Kiến thức
Ông thiện, ông ác
Chủ nhật, 23/10/2023 08:15
Những ngôi chùa cổ ở Việt Nam, từ ngoài cổng đi vào chúng ta nhìn bên phải thấy tượng một vị rất hiền hòa, dân gian gọi đó là ông thiện, bên trái tượng một vị rất dữ dằn, dân gian gọi đó là ông ác. Nhiều người thắc mắc thờ ông thiện đủ rồi, tại sao lại thờ ông ác?
Nhưng với cái nhìn của chúng tôi, bản ý của chư Tổ qua hai hình tượng ông thiện ông ác, mang một ý nghĩa thâm trầm, cao siêu hơn.
Bởi vì lòng từ bi trong nhà Phật lúc nào cũng muốn đem lại sự an vui lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Nhưng vì trình độ chúng sanh không giống nhau, nên các phương tiện hóa độ của chư Phật, Bồ-tát cũng khác nhau.
Hai vị Hộ pháp khuyến thiện trừng ác trong các ngôi chùa Việt
Có người dùng lời hiền hòa, cử chỉ thương yêu chỉ dạy họ liền cảm mến nghe theo.
Có người ngang bướng dùng lời hiền hòa nói họ không chịu nghe, buộc lòng phải có thái độ dường như ác dữ mới chuyển họ được.
Người dùng lời hiền hòa chỉ bảo dạy dỗ chúng ta, nhà Phật gọi là thiện hữu tri thức.
Ngược lại những người rầy rà mắng chửi chúng ta, nhà Phật gọi là ác tri thức.
Nghe nói ác là mình không ưa, điều này hầu hết Phật tử đều nhìn nhận như vậy.
Nhưng nhà Phật không nghĩ thế.
Bởi vì với người tu nhất là tu Phật, chúng ta không nên nhìn một mặt, mà phải nhìn thấu suốt toàn diện.
Khi gặp khó khăn, những lúc thối chí, chúng ta phải nhờ thiện hữu tri thức hiền lành an ủi nhắc nhở, mới cố gắng vươn lên được.
Nhưng khi tu hành an ổn, tự thấy như mình đạt đạo tới nơi thì tâm sanh kiêu mạn, tự hào.
Trong trường hợp này nếu không có cơ hội cảnh tỉnh thì chúng ta rất khó thức tỉnh, cho nên phải có ác tri thức thử thách để hỗ trợ.
Ví dụ như chúng ta nguyện tu hạnh nhẫn nhục.
Nếu ai cũng quí kính, tán thưởng thì mình thấy như thành công tới nơi rồi.
Nhưng thật tình không có gì để làm bằng chứng rằng ta đã thực hành hạnh nhẫn nhục.
Hôm nào bất thần có người đến chửi mắng, lúc đó mình ra sao? Chắc ta nghĩ người chửi mắng kia là kẻ ác muốn phá hoại sự tu hành của mình.
Nghĩ như vậy là nhìn có một mặt.
Chính cơ hội bị chửi mắng chúng ta mới thấy mình còn nóng giận, bực tức không?
Bị chửi mắng mà còn nóng giận, bực tức thì hạnh nhẫn nhục chưa thực hành được.
Nếu người yếu hèn nhút nhát bị chửi mắng dễ thối lui.
Còn người thấy rõ kẻ chửi mắng là ác tri thức, là người cảnh tỉnh để ta đừng mắc bệnh tự mãn.
Nhờ chửi mắng nên mình thấy được mình.
Nếu còn dở thì cố gắng tu thêm, nếu an nhẫn được trước sự chửi mắng, lòng vẫn thản nhiên tự tại thì mừng hạnh nhẫn nhục đã thành công.
Như vậy người chửi mắng là ông giám khảo của chúng ta.
Nhờ ông mà ta biết mình đậu hay rớt.
Thế thì đó là người ân hay là kẻ oán?
Người chửi mắng cho mình tiến lên, đạt được sở nguyện tu hành là người ân, chớ đâu phải kẻ oán.
Một bên an ủi vỗ về khích lệ chúng ta tiến tu.
Một bên chửi mắng làm nhục mình mà ta vẫn tự tại.
Hai người đó khác nhau không?
Tuy hai hành động khác nhau nhưng kết quả đều đưa chúng ta đi lên chớ không phải dìm xuống.
Trừ người chưa biết tu hoặc tu dối dối thì gặp cơ hội đó nổi sân lên oán hờn người ta.
Chớ thật ra cả hai đều là ân nhân thành tựu đạo nghiệp cho mình cả.
Chúng ta tu phải có đủ hai mặt.
Có khi được người khuyên lơn vỗ về để khích lệ mình tiến lên trong lúc yếu đuối, nhưng cũng có khi nhờ người mạnh bạo dám chửi mắng, dám dùng những thủ đoạn ác để khử trừ bệnh ngã mạn, giúp chúng ta tiến lên.
Cho nên cả hai người đều là bạn thân của chúng ta.
Nhìn như thế mới hợp với đạo lý Phật dạy.