Kinh Phật
Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (1)
Thứ bảy, 02/02/2021 03:04
Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.
Pháp ngữ là gì?
Pháp là Phật pháp, ngữ là lời văn, câu cú. Pháp ngữ là lời pháp, câu pháp hay những khẩu khí, pháp khí đặc biệt trong kinh Kim Cang. Nhà thiền có công án thì Kim Cang cũng có những khẩu khí đánh mạnh vào tâm thức, giúp chúng ta thấu triệt bản thể vốn có của tự tánh, chứng nghiệm Phật tánh chân không. Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.
Mỗi kinh có mỗi phong cách pháp ngữ khác nhau để chúng ta nhớ về kinh đó. Như nói đến Bát Nhã Tâm Kinh thì chúng ta sẽ nhớ liền pháp ngữ: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Pháp ngữ trong kinh Pháp Hoa mà chúng ta thường biết như: “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”, “Chúng con không khinh các ngài đâu vì các ngài sẽ là những vị Phật tương lai”.
Ấn phẩm cổ nhất thế giới: Kinh Kim Cang
Pháp ngữ trong kinh Lăng Nghiêm như: “Mười kiến tinh: Kiến tinh là tâm linh giác, Kiến tinh bất động…” , “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”, “Tánh sắc chân không, tánh không chân sắc, bản nhiên thanh tịnh cùng khắp pháp giới. Theo tâm chúng sanh, ứng với lượng hay biết, tuỳ chỗ phát hiện. Chúng sanh không biết lầm cho là nhân duyên hay tự nhiên. Đều là những so đo phân biệt của ý thức, chứ không có nghĩa chân thật”.
Trong kinh Duy Ma Cật nổi bật khẩu khí của bồ tát Duy Ma Cật: “Vì chúng sanh bịnh nên tôi bịnh. Nếu chúng sanh không bịnh thì tôi sẽ không bịnh” và nhiều kinh khác. Như vậy, tùy sự hiểu đạo và cảm xúc, mỗi hành giả có thể chọn cho mình những pháp ngữ tâm đắc để hướng tâm linh của mình và người thăng hoa giác ngộ.
Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang
Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba la mật có nhiều pháp ngữ. Mỗi pháp ngữ là mỗi khẩu khí phá tan sương mù của các tướng vô minh để chúng ta trở về với thật tướng Bát Nhã chân không của kinh Kim Cang. Mỗi pháp ngữ là giúp chúng ta nhận ra thói quen ngu si từ vô thủy hay nắm giữ các tướng hư vọng của ta, người, chúng sanh, thọ giả. Mỗi pháp ngữ giúp chúng ta nhẹ nhàng trở lại với trí tuệ Kim Cang Bát Nhã vốn có của mình giữa cuộc đời này.
1. AN TRỤ TÂM VÀ HÀNG PHỤC TÂM
Bấy giờ, Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch áo bên vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay, bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thời phải an trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào?"
Đức Phật bảo ngài Tu-Bồ-Đề: "Các vị đại Bồ-tát phải hàng-phục tâm mình như thế này: bao nhiêu những loài chúng-sanh, hoặc là loài noãn-sanh, hoặc loài thai-sanh, hoặc loài thấp-sanh, hoặc loài hóa-sanh, hoặc loài có hìnhsắc, hoặc loài không-hình-sắc, hoặc loài có-tư-tưởng, hoặc loài không-tư-tưởng, hoặc loài chẳng-phải-có-tư-tưởng, mà cũng chẳng-phải-không-tư-tưởng, thời Ta đều làm cho được diệt-độ, và đưa tất cả vào nơi vô-dư niết-bàn.
Câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề là làm sao an trụ được tâm và làm sao hàng phục được tâm? Như vậy ngài hỏi an trụ trước và sau đó là hàng phục tâm, nhưng chúng ta thấy Đức Phật rất sáng suốt và hợp lý khi ngài trả lời hàng phục trước rồi an trụ sau. Vì có hàng phục dẹp được giặc phiền não rồi thì mới có cư trú thanh bình an cư lạc nghiệp được.
1.i. Hàng phục vọng tâm
Đáp lời của tôn giả Tu Bồ Đề, Đức Phật trả lời về cách hàng phục tâm như sau: tâm tư của mỗi chúng ta hay sôi nổi, nay thiện mai ác, nay vui mai buồn, nay giận mai hờn, thăng trầm lên xuống với những vọng tưởng đảo điên, kéo chúng ta đọa lạc trong sáu đường8 . Ví dụ như bây giờ đang ngồi ở cõi người nhưng không biết ngày mai chết sẽ đi về cõi nào? Một chút tâm tham, sân và si không khéo sẽ kéo chúng ta về địa ngục, ngạ quỹ và bàng sanh, bởi lẽ Đức Phật dạy: “Tơ hào vọng niệm tam đồ nghiệp nhân” (còn chút tơ hào nào vướng vào tham sân si là nghiệp nhân ba cõi của địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh đang chờ bên cạnh). Kinh Địa Tạng dạy: “Cõi Diêm Phù Đề này nhất cử, nhất động đều tạo tội”, cho nên chúng ta phải cẩn trọng thân khẩu ý của mình.
Nếu muốn hàng phục tâm thì phải phát nguyện độ tất cả mười loài chúng sanh. Ở đây, Đức Phật cẩn thận dùng chữ “tất cả chúng sanh” nghĩa là độ đủ cả mười loài chúng sanh9 không bỏ sót một loài nào.
Tư tưởng thiền học trong Kinh Kim Cang
a. Mười Loài Chúng sanh
i. Noãn sanh: từ trứng sanh là do tưởng mà sinh. Ví dụ như gà mái đẻ trứng và sau đó dùng hơi ấm của mình để ấp trứng. Suốt ngày, gà mái luôn suy tưởng: "Gà con của mình sắp ra đời". Do tưởng như vậy và khi hơi ấm đủ ngày tháng, quả nhiên khiến trứng nở ra gà con. Noãn sanh này gồm cả các loài cá, tôm, rùa, rắn và những loài đẻ trứng.
ii. Thai sanh: từ bào thai do ái tình dục nhiễm mà sanh ra. Nam nữ, đực cái có tình luyến ái, giao hợp với nhau mà thành bào thai. Loài thai sanh bao gồm loài người, rồng, tiên và các giống súc vật như heo, trâu, bò, chó, mèo...
iii. Thấp sanh là từ nơi ẩm thấp do hợp cảm giữa hơi ẩm và khí nóng hợp lại mà sanh ra như các loài côn trùng, lăng quăng, giun sán… sanh nơi ẩm thấp hôi thối dơ dáy.
iv. Hóa sanh là từ biến hóa do ly ứng mà sanh. Ly ứng nghĩa là bỏ hình tướng cũ thay mới, như con tằm hóa bướm, con chuột thành dơi, ruồi, nhặng và các loài thoát xác bay. Địa ngục cũng là một loài hóa sanh.
Bốn loài: noãn, thai, thấp và hóa sanh là do các yếu tố tình, tưởng, hợp, ly mà biến hóa. Chính do mê vọng mà tạo nghiệp nên thọ quả báo. Loài nào theo nhân nấy mà thọ báo khác nhau.
v. Loài có hình sắc: là loài tinh diệu tốt xấu, xuất sinh từ sự hòa hợp các loạn tưởng về các sắc sáng chiếu (loạn tưởng tinh diệu), như các loài đom-đóm, loài trai có ngọc v.v.
vi. Loài không hình sắc là loài sanh từ các yếu tố không, tán, tiêu, trầm, như các tầng trời tứ không, các loài như thần Hư không (thuấn-nhã-đa thần), thần gió, thần nắng.
vii. Loài có tưởng tức là loài không có hình sắc mà chỉ có tư tưởng. Nó ẩn hiện như có như không, phảng phất chẳng có thực chất, như các loại quỷ thần, yêu quái, như thần núi, thần nước, các loại gỗ đá thành tinh, các sơn tinh, thủy quái v.v.
viii. Loài không có tư tưởng là loài có hình sắc mà không tư tưởng, u mê, ngu độn, tinh thần tựa như gỗ, đất, các loại kim thạch.
ix. Loài chẳng phải có tư tưởng: đây chẳng phải là một loại đối lại với loài sanh từ trứng ra - noãn sanh cũng lấy tư tưởng mà truyền lại sanh mạng - mà phát sanh từ sự kết hợp của hai thứ vọng tưởng, đem cái của người chấp là của mình, cùng nhau tráo trở, tỷ như trường hợp con tò-vò mà nuôi con của con sâu minh-linh. Minh linh là loài sâu ở đọt dâu, con tò vò thì giống loại ong có eo thắt lại. Tò vò kiếm đất làm tổ, nuôi con sâu minh linh ở bên trong, khấn rằng: "Loại ngã! Loại ngã!" nghĩa là "giống như ta." Bảy ngày sau quả nhiên con sâu hóa ra con của tò vò. Cái đó chính là chẳng phải có tư tưởng, do hai thứ khác nhau lẫn lộn mà thành. Nguyên do bởi kiếp xưa chuyên nghề đi lấy tài vật của người khác, đem về làm của mình, nên mới chịu quả báo đó.
x. Loài chẳng phải không có tư tưởng là nói về loại mang nhiều oán hận từ trước, muốn kiếm sự báo thù, như loài chim kiêu (con chim ưng đầu mèo, tục kêu là chim bất hiếu) bám vào ổ đất để sanh con, khi con lớn lên thì con ăn thịt mẹ. Lại còn một loại muông thú nữa là con phá kính, nuôi con đến khi con lớn thì con ăn thịt cha.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Ba đời bốn phương, hòa hợp can thiệp cùng nhau, chúng sinh biến hóa thành 12 loài. Vậy nên trong thế giới này, nhân động có tiếng, nhân tiếng có sắc, nhân sắc có hương, nhân hương có xúc, nhân xúc có vị, nhân vị biết pháp, sáu vọng tưởng càn loạn thành ra nghiệp tính, do đó, 12 cách đối hiện xoay vần mãi mãi. Vậy nên trong thế gian, những thanh, hương, vị, xúc biến đổi cùng tột, đến 12 lần xoay trở lại. Dựa trên những tướng điên đảo, xoay vần đó, nên trong thế giới có những loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng.
A Nan, nhân trong thế giới có hư vọng luân hồi, điên đảo về động, nên hòa hợp với khí, thành ra 84.000 loạn tưởng bay lặn, vì vậy, nên có mầm trứng trôi lăn trong cõi nước: cá chim, rùa, rắn, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, nên hòa hợp với tư, thành ra 84.000 loạn tưởng ngang dọc; vì vậy, nên có bọc thai trôi lăn trong cõi nước; người, súc, rồng, tiên, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có chấp trước luân hồi, điên đảo về thú, nên hòa hợp với noãn, thành ra 84.000 loạn tưởng nghiêng ngửa, vì vậy, nên có tế thi thấp sinh trôi lăn trong cõi nước; nhung nhúc, quậy động, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, nên hòa hợp với xúc, thành ra 84.000 loạn tưởng mới cũ; vì vậy, nên có yết nam hóa sinh trôi lăn trong cõi nước; chuyển thoái, phi hành, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có lưu ngại luân hồi, điên đảo về chướng, nên hòa hợp với trước, thành ra 84.000 loạn tưởng tinh diệu; vì vậy, nên có yết nam sắc tướng trôi lăn trong cõi nước; hưu cửu, tinh minh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tiêu tán luân hồi, điên đảo về hoặc, nên hòa hợp với ám, thành ra 84.000 loạn tưởng thầm ẩn, vì vậy, nên có yết nam vô sắc trôi lăn trong cõi nước; không tán tiêu trầm, các loại đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có võng tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, nên hòa hợp với ức, thành ra 84.000 loạn tưởng tiềm kết; vì vậy, nên có yết nam hữu tưởng trôi lăn trong cõi nước; thần quỷ tinh linh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có ngu độn luân hồi, điên đảo về si, nên hòa hợp với ngoan, thành ra 84.000 loạn tưởng khô cảo; vì vậy, nên có yết nam vô tưởng trôi lăn trong cõi nước; tinh thần hóa làm đất, cây, vàng, đá, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tương đãi luân hồi, điên đảo về ngụy, nên hòa hợp với nhiễm, thành ra 84.000 loạn tưởng nhân y; vì vậy, nên có yết nam, không phải có sắc mà có sắc, trôi lăn trong cõi nước; những giống thủy mẫu, dùng tôm làm mắt, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tương dẫn luân hồi, điên đảo về tính, nên hòa hợp với chú, thành ra 84.000 loạn tưởng hô triệu; vì vậy, nên có yết nam, không phải vô sắc mà vô sắc, trôi lăn trong cõi nước, chú trớ, yếm sinh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có hợp vọng luân hồi, điên đảo về võng, nên hòa hợp với dị, thành ra 84.000 loạn tưởng hồi hỗ; vì vậy, nên có yết nam, không phải có tưởng mà có tưởng, trôi lăn trong cõi nước; những giống tò vò, mượn chất khác thành thân của mình, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có oán hại luân hồi, điên đảo về sát, nên hòa hợp với quái, thành ra 84.000 tư tưởng ăn thịt cha mẹ; vì vậy, nên có yết nam, không phải vô tưởng mà vô tưởng, trôi lăn trong cõi nước; như con thổ kiêu, ấp khối đất làm con, và chim phá kính, ấp quả cây độc làm con, con lớn lên, thì cha mẹ đều bị chúng ăn thịt, các loài đầy dẫy.”
b. Độ mười loài chúng sanh
Để hàng phục vọng tâm, Đức Phật dạy chúng ta phải độ mười hay mười hai loài chúng sanh như trên, không bỏ sót một loài nào. Khi chúng ta có duyên gặp loài nào thì phải dùng tâm bình đẳng không phân biệt thân sơ, nhỏ bé, khinh trọng mà hóa độ chúng. Không phải chúng ta độ hết một lúc, một lần hết mười loài mà cứ tùy duyên gặp loài nào độ loài đó. Đây cũng chỉ có nghĩa là tâm của chúng ta phải bình đẳng, đừng phân biệt đây là loài noãn sanh, thấp sanh dơ dáy, con kiến, con trùng bé tí, kia là con người thai sanh quý giá, nên đối với con người thì chúng ta phải lo, còn loại sanh khác con người thì mặc kệ chúng.
Chúng ta không phân biệt loài cao thấp nào hết, bình đẳng nguyện độ tất cả. Tâm bao dung của chúng ta phải bao trùm khắp tất cả. Gặp con kiến là chúng ta lo cho con kiến (đừng giết nó), gặp con sâu là lo cho con sâu (đừng dẫm lên nó). Chúng ta không quản ngại không phân chia. Hôm nay gặp con gà (noãn sanh) chúng ta lo cho nó, mai gặp con bươm bướm (hóa sanh) mình lo cho nó, mốt mình gặp con chim kiêu (loài chẳng phải không có tư tưởng) chúng ta giúp được gì cho mười loài chúng sanh thì tận tình hết lòng bởi vì tất cả mười loài (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng) đều nằm trong bản nguyện độ sanh của mình. Ngay cả loài vi trùng thấp sanh nhỏ nhít, nó làm cho con người bị bịnh lao, bịnh ung thư, nhưng chúng ta vẫn phải kết duyên bồ đề và hóa độ chúng, chứ đừng nghĩ nó là loài nhỏ nhít, hại người, thôi bỏ mặc nó, thôi đừng độ, cứ độ loài người là đủ, hoặc độ cho ai mà dễ thương ưu ái với mình thôi.
Như thế sẽ không thế nào hàng phục được vọng tâm. Ý của Đức Phật là chúng ta độ từ từ và tùy duyên, chứ không phải Phật bắt chúng ta phải độ một lúc, độ xong tất cả mười loài rồi mới được thành Phật. Chủ yếu là chúng ta phải có tâm mở rộng đối với tất cả, phải phát nguyện độ cho tất cả, nhất là những ai hữu duyên đến với mình. Chúng ta không phải chỉ làm phước cho mười loài có chén cơm, manh áo là đủ mà phải độ cho chúng thoát kiếp khổ lâu dài, thoát kiếp nghiệp của mười loài chúng sanh để tất cả vào vô dư niết bàn, thành Phật đến nơi đến chốn.
c. Vô Dư Niết Bàn
Niết-bàn nghĩa là tịch diệt, diệt độ, bất sanh, vô vi, hay giải thoát. Theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy, vô dư Niết bàn là người chứng A-la-hán và nhập Niết bàn rồi, không còn lụy về thân đất nước gió lửa nữa (vô là không, dư là còn xót lại thân). Hễ còn thân mà chứng A-la-hán thì gọi là hữu dư niết bàn. Theo đại thừa, vị thánh chỉ mới thoát luân hồi sanh tử thôi thì niết bàn ấy gọi là hữu dư (dư là chưa đủ, hãy còn thiếu sót). Vô dư là niết bàn của các bậc chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác như Đức Phật, bởi lẽ các ngài đã hoàn toàn sử dụng được các diệu dụng của tánh Phật để độ sanh rồi và trở về với tự tánh thanh tịnh Niết bàn (ai cũng có đủ). Chẳng những hết luân hồi sinh tử mà các ngài còn sử dụng được tánh Phật thường trụ ở khắp mười phương để độ sanh (vô trụ xứ Niết bàn), nên niết bàn ấy mới gọi là vô dư. Kim Cang Bát Nhã là kinh đại thừa với tâm nguyện độ hết mười loài chúng sanh nhận tánh Phật của mình để vào vô dư niết bàn.
Khi nghe ngài Tu Bồ Đề hỏi về hàng phục vọng tâm, chúng ta nghĩ là hàng phục phiền não, là việc tu tập của tâm, ở bên trong tâm ta. Nhưng ở đây, Đức Phật lại bảo chạy ra bên ngoài để độ những chúng sanh ở bên ngoài. Lời Phật dạy tựa như mâu thuẫn mà thật ra không có mâu thuẫn lạc đề, trái lại rất sâu sắc uyên áo. Tâm chúng ta có đủ mười pháp giới là bốn thánh và sáu phàm nên chúng ta phải độ hết. Chúng ta phải độ hết sáu tâm phàm độc ác của mười loài ấy và gieo bốn giống thánh nhân ấy. Do giữ năm giới và còn ái dục nên được làm người; do bố thí làm phước, giữ mười giới nên sanh cõi trời; do sân hận thù ghét, phạm ngũ nghịch nên còn cõi địa ngục; do kiêu ngạo sát hại nên còn cõi A-tu-la; do tư tưởng u ám mới có ma quỹ; do thiếu nợ nên làm thân súc sanh, nên từ tâm tham sân si mà còn mười loại chúng sanh trong sáu cõi phàm. Ngược lại, nếu biết giác tỉnh, tu tập từ bi, hỉ xả thì sẽ xây dựng các quả thánh A-la-hán, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật.
d. Mười cảnh giới của Tâm
(Còn tiếp)