Hỏi - Đáp
Phật A Di Đà có thật hay không?
Chủ nhật, 06/02/2021 09:06
Xin hỏi, Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc có thật không?
Đức Phật A Di Đà không phải là vị Phật lịch sử ở Ấn Độ như Đức Phật Thích Ca. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc, cách xa chúng ta đến “mười muôn ức cõi”. Theo kinh A Di Đà, chính Đức Phật Thích Ca, với tuệ giác siêu việt của bậc Giác ngộ, thấy nhân duyên lớn của chúng sinh ở Ta-bà với Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc nên đã giới thiệu pháp môn Tịnh độ để người hữu duyên tu tập.
Chúng ta là người phàm, không có tuệ giác lớn để biết về hằng hà sa số thế giới trong vũ trụ cũng như các tịnh độ chư Phật trong mười phương ba đời. Do vậy, vấn đề “Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc có thật không?”, các Phật tử Tịnh tông tin sâu kinh A Di Đà, xác quyết lời Phật Thích Ca dạy vốn không hư vọng, còn lại thì tùy thuộc nhân duyên của mỗi người.
Trong kinh A Di Đà, đức Phật Thích Ca đã đưa ra những điều kiện cần có để được vãng sanh Tây Phương: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là muốn sanh về Tây phương Cực Lạc không thể dùng một chút ít công đức là đủ, mà ta phải gieo trồng phước báu thật nhiều gồm năm tiêu chí:
1. Căn lành lớn
2. Công đức lớn
3. Nhân duyên tốt lớn
4. Quán pháp âm lớn
5. Nhất tâm bất loạn
Căn lành ở đây khác với căn tu. Theo quan điểm dân gian là có căn tu ở kiếp trước nên khi ta vào chùa là thấy thích tu, thích vào chùa tham dự các khóa tu học, đấy là căn duyên. Theo tâm lý học Phật giáo căn lành là ta tự chuyển hóa lòng tham, sân, si để có được ba năng lực: sự rộng lượng, lòng từ bi và tuệ giác. Ba năng lực này chính là nền tảng của tất cả mọi hạnh lành. Ta phải làm rất nhiều; khi làm được điều đó, hành giả chuyển hóa được tâm lý, hành động, thói quen tiêu cực và trở thành một con người từ phàm được nâng lên thành Thánh.
Phải tạo phước báu thật nhiều, nghĩa là làm công tác từ thiện xã hội giúp người già, trẻ mồ côi, người cơ nhỡ, mảnh đời bất hạnh rơi vào cảnh sóng thần, động đất, lũ lụt, mất mùa…Ta phát tâm làm và phải làm thật nhiều, làm suốt cuộc đời giống như ta đang gieo vào ngân hàng công đức những tài khoản có thể rút nó ra bất cứ lúc nào khi có nhu cầu trong việc phát nguyện và hồi hướng. Tạo nhân duyên tốt nhiều có nghĩa là ta phải phát tâm dấn thân nhập thế giúp đỡ cho tha nhân và cộng đồng. Những người lớn tuổi, cũng nên tạo nền tảng âm đức cho con cái nương theo để trở thành Phật tử từ khi còn nhỏ; và tạo điều kiện cho những người chưa biết đạo Phật có cơ hội tiếp xúc và được an vui theo đạo Phật. Nghĩa là mình phải tạo môi trường tốt.
Nhân duyên lớn: Không có nghĩa là ta ngồi chờ, tất cả đều phải là duyên do chính ta tạo ra. Ta phải niệm Phật, nhớ Phật thì mới đủ duyên lành gặp Phật.