Kiến thức
Phải chăng cầu không được vì Phật không linh?
Chủ nhật, 26/10/2023 03:12
Chúng ta thường đi chùa lễ Phật với tâm mong cầu, xin xỏ tài lộc, may mắn, bình an...nhưng chẳng may sau đó bị tai nạn, tổn thất thì cho rằng Phật ở chùa đó không linh, sẽ không đến nữa.
Hoặc như việc đến vay tiền ở đền ông này, miếu bà nọ để về làm ăn phát đạt cũng hết sức vô lý, vì nếu như thế thì những người ở gần khu vực đó chắc đã giàu hết chứ đâu có cảnh ăn xin nhếch nhác chốn tôn nghiêm như vậy?
Quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm bởi Phật không có quyền ban phước, giáng họa. Phật chỉ dạy cho ta việc nào nên làm để được an vui, việc nào nên tránh để khỏi bị đau khổ. Chúng ta nghe lời dạy của Ngài, thực hành theo thì mới hết khổ. Chúng ta tôn thờ, lễ lạy Phật để tỏ lòng sám hối, kính ngưỡng, tưởng nhớ mà học theo công hạnh của Phật chứ không phải cầu xin tài lộc.
Chúng ta cứ tin mù quáng, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, đua nhau đi tìm sự linh hiển ở bên ngoài mà không thấy lẽ thật ở bên trong, vận mệnh tốt hay xấu nằm ngay ở cái nhân mình đã tạo trong quá khứ và hiện tại, gieo nhân lành thì gặt quả ngọt, gieo nhân xấu thì gặt quả đắng, điều đó quá rõ ràng.
Trong nhiều vụ tai nạn tập thể, chúng ta thấy có người sống, người chết. Vậy phải chăng người biết niệm Phật thì được cứu hay có niệm mà Phật không linh để cứu? Vấn đề không phải là niệm linh hay không linh? Sở dĩ người niệm Phật được thoát nạn thì đó cũng là quả ngọt do họ đã tích chứa nhiều nhân lành, phước đức, bố thí, phóng sanh...hằng ngày ăn chay, niệm Phật thì làm sao không có sự chiêu cảm.
Còn người niệm Phật mà không thoát nạn vì do thiếu tu, kém phước, làm điều bất thiện, bình thường chẳng bao giờ nhớ đến Phật, chỉ khi cần mới kêu cứu thì làm gì có sự linh ứng.
Tóm lại, không có sự linh thiêng ban phát nào từ các Chư Phật và Bồ Tát. Tất cả đều do nhân quả, nghiệp báo từ những gì con người đã tạo tác. Vì vậy, chúng ta phải biết huân tập nhân lành ngay trong đời sống hằng ngày của mình. Không nghĩ, không nói, không làm điều ác, biết giúp người, cứu vật, bố thí, cúng dường, từ bi hỷ xả...
Chúng ta phải tu trong từng giây, từng phút chứ không đợi đến giờ tụng kinh, niệm Phật, ăn chay mới gọi là tu rồi sau đó vẫn tham, sân, si, chứng nào tật ấy. Tu mà không sửa, sám mà không hối, thế nên càng tu càng phiền não, không hết khổ là chỗ đó.
Phật không cần chúng ta tu với Ngài mà chỉ muốn chúng ta tu với chúng sanh và tu với chính mình để đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhau...
Kính chúc quý vị luôn sống trong chánh niệm tỉnh thức và an lành trong ánh hào quang của Chư Phật.