Hỏi - Đáp

Phân biệt tâm thật và tâm giả

Thứ bảy, 20/01/2022 05:37

Một chúng sinh muốn tu thành Bồ tát hay thành Phật đều phải nhận ra được chân tâm của chính mình. Vậy chân tâm là như thế nào?

 Hỏi: Một chúng sinh muốn tu thành Bồ tát hay thành Phật đều phải nhận ra được chân tâm của chính mình. Vậy chân tâm là như thế nào?

unnamed(1)

Quay về chân tâm

Đáp: Thân thể của con người gồm có hai phần vật chất và tinh thần, mà danh từ chuyên môn trong đạo Phật gọi là Danh và Sắc. Phần vật chất (Sắc) gồm có: lông, tóc, móng, da, thịt, gân, xương và thân, đầu, tứ chi. Thành phần vật chất này do nhiều thứ hợp lại như thế, cho nên mong manh tạm bợ, không thật sự bền chắc và một ngày nào đó sẽ tan rã. Dù chúng ta cố gắng lo cho thân này ăn ngon, mặc đẹp và ở sang, nó cũng bỏ ra đi mà không một lời từ giã. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật nói rằng:Thân này chẳng bao lâuSẽ vùi sâu lòng đất,Như cây khô, khúc gỗVứt bỏ vì vô tri.

Về phần tinh thần hay còn gọi là phần tâm thức (Danh) bao gồm: Cảm thọ (Thọ), Suy tưởng (Tưởng), Phân biệt (Hành) và Nhận thức (Thức). Người không học Phật từ lúc sinh ra cho đến khi già chết không bao giờ biết được sự duyên hợp tạm bợ của bốn yếu tố đó để tạo thành một cái mà muôn người như một đều chấp nhận là tâm của mình. Từ sáng cho đến tối, chúng ta cứ bám chấp vào những sự suy nghĩ và những cảm thọ buồn, thương, giận, ghét, hơn thua, phải quấy là mình. Trong đạo Phật có chia hai loại tâm: một tâm thì luôn luôn sinh diệt biến đổi không ngừng là tâm giả hay ngụy tâm và một tâm thì lặng lẽ thường biết, không bị biến đổi, đó mới là cái tâm thật hay chơn tâm. Người xưa nói: “Biển cả khô rồi còn thấy đáy. Người đời đến chết chẳng biết tâm”. Nghĩa là sau này khi đến kiếp Hỏa, sự xuất hiện cùng một lúc của bảy mặt trời sẽ làm cho tất cả mọi lượng nước ở trong các biển lớn bị khô cạn và cuối cùng toàn bộ quả địa cầu bị đốt cháy thành tro, mà người đời cũng không biết được tâm là cái gì, huống nữa là chơn tâm. Muốn nhận ra và hằng sống với chơn tâm này không phải là việc dễ dàng, bởi vì chúng ta luôn luôn sống với cái tâm biến đổi giả dối.

Tại sao gọi là tâm giả? Giả là vì sự hiện diện của nó là do vay mượn từ nhiều thứ và liên tục bị biến đổi. Trái lại, tâm thật thì luôn thường hằng, không biến đổi và cũng không vay mượn. Ví dụ, từ trước hai người bạn chơi với nhau rất thân, nhưng một hôm nào đó một người nói nặng một câu đụng chạm tới ‘cái Ta’ hay làm một hành động trái ý nghịch lòng người kia, thì mới buổi sáng còn nhỏ nhẹ, thân thiết với nhau mà đến chiều chẳng buồn nói một câu và thậm chí không thèm nhìn mặt nhau nữa. Vậy cái tâm thương yêu lúc buổi sáng và cái tâm buồn giận lúc buổi chiều, cái nào là tâm thật? Những cái tâm chợt có chợt không, biến đổi liên tục như thế không phải là tâm chân thật. Chỉ vì mọi người luôn chạy đuổi theo những tâm giả đó suốt cả ngày, cho nên khi thì vui lúc thì buồn, khi sướng lúc khổ thay đổi thất thường, cho nên lúc nào cũng đau khổ. Ví dụ, tiền để trong tủ sắt khóa thật kỹ, nhưng trong một đêm bị ăn trộm cạy tủ lấy đi hết, lúc đó trong lòng buồn khổ bỏ ăn quên ngủ. Hoặc như mình đang trẻ khỏe như vậy, nhưng hôm nào đi khám bác sĩ nói bị ung thư, thì lúc đó đang vui liền hóa buồn. Như vậy, tất cả sự biến đổi đều đưa đến khổ đau. Trong kinh, đức Phật đã hỏi các vị Tỳ-kheo:

– Các thầy thấy thân này là thường hay vô thường?

Các vị Tỳ-kheo đáp rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Thân này là vô thường.

Đức Phật hỏi tiếp:

– Vậy vô thường là khổ hay vui?

Các vị Tỳ-kheo đáp rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Vô thường là khổ.

Rõ ràng, vô thường là biến đổi bất ngờ và liên tục. Hễ có biến đổi là có khổ đau, càng sống với cái biến đổi thì chúng ta càng đau khổ. Tâm của chúng ta thường do các duyên bên ngoài tác động hoặc vay mượn mà nó không tự hiện khởi hay biến đổi. Ví dụ, ngồi xem tivi đến đoạn hài kịch thì cười ha hả và khi đến đoạn bi kịch thì lấy khăn lau nước mắt. Nếu xét kỹ thì thấy rằng trước khi xem tivi thì chúng ta không có cười hay khóc. Như vậy cười hoặc khóc là do cảnh duyên bên ngoài tác động tạo ra, còn tâm của chúng ta vốn bình thường tỉnh sáng, không có cười khóc hay vui buồn. Sự cười hoặc khóc, vui hoặc buồn đó không có thật chỉ do duyên tác động và bất ngờ thoáng hiện lên rồi tan mất. Nhưng vì chúng ta si mê, nhìn nhận nó là thật cho nên cứ chạy theo cảnh duyên bên ngoài mà khổ đau mãi.

Sau khi đã biết được tâm giả, bây giờ nói về tâm thật hay là chân tâm. Nó là cái thường hằng, không bị biến đổi hay vay mượn từ những nhân duyên ở bên ngoài, luôn sáng suốt và biết rõ tất cả. Ví dụ, khi được mọi người trong đạo tràng nêu tên hoan nghênh mình tu giỏi, chắc chắn được vãng sinh, lúc đó trong lòng khởi sự vui mừng, thì liền “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật” và trở về với tâm bình thường an nhiên. Như vậy cái thường biết sáng suốt, lúc buồn biết buồn, khi vui biết vui, biết rõ lúc được khen, lúc bị chê, nhưng vẫn giữ tâm như nhiên bình thường, không dao động, vẫn chánh niệm trong danh hiệu Phật, thì đó là tâm chân thật của mình thường biết sáng suốt. Tất cả cảnh duyên đến như thăng trầm, vinh nhục, được mất, khen chê, tốt xấu đến mà chúng ta không bị lung lay dao động vẫn tĩnh giác, sáng suốt giữ một câu A Di Đà Phật. Thường giữ được sự an nhiên tĩnh lặng như vậy là thấy được tâm bất biến giữ muôn ngàn biến đổi và từ đó đi sâu vào các tầng thiền định cao hơn và thể nhập tâm mình với chư Phật, Bồ tát.

loading...