Kiến thức
Oán ghét mà gặp nhau hoài càng khổ hơn
Thứ sáu, 24/08/2022 08:24
Ngược lại với mến thương là oán ghét. Người mình ghét mà cứ hiện diện trước mặt hoài làm ta rất bực bội, khó chịu, muốn họ đi đâu cho khuất mắt.
Nhưng ngặt nỗi, trên đời này người mình thương thì cứ phải chịu xa lìa, còn kẻ mình ghét lại thường hay gặp gỡ. Cái khổ oán ghét này gốc từ sân hận mà ra, do sân hận nên chúng ta rất khổ sở khi làm việc chung với người mình oán ghét.
Chưa nói đến trường hợp những người xa lạ, ngay trong gia đình bà con quyến thuộc giữa vợ chồng, anh em, có khi vì một lý do gì đó mà sanh ra bất hòa cũng đủ khó chịu rồi, muốn lánh mặt nhau mà mỗi khi đi ra đi vào lại phải gặp nhau mãi, quyết không nói chuyện với nhau mà nhiều khi bắt buộc nín không được, phải nói ra với sự ngượng ngùng khó chịu.
Oán tắng hội khổ là cái khổ đối với những người mình không ưa thích hay ghét cay ghét đắng, muốn tránh cho khuất mắt mà không thể tránh được vì phải làm việc và sống chung với nhau. Trong cuộc đời ai cũng có người mình mến thương, ưa thích, nhưng cũng có người mình thù hằn, ghét bỏ vì một lý do nào đó.
Ngược lại với thương yêu là sự thù hằn, ghét bỏ. Không có gì đau khổ bằng thù ghét mà gặp nhau hoài. Thương và ghét là hai vế đối nghịch nhau, đã thương thì không ghét, đã ghét thì không thương. Vì ta hay ích kỷ, hẹp hòi nên khi thương không được thì sinh ra thù hằn, ghét bỏ, từ sự ganh ghét đó mà mình có thể hãm hại người kia bằng mọi cách.
Thù ghét sẽ làm cho ta xấu xí, khổ đau hơn vì tâm niệm ích kỷ, oán giận, hờn mát trong lòng nên lúc nào cũng mong muốn người ấy bị hại, bị khổ, bị mất mát, bị đau thương, thậm chí còn muốn người đó mau chết đi càng sớm càng tốt.
Khi ta thù ghét ai thì trước tiên ta sẽ khổ trước vì thái độ bực tức không bằng lòng với hiện tại. Người kia chưa khổ nhưng ta đã tự tàn phá sắc đẹp của mình, thậm chí có khi ta không giằng được cơn nóng giận nên đánh đập, hành hạ người thân vì không biết cảm thông và tha thứ. Ta cứ muốn người kia như bản sao của mình, khác đi một chút thì mình không chịu, mình bám víu, chấp trước, thậm chí nhiều khi mình còn ngoan cố, ép buộc người kia phải làm theo.
Ta bây giờ đâu phải như đứa trẻ khi còn tấm bé, ta đang lớn khôn và trưởng thành nên khi mất mát hay bị tổn thất vấn đề nào đó thì phải biết bình tĩnh để suy xét, nhận định. Nhờ vậy, ta không bị mê mờ bởi thói quen ích kỷ, hẹp hòi mà sinh ra thù ghét.
Thế giới con người do không có tình thương chân thật nên lúc nào cũng oán giận, thù hằn, ghét bỏ nhau mà sinh ra chiến tranh binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Có khi ta nhân danh đấng thần linh, thượng đế để trừng phạt thiên hạ, tạo ra biết bao nỗi khổ niềm đau làm tổn hại cho nhau.
Vì ta thương yêu trong ích kỷ, hẹp hòi do không có hiểu biết nên mình dễ dàng hành hạ, đánh đập người thân khi không làm chủ được cơn sân hận. Ai có tâm niệm thù ghét như thế sẽ không bao giờ tìm được sự an lạc nội tâm vì trong lòng lúc nào cũng chất chứa bao phiền muộn, đau khổ.
Khi ta thương yêu, quý trọng lẫn nhau một cách chân tình, tình thương đó có sự bù đắp lâu dài nên mình tìm cách bảo vệ và gìn giữ chúng, đến khi cảm thấy bị người phụ bạc, ruồng bỏ, tìm đến người bạn khác thì cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa chợ đời yêu thương nên tiếc nuối, khóc lóc, hờn giận và cuối cùng dẫn đến thù hằn, ghét bỏ.
Một khi ai đã ôm cảm xúc đó vào lòng thì giống như một lưỡi dao bén đang từ từ cứa vào thân thể làm ta thất vọng, đau khổ đến tột cùng. Ta không còn sáng suốt nữa mà điên cuồng trong vô vọng. Nếu đã dùng hết cách mà không chuyển hóa được cảm xúc thù ghét thì ta phải biết rằng mình đang rơi vào hố sâu của ngục tù tội lỗi.
Ai dại gì phải chịu như thế trong khi ta có trái tim biết yêu thương, hiểu biết, trái tim tha thứ biết cảm thông. Ta chỉ nhớ, biết mình như thế thì bao nhiêu cảm xúc oán giận, thù hằn, ghét bỏ không có chỗ ẩn núp. Như ta đã biết, mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình có trái tim hoàn hảo và đẹp nhất, tại sao phải tự trói buộc lấy nhau vì tâm niệm thù ghét đó để làm cho gia đình, người thân, bè bạn không có cơ hội gần gũi sống yêu thương nhau.
Một khi đã thù ghét nhau rồi thì thế giới bao la sẽ trở thành một góc trời đen tối, nhỏ hẹp. Gặp một người mà ta hằng oán ghét bấy lâu nay, muốn tránh xa mãi mà cũng không sao tránh được, hoàn cảnh này nếu là với gia đình, người thân thì lại càng thống khổ hơn nữa.
Thương và ghét là hai điều kiện có thể làm cho con người khổ đau hay hạnh phúc, thương quá sinh nhớ nhung bi lụy cũng khổ, ghét quá mà ngày nào cũng gặp càng khổ hơn. Đúng ra, ta rất khó thương một người chưa từng thương mình, có khi họ thù ghét mình và đã làm cho mình đau khổ. Thương yêu là bản chất của con người, nhưng đa số chỉ thương yêu trong sự ích kỷ, hẹp hòi và có điều kiện nên không bao giờ có lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông và tha thứ. Chính vì sự thương yêu hẹp hòi đó mà dẫn đến ghen tuông, ganh ghét rồi làm khổ cho nhau.
Trong cuộc sống, khi con người không có tình yêu thương chân thật với nhau mà chỉ sống trong căm ghét, hận thù thì thế gian này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu vì ai cũng muốn tranh danh, đoạt lợi mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau.
Ai cũng nắm được chiếc chìa khóa của sự yêu thương và ghét bỏ nhờ biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc mà sống thành thật, biết sẻ chia và quý kính, tôn trọng lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.