Kiến thức

Pháp ý qua lời Tổ dạy

Chủ nhật, 07/11/2023 05:32

Người phát tâm xuất gia là người có duyên nhiều đời với Phật. Nhân duyên đó không chỉ có trong kiếp này mà đã được tích tụ từ nhiều kiếp về trước. Có thể nói theo dòng luân hồi sinh tử, chúng sanh đã tạo ra rất nhiều nghiệp báo nặng nhẹ khác nhau.

Trong những nhân duyên hy hữu, có thể một chúng sanh nào đó đã tạo tác một thiện nghiệp liên hệ đến sự giác ngộ. Theo duyên tiến hoá dần dần, thiện nghiệp này ngày càng lớn làm cho sự giác ngộ ngày càng mạnh mẽ. Khi đầy đủ nhân duyên, chúng sanh đó sẽ có cơ hội gần gũi trong giáo pháp của đấng giác ngộ hoàn toàn. Đây chính là cơ duyên đến với Phật.

Chính Đức Phật của chúng ta, khi còn là thanh niên Sumedha, Ngài đã phát tâm cung kính, trải thân mình cùng mái tóc dài trên vũng bùn cho Phật Nhiên Đăng đi ngang qua. Nhờ thiện nghiệp này mà Ngài phát tâm tu hành trong vô lượng kiếp. Trong kiếp cuối cùng tại cõi ta bà, Ngài chứng quả Toàn Giác với danh hiệu Thích-ca Mâu-ni Phật.

Chúng ta thấy rằng khi một người có nhân duyên vào đạo, cuộc sống sẽ đưa đẩy bước chân họ vào chốn thiền môn. Và tâm thức xuất gia tự nhiên cứ thôi thúc một cách khó hiểu. Thôi thúc đến nỗi người ấy tự cảm thấy rằng mình không thể sống đời sống thế tục được nữa. Bởi có nhiều nhân duyên khác nhau, nên con đường vào đạo cũng trăm ngàn vạn nẻo. Tuy nhiên, dù xuất gia với bất kỳ lí do gì thì tất cả cũng dựa trên nhân duyên của kiếp trước cộng với các duyên trong hiện tại. Điều quan trọng là khi đã vào đạo rồi, chúng ta có đạt được sở nguyện thành tựu sự giác ngộ tối hậu hay không?

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Con đường từ một chúng sanh tiến hóa lên quả vị Phật không phải là chuyện đơn giản chút nào. Nếu không phải trải qua một quá trình tu hành trọn vẹn thì nhân duyên xuất gia sẽ bị phai mờ. Như vậy, muốn có sự tiến hóa thúc đẩy nhân duyên giác ngộ được viên mãn, vị hành giả cần phải tạo duyên từ trong hiện tại cho đến tương lai. Sự tạo duyên ấy chính là học pháp và hành pháp.

Học tập là sự tìm hiểu, học hỏi và ghi nhớ những điều giác ngộ. Còn hành pháp là ứng dụng tri kiến đó vào đời sống hàng ngày. Hai điều này không thể tách rời nhau mà phải được thực hành nhất quán. Nếu coi trọng việc học thì kiến thức đó chỉ làm tăng trưởng bản ngã. Nếu hành trì mà không học đúng chân lý sẽ hành trì sai pháp. Bên cạnh đó, còn phải tuỳ theo thời duyên cảnh ngộ hay bối cảnh thời đại xã hội mà thể hiện tinh thần cầu học và hành trì thật hợp lý.

Để cảnh tỉnh và trợ duyên cho nhận thức của hàng hậu học xuất gia, trong bài Chơn lý “Tông giáo”, Đức Tổ sư đã dạy: “Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài quên tu đức[1]”.

Nghĩa lý của lời dạy trên rất thâm sâu và có giá trị thiết thực trong thời đại hiện nay. Do thừa hưởng những thành tựu vĩ đại trong khoa học, loài người đã nâng cao trình độ hiểu biết hơn xưa rất nhiều. Một người Khất sĩ sống trong xã hội bây giờ cũng phải học tập qua bao trường lớp mới có thể theo kịp tri thức của nhân loại. Cũng là sự học nhưng cái học của cổ nhân rất khác với cái học của hậu nhân. Xưa tinh thần cầu học luôn mang tính hướng nội, nghĩa là học các pháp để sống với đạo đức mà khai ngộ chân tâm. Còn tinh thần học ngày nay là để hoàn bị tri thức hay hoàn thiện một kỹ năng nào đó nhằm đáp ứng cho vấn đề phát triển tông phái. Ấy thế, có thể nhận định rằng, người xưa học là để tu đức, người nay học là để cầu tài. Cũng chung một chữ học trong hai thế hệ tiếp nối nhau, thế mà nghĩa lý và giá trị khác xa nhau lắm vậy.

Vả chăng cái học của người xưa là học nơi kinh nghiệm của Thầy và bạn, không có ôm sách vở vào trường mà chăm lo thi cử. Cái học đó là học cách làm người Khất sĩ chỉ chuyên lo đi xin ăn, học làm sao sống đúng lẽ Tứ y pháp trung đạo của chư Phật ba đời. Thế nên, cái học ấy nào ra ngoài sự thực hành trong mỗi lúc. Ví như các học giới xưa kia đâu có chia chẻ chi li cho người đi tìm tòi nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa… như bây giờ. Các học giới thuở ấy chỉ được truyền dạy và thọ trì nghiêm nhặt từ thầy sang trò không hề sai khác. Hành giả cầu thọ chỉ phát tâm cầu giới mà giới thể đã trang nghiêm, giới tánh đã tự đắc, còn gì phải học hành nghiên cứu nữa. Thế mới biết, người xưa ít học mà nên nhiều là do học đâu trúng đó. Cái chơn lý vốn không nhiều ít mà hễ học đúng pháp, đúng thầy là nên người tu hành giải thoát vậy.

Một điều nữa là người xưa bỏ cả đời cầu học là đem sự phấn đấu của mình cho mục đích thành tựu con đường giac ngộ hoàn toàn. Sự phấn đấu đó mang theo cả tâm nguyện đại từ đại bi cứu độ bản thân và cứu cả muôn loài. Kìa như Đức Phật Thích Ca sau khi từ giã hoàng cung, Ngài đã bỏ sáu năm đi khắp các núi rừng sơn dã mà tìm thầy học đạo. Như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng noi gương Phật đi qua Campuchia hay các vùng núi Thất Sơn hùng vĩ để lần ra đầu mối chánh pháp. Sự tìm tòi, học hỏi và thực hành của các Ngài đều hướng đến mục đích toàn thiện cả. Bởi thế nên, sau khi thể nhập chơn như các Ngài bắt đầu du phương hành đạo. Mỗi nơi các Ngài đi qua đều có người giác ngộ do bởi học tập và thực hành theo pháp của các Ngài.

Chúng ta hãy xem ngày nay khi con người đã hệ thống hoá tất cả các nguồn tư liệu được xem là kinh luật làm thành kho tàng vững chắc cho đạo Phật. Thế là người học Phật đời sau cần phải phấn đấu để học hỏi và nghiên cứu cả kho tàng đồ sộ đó. Kho tàng ấy bao gồm kinh, luật và luận.

Về phần kinh, để học hỏi chuẩn mực thì có năm bộ Nikya (của Nam truyền), có bốn bộ A Hàm (của Bắc truyền). Ngoài ra, còn các kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Thủ Lăng Nghiêm, Bảo Tích… Bên cạnh đó còn các bộ chú giải rất đồ sộ khác. Người ta ước đoán trung bình một trang kinh Nikaya thì đã có mười trang chú giải. Càng về sau, các luận sư dựa trên các sách chú giải này lại trước tác thêm các bộ luận giải và sớ giải cũng vô cùng đồ sộ.

Về phần luật, theo thống kê của các vị chuyên nghiên cứu thì vẫn còn sáu bộ luật tồn tại trên đời. Đó là Luật tứ phần, Luật ngũ phần, Luật thập tụng, Luật thiện kiến và Luật Ma-ha Tăng kỳ,… Các bộ luật này mang rất nhiều nội dung như giới tướng, yết ma, phá Tăng sự, pháp diệt tránh, quy định an cư, kiết giới, truyền giới, nghi thức sám tội… Các bộ luật này cũng có các bộ chú giải kèm theo.

Về phần luận, có rất nhiều các trước tác của chư Tổ tiêu biểu như Vi diệu pháp, Luận câu xá, Luận đại trí độ, Duy thức học, Thanh Tịnh Đạo luận, Giải thoát luận, Trung luận, v.v… Mỗi tông phái lớn đều có hệ kinh luận làm tư tưởng tu tập và truyền giáo riêng của mình. Tất cả đã góp phần làm cho kinh sách nhà Phật được xem là nhiều nhất nhân loại.

Thế thì người học Phật ngày nay đang đứng trước khu rừng dày đặc như thế đòi hỏi sức học phải rất lớn mới mong thâm nhập phần nào tri thức của Phật giáo. Người tu sĩ tại Việt Nam cũng phải qua trường lớp đào tạo có thời gian hẳn hoi. Lớp ban đầu là hai năm Sơ cấp. Cao hơn là bốn năm Trung cấp. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp lại có hai hướng đi, nếu học Cao đẳng thì mất ba năm, nếu lên Học viện thì mất bốn năm. Nếu ai có khả năng thì đi du học bên nước ngoài, còn nếu không thì có thể học các lớp Trung cấp và Cao cấp Giảng sư. Như vậy, tính ra một Tăng sĩ trong nước phải mất từ mười đến mười lăm năm mới tạm học xong giáo lý của Phật giáo Việt Nam. Về phần du học, nếu đầy đủ thuận duyên phải mất ít nhất tám đến mười năm để đạt học vị tiến sĩ. Bên cạnh đó còn phải học về sinh ngữ, tin học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế, chính trị… Như vậy, một tiến sĩ về nước tính lại cả quãng đường mình đi qua phải mất từ hai mươi đến ba mươi năm học tập từ văn hoá đến Phật học. Sau khi học xong các trường lớp Phật học trong nước hay du học nước ngoài về, tuổi đời cũng đã trên dưới bốn mươi. Khi đã được đào tạo xong, các vị này phải đảm nhận các vai trò trong giáo hội, tham gia giảng dạy và nhận các đạo tràng để trụ trì. Càng có tài năng thì càng được trọng dụng. Thế là cái học ngày nay mục đích để cầu tài mất rồi. Nào ai nhớ rằng tri thức sau mấy chục năm trời góp nhặt đó chủ yếu là để tu hành chứ nào phải góp phần bồi dưỡng thêm kiến thức cho đạo Phật.

Dĩ nhiên, trong bối cảnh thời đại, ai ai cũng khao khát học hành. Giáo hội cũng rất cần những vị Tăng tài như thế để gánh vác sứ mạng gìn giữ chánh pháp. Thế nhưng, mạng mạch của Phật nào phải chỉ dựa trên kiến thức, cho dù đó là kiến thức về Phật pháp đi nữa. Đức Tổ sư đã dạy: “Đạo Phật không phải là Phật học hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tuỳ duyên giáo hoá cho mỗi căn cơ khác nhau. Còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thực hành. Trái lại, đạo Phật là sự thực hành để thành Phật, sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là giới luật y bát chơn truyền vậy[2]”.

Thế nên, đã học đạt tài thì phải bồi dưỡng đức. Đức ở đây là thực hành theo đời sống mẫu mực Tứ y pháp của Phật và Tổ. Vậy thì trong cuộc đời này ai dám từ bỏ học vị, chức vụ, công tác Phật sự để vào nơi thôn dã núi rừng mà ôm bát đi xin, ngày ăn một bữa, chuyên hành giới luật và thiền định thì kể đã cao thượng lắm vậy. Vì sao? Vì kiến thức của ta đã hơn người, đã cao thượng hơn người ít học mà không giác ngộ lo tu, lại đi ôm chấp học vị, chức phận… thì làm sao xứng với mấy chục năm trời tha phương cầu học. Mục đích cuối cùng là để thành tựu giác ngộ kia mà. Sự giác ngộ có bao giờ đến bằng kiến thức đâu. Sự giác ngộ luôn đến bằng sự hành trì giáo pháp. Thế thì sau khi đã học hết các trường lớp cao nhất trong xã hội thì ta phải biết trở lại lo tu.

Nếu xét thấy chưa thể phát tâm thực hành cao thượng như thế, thì ít ra cũng phải biết tham dự các khoá tu, thường xuyên đảnh lễ cầu pháp hành nơi chư Tôn đức đang thọ trì và giữ đúng phẩm hạnh của Tổ,chứ lý nào lại đứng trên kiến thức mà xem thường các Ngài, lại đi cho Tông môn không có tông chỉ và pháp tu rõ ràng. Ấy thế mới biết, cầu học bên ngoài là sự hướng ngoại lạc lầm và xa rời tông môn Khất sĩ lắm vậy.

Nói tóm lại, người xưa dùng đức độ người là chơn thiện, người này dùng tài mở đạo là phương tiện tuỳ nghi. Các Ngài là gốc rễ để đời sau bám trụ mà vươn dài những cành lá xanh tươi. Chúng ta cần phải bồi dưỡng cả tài lẫn đức mới trở thành người hiền nhân kế thừa Phật pháp. Đã phát tâm cầu học mấy mươi năm thế thì cũng phải phát tâm đem mấy mươi năm đó ra ứng dụng. Hãy thử so sánh nếu đổi lại trong ba mươi năm học tập với ba mươi năm thực hành Tứ y pháp thì việc nào có ý nghĩa hơn chắc ai cũng rõ. Tuy nhiên, tuỳ theo thời đại mà xem xét phần nào nên làm hơn. Nếu ngày nay chỉ chuyên lo tu hành như xưa thì lấy ai đảm đương giữ gìn và mở mang Hệ phái. Nhưng nếu mải miết học hành, lấy phương tiện công việc làm lẽ sống thì sẽ rời xa đạo Pháp. Do đó, tất cả những ai mang danh người con Phật trong thời hiện tại cần cân nhắc sao cho pháp học và pháp hành phải được sánh đôi. Có như thế, chúng ta mới phần nào xứng đáng là người thay Phật tiếp Tổ để làm cho đạo Phật sống mãi trên cuộc đời này vậy.

Chú thích: 

[1]Chơn lý “Tông giáo”.

[2]Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”.

loading...