Kiến thức
Pháp lành không buông lung
Chủ nhật, 23/12/2022 02:02
Buông lung là lối sống buông thả, phóng túng, chạy theo ham muốn dục vọng, thỏa mãn sở thích mà không màng đến hậu quả tổn mình và hại người.
Như trâu bò chưa xỏ mũi, như ngựa chưa thắng yên cương chúng sẽ đi đâu tùy thích, cũng vậy người sống không có kỷ luật, không tuân theo giới luật, không thuận hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, thích gì làm nấy gọi là buông lung. Buông lung bản thân, buông thả dục vọng, không biết kiềm chế, chẳng biết dừng lại đúng lúc đó là cội nguồn của mọi tai họa. “Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: “Có hay không một pháp mà được tu tập, tu tập nhiều, trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ; sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ?” Nghĩ vậy rồi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, một mình con ở chỗ yên tĩnh, tự nghĩ: “Có hay không một pháp mà được tu tập, tu tập nhiều, trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ; sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ?”.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
- Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Có một pháp mà được tu tập, tu tập nhiều, trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ; sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ. Đó là pháp lành không buông lung. Pháp lành không buông lung mà được tu tập, tu tập nhiều, trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ; sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ.
Đại vương, thí như những công nghiệp đồ sộ được tạo ra ở thế gian, chúng đều nương vào đất mà được kiến lập. Pháp lành không buông lung cũng lại như vậy, được tu tập, tu tập nhiều thì trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ; sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ…
Cho nên, Đại vương nên trụ vào không buông lung; nên nương vào không buông lung. Sau khi trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung thì phu nhân sẽ nghĩ: “Đại vương đã trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung, nay ta cũng nên như vậy, trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung”. Phu nhân đã như vậy, đại thần, thái tử, mãnh tướng cũng như vậy. Cũng vậy, nhân dân trong nước cũng sẽ nghĩ: “Đại vương đã trụ vào không buông lung, phu nhân, đại thần, thái tử, mãnh tướng đã trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung, chúng ta cũng như vậy, nên trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung”. Đại vương, nếu người nào trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung, thì có thể tự hộ. Phu nhân, thể nữ cũng có thể tự bảo vệ và kho tàng của báu sẽ tăng lên thật nhiều.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ: Xưng tán không buông lung/ Chê bai sự buông lung/ Đế Thích không buông lung/Làm chúa trời Đao-lợi/ Xưng tán không buông lung/ Chê bai sự buông lung/ Có đủ không buông lung/ Thâu giữ gồm hai nghĩa/ Một hiện tại được lợi/ Hai đời sau cũng vậy/ Đó gọi là hiện quán/ Của người trí sâu xa.
Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ làm lễ ra về.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1239)
Như mặt đất là nền tảng cho mọi công trình xây dựng, cũng vậy không buông lung là nền tảng cho mọi thiện pháp. Không buông lung là thiết lập sự cân bằng trong mọi phương diện đời sống. Từ ăn uống, nói năng, ứng xử, làm việc, suy nghĩ… cần được kiểm soát, chuẩn mực, quân bình. Mọi thứ mọi việc nếu thái quá hay bất cập đều không có lợi. Tu tập chánh niệm, tỉnh giác, tuân giữ giới luật (pháp luật và các nguyên tắc đạo đức) là cơ sở để làm chủ thân tâm, thiết lập thăng bằng.
Theo Đức Phật, không buông lung là người có trí. Nếu mỗi người, từ vua quan cho đến dân, mọi thành phần xã hội đều học hạnh không buông lung thì bản thân được an vui, gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định, đất nước phú cường.