Kinh Phật

Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (3)

Thứ bảy, 05/02/2021 02:00

Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.

2. Không trụ nơi nào mà sinh tâm (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm)

Đức Phật dạy: Này các vị đại Bồ-tát, phải nên sinh tâm thanh-tịnh như vầy: chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sinh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, và pháp, mà sinh tâm, nên "không-chỗ-trụ-trước" mà sinh tâm thanh-tịnh kia.

Một đoạn khác: Bồ-tát phải rời lìa tất cả tướng, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Chẳng nên trụ-trước nơi sắc mà sinh tâm, chẳng nên trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sinh tâm. Nên sinh tâm không trụ-trước vào đâu cả.

Đức Phật dạy chúng ta phải có trí tuệ Kim Cang Bát Nhã, không vướng mắc vào sáu trần, không trụ nơi đâu mà sinh tâm. Đối với những hình tướng, những vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh thì không chấp là ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta xúc, ta biết, đó là những chấp ngã. Khi thấy sắc là pháp, không chấp có ta thấy, không chấp những hình sắc là thật. Khi nghe âm thanh, cái ngã đã không thì âm thanh là những pháp ta nghe đâu có thật. Khi ngữi, cái ta ngữi đã không thì các pháp hương thơm, mùi hôi đâu không có thật. Khi nếm, các pháp ngọt chua, mặn lạt cũng đâu có thật; các pháp nóng, lạnh cũng không thật; các pháp trần bóng ảnh suy nghĩ tốt xấu cũng không có. Sự suy nghĩ đã là không thì những tốt xấu, phải trái, những vật này kia mà cái ta thấy biết đó, tất cả đâu có thật. Như vậy cả sáu căn và sáu trần đều không thật. Khi biết sáu cảnh sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp hiện lên ở nơi sáu căn của mình là cái không thật, gọi là không chấp pháp. Khi biết không có thân, có vọng tâm, có vọng thức là mình thì gọi là không chấp ngã.

Khi nào đối với thân, tâm, cảnh, chúng ta không chấp trước, nhẹ nhàng buông xả, giữ tâm như như bất động thì đó là Như Lai tạng chứ không có gì lạ cả. Không trụ vào sáu căn, sáu trần và sáu thức mà sinh tâm. Khi tâm đã sáng suốt không còn chấp vào ba thứ vọng đó thì tâm ấy đâu còn gọi là vọng tâm hay vọng thức nữa. Bản thể Như Lai Tạng là thân mình mà cũng ngay tất cả cảnh tượng xung quanh như ngôi chùa, núi đồi, bông hoa, cỏ lá rừng rậm đây. Chúng ta nên thật nhận biết được việc này. Đó là chân lý, là chỗ thấy chỗ biết của các bậc thánh nhân. Đức Phật đã chứng thấy được sự thật này, cho nên ngài đã truyền đạt lại ý này trong kinh Kim Cang và các kinh Đại thừa. Chúng ta học trong kinh đại thừa thì chúng ta hiểu biết và tin tưởng nhưng thãr ra chúng ta chưa có tu, chưa có chứng. Cho nên bây giờ phải tập, khi đối với cảnh, tâm chúng ta phải như như bất động thì đó là Như Lai, chứ không có gì lạ cả.

Hàng ngày tập cửu tưởng quán để thấy minh bạch thân này không phải ta, chỉ là đất nước gió lửa, là bất tịnh. Tập quán mọi người là đất, nước, gió, lửa giả hiện nhưng tất cả vẫn có tánh thật tức là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết đau, biết đớn.

Hàng ngày tập cửu tưởng quán để thấy minh bạch thân này không phải ta, chỉ là đất nước gió lửa, là bất tịnh. Tập quán mọi người là đất, nước, gió, lửa giả hiện nhưng tất cả vẫn có tánh thật tức là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết đau, biết đớn.

Như Lai là các Đức Phật, là các thánh nhân đã tu, đã chứng và ngộ nhập vào Như Lai Tạng. Còn bây giờ chúng ta chỉ mới có học hiểu, rồi nói trên đầu lưỡi, chứ những vô minh tế hoặc, ngũ trược, năm ấm vẫn còn bị bao phủ, chúng ta chưa phá được. Bây giờ chỉ cần tâm chúng ta như như bất động, nghĩa là ngồi yên, không có khởi vọng tưởng nào cả nơi sắc thanh hương vị xúc pháp, không trụ nơi đâu cả mà sinh tâm, nhưng như vậy chúng ta vẫn chưa thành Phật. Hiện tại chúng ta đang còn mê, đang còn trong vòng vô minh thì chúng ta chưa phải thật là Như Lai. Tánh thể là Như Lai nhưng mà còn bị năm lớp vô minh che đậy. Vì vậy, bây giờ phải tập dần không trụ vào các tướng của thân, trần và thức mà sinh tâm tức là tập buông vô minh để về với tánh thể. Ngài Huệ Năng nhân nghe câu pháp ngữ số hai: “Không trụ nơi nào mà sinh tâm” (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm) này mà tâm đắc đốn ngộ thành Lục Tổ. Điều này cho thấy thâm ý của pháp ngữ rất mạnh mẽ giúp chúng ta nhìn thẳng bản thể để kiến tánh thành Phật, chứ đừng trụ một pháp nào mà sinh tâm.

3. Hễ có tướng đều là hư - vọng (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng)

Này Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ sao? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như-Lai chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói thântướng đó chính là chẳng phải thân-tướng."

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Đúng vậy! Phàm hễ có tướng đều là hư-vọng cả!”

Một đoạn khác: "Không chấp lấy nơi tướng, như-như chẳng động?" Bởi vì sao?

Tất cả pháp hữu-vi

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như điện, cũng như chớp.

Hãy quán chiếu như vậy.

3a. Tướng là hư vọng

Trong Phật giáo đại thừa hầu như ai cũng thuộc lòng câu: “Tất cả tướng đều là hư vọng” (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Chúng ta không sống với sự thật mà cứ sống với cái giả. Hiện tại thấy thân này là thân của mình (ngã) rồi thấy các vị xung quanh là bạn bè của mình (pháp). Khi còn thấy có ngã và pháp là chúng ta chưa có công phu định lực, chưa có con mắt của Trí Kim Cang và chưa thấy tất cả chúng sinh đều là tánh Kim Cang Bát Nhã. Chúng ta cứ thấy con kiến là con kiến, con sâu là con sâu, con gà vịt heo là thực phẩm của mình. Thế là chúng ta bắt nạt con gà vịt heo, cưỡng lấy thân mạng của chúng. Thấy con kiến nhỏ thì dí chơi trong khi thấy con voi, con sư tử thì sợ, chạy đi. Đó là chúng ta cho các tướng là thật cả cho nên khởi đủ loại tâm nay sợ mai không sợ, nay yêu mai ghét, nay giận mai hờn. Cứ như vậy cả ngày, cả đời, cả nhiều đời, từ đời này sang kiếp khác, sống với những bóng ảnh, những hình tướng chứ không đi tìm sự thật. Bây giờ hiện tại đời sống của chúng ta là giả cho đến thờ ông Phật cũng bằng giấy, bằng đồng, bằng xi măng cốt sắt là những tướng giả, chớ Phật thật trong tâm thì chúng ta lại quên.

Như Lai nói tất cả tướng không phải là tướng, tất cả chúng sinh không phải là chúng sinh. Tướng là nói về ngã và pháp. Sáu trần là pháp chấp; còn nói về ta, người, chúng sinh, thọ giả là ngã chấp. Mỗi chúng ta bị mây pháp chấp và ngã chấp che mù như bà già mù đi trong rừng xương xọ. Hiện nay chúng ta đang vướng ở chỗ nào? Trong thì chấp ta, người, chúng sinh, thọ giả; ngoài thì vướng mắc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chúng ta phải buông cả ngã chấp và pháp chấp vì tất cả tướng đó chỉ là điện chớp, bóng ảnh mộng huyễn, tạm hiện lên trong chốc lát rồi tan.

Trí tuệ Bát Nhã vô tướng là chân tâm thật của mình.

Trí tuệ Bát Nhã vô tướng là chân tâm thật của mình.

Hàng ngày tập cửu tưởng quán để thấy minh bạch thân này không phải ta, chỉ là đất nước gió lửa, là bất tịnh. Tập quán mọi người là đất, nước, gió, lửa giả hiện nhưng tất cả vẫn có tánh thật tức là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết đau, biết đớn. Tánh ấy không hình, không tướng như hư không, thường trụ khắp pháp giới, đồng thể với Phật. Thân hiện tại là giả hiện do nghiệp báo hiện lên một thời gian như ánh chớp lóa sáng rồi sẽ tan. Thân mình không thật, thân người cũng không thật. Thân con chó, mèo, bướm, sâu và mười loài chúng sinh cũng không thật. Mặc dù thân súc sinh giả hiện như thế, nhưng tánh của nó là thật. Loài vật cũng biết đau đớn như người. Hằng ngày chúng ta tiếp xúc với mọi người, với mọi vật, tập nhận ra sự thật giữa mình, người và mười loài chúng sinh. Phải tập quán tánh bình đẳng, không phân biệt, sống với sự giác tỉnh, sống với tất cả tuệ giác, biết sự thật, không bị đánh lừa, không bị cảnh lôi cuốn, không yêu cũng không ghét khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Cảnh dù hấp dẫn lôi cuốn đến đâu, chúng ta cũng giữ chánh niệm, biết các hình tướng là hư vọng. Gặp cảnh dù trái ý đến đâu, gặp hình tướng dù đẹp đến thế nào, chúng ta cũng nên biết sự thật rằng tất cả là hư vọng mộng huyễn, cho nên cứ một lòng từ bi, hỷ xả đối với mọi vật, mọi người đầy giả huyễn này. Hàng ngày học kinh, chúng ta phải nhớ Đức Phật dạy minh bạch rằng tánh Kim Cang Bát Nhã mới là tánh của mình, còn những hình tướng hiện tại đây như ta, người, chúng sinh đều là những tướng hư vọng. Cảnh đang sống đây dù sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thứ nào đều cũng là hư vọng. Hàng ngày chúng ta quán và thấy hình sắc chỉ là sự giao tiếp với bóng ảnh trong mắt; do ánh sáng mặt trời chiếu vào con mắt, theo hai trần sáng và tối mà hiện ra bóng ảnh. Mắt người thấy hình khác, mắt loài vật như mắt con cua, mắt con cá thì thấy ra hình ảnh khác. Tùy theo nghiệp mỗi loài mà hình ảnh hiện ra có khác nhau. Như vậy, mới biết những gì chúng ta thấy là chúng ta không thấy được sự thật mà chỉ thấy qua bóng ảnh và bóng ảnh này lại chỉ theo duyên và nghiệp mà giả hiện chứ nó không phản ánh đúng sự thật bên ngoài.

Những gì chúng ta đang thấy là trong mê lầm gọi là kiến hoặc (cái nhìn sai lầm). Tỉnh ra và phá được kiến hoặc gọi là chứng Tu-đà-hoàn. Phá được tư hoặc (suy nghĩ sai lầm) sẽ chứng A-na-hàm, quả vị á-thánh của Tiểu thừa. Nếu ngay nơi thân giả tạm này đây mà chúng ta nhận được tánh đang nghe, đang thấy, đang nếm, đang ngửi là tánh Kim Cang Bát Nhã thì chúng ta sẽ thành Phật.

Vô tướng là hơn hết, là chân thật, còn các hình tướng khác đều tan nhanh như xâu chuỗi bong bóng của cô công chúa.

Vô tướng là hơn hết, là chân thật, còn các hình tướng khác đều tan nhanh như xâu chuỗi bong bóng của cô công chúa.

3b. Xâu Chuỗi Bong Bóng

Trong Kinh Bách Dụ có kể câu chuyện: có một cô công chúa đang dạo chơi ở vườn thượng uyển. Lúc đó, mưa từ trên mái cung điện rơi xuống tạo thành vũng nước có những quả bong bóng xinh xinh. Thế là cô công chúa đòi hoàng hậu xâu cho mình một chuỗi bong bóng mưa đó để chơi. Hoàng hậu từ chối. Công chúa liền giận và khóc đòi cho bằng được. Vua và hoàng hậu dỗ dành không được và đành bó tay. Trong triều đình, có một ông quan già thấy vua và hoàng hậu không vui vì không biết làm thế nào chiều theo ý cô công chúa được, nên vị quan phát tâm sẽ đến để xâu chuỗi bong bóng cho cô đeo. Cô công chúa mừng quá và hí hửng đợi ông quan xâu chuỗi cho mình. Vị quan mới bảo rằng tôi biết xâu nhưng tôi không biết hạt nào vừa ý công chúa, xin công chúa tự chọn đi, đưa từng hạt lên để tôi xâu. Công chúa liền cuối xuống vũng nước và đưa tay vớt những hạt tròn to và đẹp nhất, nhưng hạt nào vừa vào tay công chúa thì tan bể ra. Công chúa nhặt mãi chẳng được hạt nào nên chán quá, không thèm đòi xâu những hạt bong bóng nữa. Lúc đó, vua mới ban cho công chúa một chuỗi hạt kim cương thật đáng giá nghìn vàng và công chúa rất vui nhận lấy, không thèm đòi chuỗi bong bóng nữa. Vị vua đó chính là tiền thân của Đức Phật, còn công chúa là chúng sinh.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy vô tướng là hơn hết, là chân thật, còn các hình tướng khác đều tan nhanh như xâu chuỗi bong bóng của cô công chúa. Trí tuệ Bát Nhã vô tướng là chân tâm thật của mình. Đức Phật vừa giáng sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói rằng: “Trên trời dưới đất chỉ có cái Ta là đáng tôn, đáng quý”, còn tất cả những chuyện thế gian đều hư vọng hết. Cuộc đời sinh tử đều hư vọng, thân như bong bóng nước, chợt còn, chợt mất, biến hóa suốt ngày. Quang cảnh cũng thế vừa mưa rồi chợt nắng, vừa mới sáng rồi lại tối. Nay chuyện này mai chuyện khác như bóng bóng nước huyễn hóa, vừa thấy nó đẹp, đưa tay chộp lấy thì nó tan liền, đấy là những cái không có.

Còn bây giờ quay trở về, học kinh Kim Cang sống với chân tâm, tánh Phật, vô lượng quang, vô lượng thọ, tánh thật của mình thì sẽ thường còn mãi, không có chợt hiện, chợt tắt. Cho nên, Đức Phật vừa giáng sinh Ngài đã dạy chúng ta buông những hư vọng mà trở về với cái thật. Đức Phật cả đời giảng kinh, chỉ dạy cho chúng ta buông hư vọng và sống với chân thật. Cuối đời, Đức Phật cũng buông thân hư vọng để trở về cảnh giới Niết bàn. Như vậy, Ngài đã thấy được tánh thật, Ngài đã an định trở về tánh của Ngài. Còn chúng ta nếu không vâng lời Ngài, sống với tấm thân hình sắc này rồi sẽ già, bệnh, chết đi thì sẽ bơ vơ không nơi nương tựa. Vì thế, Đức Phật dạy: “Này Tu-bồ-đề! Ta nói thật, các ông phải tin và quan sát mà tập tỉnh ra, buông hư vọng mà trở về sống với cái thật.” Chúng ta từ nhỏ đến lớn, ăn cơm uống nước bào chế ra máu, bào chế ra da thịt, tạo ra đống đất này, rồi hít thở không khí, lãnh nắng ấm mặt trời để giữ thân và nương tựa vào thân này, sống chết với cái này và cứ thế vẫn theo thói quen vơ vào những giả tạm trong nhiều đời kiếp. Bây giờ chúng ta sống với tâm chân thật vô tướng của mình. Tuy biết là vô sinh bất diệt nhưng thật ra tâm mê của chúng ta vẫn cứ chạy theo những hình tướng hư vọng, cứ biến hóa hết thân này sang thân khác. Vì vậy, Đức Phật khẳng định rằng ngài nói lời chân thật, Tu-bồ-đề hãy để ý và tất cả chúng ta cũng nên để tâm hiểu ý nghĩa rằng: “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng.”

(Còn tiếp)

loading...