Kiến thức
Phải làm gì khi tâm đố kỵ khởi lên?
Chủ nhật, 03/01/2023 09:36
Một lần nọ, tôi hỏi một thiền sư: Thưa thầy, hôm nay chỉ có 2 thầy trò, con xin phép được hỏi về một tò mò rất lớn trong con được không?
- Được chứ!
- Con thầm quan sát thầy từ lâu rồi. Con thấy thầy không bao giờ nói về một ai đó sau lưng họ. Con thấy thầy không bao giờ cáu giận, dù nhiều lúc con đã làm thầy không vừa ý. Con còn thấy thầy không bao giờ bận tâm ngay cả khi bị người khác đặt điều, vu khống. Con cố gắng từng ngày học ở thầy tất cảm những điều đó. Nhưng cũng chính vì điều đó mà con thật sự tò mò: Một người như thầy, liệu còn sự đố kỵ trong lòng không?
Thầy cười. Đẹp lắm. Nụ cười của thầy bao giờ cũng đẹp. Rồi thầy bảo:
- Còn chứ! Làm sao mà triệt tiêu 100% được. Nhưng ngày xưa nó to, giờ nó bé đi. Và mình luôn Chánh niệm về nó trước khi nó kịp khởi lên.
Không bao giờ thầy xưng với tôi là “thầy”. Bao giờ cũng chỉ là một chữ “mình” nhỏ nhẹ. Và ngay cả điều đó cũng khiến tôi học được rất nhiều. Trở lại với chuyện đố kỵ, đúng như thầy nói trong mỗi chúng ta luôn có những khoảnh khắc hoặc những tàn tích đố kỵ nào đó, ngay cả khi chúng ta không phải là mẫu người đố kỵ. Vậy khi nó khởi lên hoặc chuẩn bị khởi lên, chúng ta phải làm gì?
Phương pháp của vị thiền sư nói trên là Chánh niệm, tức là tự quan sát và tự điều chỉnh. Tôi mạn phép bổ sung thêm 1 phương pháp nữa, vừa mang tính chất tâm lý học, vừa mang tính chất Phật học. Và tôi tạm gọi đấy là phương pháp “tận cùng nhân quả”.
Tại sao chúng ta đố kỵ?
Tại vì ta hay nhìn vào những cái hơn của người khác: chức tước hơn, tiền bạc hơn, thành tựu hơn. Rồi ta băn khoăn: tại sao họ cứ hơn ta mãi thế? Tại sao họ có mà ta không có? Tại sao họ được mà ta không được?
Tôi đã nhìn rất sâu vào những người hơn tôi. Và tôi nghĩ rằng những gì họ có luôn là kết quả tất yếu của một nguyên nhân nào đó. Mà nguyên nhân đó không chỉ đến từ những nỗ lực, sự may mắn của họ trong kiếp này. Nó còn đến từ nhiều phúc phận của họ từ nhiều kiếp trước. Chẳng có gì ngẫu nhiên cả. Cái gì cũng có lý do của nó, cả lý do hữu hình lẫn lý do vô hình.
Bạn sẽ thắc mắc: cậu bạn ngày xưa đi học cùng mình, nỗ lực bằng mình, trí tuệ bằng mình, thế mà cậu ấy giờ làm quan chức, còn mình cứ mãi lật đật, khó khăn. Thế là bạn than vãn: cuộc đời mới bất công làm sao! Than vãn như thế là mới chỉ nhìn nhận, so đọ ở kiếp này, chứ chưa nhìn nhận sâu hơn vào tiền kiếp.
Chẳng hạn ở các kiếp trước, căn cứ vào những cái nghiệp được gieo ra, cậu bạn chỉ bị trừ 20 điểm nghiệp, nhưng bạn lại bị trừ 50 điểm nghiệp. Thành thử kiếp này, cùng một trí tuệ, cùng một nỗ lực, cùng một cố gắng ở mức 50 điểm, nhưng tương tác với số điểm bị trừ ở kiếp trước, cậu bạn vẫn dư ra 30 điểm, trong khi đó số điểm của bạn là 0.
Hiểu điều đó, bạn sẽ không thấy đời bất công.
Hiểu điều đó, bạn sẽ không đố kỵ.
Hiểu điều đó, bạn sẽ ý thức được rằng: Cậu bạn nỗ lực 1 thì mình phải nỗ lực gấp 2,3 lần.
Tất cả chúng ta đều được cộng/trừ điểm nghiệp từ nhiều kiếp trước. Chúng ta không thể thay đổi được những điểm số đó. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những điểm nghiệp lớn hơn ở kiếp này, từ đó tạo ra kết quả ngay trong kiếp này. Nếu kiếp trước bị trừ nhiều điểm quá thì kiếp này phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Đơn giản vậy thôi.
Thay vì hiểu ra bản chất sâu thẳm đó, chúng ta lại đi ăn thua - đố kỵ (ý nghiệp) thậm chí lại đi trách móc, nói xấu, bôi nhọ (khẩu nghiệp), tồi tệ hơn nữa là tìm cách phá hoại (thân nghiệp) thì chúng ta lại càng bị trừ nhiều điểm nghiệp hơn, và kiếp sau của chúng ta càng khó khăn hơn.
Tôi viết tất cả những điều này, vào ngày đi làm đầu tiên của năm 2023 dương lịch cũng chỉ để tự răn mình thôi. Tuyệt đối không dám áp đặt lên bất cứ ai. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một buổi sáng trong trẻo bên ly cà phê, để được nghĩ và được viết.
Chỉ thế thôi đã là một ân huệ vô lượng rồi!