Kinh Phật
Pháp ngữ trong Kinh Kim Cang (5)
Thứ bảy, 11/02/2021 11:00
Pháp ngữ trong Kim Cang là thiền viên đốn trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật chứ không dùng phương tiện của hóa thành tiệm tu từ từ.
6. Tâm quá khứ, hiện tại và tương lai là bất khả đắc
Đức Phật bảo Tu-Bồ-Đề: "Bao nhiêu thứ tâm niệm của tất cả chúng sanh trong ngần ấy cõi nước, đức Như Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì đức Như Lai nói các thứ tâm đều là chẳng phải tâm, mới gọi là tâm. Vì cớ sao thế? Này Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ không có chi mà đặng, tâm hiện tại không có chi mà đặng, tâm vị lai không có chi mà đặng.”
6a. Chuyện Tổ Đức Sơn với Ba Tâm Bất Khả Đắc
Sư Đức Sơn họ Chu, quê ở Kiến Nam, Giản Châu, xuất gia lúc 20 tuổi. Sư rất làu thông tam tạng: kinh, luật và luận. Bởi ngài thường giảng Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật nên mọi người thường gọi Tổ là Chu Kim Cương (Pháp sư Chu hay giảng Kinh Kim Cang).
Pháp sư Đức Sơn giống như ngài Thần Tú ở phương Bắc chuyên lấy sách vở chữ nghĩa và các học vấn uyên bác làm quan trọng. Cả hai ngài đều học hết kinh sách này sang kinh sách khác, cả trăm bộ kinh sách và bơi lội trong biển văn chương chữ nghĩa. Một hôm, sư nghe ở miền Nam có giáo pháp của tổ Huệ Năng chuyên dạy: “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” nghĩa là chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành phật, chứ không dùng văn chương chữ nghĩa. Muốn thành Phật phải quay về nhận tâm của mình thì sẽ thành Phật. Pháp sư Đức Sơn mới cho là Tổ Huệ Năng và Tổ Long Đàm (vị kế thừa tông chỉ thiền của Tổ Huệ Năng) nói không đúng, vì sư Đức Sơn đã học biết bao nhiêu kinh sách, học cả tam tạng kinh điển, còn chưa thành Phật, ngay cả ngài Thần Tú còn chưa thành Phật và còn biết bao nhiêu vị thầy giáo thọ tài giỏi khác cũng vậy. Quý ngài uyên bác biết bao nhiêu mà còn chưa đến đâu, còn chưa vào đâu, huống chi là nói không cần học kinh điển gì cả, không lập văn tự, chỉ quay về soi tâm mình, minh tâm kiến tánh, là thành Phật, nối dòng giống Phật. Sư Đức Sơn cho là vô lý, là nói không đúng. Sư Đức Sơn mới đem tất cả mấy trăm quyển sách luận giảng về Kim Cang Bát Nhã đến đỉnh núi để gặp đệ tử của Lục tổ Huệ Năng là ngài Long Đàm để chấn vấn.
Sư bèn khăn gói lên đường, mang theo bộ Thanh Long sớ sao tới Lễ Châu. Khi đến chân núi thì mệt quá nên sư ngồi nghỉ mệt. Sư gặp một bà lão bán bánh rán, bảo bà bán vài cái bánh để sư dùng điểm tâm. Bà lão bán hàng thấy sư khuân vác đãy nặng to đùng, nên hỏi thế sư vác cái gì mà nhiều thế? Sư trả lời: “Thanh Long sớ sao (Luận Giải của các Tổ về của Kinh Kim Cang).” Bà lão nói rằng: “Tôi có thắc mắc một câu hỏi, nếu sư đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời sư đi nơi khác.” Sư ưng ý, bà liền hỏi: “Tôi nghe trong kinh Kim Cang có pháp ngữ: Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc. Vậy sư muốn mua bánh để điểm tâm nào?”
Sư mới giựt mình không biết mình ăn bánh này là để điểm tâm nào? Đúng là bà lão đã nói đúng pháp ngữ số sáu của kinh Kim Cang về ba tâm đều bất khả đắc cả. Vậy bây giờ mua bánh ăn thì điểm tâm nào? Sư không trả lời được câu đó nên sư đành để bụng đói, ôm đãy sách Kim Cang nặng nề ấy đi lên núi. Sư leo đến cửa động của Tổ Long Đàm, không thấy ai cả.
Sư liền nói lớn lên: “Nghe danh Long Đàm đã lâu, nay đến đây, đầm (đàm) cũng chẳng thấy, rồng (long) cũng chẳng hiện.”
Lúc đó Tổ Long Đàm bước ra trả lời: “Ngươi đã tới Long Đàm rồi.” Sau đó sư ở đó tu học. Một đêm, sư đứng hầu.
Tổ Long Đàm bảo: “Đêm khuya sao chẳng xuống?”
Tôn giả Tu Bồ Đề chứng Giải Không đệ nhất khi nghe Đức Phật giảng về Kinh Kim Cang
Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa: “Bên ngoài tối đen, con không thấy đường đi.” Tổ Long Đàm thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Tổ Long Đàm liền thổi tắt cây đèn dầu. Sư Đức Sơn bỗng nhiên đại ngộ, tất cả kiến chấp chữ nghĩa đều tan vỡ, quì xuống lễ bái. Tổ Long Đàm hỏi: “Ngươi thấy gì?”
Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư Hoà thượng trong thiên hạ.”
Câu chuyện dừng đến đó. Vì sao Tổ Long Đàm thổi tắt đèn thì Sư Đức Sơn đốn ngộ? Đèn là vật trợ duyên bên ngoài. Kinh sách là bên ngoài. Hãy dùng đèn trí tuệ của mình, tức hãy vận dụng công phu tu tập quay lại soi mình, minh tâm kiến tánh ngay mình, đừng xách đãy đi tìm Phật bên ngoài. Quay về bên trong thì ai cũng có thể làm được, không cần người đó phải thông minh, học giỏi, phải có bằng cấp, văn chương chữ nghĩa nhiều. Đến đây Sư Đức Sơn cảm thấy nhẹ nhõm vì tất cả nghi ngờ từ lâu đều tan biến như trời trong vắt, không có mây che. Ngài không còn nghi ngờ về các pháp ngữ của các tổ nói rằng: Không cần học kinh điển gì cả cũng có thể thành Phật và vững chắc lòng tin rằng: chỉ cần soi tâm mình lại và minh tâm kiến tánh là có thể thành Phật.
Như bà lão bán hàng xén ở chân núi hiu quạnh xa xôi, không có học chữ nào cũng là một vị đã minh tâm kiến tánh, đưa ra câu pháp ngữ thứ sáu để chấn vấn sư Đức Sơn. Bà lão ấy đâu có sức học mênh mông uyên bác như sư Đức Sơn và đáng lẽ với sức học cả trăm cuốn luận giải như thế thì sư đã có thể đối đáp được câu hỏi của bà. Câu chuyện của bà lão giúp sư Đức Sơn giảm bớt kiêu ngạo và bằng chứng cho thấy chứng ngộ tâm là có thể thành Phật, không cần chữ nghĩa nhiều. Là những bậc chân tu thì không có kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Chính sau đó, Tổ Long Đàm cũng đánh thức tự tâm của ngài Đức Sơn bằng cách thổi tắt đèn để ngài Đức Sơn phải quay về bên trong, tự dùng đèn trí tuệ của mình, buông các đèn của kiến thức văn chương chữ nghĩa đi, cho nên nhà thiền hay chủ trương: “Bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật.”
Bà lão giống như một vị bồ tát hiện thân để điểm hóa những người ngạo mạn cho là mình học được nhiều chữ, tài cao hiểu rộng. Câu hỏi của bà lão chỉ có những vị đã đắc đạo như Đức Phật, Bồ tát và chư tổ mới có thể trả lời được, chứ như phàm phu thông thường thì sẽ nghĩ rằng điểm tâm là để khỏi đói hay là làm đầy bao tử. Theo kinh Kim Cang thì không có tâm nào để điểm cả, vì tâm quá khứ, hiện tại và vị lai đều bất khả đắc, vậy mà sư Đức Sơn đòi dùng bánh rán để điểm tâm nào?
6b. Tâm quá khứ, hiện tại và vị lai đều không nắm được
Chúng ta thường than rằng: “Khổ tâm quá!” Thật ra, không có tâm nào khổ cả, tự mình làm khổ mình thôi. Tự mình vướng vào sáu trần và làm nặng phiền não thêm. Vì sao những ý thức suy nghĩ đó là vọng? Khi chúng ta nhớ đến hoa cúc thì tâm nghĩ tới hoa cúc. Khi nhớ tới cái bánh thì hình bóng cái bánh hiện lên, nhớ tới bài học thì tâm nghĩ đến bài học. Bản chất của những loại tâm nghĩ tưởng như thế vốn không có bản chất. Chúng vịn và leo chuyền như con khỉ, hết cành này sang cành khác. Chúng thuộc về tưởng ấm trong năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Chúng ta thường tưởng cái này, cái kia liên tục suốt ngày và nhận chúng làm mình: tôi thích, tôi yêu, tôi ghét… Các tưởng ấy đưa đến hành động lưu chuyển. Hành ấm là công dụng của tâm bởi vì chúng ta sống trong vô minh không biết, cho nên công dụng suy nghĩ này cứ lông bông hết việc này sang việc khác, tán loạn, rồi rốt cuộc chỉ là con số không hão huyền mà thôi, còn chúng ta thì đau khổ, thăng trầm lên xuống mười loài vì các thứ tâm không nắm được đó. Cho nên, Đức Phật tổng quát lại là tâm quá khứ là tâm đã đi qua rồi, không nắm được. Ngày hôm qua hay giây phút vừa rồi chúng ta vừa suy nghĩ trên trời dưới đất đó bây giờ còn không? Đã tan biến không còn nữa nên gọi là tâm quá khứ. Khi còn trẻ, tâm chúng ta hay suy nghĩ cả trăm thứ nhưng bây giờ đâu còn nữa, tất cả qua rồi, không còn bóng dáng, nên gọi là quá khứ không thể nắm được. Tâm vị lai sẽ suy nghĩ những gì chúng ta đâu có biết nên cũng không nắm được. Còn tâm hiện tại bây giờ đây đang nghĩ về bài học, về thi cử thì cũng bất khả đắc. Vì chúng ta vừa nghĩ đến thì nó đã tan thành quá khứ, thành con số không rồi. Hoặc tâm hiện tại đang suy nghĩ để nhớ về quá khứ hoặc tưởng tượng về tương lai thì đều là vọng tưởng cả. Cho nên tâm hiện tại cũng là bất khả đắc, tan như mây khói, không nắm bắt được.
Quá khứ không nắm được, hiện tại không nắm được và tương lai cũng không nắm được. Như vậy, Đức Phật đã chỉ rõ cái mà ta nhận cho là tâm quá khứ, hiện tại và vị lai của chúng ta thì tất cả những tâm đó đều là vọng tâm, đều là bất khả đắc. Vì chúng ta nhận những tâm hư vọng chớp nhoáng dễ tan thành không đó làm tâm tánh của mình, cho nên chúng ta sống lông bông, lăng xăng, lao xao lên xuống với đủ loại vọng tưởng phiền não trong đường sanh tử. Chúng ta phải buông vọng tánh ấy ra, đừng nhận những tâm tánh mừng, giận, thương, lo, buồn, tủi là mình vì đó đều là những vọng tưởng hư ảo. Tôi buồn, tôi lo, tôi vui, tôi yêu, tôi ghét đây là không phải tôi, đây chỉ là những vọng tưởng mà thôi, buông nó ra. Ngày này qua ngày khác, chúng ta cứ nhận ba vọng tâm làm tâm tánh của mình, khóc lên khóc xuống, khổ lên khổ xuống chỉ vì cho ba vọng tâm ấy là thật. Cho nên phải học Kim Cang Bát Nhã để biết những vọng tâm đó cứ đánh lừa chúng ta mà buông nó đi không cần nuối tiếc, để an định vào tánh Kim Cang Bát Nhã mà thành Phật.
Sáu pháp thành tựu trong kinh Kim Cang
7. Pháp còn nên bỏ huống chi chi pháp - chiếc bè qua sông
Như-Lai thường dạy rằng: "Pháp của Ta nói ra đó, dụ như thuyền bè, đến pháp còn phải xả bỏ, huống nữa là phi pháp!"
7a. Pháp và phi pháp đều buông bỏ
Theo định nghĩa, chữ “Pháp” là phải, là đúng pháp; “phi pháp” là sai quấy, là không đúng pháp. Vì sao phi pháp thì bỏ đã đành mà pháp cũng phải bỏ? Điều sai thì bỏ rồi nhưng còn điều đúng sao cũng bỏ luôn? Pháp là không có tướng pháp và không có tướng phi pháp. Vì cớ sao? Do vì “phải” nên chúng ta mới theo và cứ cố chấp y theo cái phải đó chứ không uyển chuyển. Thí dụ có cô A và cô B. Cô A tu hành đúng đắn là đúng pháp, còn cô B tu lôi thôi thì gọi cô ấy là phi pháp. Vậy người phi pháp chúng ta coi thường đã đành, còn người tu đúng pháp nhiều khi có lúc cô A làm không đúng mà mình cứ luôn cố chấp khư khư lúc nào cô A cũng đúng, cũng tốt, cứ bênh cô A. Vậy chúng ta đúng không? Cho nên đúng pháp cũng phải thời, phải lúc. Còn lúc không phải thời, cô A không đúng, chúng ta cũng không nên cố chấp, cô A luôn luôn đúng. Cho nên, chúng ta không nên cố chấp đúng pháp và cũng không nên cố chấp phi pháp mà nên biết sự hay dở tùy theo hoàn cảnh, môi trường, giác dục của từng mỗi người. Chúng ta nên có lòng bình đẳng đối với cả hai cô A và B, nên buông là buông điều phi pháp, còn buông Phật pháp là bởi vì người học Phật pháp còn chấp là có học Phật pháp. Cho nên, Đức Phật dạy không phải là buông Phật pháp mà là buông sự chấp pháp, buông sự chấp cái phải, chấp cái đúng pháp.
Đức Phật đã cho chúng ta một thí dụ rất rõ ràng như chiếc bè khi ở dòng sông thì nó là bạn, là vật hữu ích, nhưng khi lên bờ mà cứ khư khư ôm chiếc bè trên vai để đi trên bờ thì trở thành vô ích, trở thành phi pháp, trở thành vật chướng ngại. Nhưng vì quý chiếc bè nên mặc dù lên bờ và cứ khư khư vác chiếc chiếc bè theo. Thế cho nên phải tùy thời mà dùng bè và phải tuỳ thời mà dùng pháp, cũng có lúc phải buông xuống. Nếu không phải thời mà cứ khư khư chấp pháp thì pháp trở thành vô ích.
Cũng giống như bước đầu chúng ta học Phật giáo Nguyên thủy rồi tiến tu từ từ học thêm đại thừa nhưng bao giờ cũng nhớ căn bản Nguyên thủy, chứ không phải mình bỏ lớp căn bản ấy. Như chúng ta học Tứ Niệm Xứ để biết các pháp vô thường, vô ngã, khổ và không, rồi tiến lên, chúng ta học tiếp Kinh Lăng Nghiêm để nhận chân tâm bản tánh của mình. Khi biết vạn pháp là vô thường, vô ngã, khổ và không; biết vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh là giả rồi mà buông các tướng ra thì mới nhận được chân tâm bản tánh. Như vậy, cả tiểu thừa và đại thừa đều quan trọng và phải biết lúc nào cần buông bỏ để tiến lên. Cũng giống như các vị thánh A La Hán, sau khi học Tứ niệm xứ, các ngài thấy vô thường, vô ngã, khổ và không thì các ngài chấp khư khư rằng thế gian này vô thường và hư vọng, các chúng sanh này không thật, là giả, vô ngã, là khổ, sanh tử, là bất tịnh dơ dáy. Do cứ khư khư cho thân mình, thân chúng sanh và cả thế gian này đầy bản chất ô uế như thế, cho nên các ngài bỏ mặc tất cả, không độ chúng sanh để nhập Niết bàn. Đức Phật nói những vị ấy là các A-la-hán nhập Niết bàn, không tế độ và buông bỏ chúng sanh, đó là những vị chấp pháp, chấp Tứ niệm xứ mà các ngài đã học. Đó là do các ngài chấp Tứ niệm xứ, khư khư giữ Tứ niệm xứ mà không nhận chân tâm bản tánh thường trụ. Thật ra, các ngài không chịu nhận những hạnh của Bồ tát để độ chúng sanh, không chịu tiến lên đại thừa để thành Phật, vì thế, Đức Phật gọi các vị A-la-hán này là những vị chấp pháp. Còn các Bồ tát đã học Tứ niệm xứ, các ngài vẫn giữ Tứ niệm xứ, chứ không phải các ngài phá. Các ngài vẫn giữ Tứ niệm xứ nhưng các ngài vẫn lăn vào đường sanh tử để độ chúng sanh, bởi vì các ngài biết rằng những chúng sanh này có tánh Phật. Các ngài biết thân này là huyễn giả, không thật, chúng sanh nhiều tham sân si. Các Ngài biết tham sân si là hư vọng cho nên các ngài tận tình giáo hóa để chúng sanh tỉnh ra, để được giải thoát cũng như các ngài. Đức Phật nói các vị A-la-hán nhập Niết bàn là chấp pháp. Các ngài tu Tứ niệm xứ rồi chấp vào Tứ niệm xứ mà không nhìn rộng, thấy xa, còn các vị Bồ tát không chấp ngã cũng không chấp pháp, các ngài không bỏ Tứ niệm xứ mà tận tình quên mình để độ chúng sanh.
Nếu chúng ta nói học đại thừa đủ rồi, không cần học Tứ Niệm Xứ vì đại thừa cần hơn thì cũng không đúng. Thật ra, nếu không học Tứ Niệm Xứ hay Phật Giáo Nguyên Thủy thì rất là nguy hiểm. Vì chúng ta chưa nhớ được hết những lời dạy trong các kinh A-hàm, cho nên chúng ta phải học cho đến bao giờ nhớ được thì lúc bấy giờ mới thôi không học nữa. Ý niệm của chúng ta chưa nhớ, miệng và thân cứ quên thì cũng chưa thực hành được, cho nên cứ phải học đi học lại đến bao giờ in sâu trong tạng thức, hoặc nhớ hoài không quên nữa thì lúc bấy giờ mới không phải học. Còn bây giờ chúng ta tuy học đại thừa, tuy tu đại thừa nhưng mà phần tiểu thừa, phần tu Tứ niệm xứ chúng ta vẫn chưa thấm, chúng ta vẫn là những kẻ chưa lên bờ. Nếu mà bỏ bè của Phật Giáo Nguyên Thủy thì rất nguy hiểm, cho nên vẫn học kinh đại thừa mà chưa qua sông, chưa lên bờ thì không thể bỏ được bè kinh tiểu thừa.
Cũng thế, ngay đến hình tượng Phật với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật mà chúng ta đang thờ, chúng ta cũng không nên cố chấp vào thân tướng, đây là Phật, rồi cứ bo bo an trú ở đó mà phải đi tìm Phật ở pháp thân, chứ không tìm Phật ở thân tướng. Đức Phật ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp hiện lên ở Ấn-độ thì rất quý nhưng bây giờ ngài đã nhập Niết bàn rồi thì thân ba mươi hai tướng đó bây giờ cũng không còn nữa, cho nên không nên chấp vào các pháp ấy. Phàm có hình tướng đều là hư vọng, không nên chấp phi pháp mà ngay pháp cũng không nên cố chấp. Thế cho nên, chánh pháp hay phi pháp chúng ta đều không nên chấp, bởi vì chính chữ pháp đã hiện lên một pháp, một hình, một tướng thì pháp đó là hư vọng. Nếu chúng ta còn chấp một cái gì thì có cái ngã (cái ta) đứng đó để chấp. Còn bây giờ chúng ta biết chính ngã đó là hư vọng rồi thì nên bỏ cái chấp thôi chứ không phải là bỏ cái pháp, cho nên Đức Phật dạy không chấp ta, người, chúng sanh, thọ giả.
Đức Phật giảng pháp suốt một đời, nói bao nhiêu kinh sách. Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại là “Ta chưa từng nói một lời”, bởi vì Đức Phật muốn tránh cho chúng ta chấp pháp là thật. Khi chấp phi pháp là bệnh đã đành mà chấp pháp thì cũng bệnh vậy, tức chấp những lời dạy trong kinh sách là lời vàng ngọc là thật thì chúng ta cũng bị bịnh vậy. Nghe pháp của Phật, nghe lời vàng ngọc rất là quý nhưng chúng ta phải biết âm thanh là hư vọng. Bởi vì chúng ta mê, nên Phật phải giảng, phải nói, chứ âm thanh là cái không có. Đức Phật tạm dùng âm thanh hư vọng, tạm dùng cái giả huyễn để độ cho chúng sanh còn đường sống ở trong đường huyễn. Chúng ta biết những âm thanh là hư vọng, nó chỉ là sự rung động của không khí, là cái không hề có, cho nên âm thanh pháp thoại cũng là tạm có. Nhưng ngược lại, chúng ta học Tứ niệm xứ và cố chấp âm thanh là huyễn, không nghe âm thanh lời vàng của Phật, không học kinh Phật nữa thì cũng không đúng, cũng là bị bịnh, bị chướng ngại sự tiến tu.
Tư tưởng Thiền học trong kinh Kim Cang
Đức Phật dùng cái huyễn tạm của âm thanh để độ cho chúng sanh còn trong vòng huyễn. Thế cho nên, nếu chúng ta phá pháp của Phật thì tội rất nặng. Chúng ta phải sáng suốt biết trái, biết phải thì khi Đức Phật nói “Ta chưa từng nói một lời” nghĩa là Phật không phải nói dối, không phải Phật chối việc ngài đã làm mà bởi vì âm thanh là cái không thật, cho nên ngài nói mà như là không có nói. Học kinh Đại thừa chúng ta phải nhận triết lý, lý lẽ ẩn bên trong này, không cố chấp vào lời nói. Chúng ta như là những người đi trong tối mò phải thắp đèn lên mới thấy, còn các vị đã học sâu, sự tu đã cao, đã an định. Các ngài vô niệm, tâm phẳng lặng vào định, nhập tam muội như Đức Quán thế Âm an định trong cái tánh nghe không có khởi niệm, cho nên các ngài đã nắm được cái thật rồi, các ngài buông những cái giả, không dùng âm thanh, sắc tướng bên ngoài. Còn chúng ta học những lời nói của Phật thì chúng ta chưa thể buông được, cho nên Đức Phật mới ví pháp như là cái bè, khi đến bờ giác rồi thì để bè lại ở sau.
Chúng ta phải tùy duyên, tuỳ hoàn cảnh, chứ đừng khư khư cố chấp. Pháp còn nên bỏ, huống chi là phi pháp. Pháp như là lời nói thật, chánh ngữ, chúng ta học Bát chánh đạo thì có chánh ngữ là lời nói chân chánh. Như có trường hợp một người mẹ bị đau tim nặng, nhận fax ở phương xa. Bà không biết chữ, nhờ chúng ta xem fax đó. Chúng ta biết bà này có bệnh đau tim nặng và mình đọc dây thép biết đứa con của bà chết rồi thì lúc bấy giờ chúng ta không nên nói sự thật. Vào hoàn cảnh ấy thì nên nói rằng con trai bà đánh dây thép về bình an, bà cứ yên tâm đi và như vậy bà sẽ được sống trong an ổn. Nếu lúc bấy giờ, chúng ta cứ khư khư chánh ngữ là không được phép nói dối thì chúng ta giết chết người mẹ đó, cho nên phải có trí tuệ trong từng trường hợp, không nên cố chấp mặt nào. Pháp còn nên bỏ nghĩa là chánh ngữ còn phải uyển chuyển để nói khác đi, còn những phi pháp như nói dối, đã đành là chúng ta phải buông bỏ, nhưng vào trường hợp cần lời nói dối, chúng ta cũng phải nói.
Còn khả năng thật sự của chúng ta thì thế nào? Phật dạy là những phi pháp phải bỏ thì chúng ta bỏ được chưa? Thật ra, ngay những phi pháp chúng ta còn chưa chịu bỏ. Chúng ta vẫn còn sống trong ở phi pháp, vẫn cứ phạm giới, vẫn cứ buông lung, tranh nhau, cãi nhau, bực bội, tức tối, những phi pháp này chúng ta chẳng chịu bỏ. Huống chi là nói Phật pháp chúng ta đã tu được bao nhiêu? Chúng ta còn chìm trong phi pháp, cái phi pháp chưa bỏ được thì làm sao chúng ta tiếp cận với pháp của Phật. Chúng ta chưa bỏ cái phi pháp tức là mình còn xa pháp, chưa nắm được pháp của Phật, chưa nắm được pháp của Phật thì có lo chuyện bỏ không? Ý này cao lắm, khả năng chúng ta chưa tới. Thế cho nên, đừng lo bỏ pháp, chưa lo vội. Bây giờ giờ hãy lo bỏ những phi pháp của chúng ta trước đi đã.
7b. Pháp Phật như liều thuốc trị bịnh
Đức Phật cho thí dụ như do bệnh nên chúng ta cần thuốc uống. Khi khỏi bệnh thì lúc đó sẽ không dùng thuốc nữa, như qua sông rồi thì phải bỏ bè lại sau lưng. Áp dụng lời Đức Phật dạy trong đời sống tu tập như khi chúng ta có bệnh hay sân giận không làm chủ được tánh khí của mình. Đức Phật dạy chúng ta phải quán từ bi, hỷ xả trong lúc mình đang sân để từ từ giúp tâm chúng ta mát mẽ, từ bi, hoan hỉ lại. Nhưng nếu có những đứa trẻ con phá phách hư hỏng cây cối trong chùa, chúng ta phải hiện tướng quát mắng, giận dữ, phải cầm gậy để dạy chúng thì lúc bấy giờ không phải chúng ta quên những lời của Phật dạy về từ bi quán. Chúng ta vẫn giữ tâm từ bi, hỷ xả, nhưng hiện tướng nghiêm nghị “bi thể giới lôi chấn” để cho đứa trẻ sợ, không dám làm bậy nữa. Chúng ta nhớ rằng bỏ lời Phật tức là không phải hủy hoại, vứt lời Phật đi mà chúng ta vẫn giữ, chỉ có điều là khi chúng ta thành thục rồi thì tùy vào hoàn cảnh mà hiện tướng nghiêm minh (khó khăn) hay từ hòa (nhẹ nhàng) nhưng căn bản chúng ta vẫn có tình thương với đứa bé, nhưng vì giáo dục dạy dỗ cho nên tạm hiện tướng sân giận, trợn mắt để bắt đứa bé trở về chánh pháp.
Đức Phật sáng suốt dặn dò để chúng ta phải uyển chuyển. Thường mỗi khi nói lời nào đúng thì chúng ta cứ nghĩ phải đinh ninh khư khư giữ lời đúng đó. Đức Phật sáng suốt, biết là tùy hoàn cảnh có lúc thực hành được việc này mà cũng có lúc không nên thực hành, cho nên Đức Phật mới dặn dò là dùng lời nói của Phật phải cho đúng lúc, hợp thời, chứ đừng dùng trái thời. Cũng như lúc nhức đầu mà đi uống thuốc đau bụng tức là không phải thời. Phải tùy bệnh mà uống thuốc, chớ không nên cố chấp. Đức Phật rất sáng suốt, thấy rõ, nhìn xa cho nên ngài dặn dò chúng ta. Còn chúng ta mỗi khi dạy con, dạy cháu thì chính cái ngã của mình bắt con cháu theo đúng lời của mình chứ không có tùy cơ, tùy thời áp dụng. Đức Phật muốn chúng ta phá cái ngã chấp thủ này.
7c. Do Mê Nên Đức Phật Thuyết Pháp
Do mê nên Đức Phật mới thuyết pháp để giác tỉnh cho chúng sanh. Nếu không mê thì Đức Phật sẽ không nói pháp. Vậy pháp thoại là pháp hữu vi vì còn tuỳ thuộc vào cơ duyên chúng sanh mê ngộ mà giả hiện là có pháp thoại hay không có pháp thoại. Hiện tại, chúng ta đang học lời giác tỉnh, cho nên tạm có danh từ Phập pháp. Phật pháp vốn phẳng lặng tịch tĩnh, bất động thường trụ, không có tên, không có chữ, không có lời nói; còn tất cả những lời nói, những danh từ, những chữ nghĩa, những kinh sách đó là theo duyên mà tạm đặt ra, gọi là pháp hữu vi, đều không thật. Đức Phật ban pháp thoại cả ngàn vạn lần và vẫn khuyên chúng ta nghe pháp thoại nhưng đừng cố chấp. Đức Phật chỉ cho chúng ta quan sát, quán chiếu, nhận xét cái thật và giả của chân tâm và phương tiện. Sau khi thức tỉnh giác ngộ rồi thì Phật khuyên không chấp vào lời Phật dạy. Vậy pháp mà còn nên buông bỏ, huống chi là những hảo huyền của tham sân si vọng tâm hàng ngày, càng phải bỏ sớm. Chúng ta không nên chấp thủ, buông hết để an ổn tinh thần vào tánh Kim cang.
Bỏ bè không có nghĩa là chọc thủng bè, phá bè mà chỉ có nghĩa là không nên dùng đến nó nữa, nhưng chúng ta nên để bè đó cho người khác dùng. Bỏ đây nghĩa là đừng chấp nữa. Chúng ta lo tu học thêm, cũng như chúng ta khỏi bịnh nhức đầu rồi thì không nên uống thuốc nhức đầu nữa và cũng không nên phá hủy thuốc đó. Hễ chúng ta còn bệnh nhức đầu thì chúng ta còn phải để dành thuốc và còn phải uống thuốc. Khi hoàn toàn khỏi bịnh thì chúng ta đừng uống thuốc nữa, để dành thuốc đó cho người khác dùng. Nếu hoàn cảnh đang có bệnh mà chúng ta lại bỏ thuốc thì nguy hiểm, hoặc là khỏi bịnh rồi nhưng chúng ta cứ uống thuốc mãi thành bệnh cố chấp thì cũng nguy và nguy cả tính mạng. Thế nên cả hai đều lầm lẫn, đang có bệnh mà bỏ thuốc là khổ và khỏi bệnh rồi vẫn uống thuốc cũng là lẫn. Hiểu như thế là chúng ta hiểu được pháp ngữ số bảy của kinh Kim Cang rồi.
(Còn tiếp)