Kiến thức

Pháp môn niệm Phật đưa đến tỉnh thức và nhất tâm

Thứ năm, 26/02/2024 09:30

Nếu trong tâm không có Phật, chỉ trên miệng có Phật thì cũng như không, nhất định trong tâm phải có Phật. Trong tâm có A Di Đà Phật rồi, thì quán tưởng thực hành sao cho xứng với tâm của Phật, để cho tâm hành giả với tương ưng với Phật A Di Đà.

Đại Sư Ấn Quang, Tổ thứ mười ba Liên Tông khai thị: “Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình, lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu, không để gián đoạn, hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm. Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác, nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay…”.

Như vậy, lời khai thị của Đại Sư Ấn Quang đã chỉ rất rõ rằng, khi niệm Phật phải liên tục không gián đoạn, phải hành thiện tích đức, thực hành pháp nhẫn nhục, pháp tinh tấn.v.v…. Giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, chuyên nhất niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Tu tập như vậy hành giả cũng đang thực hành đúng với tông chỉ của Tịnh Độ là Tín, Nguyện và Hành, để đạt tới nhất tâm bất loạn.

Từ chỗ này cho chúng ta thấy, niệm Phật chỉ niệm ở miệng thì không hữu dụng. Bởi chữ “niệm” trong văn tự Trung Quốc là phù hiệu của trí tuệ, chữ “niệm” bên trên là chữ “kim”, phía dưới là chữ “tâm”. Ý nghĩa của chữ “niệm” là phải từ trong tâm, trên tâm hiện tại có Phật thì gọi là niệm Phật. Như vậy, niệm Phật không chỉ là miệng niệm Phật, mà trong tâm phải thật có Phật. Nếu trong tâm không có Phật, chỉ trên miệng có Phật thì cũng như không, nhất định trong tâm phải có Phật. Trong tâm có A Di Đà Phật rồi, thì quán tưởng thực hành sao cho xứng với tâm của Phật, để cho tâm hành giả với tương ưng với Phật A Di Đà.

Cũng có người hỏi, có rất nhiều người không có văn hóa, người không được đi học, cũng không có nghe Kinh, Phật lý, thế gian lý họ đều không hiểu thứ gì, thế nhưng niệm Phật không được bao lâu thì họ chân thật vãng sanh, Phật tiếp dẫn họ đi rồi, việc này là thế nào vậy? Tỉ mỉ quán sát họ, thì ra ý nghĩa hàm chứa trong câu “A Di Đà Phật”, họ thảy đều làm được rồi, cho nên họ có thể vãng sanh. Họ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không có tự tư tự lợi, không có phải quấy nhân ngã, không có tham-sân-si-mạn, đối nhân xử thế tiếp vật là một mảng từ bi. Việc này tuy là họ chưa học qua, thế nhưng họ khởi tâm động niệm liền tương ưng với Phật.

Pháp môn niệm Phật theo Kinh A Di Đà

411677568_388204106934852_9098607228222212502_n

Có Tám Điều Cốt Yếu:

1. “Vì sự sanh tử, phát lòng Bồ-đề”, là đường lối chung của người học đạo.

2. “Dùng tín, nguyện sâu trì danh hiệu Phật, là chánh tông của môn Tịnh độ.

3. Lấy sự nhiếp tâm chuyên chú mà niệm, làm phương tiện dụng công.

4. Lấy sự chiết phục phiền não hiện hành làm việc yếu tu tâm.

5. Lấy sự giữ chắc bốn trọng giới làm căn bản vào đạo.

6. Dùng các thứ khổ hạnh làm trợ duyên tu hành.

7. Lấy nhất tâm bất loạn làm chỗ quy túc của môn Tịnh độ.

8. Lấy các điềm lành làm chứng nghiệm cho sự vãng sanh.

Mười Điểm Thiết Yếu Của Pháp Môn Niệm Phật:

1- Niệm Phật phải vì thoát sanh tử.

2- Niệm Phật phải phát lòng Bồ-đề.

3- Niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi.

4- Niệm Phật phải quyết định nguyện vãng sanh.

5- Niệm Phật phải hành trì cho thiết thực.

6- Niệm Phật phải đoạn tuyệt phiền não.

7- Niệm Phật phải khắc kỷ cầu chứng nghiệm.

8- Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn.

9- Niệm Phật phải an nhẫn các chướng duyên.

10- Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ phẩm hai mươi bốn nói đến Ba bậc vãng sinh là bậc thượng, bậc trung và bậc hạ, để phân loại kẻ phàm phu sau khi đã vãng sinh về Tịnh Độ. Nguyện hạnh, công đức của từng bậc chính là khuôn phép để chúng ta noi theo cầu vãng sinh. Nếu lòng chân thành cầu được vãng sinh thì phải tuân theo khuôn phép đó. Phải biết rằng pháp môn Tịnh Độ được xưng tụng là Dị Hành (đạo dễ hành), vì so với tám vạn bốn ngàn pháp môn mà nói, thì chỉ có pháp môn này là dễ tu nhất nên mới gọi là “dị hành đạo”. Nếu xét như trong Kinh đã dạy thì việc vãng sinh cũng chẳng phải là dễ. Nếu chẳng thật vì sinh tử mà phát tâm Bồ Đề, dùng tín nguyện sâu một dạ chuyên niệm mong cầu vãng sinh Cực Lạc thì khó có thể vãng sinh được.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy: “Muốn sanh về nước Cực Lạc thì nên tu ba phước: Một là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp. Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Đề Tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, siêng năng tinh tấn tu hành. Ba sự ấy gọi là Tịnh nghiệp.

Phật bảo Vi Đề Hy: Người biết hay chăng? Ba thứ nghiệp ấy chính là chánh nhân tịnh nghiệp của quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật.”

Lại có ba hạng chúng sinh sẽ được vãng sinh. Những gì là ba: “Một là từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh. Hai là đọc tụng kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa. Ba là tu hành sáu niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sinh cõi ấy. Đầy đủ các công đức đó trong một ngày cho đến bảy ngày thì được vãng sinh.”

Trong phẩm thứ hai mươi lăm Kinh Vô Lượng Thọ - Chánh nhân vãng sinh. Đức Phật dạy: “Lại này A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh điển này, thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường liên tục ngày đêm, cầu sinh cõi kia, phát Bồ Đề tâm, trì các cấm giới, giữ vững chẳng phạm, lợi lạc hữu tình, các thiện căn đã làm đều đem thí cho ( hữu tình ) khiến họ được an lạc, ức niệm A Di Đà Phật ở phương Tây và cõi nước kia thì người ấy lúc mạng chung sẽ đắc sắc tướng như Phật, các thứ trang nghiêm, sinh trong ba cõi báu, chóng được nghe pháp, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển.

loading...