Chùa Việt

“Ninh Phúc thiền tự” theo dấu chân xưa

Thứ bảy, 15/07/2023 03:37

Sau những công tố về sự ẩn mất của đạo Phật thời hậu Lê – tiền Trịnh, có thể nói việc tìm kiếm lại vết tích Phật giáo giai đoạn này được xem như một nhiệm vụ kỳ thú của giới nghiên cứu sử học.

Audio
ninhphucb

Bằng những nỗ lực trao trả lại dân tộc và Phật giáo một sự thật xác đáng; các cuộc thăm dò, nghiên cứu tư liệu, khảo cổ quả không lỗi hẹn và trật nhịp khoa học khi phải nhập nhằng tiếp cận lịch sử đã mấy thế kỷ trôi qua. Với nhiều minh chứng khẳng định sự tồn tại và tiếp biến của đạo Phật giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, chùa Bút Tháp (tức Ninh Phúc thiền tự) được xem là nguồn cứ liệu quý giá, đáng tin cậy bậc nhất. Bởi lẽ, nơi đó không chỉ lưu dấu hành trạng, công lao của nhiều bậc chân tu nổi tiếng, còn là điểm dừng chân của nhiều người con ưu việt thuộc dòng dõi vua Lê, chúa Trịnh trong sứ mạng tu học, yểm trợ, ủng hộ phục dựng thành Ninh Phúc thiền tự vang dội cho đến ngày nay.

Dõi theo văn bia, tư liệu về Bút Tháp, ngôi chùa còn có tên Nhạn Tháp, được “xây dựng từ đời Trần tại làng Á Lữ (Nhạn Tháp), xã Đình Tổ, huyện Siêu Loại Kinh Bắc (Thuận Thành Bắc Ninh)(1)”. Trong Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí cũng mô tả:

“Ninh Phúc là một ngôi chùa cổ, không chỉ vì (được xem như) chùa Thiếu Lâm mà còn là cơ sở của các vị Thánh Hiền ngày xưa. Tọa Lạc tại huyện Siêu Loại, nối liền dãy núi Tam Đảo, vượt sóng Trường Giang, gần kề bên am Ngọa Vân; chùa Tĩnh Lự, núi Tiên Du phải ôm trái ấp (2)”. Vào thế kỷ XVII, chùa được tiếp quản bởi Hòa thượng Chuyết Chuyết – một vị sư thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 32 đến từ Phúc Kiến, Trung Quốc, còn được gọi là Hòa thượng Viên Văn hay Chuyết Công thiền sư. Sau khi đắc pháp với Hòa thượng Đà Đà, Ngài lần lượt vân du từ Cao miên, Chiêm Thành sang Đại Việt. Bước chân hóa độ của Chuyết Công thiền sư theo đó cũng xuôi miền từ Đàng Trong đến tận Đàng Ngoài với những điểm dừng chân ở chùa Thiên Tượng (Nghệ An) và chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa). Năm 1633, bắt đầu từ chùa Khán Sơn (thuộc thành Thăng Long) một thời gian, Ngài lại dời về chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Với yêu cầu của chúa Trịnh Tráng, Chuyết Công Thiền sư từng cho đệ tử Minh Hành trở về Trung Hoa thỉnh thêm kinh điển để lưu hành trong Phật giáo Đại Việt (an trí tại chùa Phật Tích). Thế nhưng, một hiện tượng thu hút sự quan tâm lớn của tầng lớp vua tôi, quan lại đương thời như sự đãi ngộ được nhìn thấy sau khi Ngài cùng các môn đệ tổ chức đại lễ trai đàn cho các vong linh, nạn nhân quá vãng. Sự linh hoạt, tiếp biến đạo Phật với tư thế âm – dương đôi đường hàm triêm lợi lạc này đã chính thức đánh dấu khởi đầu việc thực hành nghi lễ Thủy Lục Chư Khoa được áp dụng rộng rãi tại các bổn tự Đàng Ngoài.

Đặc biệt, trước bối cảnh lung lay của triết học Tống Nho trong đức tin các nhà chính trị, sự xuất hiện của Chuyết Công và những âm hưởng Thiền giáo Lâm Tế đã gây được tầm ảnh hưởng lớn đến Thanh đô vương Trịnh Tráng, vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu (3), dầu họ không uyên thâm học Phật và hành đạo như các vị vua đời Trần. Đại diện cho tinh thần học hỏi và tiếp cận giáo lý nhà Phật bấy giờ được ghi nhận qua sự kiện Chuyết Công thuyết pháp trong triều đình năm 1634 – đây là mốc lịch sử cho biết hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc quy y Tam bảo và trở thành người Phật tử nhiệt thành vì Phật pháp (4).

Cây cầu đá, một trong những biểu tượng của chùa Bút Tháp

Cây cầu đá, một trong những biểu tượng của chùa Bút Tháp

Sự ủng hộ Phật giáo thời bấy giờ được tìm thấy qua sắc lệnh của vua Lê Thần Tông khi ông cho trùng tu và mở rộng chùa Ninh Phúc vào năm 1642 (5). Bên cạnh đó, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ cúng tiền vào công trình sửa chữa mà còn yêu cầu chúa Trịnh Tráng hạ lệnh miễn phu phen, tạp dịch, sung quân và các thư thuế tại xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, nơi chùa Ninh Phúc tọa lạc (6). Nối kết tất cả nhân duyên này cho đến lúc Ninh Phúc được trùng tu hoàn thành, Chuyết Công Thiền sư được thỉnh về đây Trụ trì cho đến ngày viên tịch (ngày rằm tháng bảy năm Giáp thân (1644), thọ 55 tuổi) (7).

Ninh Phúc thuở ấy lại tiếp tục giữ vững mạng mạch dưới sự tiếp quản của hậu duệ Minh Hành. Tháp Báo Nghiêm an trí nhục thân bậc Thầy hướng đạo có hiệu Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Ðại Ðức Thiền sư (8) cũng chính là sự tỏ lòng tri ân của Thiền sư Minh Hành. Ngoài cây bút được đặt trên đỉnh tháp (Bút Tháp), bài văn bia được nhờ viết từ một vị cư sĩ gốc Trung Hoa tên Âu Dương Vựng Ðăng đã lột tả về Chuyết Công như một hiện tượng trước “kỳ”, sau “ngộ” – một cái ngộ theo nghĩa thức tỉnh mà người viết trải lòng để sửa đổi cái ngộ nhận phút trước của mình về bậc chân tu khả kính. Đại khái: “Chuyết Chuyết khí tượng lạ lùng… Lúc mới gặp, ta có thể nghĩ ông là người khùng. Nhưng lâu ngày, tôi thấy ông là một người rộng rãi thông minh, … coi bậc thiên tử như bạn thân, khinh tiền của như cỏ rác…” (9)

Riêng nói về hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vốn là con gái của chúa Trịnh Tráng, duyên lành của bà nhờ không ít sự hun đúc và ảnh hưởng Phật pháp từ mẹ Nguyễn Thị Ngọc Tú – con gái của Nguyễn Hoàng. Thuở còn theo Lê Trụ, bà cùng chồng ủng hộ xây dựng Cửu phẩm Liên Hoa và chùa Quang Minh tại xã Hậu Bổng vào năm 1620 (10). Sau khi bị ép tái giá cùng Lê Thần Tông năm 1630 (11), hoàng hậu cũng một lòng theo Phật và được sự ủng hộ của vị hôn thê mới. Tuy nhiên, bước qua ngưỡng cửa hôn nhân với 2 đời chồng (Lê Trụ và Lê Thần Tông cùng mối quan hệ chú cháu), có lẽ đã giúp Ngọc Trúc thấm nhuần hơn đạo lý vô thường của Phật giáo. Đó cũng là lực đẩy để sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một chánh cung hoàng hậu trong triều đình cũng như một Phật tử hộ trì Tam bảo, bà từ bỏ đời sống của một Bà Hoàng, xuất gia học đạo với Thiền sư Chuyết Chuyết, được Ngài đặt cho hiệu Pháp Tánh (12).

Sự gắn bó của Tỳ-kheo Ni Pháp Tánh với Ninh Phúc tự vì vậy cũng là một trang sử dài kể từ lúc quy y theo Phật. Trong số những hoạt động phò Phật của phu nhân họ Lê, bia ký Ninh Phúc năm 1647 cho biết: “Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, pháp danh Pháp Tính cùng với 24 người khác cúng dường mười bảy mẫu năm sào đất vào chùa” (13). Việc cúng tiền, đất và ruộng vào chùa của Pháp Tánh ở thời điểm này được xem như nét văn hóa đặc biệt đáng ghi nhận trong Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII. Ý nghĩa nhân văn đó cũng khơi nguồn cho những hoạt động cúng dường về sau của Pháp Tánh, cùng Tỳ-kheo Ni Diệu Tuệ (tức Trịnh Thị Ngọc Duyên – con gái Lê Trụ và Ngọc Trúc) và một vài mệnh phụ khác với chuỗi Phật sự: Tạo tượng Phật, đúc chuông, xây dựng chánh điện, nhà tổ, hành lang, cầu thang đá và mua đất cúng vào chùa Thành Quang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh năm 1649 (14). Về sau, khi Thiền sư Minh Hành viên tịch vào mùa đông 1660, bà trở thành vị đại thí chủ cùng với các vị Phật tử khác xây dựng tháp Tôn Đức tại Ninh Phúc để thờ xá lợi Minh Hành (15). Nghĩa cử cao đẹp này như muốn thay lời cho tình pháp lữ sau cùng với người từng đảm nhiệm vai trò “quyền huynh thế phụ”.

Lịch sử vẫn xuôi dòng và nhân vật kế tiếp Tỳ-kheo Ni Pháp Tánh ủng hộ ở Ninh Phúc tự là Tỳ-kheo Ni Diệu Tuệ – đứa cháu gái đầy thương cảm, được chúa Trịnh Tráng gửi gắm theo chân nghiệp sư Minh Hành tu học vào năm 1645. Dầu xuất gia chỉ kém mẫu thân một năm nhưng cung cách và đời sống đạo hạnh của công chúa được hun đúc và thực hành từ thuở còn rất trẻ. Sau đời sống hôn nhân ngắn ngủi theo lệnh của vua, bà tìm về Phật pháp và thực hành giáo lý như những thú vui toàn vẹn của mình.

Trước lúc thừa lãnh trách nhiệm tại một ngôi chùa gần Ninh Phúc Thiền tự do Bổn sư truyền lại, Ngọc Duyên đã cúng đất ruộng tại hai làng Cổ Lộng và Hưng Hiền vào chùa theo Phụng lệnh chỉ của Trịnh Tráng được ban hành vào năm 1646. Hơn thế, “vào mùa Phật đản năm 1674, Diệu Tuệ đã cũng hai mẫu ruộng vào chùa Ninh Phúc hồi hướng công đức cho cha (Lê Trụ), cha nuôi là quận công Cường (Lê Vĩnh Tiến) cùng người bạn Hà Công Từ. Cùng năm ấy, Diệu Tuệ cúng ba mẫu ruộng vào chùa. Lợi tức của ba mẫu ruộng này sẽ chi vào việc mua hoa quả, hương đăng cúng Phật và chư Bồ tát vào ngày Tết Nguyên đán, các ngày sóc vọng và cúng kỵ hằng năm, ngày sinh và ngày tạ thế của thân phụ Bà. Vào năm 1674, Tỳ-kheo Ni Diệu Tuệ cúng hai mẫu ruộng để tưởng nhớ Bổn sư Minh Hành. Năm 1681, Diệu Tuệ cúng dường tháp Tôn Đức ba mẫu ruộng. Vào năm 1684, Diệu Tuệ cúng một mẫu hai sào vào chùa, cầu nguyện cho vị Tăng sĩ Lê Ngọc Nghinh, người đã hết lòng phục vụ dân trong làng này (16)”. Toàn bộ những thông tin trên không chỉ biểu hiện niềm tin sâu sắc của Diệu Tuệ đối với Tam bảo, mặt khác còn phản ánh trung thực sự thực hành giáo pháp, bao gồm cả bố thí, cúng dường mà hơn hết là nghĩa cử tri ân đối với những bậc thân sanh, bạn bè lẫn cả những bậc giáo dưỡng tuệ mạng. Cốt cách chín muồi ấy quả xứng đáng để bia ký tháp Phổ Quang ghi tạc: “Mọi người thương mến và kính trọng Bà. Tên tuổi và đức hạnh của Bà đã được xưng tụng trong dân chúng (17)”.

Nhìn về sự mến đạo của hai nữ tu Lê – Trịnh, có vẻ cả hai đã mang lại một đời sống bán thế xuất gia thật sự ý nghĩa. Họ không chỉ tu cho chính mình mà còn nhận được cả sự đồng thuận, hỗ trợ của những người chồng (đôi khi hôn phu của họ là tín đồ khác đạo) và lan tỏa cho cả trong khanh tước, công hầu lẫn nội tộc của họ. Âu, nội chiến Trịnh – Nguyễn có lẽ cũng là duyên cớ thúc đẩy cho các mệnh phụ bén duyên, tìm đến ủng hộ và tu học Phật đạo.

Chung quy, tập hợp tất cả sự ủng hộ được nhìn từ trong Hoàng tộc Lê – Trịnh dành riêng cho Ninh Phúc Thiền tự, chúng ta đủ thấy khối lượng tài sản và tâm huyết lớn lao được đặt nặng ở bổn tự này. Ngang qua đó, vừa thể hiện uy tín từ lối sống tu tập của những bậc chân tu chiêu cảm nên, mặt khác cũng nhờ sự ai lân, hộ trì của vua chúa mà Ninh Phúc Thiền tự có được một không gian hoằng truyền giáo pháp lớn mạnh, trường tồn và kiên cố cho đến ngày nay.

Dõi theo vết tích lịch sử đó, Ninh Phúc tự sau hơn 4 thế kỷ vẫn còn lưu giữ theo kiểu Nội công ngoại Quốc, với gần 10 ngôi nhà và 162 gian. Tổng quan mô hình xây cất bảo tự ở đây có thể nói đem lại một nguồn giá trị vô cùng lớn lao trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc-mỹ thuật tự viện Phật giáo. Trong đó, những di vật có giá trị lịch sử văn hóa cổ, nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tạc năm 1656 (18); tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch Đại Tổ Sư, tượng Tuyết Sơn hay tượng Phật tu khổ hạnh (19)... cùng 91 bức chạm khắc đá ở tòa thượng điện, lan can, tường tháp… tất cả được xem như quần thể kiến trúc, phản ánh rõ về cuộc sống hiện thực. Điều đáng nói, trải qua nhiều biến cố lịch sử với nhiều lần trùng tu được ghi nhận vào năm 1739, 1903, 1915-1921 và hiện nay 1992 – 1996; Ninh Phúc Thiền tự vẫn được xem là một trong những ngôi chùa danh tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam. (20)

Kết luận:

Ngang qua những vết cắt lịch sử được chỉ điểm tại Ninh Phúc Thiền tự, lịch sử Phật giáo an lòng nhận lại sự tồn tại của mình dưới sự ủng hộ, hậu thuẫn của vua chúa Lê Trịnh, đặc biệt là sự nhiệt tâm vì đạo của các mệnh phụ phu nhân. Ở đó, họ là những người con tinh thần được nuôi dưỡng từ Bút Tháp nhưng sự sống dậy của Ninh Phúc hay Bút Tháp cũng nhờ sự đóng góp không nhỏ của nội bộ triều đình. Kèm theo nhìn nhận khách quan với Phật giáo, sự xuất hiện của Chuyết Công và Minh Hành Thiền sư tại Bút Tháp bảo tự đã gợi mở một hoài bão, sứ mạng lớn mà nói khiêm tốn nhất thì cũng đã tạo tiền đề gieo duyên, tích phước hóa độ tầng lớp vua chúa, công hầu. Bên cạnh đó, những đóng góp, hộ trì tích cực của các Tỳ-kheo Ni xuất thân từ vương triều Lê – Trịnh đã góp phần khẳng định vị trí và giá trị của đạo Phật trước những biến loạn của thời cuộc.

Dựa vào tất cả những cộng hưởng đó, thế mạnh để khẳng định Phật giáo đương thời không ẩn dật đáng được đề cao sự hợp lực chân chánh, đầy đủ của bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, cận sự nam, cận sự nữ. Xem đó, tinh thần yểm trợ cao quý xuất phát từ Hoàng gia cũng chính là một lực đẩy lớn thu hút sự tò mò, quan tâm của dân chúng xứ sở Đàng Ngoài. Để rồi, bước qua làn sóng suy vi thuở ấy, Phật giáo lại dần bắt rễ và cắm sâu hơn trong quần chúng cho đến ngày nay.

Chú thích: 

  1. Như Hiên – Nguyễn Ngọc Hiền (2005), “Nữ sĩ Việt Nam – Tiểu sử và giai thoại Cổ – Cận đại”, Nxb. Thanh Niên, tr.174.
  2. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh – Trưởng khoa LSPG tại Học viện PGVN TP.HCM, môn “Văn bia PG”, Khoa Lịch sử PG, Khóa XII, 2020.
  3. Nguyễn Lang (2009), “Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập 2 – Chương 20: Sự Phục Hưng Môn phái Trúc Lâm”, Nxb. Văn Học – Hà Nội, tr. 402.
  4. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Vạn Phúc Đại Thiền tự bi”, niên đại 1686, thác bản số 2146 – 47.
  5. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Trùng tu Thanh Quang tự bia”, thác bản số 3945 – 56.
  6. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Phụng lịnh chỉ”, thác bản số 2880.
  7. Nguyễn Lang (2009), “Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập 2 – Chương 20: Sự Phục Hưng Môn phái Trúc Lâm”, Nxb. Văn Học – Hà Nội, tr. 403.
  8. Vua Lê Chân Tông phong hiệu cho Chuyết Công thiền sư. Trích từ: Nguyễn Lang (2009), “Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập 2 – Chương 20: Sự Phục Hưng Môn phái Trúc Lâm”, Nxb. Văn Học – Hà Nội, tr. 403.
  9. Nguyễn Lang (2009), “Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập 2 – Chương 20: Sự Phục Hưng Môn phái Trúc Lâm”, Nxb. Văn Học – Hà Nội, tr. 403.
  10. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, Thác bản số 13109 – 13110.
  11. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tr. 664 – 731.
  12. Thích Thanh Từ (2010), “Thiền Sư Việt Nam, Hòa thượng Chuyết Công”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 456.
  13. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Sắc kiến Ninh Phúc Thiền tự bi ký”, niên đại 1647, thác bản 2894.
  14. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Trùng tu Thanh Quang tự bi”, thác bản số 3945 – 56.
  15. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Sắc kiến Tôn Đức Khoán Thạch”, niên đại 1660, thác bản số 2883.
  16. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Hiến Thụy Am Hương Hỏa Điền bi ký”, niên đại 1647.
  17. Tư liệu được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh, “Phổ Quang tháp bia ký”, niên đại 1660, thác bản số 2188.
  18. Thích Minh Châu (2002), “Đạo Đức Phật giáo & Hạnh Phúc Con Người, Đạo đức và nền văn hóa Việt Nam”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 64.
  19. Thích Minh Châu (2001), “Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Ý nghĩa Phật thành đạo”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 119.
  20. Võ Văn Tường (1992), “Việt Nam Danh Lam Cổ Tự”, Nxb. Khoa Học Xã Hội, tr. 386.

Tài liệu tham khảo

* SÁCH

1. Thích Minh Châu, “Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Đạo đức và nền văn hóa Việt Nam”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002.

2. Thích Minh Châu, “Chánh pháp Và Hạnh phúc, Ý nghĩa Phật thành đạo”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

3. Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập 2 – Chương 20: Sự Phục Hưng Môn phái Trúc Lâm”, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 2009.

4. Ngô Sỹ Liên và các sứ thần đời Lê, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Tủ sách sử học Tân Việt, 1964.

5. Như Hiên – Nguyễn Ngọc Hiền, “Nữ sĩ Việt Nam – Tiểu sử và giai thoại Cổ – Cận đại”, Nxb. Thanh Niên, 2005.

6. Thích Thanh Từ, “Thiền Sư Việt Nam, Hòa thượng Chuyết Công”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

7. Võ Văn Tường, “Việt Nam Danh Lam Cổ Tự”, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992.

* BIA KÝ – PHỤNG LỆNH CHỈ:

Tất cả những bia ký, phụng lệnh chỉ được cung cấp bởi TT. Thích Chơn Minh – Trưởng khoa LSPG tại Học viện PGVN. TP. HCM, môn “Văn bia PG”, Khoa Lịch sử PG, Khóa XII, 2020. Bao gồm:

1. Thác bản số 13109 – 13110.

2. Hiến Thụy Am Hương Hỏa Điền bi ký, niên đại 1647.

3. Vạn Phúc Đại Thiền tự bi, niên đại 1686, thác bản số 2146 – 47.

4. Phổ Quang tháp bia ký, niên đại 1660, thác bản số 2188.

5. Phụng lịnh chỉ, thác bản số 2880.

6. Sắc kiến Tôn Đức Khoán Thạch, niên đại 1660, thác bản số 2883.

7. Sắc kiến Ninh Phúc Thiền tự bi ký, niên đại 1647, thác bản 2894.

8. Trùng tu Thanh Quang tự bia, thác bản số 3945 – 56.

loading...