hữu Moggallāna, lâu đài Vejayanta có đến một trăm vọng tháp, trong mỗi vọng tháp có bảy ngôi nhà có hình tam giác, trong mỗi nhà tam giác có bảy tiên nữ, và mỗi tiên nữ có đến bảy thị nữ. Này thiện hữu Moggallāna, Thiện hữu có muốn xem những điều khả ái của lâu đài Vejayanta không?” (TB1, số 37 = [Sd.1.5])

Những ai mang danh phật tử nhưng không coi trọng kinh Nikāya hoặc phủ nhận mọi TGSH có muốn thấy những điều khả ái của lâu đài Vejayanta không? Nếu muốn, họ hãy thanh tịnh giới hạnh, hãy từ bỏ những nhận thức hạn hẹp nhưng đầy kiêu mạn của mình để đọc kỹ lại bài kinh này và suy ngẫm tự hỏi xem vì sao chỉ khi chư Thiên chiến thắng được các A-tu-la, chư Thiên mới có thể xây dựng và thể nhập được vào toà Tối Thắng Điện - Vejayanta?

Con số một trăm vọng tháp tượng trưng cho điều gì? Vì sao mỗi vọng tháp lại có bảy ngôi nhà?

Tại sao mỗi ngôi nhà lại có hình tam giác mà không là tứ giác, bát giác? Tại sao mỗi ngôi nhà tam giác chỉ có bảy tiên nữ và tại sao mỗi tiên nữ chỉ có bảy thị nữ mà không là bảy mươi, bảy trăm, vô lượng tiên nữ, thị nữ như các kinh văn ngụy tạo thường hay phóng đại một cách vô nghĩa?

Hơn thế nữa, họ còn phải học tập sự cảnh giác của ngài Mục Kiền Liên trước những kẻ học lóm Phật pháp mà kinh Nikāya gọi đích danh là những ‘kẻ ăn cắp pháp.’ Những ‘ông thần’ này học lóm Chánh pháp chỉ với mục đích kiếm danh, kiếm lợi; chính vì thế họ cũng có thể nói rất trôi chảy những danh từ của Phật giáo, thế nhưng họ lại ‘sống phóng dật một cách quá đáng.’

Hẳn nhiên Chánh pháp không bao giờ tồn tại thực sự nơi những kẻ phá giới bẻ luật như thế này. Nếu ngài Mục Kiền Liên chỉ xác tín lời Phật khi đã trở về hỏi chính đức Phật, thời những người con Phật cũng phải biết trở về với những lời dạy đích thực của đức Thế Tôn trong kinh tạng Nikāya cấp I. Không tuân thủ theo nguyên tắc này, trước sau gì những người học Phật cũng sẽ trở thành tín đồ của những ông ‘thần bịp.’

Người học Phật chỉ cần tuệ tri được những điều này thôi, hẳn cũng phải giật mình thán phục trước những ‘bí pháp siêu hình’ trong kinh tạng Nikāya. Và họ cũng phải giật mình sợ hãi khi hiểu ra rằng: những hệ luỵ từ những cuộc chiến tranh siêu hình khốc liệt nào phải chỉ có ở trên trời!

Chính vì vậy, không thanh tịnh giới hạnh, không thọ trì đúng chánh Kinh, chánh Pháp thì cả một đời ‘tâm viên, ý mã’ vẫn cứ hoàn ‘tâm viên, ý mã;’ suốt cuộc đời thực hành thiền định nhưng tham-sân-si vẫn cứ hoàn tham-sân-si. Nếu không thì cũng chỉ tinh tấn được một thời gian đầu, để rồi sau đó sớm đầu hàng A-tu-la, chấp nhận ‘Nhất niên Phật tại tiền. Nhị niên Phật thăng thiên. Tam niên bất kiến Phật.’
Nguy hiểm hơn, trong thực tế, không phải là đã không có những người vì tin theo tà kinh, thực hành theo tà pháp nên đã phát cuồng thực sự, vô tư tung vãi biết bao những hành vi ngược ngạo cùng những lời phán truyền nửa mê nửa tỉnh của mình. Thế nhưng, khốn khổ thay, lại có không ít người tin rằng chúng mới thực sự là những giá trị ‘cao siêu mầu nhiệm’ (!?)

Cuộc chiến tranh siêu hình khốc liệt giữa chư Thiên và A-tu-la vẫn còn đang tiếp diễn khôn cùng, và vì vậy không thể lường hết được cái giá phải trả cho sự quay lưng với Chánh Pháp.
 
4.5 Thiên đàng và Địa ngục: hai ngã đường tự chọn

Trong bài kinh Sangārava khi thanh niên Bà- la-môn Sangārava hỏi đức Thế Tôn về chư Thiên, Ngài đã trả lời một cách xác quyết rõ ràng.

“… Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Sangarava bạch Thế Tôn:

- Thật sự, sự tinh cần của tôn giả Gotama là trung kiên (atthita). Thật sự, sự tinh cần của tôn giả Gotama là sự tinh cần của các bậc Chân nhân (Sappurisa), một bậc như là A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Gotama, có các chư Thiên không?

- Này Bhāradvāja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư Thiên.

- Nhưng vì sao, thưa Tôn giả Gotama, khi được hỏi có các chư Thiên không, lại nói: "Này Bhāradvāja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư Thiên”. Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thì có phải là hư ngôn, vọng ngữ không?

- Này Bharavaja, nếu khi được hỏi: "Có chư Thiên không?”; cần phải đáp: "Có chư Thiên”; nhưng lại đáp: "Chắc chắn Ta được biết có chư Thiên”. Như vậy, một người có trí đi đến kết luận không có gì nghi ngờ nữa, là có chư Thiên.

- Nhưng vì sao Tôn giả Gotama không giải thích như vậy cho con từ khi bắt đầu?

- Này Bhāradvāja, như vậy đã được lớn tiếng chấp nhận ở đời tức là có chư Thiên.” (Trung Bộ 3, kinh số 100 = [So.32])

Rõ ràng thanh niên Bà-la-môn Bhāradvāja đã không có trí nên mới nghi ngờ hỏi lại! Còn người học Phật căn cứ vào thực tế khách quan và nhận thức theo Pháp Môn Căn Bản, hẳn cũng phải ‘đi đến kết luận không có gì nghi ngờ nữa, là có chư Thiên,’ đồng thời cũng cần ‘lớn tiếng chấp nhận ở đời tức là có chư Thiên.’ Có chư Thiên thì phải có thế giới chư Thiên. Có thế giới chư Thiên là có Thiên đàng.

Thật khó có thể quả quyết trong vũ trụ bao la với hàng ức tỉ ngôi sao kia chắc chắn không thể có một thế giới nào khác ngoài trái đất. Điều này càng khó khẳng định hơn với một vũ trụ mở rộng vô hạn, không biên giới. Còn nếu vũ trụ có biên giới, vậy ngoài biên giới ấy là gì? Ai dám chắc nó hoàn toàn trống rỗng? Chứng minh? (Vả lại đã là TGSH thì làm sao thấy được bằng kính viễn vọng?)

Những ai chấp chặt vào thế giới hữu hình, phủ nhận không có Thiên đàng, hẳn phải cân nhắc trước những câu hỏi hữu hình nêu trên. Và ngay cho dù họ không tin có Thiên đàng ở trên trời, thì ít nhất họ cũng phải thừa nhận rằng: ngay trên trái đất này có những nơi khung cảnh thật tuyệt vời, sang trọng tiện nghi bậc nhất, đến độ chỉ cần nhìn vào những tấm hình của chúng thôi nhiều người trong số họ đã phải thốt lên ‘Quả là thiên đàng hạ giới!’

Thiên đàng hạ giới ấy không phải ai cũng đến được, không phải muốn là hưởng được, mà phải có những điều kiện nhất định.

Thật vậy, ngay cho dù những người đang được sống giữa cái thế giới đệ nhất ấy, nhưng nếu tâm của họ tràn ngập tham lam, sân hận, si mê thì ngay tức khắc Thiên đàng biến mất; thay vào đó là một cõi tục luỵ với đầy dẫy khổ đau vì những tranh giành, ganh tỵ, đố kỵ, hận thù; thậm chí có nhiều người còn phải trốn chạy nó bằng cái chết của chính mình.

Ngược lại với những ai không tin có Thiên đàng trên trời nhưng đã từng được sống trong những môi trường tuyệt hảo ấy, và đã tận hưởng nó trong một trạng thái thân tâm an lạc, không tham-sân-si; nhờ vậy những người này sẽ có dịp hiểu được thế nào là sự ‘tuệ tri Thiên đàng là Thiên đàng.’

Và nếu họ vẫn duy trì được thân tâm an lạc không có tham-sân-si, dù họ có phải ‘trở xuống’ cõi đời trần tục này, họ vẫn thấy cuộc sống của mình an vui thanh thản. Với sự thanh thản ấy, họ sẽ nghiệm ra rằng: quả thật cuộc sống không tham, không sân, không si mới chính là thiên đàng thực sự ngay giữa thế gian này.

Riêng đối với những ai tin Thiên đàng có thật ở trên các tầng trời, họ càng phải thận trọng nhiều hơn, càng phải suy tư cân nhắc kỹ lưỡng hơn để thấy rõ con đường dẫn đến Thiên đàng. Nếu không, họ sẽ bị lạc vào những hành tinh chết, hoặc bị cuốn hút vào những ‘lỗ đen’ mịt mù, hoặc bị rơi vào cạm bẫy của những ‘thiên đàng ảo’ do kẻ khác vẽ ra để rồi gây hại cho mình và khổ những người chung quanh.

Một Thiên đàng thực sự phải là nơi lý tưởng theo mọi khía cạnh, chính vì thế nó càng cao siêu vi diệu bao nhiêu thì ở đó sự công bằng và quy luật nhân quả càng phải thể hiện cụ thể bấy nhiêu. Làm sao có một Thiên đàng hiện hữu với đầy dẫy tham - sân - si? Làm sao có thể có một Thiên đàng thực sự nếu ở đó chứa chấp cả những ‘hung thần’ của loạn luân, trộm cướp, gian trá, giết người, diệt chủng?

Do vậy, một Thiên đàng thực sự chính là nơi chỉ có những hành nghiệp thiện mới đến được, và nó là kết quả tất nhiên của một thân biết làm thiện, miệng biết nói thiện, ý nghĩ biết nghĩ thiện. Cho nên, việc con người có thể được sanh lên Thiên đàng hay không là do chính nghiệp thiện của người ấy quy định chứ không do bất kỳ một ai khác.

Một người biết tin như vậy sẽ phải tích cực hướng thân-miệng-ý của mình theo chiều thiện lành để mong có được sanh thú an lạc đời sau. Ngay hiện tại họ được những người trí tán thán, và khi thân hoại mạng chung họ cũng được tái sanh vào cõi thiện lành. Mọi người đều biết tin như vậy, thực hành theo như vậy thì thế gian này đã là Thiên đàng hạ giới từ lâu rồi!

Tin Thiên đàng có thật thời cũng phải tin địa ngục có thật! Nếu không có Thiên đàng và địa ngục, thử hỏi một người suốt đời làm thiện và một kẻ suốt đời làm ác, cả hai cuối đời chết là hết chuyện, sạch trơn không phân biệt; thời còn ai muốn tích thiện, còn ai biết sợ ác? Thế giới này làm sao trở nên lương thiện được? Tri kiến phủ định như vậy có lợi ích gì cho con người? Công bằng và đạo lý thể hiện như thế nào đây? Phải chăng vì không tin có Thiên đàng nên đứng trước những việc thiện đáng làm con người lại quay lưng hờ hững? Phải chăng vì không biết sợ hãi địa ngục nên đứng trước cám dỗ hoặc hận thù con người dễ gây tội ác hơn?

Rõ ràng, có Thiên đàng và có địa ngục mới giải đáp thoả đáng bài toán thiện - ác trong cái thế giới hữu hình này.

 Mà nói đến hữu hình, nào ai dám quả quyết rằng bên trong những ‘lỗ đen’ thâm u của vũ trụ kia chỉ toàn một khoảng hư không trống rỗng? Những ‘địa ngục đen’ ấy hút được cả ánh sáng thì chúng cũng hút được cả những linh hồn tội lỗi, giam giữ và trừng phạt theo đúng với sự công bằng và quy luật nhân quả. Niềm tin như vậy có hợp lý không và có lợi ích không cho xã hội loài người?

Nhưng quan trọng hơn là phải thấy rõ con đường dẫn đến địa ngục và hiểu rõ bản chất của địa ngục mới tin địa ngục là có thật. Địa ngục là đối trọng hoàn toàn trái ngược với Thiên đàng, vì vậy con đường dẫn đến địa ngục chính là đạo lộ của một thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.

Địa ngục chính là các trạng thái khổ đau khốc liệt mà các chúng sinh phải chịu đựng để trả nợ các ác nghiệp do chính họ đã gây ra, chứ không phải do một ai bắt họ vào đó. Và cần gì phải xuống âm phủ mới thấy được những khổ đau khốc liệt, mọi người chỉ cần quán sát cõi Ta Ba này, cũng thấy được ngay thôi!

Nhìn vào luật pháp thế gian cũng biết: một kẻ diệt chủng bị bắt vào tù, bị bó hẹp trong cuộc sống bất như ý để chờ công lý phán xử, đó là ‘địa ngục trần gian’ sơ khởi dành cho y. Thế nhưng, với luật nhân quả bấy nhiêu chưa đủ, kẻ ác nhân còn phải chịu khổ đau trong cõi ‘địa ngục sau trần gian’ dưới hình thức nghiệp báo luân hồi nữa.

Bởi lẽ, kẻ ác nhân phải gánh chịu tất cả những khổ đau của những người thân của nạn nhân khi họ mất đi người thân yêu của mình. Sự công bằng của luật nhân quả không bỏ sót bất cứ điều gì, và lưới trời tuy thưa nhưng thật khó thoát!

Nếu tất cả mọi người đều ý thức được điều trên và cố gắng làm thiện, nói thiện, nghĩ thiện để được tái sanh lên Thiên đàng, và đồng thời cũng tin rằng địa ngục là có thực và sợ hãi không dám tạo nên những nghiệp ác, thì thế gian này còn đâu chiến tranh chém giết, còn đâu phản bội lọc lừa, còn đâu hoang đàng trụy lạc?

Quả là lợi bất cập hại nếu như mọi người đều không tin có Thiên đàng và không sợ hãi địa ngục. Thế nhưng tin tưởng sai lầm vào những Thiên đàng ảo và những địa ngục tưởng cũng nguy hiểm không kém. Do vậy không phải bất cứ Thiên đàng nào, địa ngục nào cũng được những người trí chấp nhận.

Một ông vua tự ý bắt tất cả những người thiện lành vào tù, và cho những kẻ loạn luân, diệt chủng vào cung của mình chỉ vì họ theo hay không theo mình, ông vua này có biết thực hành theo chánh đạo? Một Phạm Thiên không biết đạo đức nhân quả nhân bản, cũng hành xử như thế, phải chăng là vị Phạm Thiên do tưởng tạo thành?

Ngay trong thực tế cũng đã có nhiều người chỉ vì tin theo những thiên đàng ảo nên rủ nhau tự sát tập thể, còn các cô gái ngây thơ phải hiến mình cho những kẻ lừa bịp. Thậm chí có người còn sẵn sàng tiêu diệt cả những người lương thiện để mở rộng đường lên thiên đàng cho mình. Nếu mình không muốn kẻ khác nhân danh thiên đường của họ chém giết những người thân của mình, vậy tại sao lại nhân danh thiên đường của mình đi chém giết những người khác? Đã gọi là thiên đường thì nó phải tràn ngập yêu thương, công bằng và lý trí chứ?

Chính vì thế, hoàn toàn không tin có Thiên đàng và địa ngục là một cực đoan có hại, nhưng tin theo những Thiên đàng và địa ngục tà vạy lại là một cực đoan có hại thứ hai, nguy hiểm không kém. Rốt cuộc chỉ có Thiên đàng - địa ngục của quy luật nhân quả mới đáng để những người hiền trí tin theo và thực hành.

“- Vì rằng này Ānanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như sau được chờ đợi: Tự mình chê trách mình; sau khi được biết, kẻ trí chê trách, tiếng ác đồn xa, bị mê ám khi mạng chung; sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Vì thế, này Ānanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như vậy được chờ đợi.

... - Vì rằng này Ānanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy, thời có những lợi ích như sau được chờ đợi: Tự mình không chê trách mình; sau khi được biết, kẻ trí tán thán, tiếng lành đồn xa, không bị mê ám khi mạng chung; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này.

Vì thế, này Ānanda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy, thời có những lợi ích như vậy được chờ đợi” (bài kinh Các Sức Mạnh, TC1, C2 = [I.2.2.8]).

Do vậy, nếu có ai hỏi tác giả bài này: ‘Có tin Thiên đàng không? Có tin địa ngục không?’ Từ sự nhận thức khách quan và từ đáy lòng mình, người viết khẳng định rằng: ‘Tôi tin một cách chắc chắn có Thiên đàng, có địa ngục, và có cả quy luật nhân quả cho mỗi người tự lựa chọn.’

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
loading...