Sách Phật giáo

PG Nam Tông Khmer ở Nam Bộ: Một cái nhìn từ chính sách đến thực tiễn

Thứ hai, 26/10/2018 09:47

Hệ quả của việc này hoàn toàn có liên quan đến chính sách tôn giáo của nhà nước và của Phật giáo Nam tông Khmer tại địa bàn miền Đông Nam Bộ. Cụ thể như hơn 40 năm qua cộng đồng người Khmer sinh sống tại thị xã Đồng Xoài, nhất là tại ngã tư Sóc Miên mất hẳn hình ảnh ngôi chùa và những nhà sư áo vàng đã làm cho đời sống tinh thần của họ thiên về những loại hình tín ngưỡng ma thuật. 

Dẫn nhập
 
Người Khmer Nam Bộ là một trong số 54 thành dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt ba tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đời sống kinh tế của người Khmer chủ yếu lấy nông nghiệp làm phương thức mưu sinh, họ cư trú tập trung ở các vùng thôn quê trong các ngôi làng được gọi là sóc (Srok). Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy là tôn giáo chính của đồng bào Khmer. Đời sống tinh thần luôn gắn liền với ngôi chùa, trong đó vai trò dẫn dắt đồng bào phật tử sống an vui, đẹp đạo tốt đời thuộc về trách nhiệm lớn lao của chư Tăng. Để xây dựng cuộc sống bình yên cho người Khmer Nam Bộ, nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chính sách tôn giáo và vấn đề văn hóa tộc người. Đây là một vấn đề hết sức “nhạy cảm” cho công cuộc đoàn kết dân tộc hiện nay.

Chính sách tôn giáo đối với người Khmer, một xu hướng tập trung về miền Tây Nam Bộ

Hiện tại nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa và giáo dục cho đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên tính đặc thù của các loại hình chính sách này thường dành chung cho đồng bào các dân tộc ở Việt Nam, chứ không dành riêng cho người Khmer. Vì vậy, sẽ có những chính sách chưa được sâu sát, thích ứng với hoàn cảnh văn hóa, kinh tế và xã hội của người Khmer Nam Bộ. Trong phạm vi thống kê chưa đầy đủ của nhóm nghiên cứu chúng tôi cho thấy, có khoảng 26 chính sách liên quan đến đồng bào Khmer có thể đúc kết lại thành ba nhóm chính sách lớn: Chính sách nông nghiệp đối với đồng bào Khmer. Chính sách đối với cán bộ người Khmer. Chính sách đối với tôn giáo của người Khmer mà chủ yếu là dành Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nguyên Thủy.
 Ảnh minh họa: Thường Nguyên
Trước hết, chúng tôi muốn nói đến chính sách tôn giáo. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ luôn gắn liền với tôn giáo. Sinh hoạt văn hóa và các loại hình diễn xướng dân gian thường diễn ra tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đối với người Khmer, ngôi chùa vừa là trung tâm văn hóa, vừa là trường học của các thế hệ thanh niên. Chính vì vậy, chính sách tôn giáo, dân tộc, chính sách văn hóa hay giáo dục phần lớn phải gắn liền với hoạt động của một ngôi chùa. Để chính sách có thể phát huy tốt hiệu quả, đòi hỏi người hoạch định chính sách phải hiểu được vai trò của chư Tăng đối với đời sống tinh thần và vật chất của người Khmer. Hiểu được vấn đề này nên các cơ quan quản lý tại các địa phương nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống thường áp dụng song hành hai loại hình chính sách dành cho lĩnh vực tôn giáo và văn hóa. Đánh giá chung của chúng tôi hiện nay là chính sách tôn giáo và văn hóa dành cho đồng bào Khmer đạt được những thành tựu tương đối tốt nhưng chính sách hỗ trợ các chùa Khmer xây dựng lò hỏa táng theo phong tục của đồng bào Khmer sau khi cơ quan nhà nước rút ra những bài học kinh nghiệm, đã có những thay đổi lớn để phù hợp với nhận thức tôn giáo của người Khmer.

Chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào Khmer hiện đang đạt được những điểm đáng tự hào. Đến nay đã có hai loại hình văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Chầm Riêng Chầm Pay và lễ hội Cúng trăng Ok Om Bok. Đặc biệt địa bàn tỉnh Trà Vinh là nơi tập trung nhiều nhất các ngôi chùa Khmer Nam Bộ, hiện có 144 ngôi chùa với 33 ngôi được nhà nước công nhận danh hiệu di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Điều đáng tự hào này sẽ còn được tiếp tục phát huy cao hơn nữa nếu không gặp phải vấn đề khó khăn về kinh phí bảo tồn các ngôi tự viện cổ kính này. Vấn đề là khi một di tích được công nhận danh hiệu cấp quốc gia bị xuống cấp mà địa phương cần trùng tu hay sửa chữa, thì trung ương sẽ cấp kinh phí. Số tiền trùng tu cũng có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng người Khmer nhưng các cơ quan trung ương lại quản lý về mặt chuyên môn và nguồn kinh phí nhà nước. Địa phương lại phải chờ giải quyết đúng thủ tục của cơ quan quản lý di sản ở trung ương. Nhà chùa dù quy tụ đủ kinh phí cũng không thể tự trùng tu được. Thời gian để chư Tăng và đồng bào Khmer chờ chính sách trùng tu quá dài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người Phật tử Khmer. Nguồn kinh phí từ trung ương rót xuống quá chậm, cụ thể như chùa Kompong (chùa Ông Mẹt) tại thành phố Trà Vinh phải bị xuống cấp nghiêm trọng trong quá trình chờ trùng tu. Trong khi đó sở Văn hóa – Du lịch & Thể thao tỉnh Trà Vinh đã làm dự án xin kinh phí trùng tu cho ngôi chùa này hơn 05 năm mà vẫn chưa được cấp.

Chính sách tôn giáo đối với người Khmer, một thực tiễn ở miền Đông Nam Bộ

​Các chính sách tôn giáo của nhà nước dành cho người Khmer Nam Bộ như hỗ trợ việc xây dựng các trường trung cấp Pali tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và đào tạo tăng sinh tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ở thành phố Cần Thơ. Với sự hỗ trợ của nhà nước, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những bước phát triển đáng kể trong công tác hoằng pháp lợi sanh, giúp ích rất nhiều cho chính sách tôn giáo của nhà nước. Số lượng Tăng sinh đạt trình độ Phật học và thế học tốt nghiệp đại học ngày càng tăng thêm, đồng thời các vị sư này cũng đã trở về phục vụ tín đồ tại các ngôi tự viện Khmer nằm rải rác khắp vùng miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, công tác tôn giáo và hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer tại khu vực miền Đông Nam Bộ đang gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng. Đồng bào Khmer đang sinh sống tại các tỉnh như Tây Ninh và Bình Phước từ lâu không có ngôi chùa hiện diện trong sóc (làng) của họ hoặc nhiều chùa chiền của người Khmer đã bị phá hủy trong chiến tranh. Ngày nay việc xây dựng lại các ngôi chùa ở đây đang gặp phải những thách thức lớn. Cuộc sống của cộng đồng người Khmer tại địa phương từ lâu đã xa rời ngôi chùa nên họ không xem đi chùa là một nét văn hóa đặc trưng của người Khmer nữa. Trong khi đó cuộc sống khó khăn chất chồng, quanh năm suốt tháng họ chỉ biết gắn bó với công việc làm thuê, làm rẫy và di dân lao động vào khu vực đô thị để làm công nhân. Nguồn thu nhập ít ỏi từ hoạt động kinh tế nương rẫy ở miền Đông Nam Bộ khiến cho người Khmer hoàn toàn không đủ khả năng đóng góp tài chính để xây dựng một ngôi chùa như các cộng đồng người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Kinh phí xây chùa Khmer ở miền Đông thường phụ thuộc vào một vài nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, chư Tăng buộc phải áp dụng phương thức xây dựng có tiền đến đâu xây đến đấy, dẫn đến nhiều chùa Khmer đã được khởi công xây dựng từ hơn năm năm trước đây nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì thiếu kinh phí. Tại địa phương có các chùa Khmer như ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, người Việt là cộng đồng có sức mạnh kinh tế.
 
Tuy nhiên, người Việt lại theo Phật giáo Bắc tông thường đóng góp hay cúng dường cho các ngôi chùa Việt tại các địa phương, họ hiếm khi quan tâm đến chùa Khmer vì những nét khác biệt về văn hóa tộc người. Điều này rất cần nỗ lực hoằng pháp của chư Tăng theo dòng Phật giáo Nam tông Khmer như cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Pali-Khmer-Việt, thuyết pháp bằng song ngữ Khmer – Việt, tăng cường mối quan hệ “đạo tình” với các chùa Bắc tông, chùa Phật giáo Nam tông kinh và các ngôi tịnh xá của hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Để ngôi chùa Khmer trở thành địa điểm lui tới của cả hai cộng đồng Khmer – Việt rất cần có chính sách tôn giáo hiệu quả từ nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các khu vực có đồng bào Khmer sinh sống. Thực tế, nhiều chùa Khmer ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang trở thành những cơ sở tôn giáo quan trọng cho cả ba tộc người, Khmer, Việt và Hoa. Từ thực tiễn của công tác tôn giáo ở các chùa Khmer mang tính liên tộc người ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chư Tăng Khmer ở miền Đông Nam Bộ cần xây dựng cho mình một chính sách hoằng pháp cho cả cộng đồng người Việt. Hoạt động này sẽ giúp cho các chùa gia tăng số lượng Phật tử đến với các chùa. Từ đó nguồn kinh phí cúng dường sẽ tăng lên, chư Tăng Khmer có thể sử dụng cho công việc xây dựng các ngôi tự viện và từ thiện xã hội.

​Các vị sư đang hành đạo tại các ngôi chùa Khmer ở miền Đông Nam Bộ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với chư Tăng ở miền Tây Nam bộ. Nguyên nhân chính là người Khmer ở địa phương không quen đi chùa lễ Phật, họ mất hẳn truyền thống gửi thanh thiếu niên tu học tại các chùa trước khi bước vào đời. Để có người đến chùa lễ Phật và thanh thiếu niên đến chùa xuất gia, một vài vị sư cả phải đi vận động bà con trong phum sróc, cụ thể khảo sát của chúng tôi cho thấy tại chùa Sirivansa thuộc phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, viện chủ là hoà thượng Danh Lung cùng trụ trì phải đi vận động bà con Khmer cho con trai đến chùa tu học. Mọi chi phí, ăn ở, sinh hoạt và đi học tại các ngôi trường ở địa phương, hòa thượng Danh Lung cùng sư Danh Dara phải trang trải. Thế nhưng không phải mọi gia đình người Khmer ở địa phương đều chấp nhận cho con trai của họ đến chùa.

Hệ quả của việc này hoàn toàn có liên quan đến chính sách tôn giáo của nhà nước và của Phật giáo Nam tông Khmer tại địa bàn miền Đông Nam Bộ. Cụ thể như hơn 40 năm qua cộng đồng người Khmer sinh sống tại thị xã Đồng Xoài, nhất là tại ngã tư Sóc Miên mất hẳn hình ảnh ngôi chùa và những nhà sư áo vàng đã làm cho đời sống tinh thần của họ thiên về những loại hình tín ngưỡng ma thuật. Khi Phật giáo Nam tông Khmer mất vai trò ở đây chính là nguyên nhân cho các loại “đạo lạ” xâm nhập vào cộng đồng người Khmer ở địa phương, đồng thời nó cũng chính là mảnh mất màu mỡ cho các “thầy cúng, thầy bùa và thầy ngải” hoạt động. Họ nắm lấy vai trò thần quyền trong các phum sróc, hù dọa dân chúng không được đi chùa, không được thờ Phật. Trong một buổi viếng thăm chùa Sirivansa, chúng tôi đã chứng kiến một phụ nữ Khmer đã mang một pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến trả cho chùa. Lý do mà chị đưa ra với sư trụ trì là “dân trong sóc ai cũng nói đây là tượng Me Sóc” không thờ được trong nhà nên phải mang đến trả cho chùa. Hành động này cho thấy người phụ nữ Khmer này hoàn toàn không biết được đặc điểm của tượng Phật Thích Ca là như thế nào. Chắc chắn rằng gia đình chị từ lâu không còn tập tục thờ Phật nữa, hoặc có thể họ đang bị khống chế bởi những thầy cúng trong phum sróc. Những kẻ này đã hù dọa để làm áp lực buộc gia đình chị phải trả lại tượng Phật cho chùa dù nhà sư có giải thích như thế này chị vẫn khăng khăng bảo rằng tượng Me Sóc không thờ được. Theo cách hiểu của chúng tôi Me Sóc là người đứng đầu một ngôi làng của người Khmer, văn hóa của người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên có thể ngày xưa các sóc do một người phụ nữ phụ trách, bởi vì chữa Me nghĩa là mẹ, sóc là làng. Trong tín ngưỡng của người Khmer chỉ có trường hợp thờ Neakta chứ không có thờ Me Sóc. Người có công với làng cũng được dân chúng thờ cúng trong vai trò của một Neakta như trường hợp miếu Neakta trong chùa Samrong Ek ở thành phố Trà Vinh là thờ người có công với cộng đồng.

Theo quan điểm của chúng tôi, chính sách tôn giáo và tộc người đối với đồng bào Khmer hiện nay quan trọng nhất là cần tập trung vào cộng đồng người Khmer ở miền Đông Nam Bộ, nơi người Khmer mới chỉ bắt đầu làm quen lại với Phật giáo Nam tông. Chư Tăng từ chùa Candaransi ở thành phố Hồ Chí Minh được cử về coi sóc các ngôi chùa ở đây đang gặp nhiều vấn đề khó khăn về điều kiện vật chất, tinh thần và không được sự hỗ trợ tuyệt đối từ cộng đồng Khmer địa phương. Tại một số nơi nhà sư đang gặp phải sự chống đối ngấm ngầm của các thầy cúng và các loại hình đạo lạ. Chúng tôi cho rằng các chính sách của nhà nước cần chú ý đến việc hỗ trợ kinh phí xây dựng các ngôi chùa Khmer tại miền Đông Nam Bộ, Giáo hội cũng cần hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện và hoằng pháp nhằm tạo động lực cho người Khmer ở địa phương quay lại với ngôi chùa. Các vị sư Khmer tại nơi đây cần nỗ lực giúp bà con gầy dựng lại tập tục thờ Phật trong các gia đình người Khmer. Nếu không có chính sách của nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi cho rằng Phật giáo Nam tông Khmer không thể lấy lại vị thế của mình tại một số địa phương ở miền Đông Nam Bộ.

Kết luận
 Ảnh minh họa: Thường Nguyên
Phật giáo Nam tông đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên vai trò của Phật giáo tại miền Đông Nam Bộ đang gặp phải những khó khăn, thử thách lớn do hoàn cảnh sống không có nhiều ngôi chùa của người Khmer tại địa phương. Chính sách tôn giáo dành cho người Khmer chủ yếu tập trung vào khu vực miền Tây Nam Bộ, trong khi đó miền Đông Nam Bộ dường như bị lãng quên với thời gian. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn kêu gọi nhà nước và Giáo hội cần quan tâm đến Phật giáo Nam tông Khmer tại miền Đông Nam Bộ, hỗ trợ cho chư Tăng Khmer trong công tác giáo dục, hoằng pháp lợi sanh tại các địa phương như Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa.

Tại các vùng cư trú của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ, chính sách văn hóa và tôn giáo luôn có sự phối hợp nhịp nhàn với nhau. Tuy nhiên cũng có những vấn đề không hợp lý như chủ trương mỗi xã đều xây dựng một nhà văn hóa nhưng hoạt động không được hiệu quả vì người Khmer có thói quen gắn bó cuộc sống với nhà chùa. Họ sinh hoạt văn hóa tại các chùa chứ không vào khác nhà văn hóa. Do đó cần tăng cường hoạt động văn hóa tại các nhà văn hóa xã, nhất là tìm kiếm những loại hình nghệ thuật, biểu diễn và văn hóa dân gian phù hợp với lứa tuổi thiếu niên và thanh niên.

Hiện tại Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã và đang đi sâu vào ý thức và hành động mỗi người dân Khmer tại địa phương. Cần thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách cụ thể hơn trong phạm vi cơ sở như đầu tư trang thiết bị, xây dựng và hoàn thiện các đội nghệ nhân dân gian như Dù Kê, Rô Băm và các đội văn nghệ trong các phum sróc.

Mở rộng thêm các cuộc thi mang tính chất phong trào văn nghệ quần chúng và tăng cường giá trị của các giải thưởng âm nhạc, xây dựng thêm các chương trình sáng tác ca khúc mới bằng tiếng Khmer. Chính sách văn hóa cần hỗ trợ thêm nhiều cuộc thi về âm nhạc, trao giải thưởng xứng đáng cho các ca khúc đạt giải, khuyến khích người Khmer tham gia sáng tạo trong hoạt động biểu diễn tại các cơ sở. Xây dựng các chương trình riêng phát sóng trên truyền hình với dành cho đồng bào Khmer như tôn giáo, văn hóa, giáo dục và các chương trình khuyến nông nhằm xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer ngày một phát triển hơn.

Đại đức Châu Hoài Thái
UV HĐTS - Phó ban TTTT T.Ư GHPGVN
Tổ phó Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN

Tài liệu tham khảo:
1. Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh (2016), Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2005- 2015 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
2. Đinh Văn Liên (1991), “Đặc điểm môi sinh và dân số ở vùng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”, trong Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.75-107.
3. Lê Anh Vũ (2016), “Hành trình mưu sinh trên đất khách: sinh kế và bản sắc” đăng trong Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 2), Những người thiểu số ở đô thị: lực chọn, trở thành, khác biệt, NXB. Tri thức.
4. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Thanh niên, Sài Gòn
5. Lê Hương (1974), Sử liệu Phù Nam, Thanh niên, Sài Gòn.
6. Malleret L. (1959), Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long tập I (L’ Archéologie du delta de Mekong, Volume I), Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1960.
7. Malleret L. (1959), Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập II: Văn hóa vật chất ở Óc Eo (L’ Archéologie du delta de Mekong, volume II: La civilization matérielle d Óc Eo), Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1970
8. Malleret L. (1962), Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập II: Văn hóa vật chất ở Óc Eo (L’ Archéologie du delta de Mekong, volume III: La culture d Óc Eo), Bản dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội năm 1970
9. Ngô Thị Phương Lan (2014), Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng ĐBCL, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM.
10. Ngọc Anh (2002), Các hình thức thờ cúng của bộ lạc, Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
11. Nguyễn Khắc Cảnh (2000), “Sự hình thành cộng đồng người Khmer Nam Bộ vùng ĐBSCL”, trong Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 217-229.
12. Nguyễn Xuân Diệu (2000), “Góp phần tìm hiểu về mối quan hệ và sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người Kinh – Khmer – Hoa ở Sóc Trăng trong tiến trình phát triển”, Tập san hội thảo KHLS hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm 1975, tr. 143-147.
13. Phạm Huỳnh Phương, Hoàng Cầm (2013). Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam, (đề tài cấp bộ), Viện nghiên cứu văn hóa.
14. Phan Thị Yến Tuyết (2010), “Tâm thức ứng xử với nước của người Khmer qua lễ hội Ok Angbok – tiếp cận sinh thái văn hóa”, Tờ tin khoa học – Đại học Trà Vinh số 07, tháng 02 năm 2010.
15. Phan Thị Yến Tuyết (2012), “Tâm thức ứng xử với biển của người Khmer Nam Bộ qua lễ hội Phước Biển (Chroi Rumchek) – tiếp cận sinh thái văn hóa”, tạp chí khoa học xã hội, viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ, tháng 04 năm 2012.
16. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM.
17. Thành Phần (2006), “Biến đổi kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng”, trong Đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006 – 2010, NXB Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 320 – 331.
18. Thanh Phong (2013), “Khởi Sắc Ngọc Biên”, http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/tracu/!ut/p/c0/04 (truy cập ngày 20/01/2017).
19. Trần Dũng, Đặng Tấn Đức (2012), “Tín ngưỡng và lễ hội dân gian tộc người Khmer tỉnh Trà Vinh (phần IV)”, trong Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian tỉnh Trà Vinh, NXB. Văn hóa thông tin.
20. UBND huyện Trà Cú (2011), Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện trà cú, tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020
21. Viện văn hóa (1993), Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. - NXB. Văn hóa Dân tộc
loading...