Kiến thức
Phải thường tụng những bộ kinh nào, trì chú gì và niệm danh hiệu Phật nào?
Thứ năm, 25/08/2022 02:41
Trong Phật giáo, người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa thể gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì Chú và niệm Phật.
1. Các kinh thường tụng
Phàm là kinh Phật thì bộ nào tụng cũng được cả, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.
Nhưng vì căn cơ của chúng ta không đến, nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của chúng ta mà đọc tụng.
Thông thường, các Phật tử Việt Nam, từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Di Ðà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Ðịa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa…
Nhiều người có quan niệm, chọn bộ kinh cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp để tụng, như lúc:
a) Cầu siêu thì tụng kinh Di Ðà, Ðịa Tạng, Vu Lan…;
b) Cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư…;
c) Cầu tiêu tai và giải bịnh thì tụng kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm…;
d) Cầu sám hối thì tụng Hồng Danh.
Cái quan niệm lựa chọn như thế cũng có phần hay là làm cho tâm chuyên nhất sẽ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không nên quên rằng về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu chí tâm trì tụng, thì kết quả cũng đều mỹ mãn như nhau cả.
2. Các chú thường trì
Ở chùa, chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, trì chú Lăng Nghiêm, Ðại Bi, Thập chú hay Ngũ bộ chú v.v… Còn ở nhà, phần nhiều cư sĩ trì chú Ðại Bi và Thập chú, bởi hai lẽ: một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình; hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vận, trắc trở khó đọc, khó thuộc. Nhưng nếu cư sĩ nào có thể học hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt.
3. Các hiệu Phật thường niệm
Ðức Phật nào cũng đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sinh vô cùng vô tận, nên chỉ niệm danh hiệu một đức Phật nào cũng đều được cảm ứng đến tất cả chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên.
Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh mà luận, thì hiện nay, chúng ta là người ở thế giới Ta-bà, nhằm quốc độ của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên chúng ta phải niệm danh hiệu của Ngài. Dụ như dân chúng ở trong nước nào, phải nhớ nghĩ đến ơn nhà cầm quyền chính trị sáng suốt ở trong nước đó.
Nếu tín đồ nào tu theo pháp môn Tịnh độ, thì thường ngày phải niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Ðà. Pháp môn này được thành lập do lời dạy sau đây của đức Phật Thích-Ca: “Ở cõi thế giới Ta-bà này, đến thời kỳ mạt pháp, cách Phật lâu xa, chỉ có pháp “Trì danh niệm Phật”, cầu vãng sinh về Tây phương cực lạc là quốc độ của đức Phật A Di Ðà, thì dễ tu dễ chứng hơn hết”.
Ngoài ra, cũng có người niệm danh hiệu đức Phật Di Lặc, để cầu sinh về cõi trời Ðâu-Suất; hoặc niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, để cầu cho khỏi tật bịnh.
Tóm lại, tín đồ phải niệm đủ Tam thế Phật:
a) Niệm đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, là niệm đức Phật hiện tại, mà cũng là đức Phật giáo chủ của chúng ta.
b) Niệm đức Phật A Di Ðà, là niệm đức Phật đã thành từ quá khứ xa xưa, mà cũng là đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực lạc.
c) Niệm đức Phật Di Lặc, là niệm đức Phật vị lai.