Kiến thức

Pháp trợ niệm của Đức Phật

Chủ nhật, 03/12/2023 11:09

Kinh tạng còn ghi lại khá nhiều trường hợp Đức Phật đích thân trợ niệm hoặc dạy các đệ tử đi trợ niệm cho người bệnh hoặc người sắp lâm chung.

Điều này khẳng định rằng, trợ niệm hay hộ niệm không phải là pháp hành mới mẻ mà có từ thời Thế Tôn còn tại thế. Tìm hiểu về pháp trợ niệm của Đức Phật sẽ giúp chúng ta thấy rõ rằng Ngài rất chú trọng đến việc trợ niệm cho người sắp lâm chung hơn là việc hộ niệm sau khi chết, một pháp hành rất phổ biến hiện nay.

Đức Phật rất xem trọng việc thực tập giáo pháp ngay cả trong thời khắc bệnh hoạn hoặc sắp lâm chung...

Đức Phật rất xem trọng việc thực tập giáo pháp ngay cả trong thời khắc bệnh hoạn hoặc sắp lâm chung...

Kinh Tương ưng bộ III ghi, có lần một người già bệnh tên là Nakulapità thỉnh cầu Đức Phật như sau: “Kính xin Thế Tôn làm cho thân tâm con được an ổn, nhẹ nhàng. Đức Phật đã dạy người ấy rằng: Này gia chủ, sự thật là thân ông già yếu và bị biến hoại tàn tạ. Bất kỳ ai mang tấm thân này mà cho là không bệnh dù chỉ trong giây lát, người đó thật si mê! Vì thế cho nên, ông cần phải học và thực tập như sau: Dù thân tôi bị bệnh nhưng tâm tôi không bị bệnh”.

Khi đối mặt với nỗi đau bệnh tật hoặc cái chết, trong tâm lý của hầu hết mọi người có lẽ ai cũng mong muốn Đức Phật làm một phép lạ hay ban cho mình một sức mạnh diệu kỳ để giúp mình chiến thắng nỗi đau, vượt qua bệnh tật. Đó là tâm lý thường tình, cũng như người gia chủ Nakulapità kia, cầu xin Đức Phật giúp cho thân tâm ông được nhẹ nhàng, an ổn.

Nhưng theo Đức Phật, khi mang tấm thân tứ đại giả hợp này mà mong không bệnh tật là một thái độ si mê. Bản chất của thân này là duyên sinh nên vô thường, biến hoại; mong muốn nó bền chắc, tốt đẹp, thường còn, không biến hoại để mãi mãi an vui là điều không tưởng. Đức Phật không bao giờ làm việc gì vô ích chỉ vì hư tưởng, chẳng hạn như ban phép màu để vượt qua bệnh tật hay lẩn tránh cái chết. Nếu có biện pháp nào giúp người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật thì biện pháp đó phải được thực hiện bởi chính người bệnh. Bằng như Đức Phật ban cho họ phép màu để họ được như nguyện (thân tâm an ổn), thì sau căn bệnh đó, sau nỗi đau đó còn biết bao căn bệnh khác, nỗi đau khác vốn tiềm ẩn trong tấm thân tứ đại giả hợp, họ sẽ phải đối mặt như thế nào? Chắc chắn là không có phép màu nào có thể khiến cho họ lành lặn, an ổn mãi mãi, bởi đặc  tính của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, biến hoại.

Điều quan trọng là Đức Phật dạy chúng ta phải đối mặt với những gì xảy đến với chúng ta, trong đó có bệnh tật. Phải thấy rõ thực tế và nhìn sâu vào thực tướng, vào bản chất của nó. Hãy nhìn thật sâu, thật kỹ vào những hiện tượng đó, quán chiếu nó sinh khởi và hoại diệt như thế nào. Khi quán chiếu chúng ta chỉ cần thấy chúng xuất hiện, biến chuyển và mất đi, chúng ta không đồng nhất mình với chúng, chỉ thấy có nỗi đau khổ chứ không có người bị đau khổ, có cảm thọ chứ không có người nhận cảm thọ, không thấy cảm thọ đó là mình hoặc của mình. Nhờ năng lực chánh niệm tập trung quán chiếu, chúng ta sẽ thành tựu được tuệ giác và có được trạng thái khinh an, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các cảm thọ, không còn bị lệ thuộc vào tấm thân bệnh hoạn nữa. Hãy thực tập như lời Đức Phật dạy: “Dù thân tôi bị bệnh, nhưng tâm tôi không bị bệnh”.

Đức Phật rất xem trọng việc thực tập giáo pháp ngay cả trong thời khắc bệnh hoạn hoặc sắp lâm chung, bởi đó có thể là cơ hội để người đó sinh khởi tuệ giác, chứng ngộ chân lý. Điều này có ý nghĩa và giá trị gấp trăm ngàn lần sự tạm thời chấm dứt các nỗi đau nơi thân xác mà không nhổ tận gốc rễ của chúng.

Đức Phật thường dạy người bệnh quán chiếu về những gì mà họ đang trải qua, cụ thể là những gì đang diễn ra nơi thân thể, các giác quan, sự sinh khởi và biến chuyển của các cảm thọ, để từ sự quán chiếu sâu sắc đó thành tựu chánh niệm, tuệ giác.

Kinh Trung bộ còn ghi lại, lúc trưởng giả Cấp Cô Độc, một vị đại thí chủ của Đức Phật lâm trọng bệnh và sắp lìa trần, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả A-nan-đà đã đến thăm ông. Trưởng giả Cấp Cô Độc cho biết thân thể ông đang rất đau đớn, dường như tình trạng bệnh đến mức tồi tệ, Tôn giả Xá-lợi-phất đã khuyên ông nên thực tập như sau: “Tôi không bám víu vào mắt; tâm thức tôi không lệ thuộc vào mắt. Tôi không bám víu vào tai; tâm thức tôi không lệ thuộc vào tai… Tôi không bám víu vào thân; tâm thức tôi không lệ thuộc vào thân…” (Tôn giả Xá-lợi-phất đã dạy ông Cấp Cô Độc không để tâm bám víu, lệ thuộc vào sáu căn và các đối tượng của sáu căn là sáu trần cảnh).

Thật ra, Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên quán chiếu về tính vô ngã, vô thường của thân thể, cảm thọ, tâm ý và các đối tượng của tâm ý dù ta đang còn khỏe mạnh hay bệnh tật ốm đau. Tốt nhất là luôn quán chiếu trong đời sống thường nhật, để hình thành được tuệ quán sâu sắc, và nó sẽ trở nên rất hữu ích khi ta đối mặt với nỗi đau bệnh tật hay những biến cố trong cuộc đời, thậm chí là cái chết. Đừng đợi đến lúc già yếu, bệnh tật hoặc sắp lìa trần mới thực tập pháp quán chiếu này, vì khi ấy tâm thần hoang mang tán loạn, cơ thể đau đớn khổ sở vì bệnh tật hoành hành sẽ khiến chúng ta khó tập trung tâm ý để quán chiếu, khó có được chánh niệm, khó thành tựu tuệ giác.

Đức Phật dạy chúng ta phải thường quán chiếu: “Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kệch hay vi tế, cao quý hay thấp hèn, xa hay gần, đều cần phải được thấy thực tướng của nó với tri kiến chân chánh: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của  tôi”. Khi thấy như thật một cách sâu sắc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hay mọi sự vật hiện tượng, con người và thế giới), chúng ta sẽ nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ly tham, dứt bỏ, không luyến ái, nhờ đó được giải thoát” (Kinh Vô ngã tướng).  Hoặc trong các kinh Niệm xứ(Trung Bộ kinh, số 10), Đại niệm xứ (Trường bộ kinh, số 22), Tứ niệm xứ (Tương ưng bộ kinh), Đức Phật dạy các Tỳ-kheo phải thường quán chiếu về bốn lĩnh vực thân thể, cảm thọ, tâm ý và các pháp (đối tượng của tâm ý).

Quán niệm về thân thể hay quán thân trên thân là quán niệm hơi thở, quán niệm các thành phần vật chất nơi thân (phân tích bốn yếu tố rắn, lỏng, khí hơi, nhiệt độ), quán niệm các động tác của thân. Quán niệm về cảm thọ hay quán thọ trên thọ là quán cảm thọ dễ chịu, an vui; các cảm thọ khổ đau, khó chịu và các cảm thọ trung tính (không vui không khổ) xuất hiện nơi thân và tâm. Quán niệm về tâm ý hay quán tâm trên tâm là quán niệm nơi tâm có hay không có các phiền não tham, sân, si…; khi có thì biết có, khi không thì biết không. Quán niệm về các pháp hay đối tượng của tâm ý là quán niệm sự có mặt hay không có mặt của ái dục, sân hận, thụy miên, trạo hối, nghi (tức năm triền cái); hoặc quán niệm về Thất giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả; quán niệm về Tứ đế: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ…

Chính những tình cảm, trách nhiệm đối với người thân, người thương xuất phát từ tâm tham ái, chấp thủ khiến cho người bệnh, người sắp lìa trần lo lắng, bất an; chính sự vướng mắc, bám víu, chấp vào thân thể, cảm thọ, luyến ái tấm thân và những dục lạc thế gian, những cảm thọ ưa thích, thiếu tuệ giác về duyên sinh, vô ngã, vô thường mà người bệnh, người sắp lìa trần rơi vào tâm trạng sợ hãi cái chết.

Nếu có được sự quán chiếu sâu sắc về thân thể, cảm thọ, tâm ý và các đối tượng của tâm ý để thấy rõ tính vô ngã, vô thường của chúng mà từ đó ly tham, không còn chấp thủ, luyến ái, không còn vướng mắc vào chúng thì khi đó người bệnh, người sắp lâm chung sẽ vượt qua được nỗi đau, nỗi lo lắng, sợ hãi cái chết.  

loading...